Những tấm gương nông dân Việt Nam thời kỳ mới được khắc họa với niềm cảm phục, tự hào!

Chủ nhật, 07/10/2018 15:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Dưới góc nhìn nhân văn, sắc sảo của các nhà báo, những người nông dân được phản ánh, được nêu gương, đều có điểm chung là những nông dân của thời kì mới; không chỉ chịu khó, chắt chiu mà còn đầy ý chí táo bạo dám nghĩ, dám làm, giàu khát vọng xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương; là những nông dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, có tầm nhìn xa, trông rộng, chủ động đi ra thế giới để học hỏi…”

Đây là chia sẻ của ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 - 2018 về ý nghĩa và thành công mà mùa Giải năm nay đã đạt được.

Báo Công luận

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam  và ông Phạm Tiến Nam  - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN trao giải cho tác giả đạt giải Nhất. Ảnh: Nam Nguyễn

 
+ Đây là lần thứ 2 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam. Trên cương vị là Trưởng Ban Tổ chức Giải, ông có thể chia sẻ về những nét đổi mới cũng như những thành công đạt được của mùa Giải năm nay?

Ông Hồ Quang Lợi: Đã thành thông lệ, trong 5 năm qua, vào dịp những ngày thu tháng 10 với nhiều ngày kỷ niệm lịch sử, đặc biệt là dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954- 10/10/2018), 88 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/2018), chúng ta lại tổ chức Lễ trao giải Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam cho những tác giả đã có những tác phẩm xuất sắc nhất viết về chân dung những người nông dân Việt Nam dám nghĩ, dám làm, đã được phản ánh chân thực trên từng trang báo.

Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 - 2018 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, giao Báo Nông thôn Ngày nay, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trực tiếp phối hợp thực hiện, đến nay đã thành công tốt đẹp và có sức lan tỏa lớn.

Giải báo chí này có một cái tên rất đẹp: “Tự hào Nông dân Việt Nam”. Nói về nông dân Việt Nam, chúng ta tất thảy mọi người đều muốn bày tỏ lòng cảm phục, tình cảm thương mến, lòng biết ơn và lòng tự hào. Họ là những người đã và đang làm ra lương thực, thực phẩm nuôi sống chúng ta, góp phần phát triển nền nông nghiệp đất nước với sản lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đang nỗ lực vươn lên nuôi sống và làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước. Trong đó, có nhiều nông dân đã xuất sắc đưa nông sản của mình ra tiêu thụ tại thị trường thế giới…

Thành công của mùa Giải năm nay đầu tiên được thể hiện ở số lượng bài gửi tham gia dự thi lên tới gần 1.400 tác phẩm, cao hơn Giải lần thứ 4 năm 2016- 2017. Điều này chứng tỏ Giải đã thật sự khẳng định tính thiết thực và ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội sâu sắc, được các nhà báo, các cộng tác viên, các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.

Báo Công luận
Ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng BTC Giải báo chí toàn quốc Tự hào NDVN 2017 - 2018 phát biểu tại lễ trao Giải. Ảnh: Nam Nguyễn
Tác phẩm tham dự cũng như những tác phẩm, tác giả được chọn trao giải và các nhân vật nông dân, các HTX kiểu mới, mô hình tổ - đội hợp tác mới… trong các tác phẩm, có tính đại diện cho hầu hết các vùng miền, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong cả nước. Và đặc biệt, dưới góc nhìn nhân văn, sắc sảo của các nhà báo, những người nông dân được phản ánh, được nêu gương, đều có điểm chung là những nông dân của thời kì mới; không chỉ chịu khó, chắt chiu mà còn đầy ý chí táo bạo dám nghĩ, dám làm, giàu khát vọng xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương; là những nông dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; là những nông dân toàn cầu có tầm nhìn xa, trông rộng, chủ động đi ra thế giới để học hỏi…

Với ý nghĩa đó, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đối với Giải báo chí Tự hào Nông  dân Việt Nam; biểu dương các nhà báo, các tác giả, các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo… những người đã làm nên thành công của Giải; và tôi xin chúc mừng Báo Nông thôn Ngày nay- đơn vị Thường trực cuộc thi đã có nhiều nỗ lực bền bỉ và sáng kiến, sáng tạo trong việc tổ chức giải, góp phần tạo thành công liên tục trong 5 năm mùa Giải  vừa qua; đặc biệt là giá trị về ý nghĩa, chất lượng giải ngày càng được nâng cao, gây được uy tín, tiếng vang trong làng báo.

+ Thưa ông, với số lượng tác phẩm dự thi “Tự hào nông dân Việt Nam” mùa Giải sau luôn cao hơn mùa Giải trước, điều đó cho thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đề tài thu hút được nhiều phóng viên, nhà báo, cộng tác viên và cũng phản ánh tính đa dạng, phong phú và những thành tựu, kết quả trong lĩnh vực này của nước ta?

Ông Hồ Quang Lợi: Qua cảm nhận cũng như đánh giá của các thành viên BTC, Ban giám khảo… thì ý nghĩa của cuộc thi này đạt được không chỉ ở số lượng tác phẩm dự thi mà hơn hết là giá trị ở nội dung, thông điệp mà tác phẩm, tác giả muốn gửi tới. Trong đó, có một điểm chung là, 25 gương mặt nông dân được giới thiệu qua các bài báo đều là những nhân tố điển  hình ở địa phương, có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi người trong số họ đến với nghề nông theo một cách khác nhau, con đường làm giàu ít nhiều đều gian nan vất vả nhưng họ đều có một điểm chung là, không dễ dàng khuất phục khó khăn, quyết tâm vươn lên tìm một con đường khác. Và qua ngòi bút của các nhà báo, hình ảnh của họ trở nên mạnh mẽ biết chừng nào.

Báo Công luận
Giao lưu giữa tác giả đoạt Giải Nhất và nhân vật Đoàn Văn Khanh – 63 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang . Ảnh: DV
Đó là hình ảnh và câu chuyện của ông Đoàn Văn Khanh - 63 tuổi- Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang- nhân vật trong bài viết đạt giải Nhất, người đã quyết định đi học dược nhưng không phải về làm hiệu thuốc mà để thanh minh cho cây bưởi trước thông tin: ăn bưởi bị ung thư vú.

Đó là hình ảnh ông Trịnh Văn Tiến, thôn 12, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình) một mình vác dao, rựa tiến về phía núi khai hoang mở đất cách đây hơn 20 năm để lập nên một trang trại nuôi con đặc sản (hươu, nai, dê, nhím, ngựa bạch…) giữa chốn “thâm sơn cùng cốc”. Đến nay, trang trại nhà ông đã có 250 con hươu, nai, dê; 110 con ngựa; 100 con nhím; chưa kể lợn cắp nách, gia cầm các loại. Để chủ động nơi tiêu thụ sản phẩm, ông mở hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch và nhà hàng ở TP. Tam Điệp. Nhờ cách làm ăn khép kín này, doanh thu của gia đình ông đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 24 lao động.

Nhưng hình ảnh nông dân thời đại mới không chỉ có vậy mà còn có những người trẻ dám nghĩ dám làm, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như anh Nguyễn Văn Kết ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) xây hẳn nhà kính cho ếch ở, từ đó chế ngự được cả mùa đông băng giá khi nuôi được ếch ở cả bốn mùa. Hiện, trang trại của anh Kết cung cấp ếch giống và ếch thịt ổn định cho các siêu thị, trường học trên địa bàn 13 tỉnh phía Bắc. Giá ếch thương phẩm bán tại trại cho các đầu mối là 50.000 đồng/kg, ếch nuôi lâu để chắc thịt có thể lên mức 70.000 đồng/kg, ếch giống 800-1.200 đồng/con. Trung bình mỗi năm anh Kết thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng

Bên cạnh đó, mặc dù tiêu chí của giải là gương chân dung người thực, việc thực nhưng đối tượng phản ánh trong các bài dự thi năm nay rất phong phú, không chỉ bó hẹp ở một chân dung điển hình mà đó còn là những hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả, những mô hình tổ - đội hợp tác, là những nhóm người cùng say mê làm nông nghiệp sạch đã bắt tay với nhau để đưa thịt lợn sạch, gà sạch, rau sạch đến người tiêu dùng…  Văn phong, cách thể hiện của các tác giả cũng rất hấp dẫn và đầy chất thơ, chứ không bình bình, nhàm chán như hầu hết các bài viết về gương người tốt, việc tốt lâu nay.

Như ở nước ta có khoảng 70% dân số là nông dân và cả nước hiện có 3,5 triệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; vì thế, đề tài về nông nghiệp gương những nông dân điển hình còn rất nhiều, đang đợi các nhà báo, các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tiếp tục phát hiện và khắc họa lại chân dung những nông dân đó, qua các bài viết trên các trang báo.

Báo Công luận

Những nông dân thời kỳ mới đã trở thành cảm hứng cho ngòi bút. Trong ảnh: Ông Trịnh Văn Tiến, xã Đông Sơn (TP.Tam Điệp, Ninh Bình) chăm sóc đàn dê. Ảnh: A.T

Vì thế, ngay sau Lễ trao Giải năm 2017- 2018, Ban Tổ chức Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam đã tiếp tục phát động Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục giao nhiệm vụ cho Ban Nghiệp vụ phối hợp với báo Nông thôn Ngày nay, phát huy kinh nghiệm và bài học thành công, tổ chức tốt các giải tiếp theo.

+Từ thành công của Giải báo chí “Tự hào nông dân Việt Nam” năm nay, qua đây một lần nữa cho thấy hoạt động chăm lo bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam thông qua việc phối hợp tổ chức các Giải báo chí đã thực sự là “môi trường”, “sân chơi” thiết thực để các nhà báo- hội viên thử thách, rèn luyện tay nghề, thưa ông?

Ông Hồ Quang Lợi: Đúng là như vậy! Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Vị thế, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đã được luật định trong Luật Báo chí 2016. Hội thường xuyên quan tâm chăm lo bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên cả nước.

Trong công tác nghiệp vụ, Hội luôn chú trọng việc tổ chức các cuộc thi, các giải báo chí chuyên ngành, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các địa phương. Ngoài Giải Báo chí Quốc gia do Hội chủ trì hằng năm, hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đang phối hợp với nhiều cơ quan của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành… tổ chức các giải báo chí chuyên ngành toàn quốc, như: Giải Búa liềm vàng (về xây dựng Đảng); Giải báo chí về Phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giải báo chí Đại đoàn kết toàn dân tộc; Giải báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; Giải báo chí về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; Giải thưởng về thông tin đối ngoại; Giải báo chí về trẻ em,… Chúng tôi coi các cuộc thi, các giải báo chí là môi trường hoạt động nghề nghiệp, là trường học tốt cho các nhà báo hội viên thử thách, rèn luyện tay nghề, là diễn đàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo.

Báo Công luận

TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo VN), Phó trưởng Ban giám khảo Giải báo chí và ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Ban Tuyên huấn T.Ư Hội NDVN trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba. Ảnh: Nam Nguyễn 

Đối với Hội Nông dân Việt Nam, Giải báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam” 2017 - 2018 là sự phối hợp đã được hai bên duy trì trong 2 năm vừa qua. Đây cũng là Giải báo chí duy nhất cho đến nay viết về chân dung những người nông dân tiêu biểu, do Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức. Với thành công này, tôi tin tưởng chắc chắn các giải tiếp theo trong khuôn khổ phối hợp của hai bên sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp hơn.

Và có thể nói, Lễ trao Giải báo chí “Tự hào nông dân Việt Nam” 2017 - 2018  vừa qua, nằm trong chuỗi chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2018  cùng với đó là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018” sẽ được tổ chức trọng thể và được THTT trên Đài THVN vào tối 14/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương… tiếp tục là một trong số ít các chương trình truyền thông có ý nghĩa ngày càng lớn trong việc động viên, cổ vũ, tuyên dương những nông dân điển hình tiên tiến, những nông dân xuất sắc, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập!

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lành (Thực hiện)

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo