Dân chủ, kỷ cương, tự giác- Lời giải cho vấn đề đạo đức nghề báo

Thứ sáu, 21/04/2017 09:45 AM - 0 Trả lời

Điểm nhấn quan trọng trong nội dung làm việc của Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) năm 2017 (diễn ra từ ngày 21- 23/4/2017), tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là việc triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

(NB&CL) Điểm nhấn quan trọng trong nội dung làm việc của Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) năm 2017 (diễn ra từ ngày 21- 23/4/2017), tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là việc triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Điều này cho thấy sự kiên quyết của HNBVN trong việc vừa tăng cường dân chủ vừa “siết chặt kỷ cương”, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhân dịp này, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN xung quanh chủ đề đang rất “nóng” này.

+ Lịch sử 67 năm của Hội Nhà báo Việt Nam là bề dày truyền thống đáng tự hào. Điều này sẽ được kế thừa và phát huy như thế nào để đáp ứng được những yêu cầu của công tác Hội trong tình hình mới, thưa ông?

- Ông Hồ Quang Lợi: Truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam đã được xây đắp từ hơn 90 năm qua và với Hội Nhà báo Việt Nam, 67 năm là một cuộc hành trình dài, là những bước đi không ngừng nghỉ… Chính sự tiếp nối truyền thống và phát huy thành quả của quá khứ đã là động lực giúp Hội Nhà báo tiếp bước, đổi mới và thành công hơn, không ngừng phát huy vai trò, vị thế là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong tình hình mới… Thời gian qua, đã có những chuyển động mới và tích cực trong toàn bộ hệ thống cấp Hội từ T.Ư xuống địa phương. Đi đâu bây giờ chúng tôi cũng thấy anh em hết sức quan tâm đến Hội, hào hứng, ủng hộ tham gia các hoạt động của Hội.

[caption id="attachment_159562" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.[/caption]

Tuy nhiên không phải ở nơi nào cũng được như vậy, ở một số nơi vẫn thiếu vắng tính năng động, tích cực, sáng tạo của các cấp Hội cơ sở. Đặc biệt, trong bối cảnh báo chí, truyền thông đang phát triển như vũ bão ngày nay càng đòi hỏi HNBVN phải thực sự tâm huyết, nỗ lực, trách nhiệm và sáng tạo hơn trong hoạt động. Khi ấy Hội mới có sức sống và thu hút được hội viên. Hiệu quả hoạt động Hội phải đi vào từng công việc cụ thể của từng hội viên, từng tổ chức Hội. Phải làm sao để tất cả những cái đó được chuyển biến thành những việc làm thường nhật, để mỗi người làm nghề tốt hơn, mỗi tổ chức Hội vững mạnh hơn, để HNBVN thực sự xứng đáng là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của giới báo chí cả nước, chăm lo bảo vệ những quyền lợi chính đáng, trong đó quan trọng nhất là quyền làm nghề hợp pháp của các nhà báo…

+ Hội nghị toàn quốc HNBVN năm nay sẽ đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Đây thực chất là “ba rem” về thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, là tiêu chí để “soi chiếu” một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức và hoạt động chuyên môn của một nhà báo, thưa ông?

- Ông Hồ Quang Lợi: Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, luôn được đề cao trong hoạt động báo chí, được xã hội quan tâm sâu sắc. Trong kỷ nguyên số với sự lấn lướt của mạng xã hội, chưa bao giờ đạo đức của người làm báo lại trở thành một đòi hỏi cấp bách như hiện nay. Bên cạnh thành tựu và đóng góp to lớn của báo chí, có thể nhận thấy rõ những biến đổi tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam thời gian gần đây. Tôi nghĩ rằng, báo chí rất cần một môi trường cởi mở về thông tin, một môi trường dân chủ về mặt nghiệp vụ. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường dân chủ thì chúng ta cũng cần đặc biệt chú trọng vấn đề kỷ cương trong xã hội nói chung và trong hoạt động báo chí nói riêng, để từ đó tránh được những sai sót, những sai lầm trong hoạt động nghề nghiệp có thể đưa đến những hậu quả hết sức đáng tiếc. Bất kể ở đâu, bất kể khi nào, báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo đạo đức và luật pháp để giúp cho người làm báo luôn nâng cao được Bản lĩnh- Trách nhiệm – Trí tuệ vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Và không thể không nhấn mạnh rằng trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan báo chí là rất lớn và vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam là vô cùng quan trọng.

[caption id="attachment_159563" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: NL[/caption]

+ Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang tăng cường các biện pháp giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, góp phần ngăn chặn các sai phạm. Tuy nhiên vẫn còn không ít những trăn trở về hiệu quả của công tác này. Việc ban hành 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã có thể là lời giải cho bài toán đạo đức nghề báo chưa, thưa ông?

- Ông Hồ Quang Lợi: Trước những trăn trở, băn khoăn rằng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo ban hành cách đây hơn 10 năm tại sao chưa phát huy hiệu quả cao, thì ở Bản Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này đã bổ sung những nội dung mới, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, phù hợp với bối cảnh mới, đồng thời có thêm sự ràng buộc, bằng Điều 10, đòi hỏi người làm báo cam kết thực hiện những quy định đạo đức, coi đó là “bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”. Đã “cam kết” đương nhiên người cam kết tự nguyện chịu một hình thức “chế tài” tuỳ thuộc mức độ, trong trường hợp mình vi phạm đạo đức nghề nghiệp… Bản Quy định này đã thể hiện rõ quan điểm của chúng ta về sứ mệnh của báo chí, nghĩa vụ và cách hành xử của người làm báo. Tôi nghĩ, nếu ai cũng nhận thức sâu sắc, thực hiện đúng 10 điều quy định, hành nghề đúng lương tâm, trách nhiệm của mình thì không cảm thấy gò bó, khắt khe. Luật Báo chí đã quy định rõ nhà báo nào vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp thì sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo, mất quyền hành nghề. Như vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đã được “luật hoá”, và như thế, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật. Luật pháp và đạo đức không tách rời, khu biệt mà có sự kết nối, thống nhất chặt chẽ.

+ Có thể thấy việc triển khai thực hiện 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Luật Báo chí 2016 phải là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, thời gian. Với HNBVN, quá trình này sẽ được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

- Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cho toàn thể phóng viên, hội viên và người lao động trong cơ quan báo chí học tập 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII… Đặc biệt, một điểm đáng chú ý là việc Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng gồm 2 cấp là cấp Trung ương và cấp tỉnh, Thành phố, Liên Chi hội, Chi hội trực thuộc. Hội đồng này có nhiệm vụ và quyền hạn: bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên; tuyên truyền, giáo dục, theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm Luật Báo chí 2016, Điều lệ Hội và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đây là công việc quan trọng và có tính chất quyết định, giúp cho hoạt động báo chí lành mạnh. Bên cạnh đó, cùng với việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tổ chức Hội cần kiện toàn và đưa công tác kiểm tra của Hội hoạt động đều, chất lượng để hướng dẫn, ngăn chặn và xử lý sai phạm một cách nghiêm túc, chính xác.

10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo được ban hành không phải với mục đích lớn nhất là chế tài để xử phạt mà quan trọng hơn là để mỗi người làm báo thấm nhuần một cách sâu sắc để rồi tự giác thực hiện. Tuy nhiên, nếu như ai cố tình không thực hiện, vi phạm cả Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp thì lúc đó chúng ta buộc phải xử lý với các hình thức kỷ luật như: phê bình, khiển trách, cảnh cáo, khai trừ, thu hồi thẻ hội viên. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo. Còn trường hợp Bộ Thông tin & Truyền thông đã thu thẻ nhà báo, Hội đồng quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên…

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lành (Thực hiện)

Tin khác

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo
Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

(CLO) Ngày 23/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu 'Hành trình chinh phục bầu trời'

Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu "Hành trình chinh phục bầu trời"

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Hành trình chinh phục bầu trời”. Chương trình nhằm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày truyền thống của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (1/5/1959 - 1/5/2024).

Nghề báo