Gian nan không làm chùn bước người làm báo

Thứ năm, 01/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tôi biết nhà báo Tuấn Ngọc – báo Lào Cai nhiều năm nay, thường thích đọc những tác phẩm đầy ắp hơi thở cuộc sống mà anh trăn trở, nhọc nhằn trên từng chặng đường tác nghiệp. Với Tuấn Ngọc, điều mãn nguyện là việc “hiểu, cảm thông và chia sẻ với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số qua các tác phẩm, mang tới bạn đọc cái nhìn cận cảnh về những miền đất xa xôi nhất của một tỉnh vùng cao biên giới”.

Đi tìm  “hành trình xa xôi” nhất tỉnh vùng cao

Mỗi phóng viên ở khu vực miền núi, hẳn đều có những kỷ niệm sâu sắc với vùng cao. Với nhà báo Tuấn Ngọc, những kỷ niệm sâu sắc và xúc động khi đến với những thôn, bản xa xôi, heo hút nhất tỉnh để tận mắt thấy những khó khăn, vất vả và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân ở đó là những kỷ niệm không thể nào quên trên chặng đường gian nan của nghề báo.

Chia sẻ về điều ấy anh kể lại: Năm 2016, khi hình thành ý tưởng viết về những thôn, bản xa xôi, khó khăn nhất tỉnh, tôi và nhà báo Thanh Nam đã không khỏi băn khoăn, trăn trở: Lào Cai có hàng nghìn thôn, bản, vậy những thôn xa xôi, heo hút nhất là ở đâu? Hiện giờ cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đó còn những khó khăn gì cần được các cấp, các ngành quan tâm? Làm thế nào để vượt qua được những khó khăn để đến được những thôn, bản đó? Phải mất nhiều thời gian tìm hiểu ở các đơn vị liên quan, chúng tôi mới tìm ra tên của 4 thôn xa xôi nhất tỉnh, trong đó hầu hết chưa bao giờ xuất hiện trên mặt báo là thôn Phìn Chư 3 (xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai), thôn Ma Sín Chải (xã Bản Cái, huyện Bắc Hà), thôn Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn), thôn Nậm Lang B (xã Suối Thầu, huyện Si Ma Cai).

Báo Công luận
 Nhà báo Tuấn Ngọc trong một chuyến tác nghiệp tại vùng cao.
Mặc dù đã hình dung ra được trước những gian nan khi lặn lội đến những vùng đất còn ít người biết tới như thế, nhưng đến tận bây giờ, nhà báo Tuấn Ngọc cũng không thể tưởng tượng hết được chặng đường đến những nơi ấy lại gian nan đến vậy. Anh tâm sự: “Đường vào thôn Ma Sín Chải, thôn Mà Sa Phìn cứ ngược dốc dựng đứng mà đi, mặt đường rãnh sâu ngập nửa bánh xe, có đoạn toàn đá hộc, ngồi không vững là bị hất tung khỏi yên xe. Còn đường đến thôn Phìn Chư 3, thôn Nậm Lang B cũng là đường đất đá, nhưng lại “cắm” xuống dốc hun hút hàng vài km liên tục, có đoạn chênh vênh bên mép vực, chỉ cần sơ suất một chút là nguy hiểm tới tính mạng. Hai người phải thay nhau làm tài xế cho đỡ mỏi. Còn nhớ khi chúng tôi ngược dốc lên được thôn Ma Sín Chải cũng là giữa trưa hè nắng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, bụng sôi lên ùng ục vì đói. Ở nơi heo hút, nhà dân thưa thớt, không có một quán bán hàng, vậy là hai anh em vừa tranh thủ phỏng vấn trưởng thôn để lấy thông tin, vừa ăn mấy quả mận xanh chua loét chấm muối ớt cho đỡ đói”.

Dù khó khăn là vậy nhưng “đi khổ, viết dễ” thực đúng trong trường hợp này. Chính ở các thôn, bản xa nhất ấy đã giúp nhà báo Tuấn Ngọc và đồng nghiệp thực hiện được loạt bài 4 kỳ ý nghĩa “Về nơi vắng dấu chân qua”. Từ đó, giúp người đọc hình dung được ở nơi đây đã có những vùng đất mà hầu hết đều “3 không” (không đường ô tô, không điện, không sóng điện thoại) với những hình ảnh không thể nào quên. Để biết một Phìn Chư 3 tuy là thôn xa nhất huyện Si Ma Cai, nhưng cuộc sống người dân ấm no nhất xã Nàn Sín vì giáp sông Chảy, đất đai màu mỡ; một Nậm Lang B, đường đi gian nan, nhưng ấn tượng hơn cả là có những ngôi nhà gỗ to đẹp của đồng bào Dao đỏ. Hay đặc biệt là một Mà Sa Phìn, ám ảnh nhất là những ngôi nhà xác xơ vì nghèo đói, những đứa trẻ mồ côi, sự đối lập cùng kiệt giữa giàu và nghèo, cái thiện và cái ác, ước mơ đổi đời và sự tha hóa. Và cả một Ma Sín Chải, địa hình chia cắt, nhà dân ở xa nhau, cuộc sống còn bộn bề gian khó vì còn tới gần 100% hộ nghèo.

“Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe giúp chúng tôi hiểu, cảm thông và chia sẻ với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số qua các tác phẩm, mang tới bạn đọc cái nhìn cận cảnh về những miền đất xa xôi nhất của một tỉnh vùng cao biên giới” – nhà báo Tuấn Ngọc nhấn mạnh.

Thấu hiểu hơn sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo

Nhà báo Tuấn Ngọc chia sẻ về Sa Pa không phải là về một khu du lịch nổi tiếng trong nước và trên thế giới, nơi được mệnh danh là “thành phố trong sương”, chốn ăn chơi, nghỉ dưỡng của du khách và những người nhiều tiền. Anh đặc biệt nhắc đến câu chuyện của “thiên đường” du lịch ấy qua lăng kính của một nhà báo mà bước chân dường như không biết mỏi. Cứ có cảm giác, phản xạ tự nhiên của nhà báo Tuấn Ngọc là tìm kiếm những nơi khó khăn nhất, xa xôi nhất chứ không dừng lại ở chốn đông người. Những nơi mà các nhà báo khác đã khai thác, đã có nhiều người viết thường không hấp dẫn với anh. Vậy nên, anh tiếp tục cuộc hành trình của mình đến những thôn, bản xa xôi, cách trở, nơi gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Hai điểm trường khó khăn nhất Sa Pa mà anh đã đặt chân tới khi đi làm báo là ở thôn Kim Ngan, xã Bản Khoang và thôn Dèn Thàng, xã Tả Van.

Báo Công luận
 Nhà báo Tuấn Ngọc (bên phải) trò chuyện với nhân vật.
Anh kể lại: Khi cùng thầy giáo Trần Trung Sơn, chuyên viên Phòng Giáo dục – Đào tạo Sa Pa xuất phát vào trường Tiểu học Bản Khoang, trời vẫn quang đãng và hửng nắng, vậy mà lên đến trường học thì sương mù dày đặc và trời đổ mưa, rét như kim châm vào da thịt. Cơn mưa không tạnh mà kéo dài suốt đêm hôm ấy. Nhìn trời mưa, sương mịt mùng, tôi lo lắng không biết có thể vào được điểm trường xa nhất không vì nghe các thầy cô giáo nói đường trơn, phải vượt qua 5 con suối, nhiều đoạn sạt lở vô cùng nguy hiểm. Sáng sớm hôm sau, mặc dù trời vẫn mưa không ngớt, nhưng thầy Sơn cùng các thầy cô giáo ở trường vẫn quyết định đưa tôi vào Kim Ngan, Sà Chải.

Gian nan không làm chùn bước người làm báo, nhà báo Tuấn Ngọc vẫn tiếp tục chặng đường tác nghiệp vào Kim Ngan đầy ám ảnh, nhiều chỗ bị mưa lũ làm cho sạt lở nghiêm trọng, có đoạn mặt đường chỉ bằng hai gang tay chênh vênh bên bờ vực. Khi đến được điểm trường, ai nấy đều bê bết bùn đất. Nhưng mọi nỗi nhọc nhằn dường như được xua tan bởi: “Nhìn điểm trường nằm trên sườn núi, một góc bị giông lốc làm sập xuống, nhưng tiếng trẻ học bài vẫn vang lên đều đều, thấy tim mình như thắt lại” – nhà báo Tuấn Ngọc kể. Anh còn kể thêm rằng, xúc động hơn cả là bữa cơm trưa ấm áp ở nhà cụ Chảo Duần Vạn, người được thầy cô gọi thân mật là bố Vạn và xưng là con, tình cảm cũng gần gũi, thân mật như trong một gia đình. Lúc đoàn về, bố Vạn lục tục vào bếp, rồi chạy ra dúi vào ba lô của thầy Sơn một con gà sấy trên gác bếp và một chai mật ong để làm quà. Sau chuyến đi này, nhà báo Tuấn Ngọc đã có bài viết “Gieo chữ ở xứ sương mù” đăng trên báo Lào Cai đúng dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, như một lời tri ân đến các thầy cô giáo vùng cao.

Cũng là chuyến đi đến điểm trường vùng cao Sa Pa, nhưng lần đi vào thôn Dền Thàng, thôn xa nhất xã Tả Van, nằm trong vùng lõi Vườn quốc Gia Hoàng Liên thật đáng nhớ đối với anh. Đây là chuyến tác nghiệp mà nhà báo Tuấn Ngọc không hề tính toán trước. Bởi anh chỉ dự định viết một bài nhỏ quảng bá về du lịch xã Tả Van, nhưng khi nghe các thầy, cô giáo ở đây kể chuyện về cuộc sống khó khăn ở điểm trường xa nhất, “máu nghề nghiệp” nổi lên, anh đã quyết định phải vào Dền Thàng. Vượt qua chặng đường “đá nhảy” gian nan, ăn bữa cơm cùng mấy thầy cô giáo trẻ ở điểm trường Séo Mý Tỷ, nhà báo Tuấn Ngọc tiếp tục hành trình.

“Tối đó tôi ngủ ở điểm trường Dền Thàng, được nghe các thầy, cô giáo trẻ kể những câu chuyện xúc động về dạy học giữa mùa mưa lũ. Ở Dền Thàng, điện nước yếu không xem được ti vi, tôi cũng không thể gọi điện về cho vợ và con gái ở nhà vì không có sóng điện thoại, nhưng điều đó giúp tôi thấu hiểu hơn sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo nơi đây, giúp tôi có thêm cảm xúc viết tác phẩm “Tiếng hát bên đỉnh Mua Cay Hồ” đăng trên báo Lào Cai cuối tuần” – nhà báo Tuấn Ngọc tâm sự. Sau hai chuyến đi đáng nhớ này, gần một năm sau, nhà báo Tuấn Ngọc có dịp gặp lại một số thầy, cô giáo ở hai điểm trường vùng cao. Điều làm anh vui hơn cả là các thầy cô giáo chia sẻ qua những bài viết trên báo Lào Cai, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã biết tới và ủng hộ, chia sẻ về vật chất và tinh thần, giúp thầy trò nhà trường bớt đi khó khăn, vất vả.

Những chuyến hành trình đến với vùng cao tuy vất vả, nhưng vượt qua những thử thách ấy, tác phẩm được bạn đọc quan tâm, đã giúp nhà báo Tuấn Ngọc thêm vững vàng, “chân cứng đá mềm” trên hành trình nghề nghiệp.  Những tác phẩm viết lên bằng trái tim người cầm bút tận tụy, sẵn sàng đến mọi nơi khó khăn, xa xôi nhất để tác nghiệp thực sự đáng quý, đáng trân trọng trong bối cảnh nghề nghiệp hiện thời ở “tâm bão” của công nghệ số.

Hà Vân

Tin khác

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

(CLO) Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Báo Hải Phòng tổ chức khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử (tại tên miền baohaiphong.vn). Dự khai trương có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nghề báo
Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo