Một cây bút chuyên "lội ngược dòng"

Thứ tư, 10/10/2018 07:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhạy bén, năng động và sắc sảo mỗi khi đối diện với những vụ điều tra vô cùng hóc búa, đó là những nét tính cách của nhà báo Trần Mỹ (Báo Người Cao Tuổi). Ký ức của bạn bè, đồng nghiệp đến nay còn chưa quên những bài điều tra công phu, lao tâm khổ tứ của anh; luôn tìm đến tận cùng sự thật, trả lại lẽ phải cho những dân oan vô tội .

Báo Công luận
 Nhà báo Trần Mỹ

Năm 1997, ông Nguyễn Tăng Thắng và một số người ở Tánh Linh có đơn tố cáo nạn phá rừng ở đây nhưng một năm trôi qua không có cơ quan thẩm quyền nào xem xét. Tháng 3 năm 1997, Trần Mỹ đang định cư ở Phan Rang, đọc được đơn ông Thắng nên nhà báo Trần Mỹ lặn lội trên 300 km vào tận Tà Pao, tìm gặp ông Thắng để tiếp cận nguồn tin.  

Ông và Nguyễn Tăng Thắng đã cùng nhau đi theo dấu vết của lâm tặc chụp ảnh từng gốc cây bị đốn hạ, gặp gỡ các nhân chứng để thu thập thông tin. Sau khi có đầy đủ chứng cứ, nhà báo Trần Mỹ đã viết bài điều tra Bình Thuận: Một vụ phá rừng vô địch quốc gia đăng trên Báo Lao Động ra ngày 1/4/1997. Bài báo gây xôn xao dư luận cả nước và tỉnh Bình Thuận. 

Ngay sau đó, nhà báo Trần Mỹ cùng phối hợp với các nhà báo của Báo Tiền Phong, Báo Bình Thuận, Đài truyền hình Bình Thuận, mang theo võng, lương khô, lội rừng ròng rã cả tuần, tìm ra hàng trăm bãi gỗ của lâm tặc có khối lượng hàng ngàn m3. Trần Mỹ còn dẫn 5 người dân là nhân chứng trong vụ phá rừng nói trên ra đến văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nông Lâm (cũ) và các cơ quan có thẩm quyền để  tố cáo. Vụ án được khởi tố, 36 quan chức từ Giám đốc sở Nông lâm, Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh, hạt trưởng, hạt phó kiểm lâm huyện, Phó chủ tịch Thường trực huyện Tánh Linh, ban giám đốc và kế toán trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Trị An… đều bị vào tù. Đặc biệt Đinh Mạnh Hồ, trùm buôn bán gỗ lậu phải nhận mức án 20 năm tù. Bí thư Tỉnh ủy bị kỉ luật, cho nghỉ hưu; ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch UBND tỉnh mất chức; toàn bộ Ban thường vụ Huyện ủy Tánh Linh bị kỉ luật…

Đây là vụ án phá rừng với quy mô chưa từng có chưa từng có trong lịch sử, kéo dài từ 1993 đến 1997 tại tỉnh Bình Thuận. Theo giám định sau đó thì có tới 53.000 m2 gỗ bị đưa ra khỏi rừng, nhưng  thông tin mà nhà báo Trần Mỹ có được thì con số đó còn chênh lệch khá nhiều so với thực tế.

Có một chi tiết vô cùng thú vị trong vụ phá rừng nói trên là cuộc hội ngộ hết sức tình cờ vào giữa tháng 7/2012 tại Bình Thuận giữa nhà báo Trần Mỹ, nhà báo Kim Quốc Hoa - Tổng biên tập Báo Người Cao Tuổi, các cộng tác viên và bạn đọc của báo này với một quan chức của tỉnh Bình Thuận, người bị mất chức sau loạt bài điều tra của nhà báo Trần Mỹ. Đó là ông Đặng Văn Hải, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ông Hải nói: “Khi tôi làm chủ tịch tỉnh, không nhà báo nào dám đụng tôi. Trần Mỹ lúc đó là một nhà báo tự do mà dám “đánh” tôi mất chức. Sau này, khi tôi chơi thân với Trần Mỹ, không ít người lấy làm lạ hỏi tôi sao lại kết bạn với kẻ thù. Tôi nói mình mất chức thật nhưng Trần Mỹ đã đánh trúng. Tôi phải cảm ơn nhà báo. Nếu không bị mất chức trong vụ này thì rất có thể sau đó tôi sẽ tiếp tục sa lầy và chưa biết hậu quả sẽ đi đến đâu”.

Nặng tình với Bình Thuận, mảnh đất nơi đây dường như có duyên nợ từ lâu với anh. Ở đó, nhà báo Trần Mỹ được định danh và thành danh như là một cây bút đấu tranh chống tiêu cực có tên tuổi trong làng báo. Năm 1999, anh chuyển vào sinh sống ở Bình Thuận và tiếp tục có những bài viết nóng bỏng về các vụ tiêu cực xảy ra trên địa phương này. Năm 1999, tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, ngay địa bàn Trần Mỹ cư ngụ xảy ra một vụ án mạng. Có tới 10 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm gồm mẹ, con gái, con trai, con rể, cháu ngoại… bị khởi tố; trong đó có 10 người bị bắt giam vì bị tình nghi là thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ.  Cụ thể: Năm 1998, ông Huỳnh Văn Nén, con rể bà Nguyễn Thị Lâm bị bắt bởi hành vi giết bà Lê Thị Bông. Nén đã khai có bà Lâm và một số người nhà của bà này cùng tham gia giết bà Dương Thị Mỹ vào năm 1993. Theo kết luận điều tra của công anh tỉnh Bình Thuận: “Ngày 18/5/1993, bà Nguyễn Thị Nhung, vợ ông Trần Văn Sáng (lúc đó là phó công an xã Tân Minh) trong khi giặt quần áo cho ông Sáng thì phát hiện được lá thư trong túi quần chồng có nội dung "Mỹ muốn gặp anh Sáng vào 1 giờ khuya đêm nay trong vườn điều anh Hai Hoàng”. Bà Nhung đã huy động hai em gái, hai em trai, hai con trai dưới 14 và 16 tuổi và em rể là Huỳnh Văn Nén, nửa đêm 18/5 vào vườn điều mai phục. Khi ông Sáng và bà Mỹ đến, đoàn người xông lên tấn công bằng gậy, dao làm bà Mỹ chết tại chỗ…”

Ông Nguyễn Thận, chủ tịch xã Tân Minh lúc đó vô cùng bức xúc cho rằng ông Nén hoàn toàn bị oan. Ông đã tìm gặp nhà báo Trần Mỹ và đề nghị vào cuộc làm rõ toàn bộ sự thật. Nhà báo Trần Mỹ nghiên cứu kết luận điều tra, cáo trạng vụ án và phát hiện nhiều “điểm mờ” không bình thường trong lộ trình tố tụng của cơ quan pháp luật  tỉnh Bình Thuận. Năm 2000, nhà báo Trần Mỹ viết  loạt bài điều tra gửi đăng trên Báo Văn Nghệ Trẻ lật ngược lại quan điểm của cơ quan điều tra. Cùng lúc, ông viết đơn kêu cứu cho gia đình bà Nguyễn Thị Lâm gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan chức năng trung ương. Ông khẳng định nhân chứng, vật chứng và hiện trường vụ án hoàn toàn tạo dựng để buộc tội. Mãi đến ngày 24/2/2001 bà Nguyễn Thị Nhung bị mất do lâm trọng bệnh thì 10 ngày sau tòa án mới đưa vụ án ra xét xử. Có 3 người được miễn tố là bà Nguyễn Cẩm Nhung, vợ Huỳnh Văn Nén và hai người con của vợ chồng này. Ông Trần Văn Sáng bị kết án 3 năm tù vì tội không tố giác tội phạm; còn lại những bị cáo liên quan bị hình phạt từ 6 đến 10 năm tù. Ngay sau phiên tòa xử ép trái pháp luật này, nhà báo Trần Mỹ đã viết 4 kỳ báo Phiên tòa sơ thẩm là một thảm kịch trên Báo Văn Nghệ Trẻ. Bài báo chứng minh lời khai của nhân chứng là bịa đặt, điều tra viên mớm cung, dụ cung, dàn dựng thông cung theo một kịch bản vạch sẵn. Trong vụ này có thêm nhiều tờ báo vào cuộc, “chia lửa” cùng Trần Mỹ như Báo Đại Đoàn Kết, Tiền Phong, Lao Động, Thanh Niên, Pháp Luật TP HCM… Ngày 14/6/2001, Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM (TANDTC) xét xử phúc thẩm vụ án. Bị can Huỳnh Văn Nén đã phản cung, khẳng định điều tra viên buộc anh phải khai sai sự thật. Thực tế, lúc bà Mỹ bị giết, ông Nén không hề có mặt ở địa phương mà đang đi làm thuê ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Tình tiết này đã buộc phiên tòa phải tạm hoãn.

Tết năm 2002, Trần Mỹ viết thư gửi ông Ngô Đình Trấn, thẩm phán Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM xác tín: “Gia đình bà Nguyễn Thị Lâm không liên quan đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ. Bà Mỹ bị giết ở một nơi khác; vườn điều là hiện trường giả. Sự thật không thể chối cãi nhưng phiên tòa phúc thẩm sắp tới phụ thuộc vào lòng dũng cảm của hội đồng xét xử mà cụ thể là ông…”.  Vụ án kéo dài 7 năm, qua 3 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm. Đến tháng 4/2005, tòa phúc thẩm TANDTC đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an trực tiếp điều tra lại vụ án. Sau 9 tháng điều tra, cơ quan điều tra kết luận: “Không có căn cứ gia đình bà Nguyễn Thị Lâm gây ra cái chết cho bà Dương Thị Mỹ”. Ngày 20/1/2006, lãnh đạo công an, tòa án và viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận tổ chức công khai xin lỗi gia đình bà Nguyễn Thị Lâm.

Nguyên chủ tịch xã Tân Minh, ông Nguyễn Thận chia sẻ: “Kết luận điều tra và cáo trạng vụ án vườn điều, dưới con mắt của người khác thì đó là điều hiển nhiên. Nhưng với nhà báo Trần Mỹ thì đó là một sự bịa đặt trắng trợn. Bằng lương tâm, trách nhiệm và chữ tâm của người làm báo, anh đã đi ngược dòng để tìm đến tận cùng lẽ phải”.           

Báo Công luận
 Ông Đặng Văn Hải-nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuậnnhà báo Trần Mỹ, nhà báo Kim Quốc Hoa-Tổng biên tập Báo Người Cao Tuổi  và cựu chiến binh Nguyễn Trung Hoa trong một cuộc gặp gỡ tại tỉnh Bình Thuận tháng 7/2012.
        

Trần Mỹ có sở trường về thể loại bút ký, phóng sự. Nhiều bài viết của anh đã chạm tới những vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng của cuộc sống và từng số phận như các bài bút ký: Vương quốc muối, Đất lạ hóa quê hương, Biển một bên và… bông một bên, Kêu trời sau chân sóng, Nho Thuận Hải nữ hoàng bất hạnh, Biển xa mời gọi, Thách thức giữa đại ngàn… Anh bảo, do cuộc sống “đặt hàng” những bài điều tra về án dân sự, tranh chấp đất, thu hồi, bồi thường trái luật, cho nên sau này anh chuyên tâm hướng ngòi bút của mình đi sâu vào lĩnh vực gai góc này. Khó mà kể hết nhiều vụ án dân sự phúc thẩm được anh phân tích, mổ xẻ và được Tòa án nhân dân tối cao tuyên hủy. Cho đến những dự án có “vấn đề”, bị lên án sau đó phải sửa sai hoặc hủy bỏ…

Ngòi bút của anh không chỉ gây sóng gió ở các tỉnh Nam bộ mà gần đây còn lan ra tận Hà Tĩnh như: Dự án khu đô thị Hàm Nghi Hà Tĩnh: làm giàu trên lưng nông dân, Cải tạo Quốc lộ 15 A: định giá đất thấp ai được lợi, UBND huyện Kỳ Anh: đập phá hàng loạt nhà dân cơ sở pháp lí ở đâu?, Chính quyền thị trấn Kỳ Anh lấy đất dân để bán; Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang: Tái định cư giữa rừng chuyện thật như bịa... Đã hai lần lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mời Báo Người Cao Tuổi đối thoại vì những bài viết của Trần Mỹ. Lần thứ nhất, ngày 18/3/2011, do Tổng biên tập Kim Quốc Hoa dẫn đầu, có nhà báo Thanh Cao, Mạc Hồng Kỳ và Trần Mỹ tham gia. Lần thứ hai, ngày 2/10/2012, Tổng biên tập giao Trần Mỹ, Mạc Hồng Kỳ và Lê Xuân Thủy. Cả hai lần Báo Người Cao Tuổi đều chứng minh những bài viết của Trần Mỹ là có căn cứ. Kết quả, địa phương đã tiếp thu và xử lý các vấn đề báo nêu một cách thỏa đáng trên tinh thần cởi mở và cầu thị.

Khi công an tỉnh Bình Thuận định bắt giam Trần Mỹ trong khi anh viết bài báo Nước mắt người mở đất, nhà báo Lê Bá Mười (Báo Nhân Dân nghỉ hưu tại Bình Dương) điện thoại về hỏi chủ tịch tỉnh có hay không chuyện này? Vì là chỗ rất thân tình nên ông chủ tịch thừa nhận là có. Nhà báo Lê Bá Mười thằng thắn nói: “Với Trần Mỹ thì nên tổ chức học tập gương dũng cảm mới đúng, cơm nhà áo vợ mà dám nói thẳng nói thật, làm được những việc mà người khác không dám làm”.

Nhà báo Thái Quang Trung (nguyên Phó tổng biên tập Báo Ninh Thuận) nhận xét: “Bài viết nào của Trần Mỹ cũng thể hiện hết tâm huyết của người cầm bút. Từng câu chữ được anh cân nhắc kĩ, nạn nhân thì cảm thấy được sẻ chia, đồng cảm. Có người nói Trần Mỹ làm lợi cho nhà nước và nhân dân giá trị về kinh tế là hết sức lớn thì cũng không sai nhưng tôi nghĩ, qua các bài viết, công rất lớn nhất của Trần Mỹ là tuyên truyền, phổ biến các chính sách về pháp luật, nhất là Luật Đất đai cho nhân dân”.  

Giờ đây tuổi đã cao, nhưng sự xông xáo, năng nổ của Trần Mỹ vẫn không hề vơi cạn. Cơ duyên đã cho anh về tòng quân tại Báo Người Cao Tuổi. Ở tờ báo này, anh có thêm đất dụng võ. Nhà báo Trần Mỹ lại tiếp tục dấn thân vào “tâm bão” của đời sống; tìm đến những phận đời đang chịu nhiều bất công, tiếp tục cùng họ bước về phía ánh sáng bằng tâm huyết và ngòi bút mạnh mẽ của mình.               

Bảo Trung

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo