Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Phan Hách: Miệt mài sáng tạo trên “cánh đồng chữ”

Thứ năm, 11/10/2018 19:37 PM - 0 Trả lời

(CLO) Được biết đến là tác giả của hai bài thơ nổi tiếng: “Làng quan họ”, “Hoa sữa”, thế nhưng bên cạnh đó Nguyễn Phan Hách còn là một nhà báo năng nổ, nhiệt huyết, tận tâm với 40 năm tuổi nghề từ chân biên tập viên của Báo Văn Nghệ rồi Giám đốc NXB Hội Nhà văn và giờ đây đang đương chức Tổng Biên tập NXB Dân trí.

Người nghệ sĩ đa tài

Những ngày đầu tháng mười khi tiết trời đã bắt đầu se se lạnh, khi trên các nẻo đường Thủ đô ngạt ngào hương hoa sữa, tôi được trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Trong không gian ngập tràn văn hóa Hà Nội với bàn trà, với hương thơm của trà, với tiếng đàn Piano du dương, với chiếc tủ cũ ngồn ngộn sách, với những bức tranh phố cổ Hà Nội… tại tư gia của ông khiến tôi tin rằng đâu đó vẫn còn những người yêu Hà Nội theo cách truyền thống.

Nguyễn Phan Hách vốn là người con của xứ Kinh Bắc nhưng đã gắn bó với Thủ đô suốt 50 năm nay. Từng kinh qua nhiều công việc, nhiều vị trí công tác nhưng điều quan trọng ông vẫn giữ được “tâm hồn sáng tác”, chính vì vậy mà các cuốn sách của ông cứ được đều đặn xuất bản. Dù không được đào tạo bài bản nhưng năng khiếu văn chương, âm nhạc, báo chí đã sớm hình thành nên một Nguyễn Phan Hách tài hoa, lãng tử, đa tình trong lòng công chúng. Và mặc dù thi sĩ nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng nói vẫn sang sảng, tiếng cười vẫn giòn giã và đặc biệt lòng say mê nghề nghiệp vẫn không thôi cháy bỏng. Viết về ông, có quá nhiều điều để nói bởi ông tham gia rất nhiều lĩnh vực, từ thơ, văn, âm nhạc đến xuất bản, báo chí mà lĩnh vực nào cũng có những dấu ấn nhất định.

Xuất bản là công việc mà Nguyễn Phan Hách gắn bó suốt cả cuộc đời, luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách và nếu không có một bản lĩnh kiên cường, một sự thông tuệ thì khó có thể đảm đương. Nhất là xuất bản thời cơ chế thị trường vô cùng phức tạp. Nên in cuốn nào, số lượng in bao nhiêu, in thời điểm nào? Ông luôn đưa ra ý kiến tiên quyết. Nói theo ngôn ngữ cánh xuất bản, phải biết “ngửi” thấy cuốn nào hay, cuốn nào có lãi. Nhất là, phải biết “ngửi” tinh, để loại ra những cuốn có vấn đề nhạy cảm, kẻo nhà xuất bản bị đóng cửa tức thì. Nhờ có con mắt tinh tường này, mà khi hết nhiệm kỳ Giám đốc NXB Hội Nhà văn, ông lại được mời làm Tổng Biên tập NXB Dân trí- Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam từ năm 2008.

Báo Công luận
 Chân dung nhà thơ Nguyễn Phan Hách (Ảnh: NVCC)
Phan Hách vẫn luôn dành cho mình “khoảng trời riêng” với thơ, mà chỉ nhắc đến tên ông ai cũng nhớ ngay đến những bài thơ đi cùng năm tháng như Làng Quan Họ, Hoa Sữa... Dẫu vậy,  với ông “tiểu thuyết mới là sự nghiệp của mình”. Tính đến nay, ông đã sở hữu 4 cuốn tiểu thuyết như: “Tan mây”, “Mê cung”, “Người đàn bà buồn” và đặc biệt là “Cuồng phong”. “Cuồng phong” là cuốn tiểu thuyết dài 800 trang có bối cảnh hoành tráng về lịch sử đất nước ở thế kỷ 20 được ông hoàn thành trong 10 năm và ra mắt độc giả lần đầu vào năm 2008. Có thể nói với “Cuồng phong”, độc giả đã thấy một Nguyễn Phan Hách không chỉ đa tình, lãng mạn mà còn rất hiện thực, sâu sắc và đau đáu với thời cuộc.

Không những vậy, từng giai đoạn, Phan Hách lại đổi mới mình, đem lại nhiều bất ngờ cho công chúng. Thế nên, gần đây như ông nói đã “cạn nguồn” văn thơ thì lại thấy ông sáng tác ca khúc và còn tự in đĩa để tặng bạn bè. Cầm đĩa nhạc ông tặng, liếc qua thì thấy toàn những giọng ca tên tuổi như: NSƯT Minh Quang, NSƯT Việt Hoàn. Như vậy có thể nói những ca khúc của người “nhạc sĩ tay ngang” này không hề nghiệp dư mà nó được ông đầu tư bài bản, và công phu. Có thể kể đến một số ca khúc nổi bật của ông như: “Chút tình thơ dại”, “Hoa phù dung”, “Mùa thu”, “Tình khúc mùa xuân”… Bất ngờ hơn nữa khi ông nói rằng đã biết sáng tác và cảm thụ âm nhạc từ bé nhưng do cuộc sống mưu sinh nên đành gác lại niềm đam mê này.

Cơ duyên thơ và báo

Nói về lĩnh vực báo chí, Phan Hách đã có những quãng thời gian rất đẹp của tuổi trẻ gắn liền với Báo Văn Nghệ. Nguyễn Phan Hách là một phóng viên xông xáo, năng nổ, mỗi khi đất nước có sự kiện trọng đại ông đều là cây bút được điều động thực hiện bài vở chủ lực. Còn nhớ những năm Đại hội Đảng, ông được tin tưởng giao đi phỏng vấn một số nhân vật tên tuổi cũng như ghi chép cảm xúc của người dân Hà Nội. Những bài bút ký ăm ắp sự kiện, nỗi niềm của ông đã được tòa soạn cũng như đông đảo quần chúng đánh giá cao. Đặc biệt trước dịp khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng 1 ngày, ông được tòa soạn cử đi tìm hiểu, ghi chép về công tác chuẩn bị Lễ Khánh thành Lăng.

Điều thú vị là chính chuyến tác nghiệp ấy đã là cơ duyên cho bài thơ “Lăng Bác” nổi tiếng của ông ra đời. Bài thơ như đã nói đúng, nói trúng tâm trạng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong không khí nô nức, hồ hởi đón chờ ngày Lăng Hồ Chủ tịch mở cửa đón khách vì vậy mà ngay ngày hôm sau nó đã vượt qua hàng ngàn bài thơ khác để đăng vào số đặc biệt của Báo Nhân Dân và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong sự kiện lịch sử đáng nhớ ấy. Sau này bài thơ còn được in vào sách giáo khoa lớp 1, tập 2 những năm 80 của thế kỷ trước. Theo lời ông kể lại: Hầu hết những tác phẩm được chọn của tôi đều được viết gắn liền với một kỷ niệm không thể nào quên. Bài “Lăng Bác” (SGK lớp 2 cũ) tôi viết vào khoảng năm 1975 và rồi in ở báo Nhân Dân. Sau này khi được đưa vào SGK, ban tuyển chọn đổi tên bài thơ từ “Lăng Bác” thành “Nắng Ba Đình” và cắt ngắn chỉ bằng một phần tư bài thơ gốc. Bên cạnh bài thơ Lăng Bác, Nguyễn Phan Hách còn có đến 3 bài tản văn như: “Đường đi Sa Pa”, “Kì diệu rừng xanh”, “Cá hồi vượt thác” và truyện ngắn “Hương ổi” được đưa vào chương trình sách giáo khoa.

Báo Công luận

Bìa cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng “Cuồng phong” (Ảnh: NVCC) 

Riêng về bút danh Nguyễn Phan Hách đã là câu chuyện dài với những kỷ niệm tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ của tuổi mới lớn. 

Thực ra ông tên thật là Nguyễn Xuân Hách và vốn theo nghề dạy học ở huyện miền núi Lục Nam (nay thuộc Bắc Giang) nhưng do “cảm nắng” cô học trò xinh đẹp họ Phan nên ông đã ghép họ của cô gái vào bút danh của mình. Ngày đó, ông dạy văn giỏi khắp vùng, thậm chí mỗi dịp hè ông lại được Ty Giáo dục Hà Bắc (cũ) mời viết những bài văn mẫu để làm giáo án cung cấp cho các giáo viên khác. Tuy là thầy giáo làng nhưng Nguyễn Phan Hách lại rất sung sức trong việc viết phóng sự gửi ra các tờ báo Trung ương để phản ánh về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, về phong trào lao động sản xuất vào hợp tác xã của người dân… Sau đó còn được Đài Phát thanh đọc trịnh trọng trong các buổi phát thanh của xã. Có lẽ cũng từ nền tảng ấy mà sau này ông đã đến với báo Văn nghệ bằng niềm đam mê đi, đam mê viết.

Cũng ở giai đoạn công tác tại Báo Văn Nghệ, người thi sĩ đa tình này lại vướng vào mối tình với cô sinh viên đang theo học hát quan họ ở độ tuổi mười sáu trăng tròn. Vào mỗi buổi chiều thu, khi nắng đã tắt dần, ngồi trên ghế đá ở hồ Thiền Quang chàng tình tứ đọc thơ cho nàng nghe còn nàng thì dạy chàng hát quan họ. Sẵn đem lòng yêu mến nàng và dành tình yêu lớn cho quan họ nay được nghe nàng hát, trong lòng thi sĩ dâng trào nỗi niềm cảm xúc. Trong tâm trạng rối bời, hỗn độn giữa tình yêu nam nữ cùng với tình yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống, Nguyễn Phan Hách “bật ra” được bài thơ “Làng quan họ” như để thổ lộ tình cảm với nàng, sau này lại viết tiếp bài Hoa sữa mà lời thơ rất ngọt ngào, khó quên: “Chỉ mùa thu tròn vẹn nhớ thương/Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/Hương của mối tình đầu nhắc nhở/Có hai người xưa đã yêu nhau”

 

Đoàn Mai

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo