Thay đổi không chắc thành công, nhưng không thay đổi thì chắc chắn khó tồn tại

Thứ hai, 14/01/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hòa trong dòng chảy công nghệ 4.0, đài truyền hình kỹ thuật số VTC thời gian vừa qua liên tục đưa ra những cách làm mới, ứng dụng công nghệ mới theo hướng vừa làm “vừa phân tích nhu cầu và thị hiếu công chúng”. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Kim Trung – Giám đốc VTC để trao đổi về câu chuyện này mà theo cách anh nói thì: “thay đổi hay là chết”?

Truyền hình đang đứng trước sự chững lại

+ Có một sự chuyển dịch không thể khác, có những điều thật tâm tư khi mà cuộc cách mạng số đang ảnh hưởng sâu rộng đến cung cách làm báo cũng như tiếp nhận thông tin của công chúng. Chúng ta đã bình tĩnh lại trước cơn sóng số hóa hay vẫn đang nhọc nhằn với nó, thưa anh?

- Thực tế là truyền thông nói chung và báo chí đang trải qua sự thay đổi có tính gốc rễ trên phạm vi toàn cầu. Xã hội hiện nay nói nhiều đến cuộc cách mạng 4.0 nhưng thực ra không lột tả được hết sự thay đổi khốc liệt này. Một thập kỷ vừa qua là quãng thời gian cực kỳ khó khăn của báo in. Những tờ báo in hàng đầu thế giới đều thực sự khủng khoảng và đứng trước lựa chọn: thay đổi hay là chết. Một số tờ có thay đổi, nhưng sự thay đổi không đủ mạnh nên đã kết thúc sứ mệnh và hoạt động của mình. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới có bề dày lịch sử hàng chục, thậm chí cả hàng trăm năm cũng không thoát khỏi cái vòng xoáy đó. Phát thanh và truyền hình không khác gì. Truyền hình ở Việt Nam trải qua hơn 2 thập niên đỉnh cao, có sức phát triển tốt nhất trong các loại hình báo chí ở Việt Nam. Nhưng những năm 2017, 2018 truyền hình cũng đang đứng trước sự chững lại, và bắt đầu đối mặt với sự cạnh tranh không kém khốc liệt. Tất cả là do thói quen sử dụng và tiếp cận thông tin của khán giả, bắt nguồn từ sự thay đổi của công nghệ thông tin, viễn thông và thúc đẩy bởi sự phổ cập của kết nối băng thông rộng.

Báo Công luận
 

+ Nhưng không thể phủ nhận, công nghệ phát triển tạo ra rất nhiều tiện ích cho công chúng.  Khó khăn trong bối cảnh này cũng là điều tất yếu, thưa ông?

- Dĩ nhiên. Sự thay đổi trong thói quen và nhu cầu của khán giả diễn ra rất mạnh mẽ, thời gian xem truyền hình của khán giả trong mấy chục năm chỉ có đi theo chiều tăng cho tới năm 2017, đi ngang và có thể sẽ bắt đầu đi xuống, dù tốc độ đi xuống không quá nhanh. Hiện tại, kết nối ineternet băng thông rộng càng ngày càng tốt, giá rẻ và phổ cập; cùng với đó, thiết bị đầu cuối là máy tính bảng, điện thoại thông minh cũng phát triển, trên đó có thể đọc miễn phí thì tại sao người ta phải mua một tờ báo? Trong khi mua một tờ báo, người đọc bị giới hạn phạm vi thông tin, không có tương tác. Vì vậy, với lợi ích công nghệ số mang lại, thì cùng một nội dung có thể đọc được trên nhiều tờ báo, có thể tương tác, có thể chia sẻ cho nhau, có bình luận bày tỏ quan điểm đúng sai. Tính tiện lợi của các thiết bị thông minh và thiết bị có kết nối băng thông rộng làm cho thói quen tiếp nhận, tiêu thụ thông tin của công chúng đã thay đổi.

+ Nói như vậy thì bản thân cơ quan báo chí dường như đang thay đổi không kịp trước sự vận động của xã hội ư, thưa ông?

- Cũng có thể nói như vậy. Điều đáng nói là, công nghệ thay đổi dẫn đến sự thay đổi tận gốc rễ của hoạt động báo chí. Chẳng hạn thông tin các tòa soạn tác nghiệp theo phương thức truyền thống thì không bao giờ cạnh tranh được với lượng thông tin khổng lồ của cả xã hội được chia sẻ trên nhiều phương tiện truyền thông khác về số lượng và tốc độ. Nếu không có sự thay đổi căn bản, các cơ quan báo chí sẽ khó có thể tồn tại khi phương thức truyền thông truyền thống kém phong phú hơn, chậm hơn các dạng thức truyền thông xã hội. Công nghệ số và kết nối toàn cầu, cho phép mọi người có thể chia sẻ và kết nối với nhau, thì vai trò của báo chí dần sẽ bị giảm đi. Do đó, để tồn tại, một trong các yếu tố quan trọng là báo chí cũng phải trở về với yếu tố căn bản của mình, là tính chính xác và tin cậy của thông tin.

Chúng tôi vẫn vừa làm vừa phân tích nhu cầu và thị hiếu công chúng

+ Công nghệ rồi cũng sẽ lạc hậu, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn phải đi nước cờ của phong trào CMCN 4.0. Chiến lược đổi mới của VTC cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Thực tế hơn phải nhìn thẳng thắn là cơ quan báo chí cần thay đổi như thế nào, đó là câu hỏi mà nhiều cơ quan báo chí vẫn đang tìm câu trả lời. Có đơn vị tìm không ra thì lặng lẽ kết thúc hoạt động. Còn có đơn vị tìm ra hướng đi, nhưng làm thế nào thực hiện được hướng phát triển mới đó thì lại là chuyện khác. Không phải cơ quan nào cũng đầu tư được máy móc, thiết bị, công nghệ như New York Times và Washington Post. Năm 2017, tôi có dự một khóa đào tạo ngắn hạn cùng nhà báo Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc VTV theo chương trình 165 của Trung ương ở châu Âu về chuyển đổi của các cơ quan truyền thông lớn trước xu hướng hội tụ và truyền thông trực tuyến, truyền thông xã hội. Khi trao đổi với các chuyên gia truyền thông châu Âu, chúng tôi không quá ngạc nhiên khi được biết thực tế đến giờ chưa có một câu trả lời xác đáng cho câu hỏi cần phải thay đổi như thế nào. Mọi người  đều biết cái gì đang đến với mình, nhưng phải ứng phó và thay đổi ra sao vẫn còn là vấn đề rất nan giải. Chỉ thống nhất với nhau một điều là: Không thay đổi thì chắc chắn là chết, thay đổi không chắc đã sống nhưng có cơ hội không chết.

Ở VTC, chúng tôi thay đổi nhiều thứ như mô hình tổ chức, mô hình hoạt động, chiến lược sản phẩm. VTC không có thêm kênh sóng nào mới, nhưng hiện tại đầu tư phát triển hệ thống phân phối nội dung đa phương tiện như VTC Now. Ứng dụng đa phương tiện VTC Now cho phép VTC cung cấp, đưa các nội dung truyền hình, phát thanh, bản tin điện tử, âm nhạc, sách nói, tin tức nóng, kết nối truyền thông xã hội… đến với mọi phương tiện mà công chúng có. Có thể xem TV trên TV, trên điện thoại, máy tính bảng, thậm chí cả… tủ lạnh. Kết quả khá khả quan khi lượng người dùng tăng nhanh. Chúng tôi vẫn vừa làm vừa phân tích nhu cầu và thị hiếu công chúng.

+ Vẫn vừa làm vừa phân tích, nghĩa là vẫn phải tiếp tục thay đổi, thưa Giám đốc?

- Đúng vậy! Trong bối cảnh của sự chia sẻ thông tin trong xã hội diễn ra tức thì, kéo theo tình trạng rối loại thông tin, tin tức không chính xác, hiện tượng fake news... yếu tố chính xác và đáng tin cậy, được kiểm chứng của thông tin, thì ở một chừng mực nào đó đang là điều kiện để báo chí tồn tại và phát triển. New York Times hiện đã có hệ thống khai thác big data để phân tích chính xác độc giả đang cần gì, quan tâm gì, hành vi, xu hướng các diễn biến khác ngoài xã hội. Từ đó họ đáp ứng nhu cầu của độc giả. Cái đó tưởng chừng nhỏ nhưng tác động nhiều đến việc cơ quan báo chí có cung cấp đúng nhu cầu của độc giả không, có thể tồn tại hay không. Người làm báo rõ ràng không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các thuật toán, với trí tuệ nhân tạo và học máy. Thế nên những tin nóng của VTC Now được cập nhật không phải chỉ do ý chí của Ban biên tập, mà còn do chính yêu cầu của người dùng, người xem. Chúng tôi được biết có những cơ quan như TTXVN đã có sự đầu tư phân tích dữ liệu người dùng để phục vụ tác nghiệp và sản xuất những sản phẩm báo chí bằng công nghệ dữ liệu.

+ Big Data nói một cách đơn giản là dữ liệu và nhu cầu công chúng, trước khi đầu tư, chắc hẳn chúng ta đã phải nghiên cứu rất kỹ, cả về thị trường lẫn “túi tiền” của mình, thưa ông?

- Tất nhiên khi làm cái gì cũng phải tìm hiểu chi tiết. Công nghệ viễn thông phát triển thì báo chí gặp khó và vất vả, đó là sự thật. Chúng ta vẫn đi sau và còn nhiều khó khăn. Ở các thị trường phát triển như Mỹ, công chúng trả tiền để đọc báo qua các hệ thống phân phối, các ứng dụng. Ở Việt Nam thì đã manh nha xuất hiện xu hướng trả tiền cho nội dung báo chí, nhưng khi nào đạt được đến phổ cập thì còn xa lắm. Thách thức là thói quen của công chúng, chỉ quen với việc miễn phí, thì các cơ quan báo chí lấy tiền để đầu tư ở đâu? Khi mà những cơ quan báo chí như VTC, VTV, báo Tuổi trẻ, báo Thanh Niên… hiện đều phải tự cân đối thu chi? Tôi nghĩ ở chừng mực nhất định, nên coi sản phẩm báo chí là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, nếu có chất lượng (độ chính xác, trung thực của thông tin, đúng định hướng…) thì được bạn đọc và thị trường chấp nhận, và sẽ tồn tại được. Khi đó, chính báo chí sẽ có cả áp lực và động lực để thay đổi và phát triển lành mạnh.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

baogiay

Tin khác

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo