Nhà báo Dân Huyền - Lửa nghề cháy mãi!

Thứ năm, 25/10/2018 07:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Gọi Dân Huyền là “nhà” gì cũng thiếu bởi ông không chỉ viết báo, làm thơ, sáng tác nhạc mà còn được biết đến với vai trò người thầy khởi xướng, bồi dưỡng và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đàn và Hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam suốt 21 năm qua. Ở bất cứ lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Ba bài báo được Bác Hồ khen

Nhạc sĩ, nhà báo Dân Huyền là một trong những người làm báo cao tuổi mà tôi thân thiết và quý mến. Tôi may mắn gặp ông trong buổi Lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng báo chí Việt Nam vào chiều 18/3/2017. Khi ấy lần đầu tiên gặp ông, tôi đã thực sự ấn tượng về một cụ già gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn, tươi cười và hòa nhã. Do thời gian không có nhiều nên tôi định xin số điện thoại của ông để trò chuyện sau nhưng lại bất ngờ khi ông “chìa” ra Card visit được in trang trọng và khẽ rỉ vào tai tôi: “Facebook của cậu là gì?”. Thế là từ đó tôi thường xuyên trao đổi với ông qua mạng xã hội. Cũng từ ấy những bản thảo bài viết của tôi về văn nghệ, tôi thường gửi qua email nhờ ông đọc giúp và chỉ vài phút là nhận được phản hồi ngay. Tôi luôn coi những lời nhận xét của ông là những bài học quý báu trong nghề.

Quay lại với lần hiến tặng ấy, ông mang đến ba bài báo viết về bốn tấm gương “người tốt việc tốt” đăng trên báo Thủ đô Hà Nội (nay là báo Hà Nội mới) đầu năm 1966 đã được Bác Hồ đọc và tặng thưởng Huy hiệu của Người cho các nhân vật trong những bài báo ấy mà ông là tác giả cũng được tiếng thơm lây. Như ông kể thì vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhà máy ô tô 1/5 là một đơn vị nổi tiếng về “Giải phóng xe nhanh vì miền Nam ruột thịt”. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về phong trào học bổ túc văn hóa của ngành giáo dục Thủ đô, một đơn vị “Chăm làm ham học” của Cục Cơ khí, Bộ Giao thông Vận tải. Đặc biệt, đơn vị đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào ngày 19/12/1963.


Báo Công luận
Nhạc sĩ Dân Huyền hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Ảnh: VOV) 
Khi ấy Dân Huyền đang là cán bộ tuyên huấn của nhà máy nhưng rất hay viết bài cộng tác cho các báo. Sau Tết năm 1966, Ban Biên tập báo Thủ đô Hà Nội có nhờ ông viết bài chung về thành tích “Chăm làm ham học” và các điển hình trong phong trào Bổ túc văn hóa tại nhà máy. Ông đã đến các phân xưởng tìm được hai tấm gương đã kết hợp được công việc sản xuất, học tập, đó là bác Võ Chiến Thắng (45 tuổi, thợ nhiệt luyện) và chị Trần Thị Bé (24 tuổi, thợ tiện) để viết. Muốn cho trang báo phong phú, độc đáo, ông đã quyết định viết thành truyện tranh minh họa bằng thơ lục bát về tấm gương chị Trần Thị Bé. Còn bài “Bác Thắng học giỏi”, do yêu cầu của tòa soạn nên ông đã đổi bút danh thành Nguyên Đào - tên vợ ông. Như đúng hẹn báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 23/4/1966 đã dành cả trang 4 viết về nhà máy và các tấm gương điển hình người thợ. Trước đó, trên số báo Thủ đô Hà Nội ra ngày 15/2/1966, ông cũng có viết bài “Đôi vợ chồng tận tụy” nói về ông Trần Thiện Liêm (phòng Kỹ thuật) và bà Nguyễn Thị Quỳ (phòng Hành chính) đã hết lòng vì công việc chung, không quản khó khăn vất vả và giành được danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của nhà máy.

Báo ra tất cả đều vui mừng nhưng thật không ngờ, ngày 15/5/1966, ông nhận được tin từ Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Hà Nội báo tin dưới sự ủy thác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn phòng Phủ Chủ tịch (nay là Văn phòng Chủ tịch nước) đã ký tặng Huy hiệu của Người cho bốn nhân vật: Võ Chiến Thắng, Trần Thị Bé, Trần Thiện Liêm, Nguyễn Thị Quỳ được phản ánh trong ba bài báo của ông. Đó thực là một điều vô cùng vinh dự với không chỉ cá nhân nhà báo Dân Huyền mà còn ghi dấu vào lịch sử vẻ vang của báo Thủ đô Hà Nội khi được người lãnh đạo cao nhất đất nước đọc, quan tâm và kịp thời có những phần thưởng xứng đáng cho các nhân vật.

Gìn giữ và phát triển dân ca

Ba bài báo có tiếng vang ấy dường như đã trở thành động lực nuôi dưỡng đam mê cho nhà báo Dân Huyền. Thế nên, cùng với năng khiếu sáng tác và đàn hát dân ca được rèn giũa từ thời kỳ làm việc tại Đoàn Văn công Liên khu 4 dưới sự dìu dắt của Trưởng đoàn Đào Mộng Long (sau là NSND rất nổi tiếng), đó là cơ hội vàng cho ông được chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam - một môi trường nghiên cứu, sáng tác, làm báo chuyên nghiệp. Sau nhiều năm phấn đấu, ông đã giữ đến chức Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền trước khi về hưu. Tại đây, song song với công việc viết báo giới thiệu các tác giả, tác phẩm, các nghệ sĩ về văn học nghệ thuật; nghiên cứu, sưu tầm, soạn lời mới cho dân ca, ông còn sáng tác ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca tiêu biểu như: “Lắng tiếng quê hương” - ca khúc đầu tiên viết về Đài Tiếng nói Việt Nam, “Bên lăng Bác Hồ” - ca khúc đầu tiên viết về lăng Bác, “Anh sẽ đưa em bay vào vũ trụ” - ca khúc đầu tiên viết về chuyến bay của Phạm Tuân và Gorbatko bay vào vũ trụ năm 1980…

Báo Công luận
 Nhạc sĩ Dân Huyền trong Lễ kỷ niệm 20 năm CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: NVCC)
Với trách nhiệm của người con xứ Nghệ, nhạc sĩ Dân Huyền đã có công lớn trong việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh về phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và với sức lan tỏa mạnh mẽ, dân ca ví giặm của Nghệ Tĩnh gần đây đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, ông còn làm thơ rất hay cho nên các bài soạn lời mới của ông đều giàu chất thơ, đặc biệt là rất vần.

Nay, đã nghỉ hưu gần 20 năm nhưng vẫn thấy ông bận rộn với những “đơn đặt hàng” viết báo của các tòa soạn, những buổi dạy và tổ chức cán bộ giảng dạy cho các học viên của CLB Đàn và Hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đã từng đến thăm CLB của ông và thấy không khí ở đây thật vui tươi, sôi nổi, thầy trò thì gần gũi, tình cảm biết bao. Được biết đây là CLB do ông sáng lập từ ngày 5/7/1997 với mong muốn giữ gìn, bảo tồn, phát huy dân ca trong đời sống mới. Đi qua hơn hai thập niên, CLB đã tập hát và biểu diễn hơn 300 bài hát dân ca thuộc nhiều thể loại như: Chèo Bắc bộ, Cải lương Nam bộ, Dân ca Huế, Chèo Văn... Cho đến nay, CLB đã có khoảng gần 100 học viên sinh hoạt thường xuyên. Họ dạy hát vào 4 buổi sáng chủ nhật trong tháng và mỗi quý luôn dành một buổi để “Hát cho nhau nghe” tại Hội trường tầng 2, khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Nhiều học viên không chỉ tự khẳng định mình về khả năng văn nghệ mà còn trở thành những “hạt nhân” trong hoạt động văn nghệ ở cơ sở. Qua đây, Phòng Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát hiện thêm nhân tố mới thường xuyên sáng tác và cộng tác cho Đài. Cũng không ít học viên sau trở thành sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng có chuyên ngành âm nhạc trên địa bàn Thủ đô.

Báo Công luận
 Toàn bộ trang 4 báo Thủ Đô Hà Nội số ra ngày 23/4/1966 (Ảnh: NVCC)
Dù đã bước vào tuổi 80 nhưng nhạc sĩ, nhà báo, nhà thơ Dân Huyền vẫn được trời phú cho sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để ngày ngày âm thầm nghiên cứu, gìn giữ và phát triển dân ca. Chính những nỗ lực không biết mệt mỏi của những người như ông mà dân ca vẫn đang có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của người dân hôm nay. Và dù ở cái tuổi xưa nay hiếm rồi nhưng nhà báo Dân Huyền vẫn miệt mài lao động, làm việc để mỗi độ xuân đến, ông lại có thơ vui trong niềm vui của một người làm báo: “Báo tết viết được mấy bài/ Góp cho mâm cỗ thêm vài bánh chưng”.


Vũ Ngọc Hà Linh

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo