Nhà báo Trọng Thiết: Năm nào tôi cũng đi Trường Sa - không đi thì nhớ

Thứ tư, 26/09/2018 15:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) 29 năm gắn bó với biển, đảo, 20 năm làm báo chuyên nghiệp, trung tá, nhà báo Nguyễn Trọng Thiết - Phó Tổng biên tập báo Hải quân Việt Nam luôn coi mình có sự may mắn hơn các đồng nghiệp làm báo khác bởi đến nay anh đã có 25 chuyến tác nghiệp ở Trường Sa.

 “Làm báo Trường Sa luôn vất vả và gian khổ hơn so với làm báo ở đất liền. Ngoài yếu tố là cần phải có sức khoẻ tốt để chịu sóng và sự thay đổi thất thường của thời tiết biển, đảo thì điều cần hơn chính là sự say mê và tâm huyết với biển đảo, với cuộc sống của những người giữ biển luôn tiềm ẩn nhiều điều kỳ thú và hấp dẫn. Năm nào tôi cũng đi, có năm đi hai lần ra Trường Sa - mà không đi thì nhớ” – Nhà báo Trọng Thiết bắt đầu câu chuyện về những chuyến tác nghiệp ngoài biển đảo như thế.

Sự hy sinh của hậu phương còn lớn hơn nhiều

Đó là những điều mà nhà báo Trọng Thiết trăn trở nhất trong suốt nhiều năm tác nghiệp trên các hòn đảo. Trong câu chuyện về nghề, nhà báo Trọng Thiết không nhắc nhiều đến mình, cũng không nói về chuyện khó khăn của người làm báo, anh chỉ suy nghĩ về những con người mà anh từng gặp, những người lính, những hậu phương của họ. Lần đầu tiên ra đảo, anh đã phát hiện ra cuộc sống éo le nơi quê nhà của đại úy Vũ Văn Nghiệp, Cụm phó Cụm chính trị ở đảo Trường Sa lớn. Qua những lần trò chuyện, anh biết vợ đồng chí Nghiệp bị liệt nửa người, con gái tên Nga học rất giỏi. Anh đã làm phim về cuộc đời và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ. Bộ phim của anh đoạt giải thưởng, anh Nghiệp được mọi người biết, chia sẻ và giúp đỡ. Từ lần đó, nhà báo Trọng Thiết càng có động lực để tìm kiếm và sẻ chia với khó khăn của những người lính anh gặp, với vợ con, gia đình họ. Sức mạnh của những trang viết, những tấm hình, những thước phim đã giúp anh có thêm đam mê, thêm nhiệt huyết với những hòn đảo, với biển khơi.

Báo Công luận
  Nhà báo Trọng Thiết đã có 25 chuyến công tác ra Trường Sa
Từ nhà khách Hải quân trên đảo, nhà báo Trọng Thiết đã có những bài viết, thước phim ghi lại rất nhiều câu chuyện cảm động. Anh kể lại những hoàn cảnh “mắt thấy tai nghe” mà có lẽ những người sắt đá cũng phải mủi lòng. Đó là câu chuyện của một cô gái quê Quảng Ninh, vừa cưới chồng được một tuần thì chồng phải lên đường nhận nhiệm vụ tại vùng 3 hải quân. Mòn mỏi đợi, một tháng không thấy anh về cô đã lặn lội vào thăm. Nhưng đáp lại là sự trông ngóng, chồng cô vì nhiệm vụ vẫn phải miệt mài ngoài biển khơi, người phụ nữ nhiều ngày trên đảo chờ đợi thực sự để lại những ấn tượng khó quên trong cuộc đời làm báo của anh.

Một câu chuyện khác cũng khiến nhà báo Thiết trăn trở đến bây giờ. Đó là trường hợp vợ một chiến sĩ ở Đà Nẵng vào thăm chồng, nhưng mãi chẳng gặp được chồng nên cô đã bỏ đi khiến người chồng là lính hải quân hốt hoảng đi tìm. Anh Thiết hỏi và biết cô gái vào thăm chồng nhưng anh lại bận việc từ sáng đến tối không về, bỏ cô một mình ở nhà khách… "Đó là sự thiệt thòi mà không phải người phụ nữ nào cũng chấp nhận được. Thế nên, sự hy sinh của người chiến sĩ hải quân là lớn thì sự hy sinh của hậu phương họ còn lớn hơn nhiều", anh Thiết khẳng định.

Báo Công luận
      Diễn tập bảo vệ chủ quyền ở Đảo Song Tử Tây - một trong những bức ảnh của nhà báo Trọng Thiết chụp 

Anh cũng chia sẻ thêm về những niềm vui nghề nghiệp mà ít người có được, đó là riêng về Trường Sa, với DK1, nhà báo Trọng Thiết có 2 phóng sự đạt Huy Chương Vàng, 1 phóng sự Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quân. Một trong những tác phẩm đặc sắc của anh là "Bản lĩnh DK1” nói về sự hy sinh của người lính nhà giàn. "Thư gửi bố" nói về con trai liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu 604 hy sinh trong sự kiện 14/3/1988. Hiện nay 2 con trai liệt sĩ Vũ Phi Trừ, noi gương bố, một người giờ là thủy thủ tàu Hải quân, một người đang làm kỹ sư ở Tân cảng Sài gòn.

Phóng viên không cho phép mình được nghỉ ngơi

Quần đảo Trường Sa, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của báo chí nước nhà. Hàng năm Tổng cục Chính trị và Quân chủng Hải quân luôn tổ chức cho trên dưới 100 lượt phóng viên đến với Trường Sa (mỗi đoàn từ 4-6 phóng viên). Đã có hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình của các phóng viên đã được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng sau mỗi chuyến đi. Hầu hết các phóng viên được ra Trường Sa đều thể hiện được trách nhiệm chính trị, tuyên truyền có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của quân dân Trường Sa, nhất là sự hy sinh gian khổ của những người giữ biển để tạo nên thế đứng vững chắc cho Trường Sa và chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong mọi tình huống. Những tin bài nóng hổi về con người và sự kiện ở Trường Sa luôn hấp dẫn người đọc. 

Để có được những tác phẩm báo chí hay về biển đảo, các nhà báo đã không quản ngại vất vả, và gian khổ để thâm nhập và hiểu được cuộc sống của các lực lượng trên đảo. “Quả thực mỗi chuyến ra đảo đều giúp tôi thu lượm thêm vốn kiến thức về biển, đảo, hiểu hơn cuộc sống của người lính biển nơi tuyến đầu. Chính sự kiên cường, hy sinh gian khổ của những người lính, cánh phóng viên chúng tôi không cho phép mình được nghỉ ngơi mà phải tận dụng thời gian, tiếp cận, lấy tin để có thể truyền tải đến bạn đọc cả nước, Nhiều nhà báo đã gần như kiệt sức sau các chuyến đi Trường Sa”, anh Thiết chia sẻ.

Báo Công luận
 
Và câu chuyện về các đồng nghiệp của anh được kể lại đầy xúc động. Anh bảo ấn tượng nhất với anh là nhà báo Nguyễn Hữu Quí, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong chuyến đi Trường Sa cùng với các đồng nghiệp khác, nhà thơ Quân đội vốn xuất thân từ lính Biên phòng tưởng chừng như phải bỏ dở chuyến đi vì say sóng. Nhiều ngày bỏ ăn, sức khoẻ suy sụp, nhưng được sự chăm sóc chu đáo của bộ đội trên tàu, nhất là khi lên đảo chứng kiến cuộc sống còn nhiều gian khổ nhưng ấm tình đồng chí đồng đội, thắm tình quân dân đã làm nhà thơ xúc động thật sự. 

Nhà thơ đã mê say trước biển, trước tinh thần lạc quan và rất giàu cảm xúc của lính đảo. Tất cả đã góp phần tiếp sức để nhà thơ “cưỡi sóng” đến được hầu hết các đảo theo kế hoạch của chuyến đi. Sau chuyến đi nhà thơ là một  trong những nhà báo có nhiều tác phẩm hay viết về biển đảo (gần 30 tác phẩm thơ, bút ký, truyện ngắn) đăng trên các báo đài Trung ương và Quân đội. Nhà báo Trọng Thiết nói thêm: Mới đây gặp lại tôi, nhắc lại những kỷ niệm của chuyến đi nhà thơ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục ra Trường Sa nếu có cơ hội, dù biết việc chịu sóng không dễ chút nào. 

Trong câu chuyện của mình, nhà báo Trọng Thiết không nhắc nhiều đến chuyện của riêng anh, anh say sưa nhắc về những đồng nghiệp của mình. Họ thực sự khiến anh cảm thấy tự hào, đặc biệt là những nữ nhà báo. Anh bảo: Hàng năm số lượng nhà báo nữ đi Trường Sa không nhiều, nhưng các nhà báo có tiếng là "đi nhẹ nói khẽ" này luôn để lại dấu ấn cho bộ đội trên đảo và cả chúng tôi. Trong chuyến thăm Trường Sa cùng với đoàn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh mới đây nhà báo, đạo diễn phim Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trung tâm Tư liệu phim Việt Nam đã gây bất ngờ cho nhiều người bởi phong cách và sự nhạy cảm của một phóng viên nữ. 

Ngoài nhiệm vụ làm báo chị còn tham gia các cuộc giao lưu, đến với bộ đội bằng tình cảm giản dị, gần gũi như một người chị người em ở đất liền ra thăm đảo, tình nguyện làm người chuyển nhận thư cho bộ đội trên đảo và dán tem hộ. Chỉ riêng ở đảo Trường Sa Đông chị đã nhận chuyển dùm gần 100 lá thư. Được gần gũi và tiếp xúc với bộ đội nên nhà báo Mỹ Dung đã tạo cho mình được nhiều cảm xúc mới về bộ đội Trường Sa. Bài thơ "nói với Trường Sa” của chị được viết ngay trong chuyến đi (đã đăng trên báo Quân đội nhân dân và Báo Hải quân) đã thể hiện được phần nào tâm trạng đó của chị. “Hành trang khi vào bờ của nhà báo Mỹ Dung ngoài hàng trăm lá thư đã có thêm những con ốc biển, quà tặng đặc biệt của lính đảo dành cho một nữ phóng viên luôn dành hết lòng mình cho biển. Tôi nghĩ đó thực sự là những kỉ niệm, là hạnh phúc lớn lao của Mỹ Dung nói riêng và những người cầm bút nói chung” – nhà báo Trọng Thiết khẳng định.

Báo Công luận
 Các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa (tháng 4- 2011)
Còn khi hỏi những đồng nghiệp về anh,  nhà báo Nguyễn Việt từng chia sẻ với tôi rằng: Ấn tượng nhất trong chuyến đi Trường Sa là hình ảnh nhà báo Trọng Thiết ở báo Hải quân “tay dao tay búa” lỉnh kỉnh, đủ cả máy ảnh với máy quay phim, vì vừa phải viết bài, vừa phải làm phim phục vụ công tác tuyên truyền của Quân chủng. Suốt gần chục ngày lênh đênh, bộ quân phục Hải quân trắng bong của anh Thiết chẳng lúc nào ráo mồ hôi. Ngay cả khi trên biển, lúc chúng tôi “nhàn tản” thì anh Thiết vừa phải lo ghi hình các hoạt động của đoàn, vừa đảm trách vai trò “trưởng nhóm báo chí” để ý chăm sóc cho các đồng nghiệp lần đầu đi biển dài ngày. Còn trên đảo thì chẳng có góc nào mà ống kính của nhà báo Trọng Thiết không lia tới, dù đây đã là lần thứ 12, 13 anh công tác Trường Sa. 

Hôm đoàn lên đảo Trường Sa lớn, sau khi “chạy” một vòng quanh đảo, dự họp và phỏng vấn cả quân lẫn dân đảo, tôi thấy rã chân, vừa định nghỉ kiếm hớp nước thì anh Thiết vác cùng lúc 2 máy ảnh và 1 máy quay, mồ hôi ròng ròng trên gương mặt đỏ gay vì nắng, vừa hộc tốc chạy vừa gọi giật: “Đi tiếp Việt ơi! Có một lớp học hay lắm”Tôi vội chạy theo anh tưởng đến hụt hơi, nhưng nhờ anh mà tôi may mắn được “dự” tiết cuối của lớp học đặc biệt – do cô giáo duy nhất trên đảo đang vào bờ phẫu thuật vì sinh khó, các cán bộ chiến sĩ Hải quân phải “làm thầy” dạy học cho đám trẻ con em “nhà đảo”… Trước lúc kết thúc chuyến công tác, anh Thiết còn trang trọng tặng chúng tôi mỗi người một tấm ảnh cỡ lớn anh chụp hoa bàng trái vuông Trường Sa. Người ra đảo nhiều lần mà còn say sưa như thế, nên những nhà báo lần đầu đến Trường Sa chúng tôi đều háo hức, ghi chép lia lịa, cái gì cũng muốn thu vào ống kính “đem về”. – nhà báo Hồng Việt kể lại

 

Hà Vân (ghi)

Tin khác

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

(CLO) Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Báo Hải Phòng tổ chức khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử (tại tên miền baohaiphong.vn). Dự khai trương có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nghề báo
Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo