Khi nhà báo đi lò

Thứ năm, 29/11/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nếu không phải người trong ngành, việc đi lò đối với nhiều người là cái gì đó xa vời, rất khó thực hiện nhưng với những người làm báo Tạp chí Than - KSVN, thì đi lò đã không còn xa lạ và trở thành công việc quen thuộc. Đi lò để hiểu hơn công việc của những người thợ mỏ đang ngày đêm vất vả trong lò sâu để làm ra những tấn “vàng đen” cho Tổ quốc... Để hiểu hơn rằng, với nghề báo chỉ khi dấn thân vào cuộc sống của nhân vật mới thấy nghề nghiệp thật sự ý nghĩa.

Chuyến đi lò đầu tiên

Trong quãng thời gian làm báo, có lẽ lần đi lò đầu tiên đối với tôi sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên. Thời điểm bấy giờ cách đây hơn 5 năm, khi cùng với anh Vũ Thành Lâm (lúc đó là Phó TGĐ Tập đoàn TKV, phụ trách an toàn) và các Ban AT, KCM, CV đi kiểm tra sản xuất và thực hiện công tác ATVSLĐ tại Xí nghiệp than Giáp Khẩu (Công ty than Hòn Gai). Lần đầu đi lò, lại “tháp tùng” lãnh đạo Tập đoàn và chưa biết “lò” là gì nên tôi không khỏi lo lắng, nhưng anh Vũ Thành Lâm cười, vỗ vai tôi bảo: “Đi với anh cứ yên tâm, đi rồi sẽ biết”.

Đến văn phòng của xí nghiệp trong khai trường, chúng tôi được phát quần áo bảo hộ, ủng, mũ, đèn lò... Do đi với “đội hình” toàn những người kỳ cựu trong nghề lò nên chắc mọi người nghĩ tôi cũng đã từng đi lò rồi nên chỉ được hướng dẫn và làm quen một cách nhanh chóng để còn kịp thời gian xuống lò. Khi ai nấy đã chỉnh tề trang phục thì tôi vẫn còn loay hoay đeo đèn lò với lại đi ủng, cứ nghĩ chỉ đeo ủng như bình thường nhưng lại phải đeo “ghệt” trước (giống như chiếc tất nhưng bằng vải kaki dày, được may to, rộng và cao gần đến đầu gối để bảo vệ chân). Rồi tôi cũng được trợ giúp và hoàn thành các công việc chuẩn bị cho đi lò. Sau đó, anh Nguyễn Minh Tuyên, TP An toàn của Công ty lấy ra một chiếc bình nhỏ và hướng dẫn cách sử dụng “bình tự cứu” rồi phát cho mọi người, tôi cũng làm một cái đeo lủng lẳng bên hông cùng với chiếc máy ảnh Nikon D90 đeo trước ngực, chúng tôi cùng tiến vào lò...

Báo Công luận
 Nữ phóng viên Tạp chí TKV tác nghiệp dưới lò.
Từ cửa lò mức +12 đến lò chợ dưới lòng đất ở độ sâu -110m so với mực nước biển, phải đi bộ qua một đường lò gọi là “lò thông gió”. Khi bước qua cánh cửa sắt, là đường lò sâu hun hút, gió thổi rất mạnh, tiếng quạt hút gió ầm ầm nên phải nói to mới nghe được. Lần đầu đi lò chưa quen nên vừa đi vừa phải quan sát, dò dẫm mà có lúc đầu vẫn va vào vì lò. Ánh sáng trong lò yếu ớt từ những chiếc đèn treo trên nóc lò hắt xuống nên chủ yếu lấy ánh sáng từ chiếc đèn lò gắn trên mũ. Càng vào sâu bên trong, không khí càng ngột ngạt, gió lại giảm nên mồ hôi bắt đầu túa ra. Qua một đoạn lò nóng hầm hập cảm giác như trong phòng xông hơi, chiếc áo bảo hộ màu xanh của tôi chẳng mấy chốc ướt đẫm. Đi bộ khoảng hơn cây số trong lò, có đoạn đường lò nhỏ, phải lách người mới qua được. Đến đầu lò chợ (nơi các công nhân sản xuất than), cảm giác hơi khó thở do thiếu khí, qua ánh đèn lò tôi cảm nhận được bụi than dày, bay li ti trước mặt...

Thấy chúng tôi đến, anh em công nhân tươi cười chào “các sếp đi lò ạ”, anh Lâm và các anh lãnh đạo Công ty than Hòn Gai đáp lại “chào anh em”, “anh em cứ làm việc bình thường”. Tôi thấy từng tốp công nhân đang chăm chú làm việc, ai nấy mồ hôi đều ướt đẫm quần áo, mặt mũi đen nhẻm. Đường lò dốc khoảng 15-20 độ, dọc đường lò, một bên là các cột chống thủy lực, một bên là vỉa than, phía trên là xà. Công nhân phải bắn mìn làm tơi, dùng khoan, choòng để lấy than và tải than ra máng cào. Mọi người thận trọng đi xuống phía dưới, đường lò khá là chật chội, tôi thấy ở giữa lò không ai đi nên đưa chân vào, thế là bị trượt, trôi cả người xuống dưới. Anh Nguyễn Văn Quân - Giám đốc XN than Giáp Khẩu vội nắm lấy tay tôi kéo lên, mọi người cùng cười ồ vì cú ngã của tôi làm quần áo dính đầy than. Thì ra, ở giữa là máng trượt để tải than, bị than che kín nên tôi không biết. Anh Quân tỏ ra áy náy và bảo, quên không dặn nhà báo trước là phải tránh đi ở giữa lò. Phó TGĐ Vũ Thành Lâm kiểm tra cẩn thận, chi tiết công tác kỹ thuật, các thiết bị vận tải trong lò, hỏi công nhân về thực hiện biện pháp an toàn... Lúc này tôi mới bật máy ảnh định chụp thì không chụp được do trong lò độ ẩm cao làm máy ảnh bị ẩm, mờ ống kính. Cũng may, sau đó khoảng gần 30 phút thì lại chụp được, tôi liền bấm máy nhiều lần nhưng khi kiểm tra lại chỉ được duy nhất 1 kiểu tàm tạm...

Mỗi lần đi lò thấy gần hơn với những người thợ mỏ

Sau lần đi lò đáng nhớ ấy, tôi có nhiều bài học hơn cho những lần đi lò tiếp sau, như phải bật máy trước và để máy luôn ở chế độ đang hoạt động, sẽ làm nóng các thiết bị, hạn chế hơi ẩm xâm nhập và phải nhớ mang theo túi nilon, khăn khô để chỗ nào nhiều nước từ nóc lò nhỏ xuống ngay lập tức phải cho máy vào túi hoặc thấy nóng như xông hơi thì phải quấn chiếc khăn khô để hạn chế hơi nước...

Do công việc, nên tôi cũng hay được đi lò, có những tuần đi đến 2-3 lần và cũng không nhớ nổi mình đã chui lò tác nghiệp bao nhiêu lần. Vì là “báo nhà” nên chúng tôi cũng được “ưu ái” hơn, hầu như tất cả các mỏ hầm lò giếng đứng, giếng ngiêng ở Quảng Ninh đều đã được đi, kể cả các dự án mới như Núi Béo, Khe Chàm II-IV ở độ sâu 300-500m so với mực nước biển. Tôi nhớ, có lần đi cùng với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn đi lò Nam Mẫu, tất cả các báo khác đều không được xuống lò, chỉ có tôi và anh Mạnh Hùng, Công ty than Mạo Khê cùng với một đồng nghiệp báo Quảng Ninh được xuống. Lần đó, chúng tôi đã ghi được những hình ảnh đẹp về lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh với thợ lò.

Báo Công luận
 Công nhân làm việc dưới hầm lò.
Để có được những thông tin, hình ảnh dưới lò là cả một công việc đầy rẫy khó khăn, nam giới đã khó, nữ giới còn khó khăn hơn. Nhiều khi phải đi bộ mấy cây số trong lò, có lúc gặp nước từ nóc lò rỏ xuống như mưa, lò ngập nước đến đầu gối, nhiều đoạn bùn mút cả ủng, qua những đoạn lò bị nén, lò thấp phải cúi người đi lom khom, có lúc phải ôm máy ảnh cúi gập người lại mà bò qua; nhiều đoạn lò nhỏ, dốc phải bám vào dây thừng bên cạnh để đu người xuống, rồi leo lò thượng dốc trên 30 độ mệt “bở hơi tai”... Đồng thời, phải đảm bảo an toàn trong khi đi lại, vừa phải bảo quản thiết bị để không bị va đập, không bị ướt, bị ẩm. Khi tác nghiệp vừa phải ghi chép thông tin vào sổ, vừa phải tìm góc độ để chụp được ảnh trong điều kiện đường lò chật hẹp, thiếu ánh sáng, đông người... nhưng trong hành trình của những người “chép sử”, không những nam giới mà cánh nữ phóng viên Tạp chí TKV cũng đều đã từng đi lò, đi để hiểu hơn và để có những bài viết, hình ảnh sinh động cho độc giả và thợ mỏ.

So với trước đây, có lần đi bộ lên giếng nghiêng khi ra lò chỉ có tời hỗ trợ thì hiện nay các đơn vị khai thác hầm lò như Than Hà Lầm, Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Khe Chàm, Quang Hanh, Dương Huy, Hạ Long, Thống Nhất... đều đầu tư cơ giới hóa vận chuyển người bằng thang máy, songloan, monoray, tàu điện, tời cáp treo... nên đi lò đỡ vất vả hơn nhiều. Hầu hết công nhân không phải đi bộ nhiều, cơ giới hóa vận chuyển người đưa công nhân đến nơi làm việc gần hơn, giảm thời gian đi lại, tăng thời gian làm việc hữu ích, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho công nhân.

Bây giờ thì đi lò đã không còn xa lạ nữa mà trở thành công việc quen thuộc, mỗi lần đi lò chúng tôi thấy gần hơn với những người thợ mỏ để chia sẻ những khó khăn, vất vả của họ, càng được hiểu hơn về sản xuất than hầm lò, về những người thợ lò đang ngày đêm vất vả trong lò sâu để làm ra những tấn “vàng đen” cho Tổ quốc...

Việt Trung

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo