Phóng viên thể thao cần phải “4 trong 1”

Thứ năm, 15/03/2018 10:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phóng viên thể thao phải tự rèn luyện mình trở thành người “4 trong 1”: viết bài, quay phim, chụp ảnh và livestream mới có thể đáp ứng được xu thế thông tin” - phóng viên Quyết Thắng (bút danh Song Ngư), Báo điện tử VietNamNet đã khẳng định như vậy khi nói về yêu cầu tác nghiệp của một phóng viên thể thao.

Áp lực của phóng viên thể thao: hoàn thiện hơn kỹ năng làm báo

+ Lĩnh vực gì cũng cần nhanh và thông tin đầy đủ cho bạn đọc song lĩnh vực thể thao yêu cầu này trở nên khắt khe hơn. Phải chăng chính sự khắt khe này đã buộc phóng viên (PV) thể thao phải là người sở hữu tới 4 kỹ năng một lúc như anh nói?

- Đúng là yêu cầu của độc giả là ngay lập tức và toàn diện, nếu PV thể thao chúng tôi chậm hoặc không đủ 4 tiêu chí đó sẽ mang đến những bài ít bạn đọc, hoặc tin bài cũ, chậm. Thực tế, đây là xu hướng đưa tin của PV thể thao trên toàn thế giới, PV thể thao Việt Nam đã cập nhật và đáp ứng khá tốt các tiêu chí này. Những tờ báo lớn đang chạy đua về hình ảnh, video, bên cạnh việc phải đảm bảo tốt về nội dung bài viết. Trước đây, cá nhân tôi chỉ quan tâm tới ảnh và bài viết, nhưng với những yêu cầu ngày càng khắt khe và trên hết là mong muốn truyền tải lượng thông tin nhiều nhất, nóng nhất, chính xác nhất tới độc giả, bắt buộc mình phải hoàn thiện hơn kỹ năng làm báo. Tôi gắn bó hơn 10 năm với những công việc có tính chất lặp lại, và ngày một áp lực bởi những đòi hỏi từ sự cạnh tranh, chất lượng bài vở, chúng tôi buộc phải “4 trong 1” mới tồn tại được.

 

Báo Công luận
 Nhà báo Quyết Thắng

 

+ Để lên hình vừa nhanh, vừa truyền đạt thông tin một cách thu hút, chắc hẳn các anh đã phải “dụng công” nhiều trong việc luyện giọng, luyện “hình”?

- Một PV viết hay chưa chắc đã nói tốt. Viết là thế mạnh nhưng khi nói trước ống kính lại là câu chuyện khác, nhiều PV run lắm, tôi cũng không phải ngoại lệ. Tôi vẫn thường nói vui là nếu mình diễn tốt, thì các bạn PV đài truyền hình sẽ bị… mất nghề. Ở báo VietNamNet tôi cũng phải “lên hình” trong một số chương trình ở trường quay. Ngoài ra, mình còn phải tác nghiệp hiện trường và đôi khi là trả lời PV các đồng nghiệp báo bạn. Tôi tự nhận thấy kỹ năng nói của mình chưa tốt, nên phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ rất tự tin. Tất nhiên, để diễn tốt trước ống kính cũng cần có kinh nghiệm, kiến thức, khả năng tương tác với độc giả nữa.

Làm việc khoa học, tư duy nhanh, có kế hoạch

+ Chuyện PV thể thao, nhất là với các phóng viên “bám” các sự kiện thể thao thời sự, thường là “căng như dây đàn”. Như vậy, sở hữu 4 kỹ năng với một phóng viên thể thao, theo anh, đã là “điều kiện đủ”?

- Thời mới vào nghề thì đúng là căng lắm, nhất là những sự kiện thể thao lớn như ASIAD, SEA Games… Ở những sự kiện ấy, nếu bạn không làm việc một cách khoa học, có kế hoạch, và phải tư duy nhanh, viết nhanh, chụp nhanh… sẽ không thể kịp vì các môn thi đấu, các vấn đề, sự cố diễn ra liên tục trong ngày. Đó là chưa kể các PV thể thao còn mất thời gian di chuyển hay những khó khăn khác như Internet, tắc đường, máy móc trục trặc...

Đến giờ thì tôi cũng đã quen với guồng quay này rồi, luôn sẵn sàng ra trận dù đó là một sự kiện mà mình chưa từng tác nghiệp. Tất nhiên, chúng tôi không bao giờ được chủ quan, luôn chuẩn bị nhiều phương án đề phòng những tình huống xấu nhất.

Hối hả với guồng quay của công việc, nhưng tôi không cho phép mình chậm lại, không nghỉ để thưởng thức các trận đấu hay khung cảnh như một người bình thường, lúc nào cũng nghĩ và chuẩn bị cho mình một câu chuyện, một cách đưa tin khi có thông tin. Tôi đã học cách làm báo như thế, từ các đàn anh đi trước.

 

Báo Công luận
 

 

+ Chính vì có đủ tố chất “4 trong 1” mà quãng thời gian anh tác nghiệp với đội U23 Việt Nam vừa qua dù chỉ có 15 phút ở sân bay Thường Châu trên chuyến bay riêng đón đội tuyển về nước mà anh đã mang đủ thông tin, không khí, đủ cảm xúc của tất cả: Cầu thủ, phóng viên, độc giả…

- Chắc có lẽ chỉ PV thể thao mới hiểu được hết giá trị của những khoảnh khắc ăn mừng, những chia sẻ cảm xúc, những hình ảnh cảm động ở một giải đấu mà bóng đá Việt Nam chưa từng đạt thành tích cao như vậy. Gần nhất ở SEA Games 29 trên đất Malaysia năm 2017, cánh PV chúng tôi đã có thêm một kỷ niệm buồn với bóng đá Việt Nam, sau nhiều năm khắc khoải, chờ đợi đến cháy bỏng. Nói thật là chúng tôi chờ tấm  HCV SEA Games của bóng đá nam còn hơn cả người hâm mộ quê nhà. Vì sao? Chúng tôi mong một sự đền đáp của đội tuyển Việt Nam.

Trong không khí đó, ảnh chụp hay bài viết mô tả hay như thế nào vẫn không đủ cho sự mong chờ của CĐV ở trong nước. Những PV thể thao đã truyền cả cảm xúc của chính mình cho độc giả, qua sự tường thuật trực tiếp… cập nhật thông tin nóng hổi nhất.

+ PV báo điện tử không được trang bị hiện đại và đầy đủ như báo hình, các anh có biện pháp gì để phòng ngừa trục trặc trong khi tác nghiệp ở nước ngoài?

- Là PV thể thao đi theo đội tuyển không biết bao nhiêu giải đấu, nhưng lần đầu tiên được đi chuyên cơ đón đội tuyển, cảm xúc với tôi thật đặc biệt. Tôi cũng rất háo hức, hồi hộp, chờ đợi từng phút từng giây. Và việc tác nghiệp được chuẩn bị chu đáo nhất để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào, chúng tôi lường trước các trục trặc (Cười). Sang Trung Quốc lo nhất là Internet, các đồng nghiệp đã “cảnh báo” tôi về khó khăn này. Rất may là với sự chuẩn bị kỹ, với 4 phương án “phòng thân”, tôi đã có thể trực tiếp tác nghiệp không khí đón U23 Việt Nam từ sân bay Thường Châu. 

Hàng nghìn độc giả báo VietNamNet của tôi đã vô cùng sung sướng khi được thấy hình ảnh những người hùng. Lúc đó họ không còn chơi bóng, không còn ăn mừng hay bật khóc vì hạnh phúc mà là khoảnh khắc mà tất cả các tuyển thủ đều mong được về nhà, mong được gặp bố mẹ, hay đơn giản là ăn bát phở nóng. Rất nhiều những câu chuyện bên lề được tôi khai thác, dù chỉ có khoảng 15 phút ở sân bay chờ check-in. Như câu chuyện về thủ môn Bùi Tiến Dũng muốn được về quê Thanh Hóa để phụ mẹ công việc đồng áng. Dũng bảo anh làm ruộng từ hồi bé, nên thấy rất thương mẹ trong những ngày rét buốt vẫn phải ra đồng. Đó là câu chuyện của Quang Hải. Người hùng của U23 Việt Nam thổ lộ anh thấy thèm bữa cơm mẹ nấu, thèm một giấc ngủ thật sâu. Đó còn là câu chuyện của những cầu thủ dự bị… Tất cả họ đều có chung một cảm xúc, một nỗi niềm: Chưa có nhiều đóng góp cho U23 Việt Nam.

Báo Công luận
 

+ Vậy còn chuyện hậu trường tác nghiệp trên chuyên cơ của anh thì sao, có những chuyện sau đó kể lại, có những chuyện không lên hình, chỉ dành cho cảm xúc của chính mình?

- Đây là một chuyến bay rất nhiều cảm xúc, với cả các cầu thủ và phóng viên Việt Nam. Rồi trước 1 tiếng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, không khí như lắng lại. Tôi hiểu được cảm giác hồi hộp, háo hức của các tuyển thủ. Họ liên tục nhìn ra cửa sổ máy bay, để nhìn thấy đất mẹ, nhìn thấy những người ruột thịt thân yêu. Đó cũng là lúc mà nhiều cầu thủ đã ôm nhau thật chặt, những cái bắt tay mà mắt đỏ hoe. Gần hai tháng, thời gian không phải là nhiều nhưng U23 Việt Nam đã như một gia đình, với những bố Park, bố Lâm, bố Tuấn. Kể cả các bác sĩ, giám đốc kỹ thuật, cán bộ truyền thông… đều coi nhau như người trong nhà. Về nước, rồi tất cả sẽ phải chia tay nhau, chỉ nghĩ đến thế thôi mà các tuyển thủ cảm thấy thật buồn. Nhưng rồi họ lại vui ngay trở lại, khi U23 Việt Nam, đội tuyển Việt Nam sẽ có nhiều đợt tập trung trong năm 2018, chưa kể sắp tới là V-League, tất cả sẽ “đụng” nhau trên sân, là đối thủ của nhau.

Linh Linh (Thực hiện)

 

Tin khác

Phát động Cuộc thi “Em là phát thanh viên - năm 2024”

Phát động Cuộc thi “Em là phát thanh viên - năm 2024”

(CLO) Đây là chương trình do Đài Phát Thanh và Truyền hình Kiên Giang tổ chức, thông qua Cuộc thi, giúp các em học sinh có sân chơi bổ ích trong kỳ nghỉ hè. Đồng thời phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu để các em thực hiện ước mơ trở thành phát thanh viên, người dẫn chương trình; giúp các em thiếu nhi rèn luyện kỹ năng trình bày, tự tin hoạt động phong trào…

Nghề báo
Nâng cao sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước

Nâng cao sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước

(CLO) Sáng ngày 16/4, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tổ chức Lễ ra mắt Chuỗi toạ đàm truyền hình internet và phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”.

Nghề báo
Gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ

Gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ

(CLO) Chiều 15/4, tại Hội trường Quân khu 2, tỉnh Phú Thọ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ.

Nghề báo
Báo Long An: Tập huấn công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Báo Long An: Tập huấn công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

(CLO) Chiều 15/4, Báo Long An tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Cung Phú Quốc làm Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa

Bổ nhiệm nhà báo Cung Phú Quốc làm Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa

(CLO) Chiều 15/4, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa dự Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa.

Nghề báo