Vùng cao "níu chân" người làm báo

Thứ sáu, 28/09/2018 14:57 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cái thú của người cầm bút là lang thang. Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc hành trình đều để lại kỷ niệm. Ai đã từng đi công tác miền núi như tôi hẳn cũng sẽ cảm thấy như bị “bỏ bùa”. Anh bạn tôi dù giữ chức Tổng biên tập mà vẫn mê đi, bởi lý do là: về miền núi như về với suối nguồn tự nhiên, không khí trong lành, con người nhân hậu… và có cả một biển đề tài để khai thác viết bài.

Hun hút… vực thẳm, cheo leo… đèo

Ấn tượng của những chuyến tác nghiệp khu vực miền núi trong tôi, ấy là cảm giác được tham gia một trò chơi mạo hiểm. Đi trên những đoạn đường rừng núi hiểm trở mà những kẻ cuồng nhiệt với núi rừng như chúng tôi vẫn hăm hở lao vào đủ thấy sức hấp dẫn không thể chối từ của những chuyến đi. Hành trình 300km từ Hà Nội tới thị xã Hà Giang dường như không mấy nhọc nhằn đối với những “tín đồ” thích đi, thích khám phá, thích làm từ thiện. Nhưng chỉ với 1/3 quãng đường đó đi xuống xã biên giới của huyện Yên Minh, ai nấy đều hú hồn hú vía. Đồi núi dường như thử thách lòng can đảm và sự liều lĩnh của tuổi trẻ.

Đoạn đèo từ thị xã Hà Giang đến cổng trời Quản Bạ, sương mù dày đặc, nhà cửa thưa thớt, hoang vu đến rợn người. Chiếc xe đi chậm rãi nhưng cái cảm giác chơi vơi trên đỉnh núi vẫn đủ sức làm mấy chục con người… dựng tóc gáy. Chặng đường đi là một dãy núi liên hoàn, leo lên rồi lao xuống mà chẳng theo bất cứ quy luật nào. Cứ đoạn lên thì xe ì ạch, đoạn xuống thì thả theo quán tính.

Báo Công luận
 Đoạn đường đi hun hút vực thẳm là nỗi ám ảnh với nhà báo đi tác nghiệp khu vực miền núi (Ảnh: Hà Vân)
Người ngồi trên xe lúc thót tim vì sợ xe đổ, lúc hụt hẫng vì sợ xe lao xuống vực. Cứ thỉnh thoảng bác lái xe “thần kinh thép” lại thực hiện cái bài “phía trước là rừng mơ” của Tào Tháo để ai ủi bọn trẻ: “Chỉ còn một đoạn nữa chúng ta sẽ lên đến cổng trời”.  Nhưng chẳng biết cái cổng trời thế nào mà trước mắt thì thấy chiếc xe không đủ sức lao lên nữa, nghe nói là do lượng người quá tải mà đường lại dốc quá. Đoàn công tác phần lớn là người trẻ, cũng đi nhiều nhưng ai nấy mặt đều tái xanh vì sợ. Chiếc xe bị trôi ngược, mọi người đề nghị dừng lại để xuống nhưng không kịp nữa, người tài xế nói rằng chúng tôi cần trấn tĩnh và ngồi yên. May thay chạm mép vực thì xe dừng lại, tôi cũng không quan tâm vì sao nó lại dừng đúng lúc đến thế, chỉ biết là sau khi lần lượt từng người bước xuống xe, tôi thấy mọi người đều sống, thở phào!

Chúng tôi đặt chân tới cổng trời Quản Bạ, ai nấy mệt lả người nhưng vẫn háo hức với cái cảm giác thỏa mãn ước mơ tới cổng trời, chinh phục được đỉnh núi có độ cao 1.500m so với mực nước biển. Thị trấn Quản Bạ ẩn trong mây, heo hút, buồn tẻ. Đứng trên sườn đèo của cổng trời phóng tầm mắt xuống thung lũng Tam Sơn, có thể thấy một dãy núi xếp đều với từng cặp mấp mô mờ mờ trong sương. Đây là núi Cô Tiên với những trái núi nẩy căng như vồng ngực thiếu nữ. Người dân nói rằng, bất cứ vị khách du lịch nào đặt chân tới nơi đây đều dừng lại ngắm khung cảnh hữu tình này - món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Ngắm nhìn thiên nhiên, nỗi sợ hãi… suýt rơi xuống vực như tan biến.

Báo Công luận
Ở nơi đó, có những người thầy người cô tận tụy gieo chữ là đề tài "kéo" người làm báo đi tác nghiệp (Ảnh: Trung Kiên)
Chúng tôi lấy lại tinh thần, tiếp tục cuộc hành trình. Chiếc xe lại đu quay với những đoạn đường chỉ có cây, núi, đá... Chúng tôi men theo con đường Na Khê, trên quốc lộc 4C với một bên là dòng sông xanh mùa cạn nước, một bên là sườn dốc hun hút với vực đá cao dựng sừng sững, tưởng như có một chiếc hang sâu, chạy dài không có đáy. Đoạn Cháng Kìm, Bạch Đích, những ngọn đèo ôm núi tạo nhiều khúc cua gấp mà càng chạy lên cao, nhìn lại, càng thấy như sợi thòng lọng thả giữa núi đồi. Con đường dốc đứng, ngoằn ngoèo, len lỏi giữa trùng vây mây trời…

Thế rồi, họa vô đơn chí, vận đen lặp lại trên đoạn đường về. Xe dừng hẳn, không tài nào đi được nữa, đoàn chúng tôi bắt đầu vận dụng khả năng quan hệ của mình, alo khắp bạn bè xin cứu trợ. Tôi liên lạc với mấy người bạn ở thị xã, nhưng cuối cùng cũng vô vọng. Chúng tôi xuống xe đi bộ, bác tài và những người đàn ông hì hục sửa chữa... Đêm, chiếc xe cũng nổ máy được, đoàn người lại mò đường về, gần 12h đêm mới có mặt tại khách sạn. Ai nấy đều cảm giác như vừa qua một cơn ác mộng vậy.

Mơ về một trung tâm nha khoa

Chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi là chuyến tác nghiệp lên bản Mà Xa Phìn – Nậm Xây – Văn Bàn – Lào Cai. Kế hoạch là đi làm từ thiện, mang quà lên tặng các thầy cô giáo và học sinh khu vực khó khăn này. Tất nhiên, là nhà báo nên đi kèm vẫn là niềm thôi thúc khai thác tài liệu viết bài, vì ở nơi xa xôi ấy có những người thầy giáo hết lòng vì trẻ thơ, có những khó khăn mà những người trí thức gieo chữ mong mỏi được chia sẻ. Đây cũng là vùng đất nổi tiếng về khai thác vàng bao năm nay vẫn chưa quản lý được, để lại nhiều hệ lụy cho người dân khu vực.

Đoàn chúng tôi đi gồm 6 người, 2 nam 4 nữ. Nhà báo Nguyễn Hồng Việt là trưởng đoàn cẩn trọng chọn ngày đẹp, giờ đẹp để khởi hành. Nhưng chỉ mới đi được nửa đoạn đường, 4 người phụ nữ trên xe đã… ngây ngất vì say. Đường nhiều khúc cua, lượn như mình rắn, chưa kịp nghiêng trái, đầu đã đập vào kính bên phải. Nghĩa là chiếc xe lắc lư, chao đảo. Người ngồi trong xe như đang bị cho vào lò vi sóng, quay đến chóng mặt. Cái cảm giác ấy, những người sống ở đồng bằng, thực chẳng bao giờ tưởng tượng nổi. Rồi cũng đến lúc không chịu đựng được, chúng tôi dừng lại ở một cái quán ven đường nghỉ ngơi.

Báo Công luận
 Ruộng bậc thang tuyệt đẹp cũng dễ níu chân người đến (Ảnh: Trung Kiên)
Tôi là người tỉnh táo nhất trong những đồng chí nữ, vì khả năng hồi phục rất nhanh. Cứ ngồi trên xe, tôi say đến chết đi sống lại thì khi bước chân xuống xe, ngồi một lúc là cơn say tan biến. Tôi phải mượn dầu gió xoa vào lòng bàn tay, bàn chân cho các chị đi cùng đoàn, người ta bảo đó là cách chống say. Chúng tôi cũng phải nghỉ ngơi mất nửa tiếng đồng hồ, cuộc hành trình mới tiếp tục.

Cuối cùng thì đã tới đoạn đường xe ô tô không đi vào tiếp được vì lòng đường quá hẹp. Chúng tôi được chủ nhà đón bằng những cuốc xe ôm do chính những người thầy giáo… tay lái lụa đưa đón. Không phải chịu cảnh quay cuồng trong chiếc “lò vi sóng” nữa nhưng con đường này thực cũng chẳng êm ái gì. Đường sóc và nguy hiểm vì lởm chởm những đá hộc nhấp nhô, lại có bề rộng chỉ nhỉnh hơn mặt tiếp xúc của chiếc bánh xe vài centimet. Ngồi trên xe mà ruột gan tôi đảo lộn một cách vô tổ chức. Như muốn giúp tôi tránh tập trung vào con đường sóc, thầy giáo Trung Kiên trò chuyện:

-        Ước mơ của các thầy giáo ở đây là gì em biết không?

-         Là có điện thắp sáng, là có nước sạch hay trẻ em đến trường nhiều hơn… – tôi làm một tràng liên thanh.  

-         Không đâu, là có một trung tâm về nha khoa, chuyên sửa chữa, thay lắp răng – thầy Kiên chia sẻ.

-         Sao lạ vậy, một ngành chẳng liên quan đến cái chữ và thầy giáo! – tôi thắc mắc.

-         Sao lại không, liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng tôi đấy. Vì chuyện ngã xe, gãy răng trên đoạn đường này không còn là chuyện hiếm nữa. Nếu có cái trung tâm ở đây thì tai nạn giao thông là chuyện nhỏ rồi còn gì nữa.

Không biết thầy giáo đùa hay thực nhưng động viên thì không thấy, chỉ thấy nỗi lo lắng của tôi tăng lên gấp bội. Chỉ tưởng tượng đến cảnh “hàm tiền đạo” đẹp đẽ của mình… bỗng chốc gửi lại vùng rừng núi heo hút này, tôi đã lạnh cả sống lưng.

Xin phép cho em… ăn cơm trước kẻng!

Đi công tác miền núi, cầm chắc một chữ “say”, không chỉ say xe kiểu một cuộc… hành xác mà còn say rượu nữa. Mà uống rượu ở đây, anh em tôi cứ đùa là… phải bỏ mạng. Cũng là câu chuyện ở Mà Xa Phìn – Nậm Xây – Văn Bàn – Lào Cai khi đoàn công tác đến “đại bản doanh” của thầy cô giáo thì cũng vừa lúc ăn cơm tối. Ai nấy hào hứng lắm, vì bụng đói, mắt mờ chân chậm cả rồi, chưa có hứng thú làm việc gì cả ngoài chuyện “nạp năng lượng”. Nhưng vừa ngồi vào mâm cơm, chủ nhà hiếu khách đã tuyên bố quy tắc bất thành văn của người miền núi: Nếu xưa nay vẫn nghe: miếng trầu là đầu câu chuyện thì nay bát rượu sẽ là đầu câu chuyện.

Đi công tác nhiều, tôi cũng thấm cái “lệ làng” này rồi, nhưng nhìn mấy đồng chí nữ cùng đoàn không trong giới báo chí, nay được thưởng rượu theo cách này, thực có phần e ngại thay. Can rượu được mang ra do chính tay thầy giáo nấu nên đảm bảo không bị đau đầu, nồng độ cao và nguyên chất. Uống rượu bằng bát và rót đầy là phong cách của họ. Cái tài mời khách cũng là số 1 ở đây. Nào là chén rượu làm quen, nào là có đi có lại mới toại lòng nhau, rồi phải lên Cao Bằng (một cách nói ám chỉ phải rót đầy bằng nhau), phải đi Bắc Kạn (nghĩa là phải uống cạn ly)…

Báo Công luận
Những đứa trẻ vùng cao đến trường (Ảnh: Trung Kiên)
Chúng tôi bảo nhau: nhớ là hòa nhập chứ không hòa tan. Thế mà chẳng bao lâu đoàn của chúng tôi, ai nấy đều nhập cuộc rất nhanh. Càng uống càng vui, khai thác tài liệu lúc này mới đúng là diệu kế của cánh nhà báo. Nhưng phải là những đội cao tay và dạn dày kinh nghiệm chứ như tôi, non về nghề, chuyện gì cũng trôi tuột theo chén rượu. Trong đầu chỉ văng vẳng câu nói nổi tiếng của người H’ Mông: trăm phần trăm chén này cho một tuần nhung nhớ đã qua, trăm phần trăm chén kia, cho một tuần xa nhau sắp tới…

Bát rượu cứ đều đặn được rót ra, tôi cũng phục các chị cùng đoàn về khả năng… nhập gia tùy tục. Cùng bàn với tôi là chị Hoài, uống nhiều đến mức không chịu được nữa mà vẫn còn chưa mời hết vòng, chị đành giơ tay phát biểu: xin phép cho em… ăn cơm trước kẻng! Mọi người trong mâm thoạt tiên đều sốc nhưng định thần một lúc lại phá lên cười. Hóa ra uống rượu xong mới được ăn cơm, quy tắc là thế. Nhưng đợi đến khi cuộc rượu xong thì chắc… người cũng tàn nên phải ăn cơm trước mới chống đỡ nổi. Sau này, hỏi về câu nói nổi tiếng đó chị bạn tôi cười bảo: là rượu nói đấy chứ chị sao mà nghĩ được. Chẳng hiểu sao lúc đó lại cao hứng thế. Có khi dễ làm được cả thơ ấy chứ. Bảo sao nhà thơ thường thích rượu!

Kể ra thì những chuyến đi có thật nhiều chuyện để nói. Sau những bài viết, những câu chuyện dọc đường, vẫn có những hậu trường thú vị. Nghĩ lại thấy là chuyện tầm phào, tào lao nhưng nghiêm khắc mà nói đó là những gian khổ, những vấn vương của người trong cuộc... khiến cho những cuộc hành trình ý nghĩa hơn, đam mê hơn!

 Hà Vân

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo