Nguyễn Thị Thùy Trang – nữ biên tập viên sống trọn nghĩa tình với Huế

Thứ sáu, 02/11/2018 17:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Với làn điệu chầu văn “Huế trọn nghĩa tình”, biên tập viên Nguyễn Thị Thùy Trang đã xuất sắc đạt được giải Nhì tại Chung kết Liên hoan toàn quốc Tiếng hát Người làm báo Việt Nam mở rộng lần thứ VI - năm 2018 được tổ chức vào ngày 27/10 vừa qua tại Hà Nội. Được biết Thùy Trang hiện đang là biên tập viên phụ trách các chương trình dân ca của Huế tại Đài PT-TH Thừa Thiên Huế. Thời gian trò chuyện không nhiều nhưng tôi cũng phần nào hiểu được những công việc cũng như niềm đam mê của chị.

Báo Công luận
Thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang dự thi với Làn điệu chầu văn “Huế trọn nghĩa tình” tại đêm chung kết Liên hoan toàn quốc Tiếng hát Người làm báo Việt Nam mở rộng lần thứ VI - năm 2018. Ảnh: Huy Hoàng

 

Chia sẻ cùng tôi về chuyện đời, chuyện nghề của một biên tập viên, chị luôn mang trong mình một nỗi trăn trở ngày đêm trong cuộc hành trình quảng bá và góp phần phát triển làn điệu dân tộc độc đáo của Việt Nam. 

Biên Tập viên của PT-TH là nghề rất vất vả, được xem như là nghệ sĩ thầm lặng đứng sau cánh gà, với thế mạnh là giọng hát chị có thể đứng trước sân khấu với vai trò khác như là là ca sĩ, vậy cơ duyên đâu mà chị lại lựa chọn nghề này?

Đến với nghề cũng là một cái duyên. Năm 2011 Đài PT-TH Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi BTV dẫn chương trình truyền hình. Được sự động viên của thầy cô và bạn bè tôi đã quyết định nộp hồ sơ để thử sức. Khác với các bạn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, tôi là sinh viên Cao Đẳng Sư phạm nên cũng gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ khi tham gia cuộc thi này. Cũng khá may mắn tôi đã nhận được sự quan tâm hướng dẫn tận tình từ phía ban tổ chức và năm đó đã đạt giải ‘thí sinh có giọng nói truyền cảm nhất”. Kết thúc cuộc thi, tôi quyết định học lên Đại học. Mặc dù lúc đó nhận được lời mời làm cộng tác viên của Đài, nhưng vì việc học ở trường cũng không có nhiều thời gian nên phải dành thời gian chú tâm vào việc học. May mắn lại một lần nữa mỉm cười khi vừa tốt nghiệp Đại học, tôi đã được nhận làm việc với vị trí biên tập phụ trách chương trình thơ và Ca Huế của Đài PT-TH Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo Công luận
Dành nhiều tình yêu và đam mê với dòng nhạc dân ca của Huế, tôi cũng đã tự tìm hiểu thêm và nghe các nghệ nhân hát để nắm được kỹ thuật luyến láy, nhấn nhá và cách thể hiện tốt hơn cho mình 

 

Công việc hàng ngày của một biên tập viên ở Đài có nhiều áp lực không, thưa chị? 

Thực ra, những ngày đầu làm quen với công việc tôi đã gặp khá nhiều khó khăn. Bản thân chưa biết nhiều về công việc. Chưa nắm rõ cách thức sản xuất chương trình Truyền hình là như thế nào. Nói chung mọi thứ đều quá mới mẻ và lạ lẫm. Thế nhưng sau một thời gian làm quen và gắn bó với công việc (hơn nữa phụ trách mảng dân ca, Ca Huế…khá phù hợp với chuyên môn) tôi cũng đã dần làm quen và nắm bắt được công việc. Tuy nhiên để có thể làm việc tốt hơn, chuyên nghiệp hơn tôi vẫn còn cần phải học hỏi và tự trau dồi nhiều hơn nữa để theo kịp với xu hướng phát triển của truyền thông thời hiện đại (đang theo học bằng 2 đại học báo chí).

Hiện tại tôi đang phụ trách công việc biên tập các chương trình Ca Huế, Dân Ca Huế, Thơ, mảng phóng sự ngắn và dẫn các chương trình của phòng Văn nghệ và Giải trí Đài PT-TH Tỉnh Thừa Thiên Huế (TRT). Với chương trình Ca Huế, Dân Ca Huế và chương trình thơ mỗi tháng phát sóng hai số, thời lượng 25 phút.Tôi là người lên kịch bản lẫn nội dung, chọn bài, tổ chức thu âm, ghi hình cùng các nghệ sỹ và nhạc công. 

Báo Công luận
Thùy Trang đang tác nghiệp trong một sự kiện

Chị có thể chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm nghề chứ?

Gắn bó với nghề tôi có nhiều kỷ niệm thật khó quên. Nghề này thật nhiều niềm vui, nhiều trải nghiệm thú vị và cũng không ít những vất vả vì sự cố công việc.  Nhớ nhất có một lần đang quay chương trình Ca Huế ngoài hiện trường bỗng dưng loa phát nhạc bị hỏng, cả ekip loay hoay mãi không sửa được và chuẩn bị thu dọn ra về, tôi chợt nhớ ra xe ô tô có thể phát được nhạc, vậy là nhanh nhẹn chạy xe đến chỗ quay mở toang 4 cánh cửa và phát nhạc để quay cho xong chương trình. Sau chương trình cả ekip nhìn mặt nhau cười sảng khoái và tự nhủ với nhau rằng “không sự cố nào có thể làm khó chúng ta”… 

Suốt chặng đường nghề nghiệp tôi nhận ra rằng, thử thách lớn nhất của công việc biên tập các chương trình này đó chính là bản thân phải am hiểu và nắm vững các làn điệu dân ca, bài bản Ca Huế mới có thể chọn bài phù hợp cho chương trình và tránh sai sót trong quá trình biên tập. Bên cạnh đó, Và để nói về khó khăn lớn nhất hiện nay mà bản thân tôi gặp phải đó là diễn viên hát được dân ca, ca Huế ngày càng ít đi, số lượng người trẻ theo nghề không nhiều. Tôi cũng khá mất thời gian để có thể chọn ra được những giọng ca, những gương mặt mới để thay đổi màu sắc cho chương trình.

Báo Công luận
 Để làm tốt công tác biên tập bản thân phải có kiến thức và am hiểu về hệ thống bài bản, âm hưởng của từng làn điệu mới có thể giới thiệu đến quý khán thính giả những nét đặc sắc của âm nhạc dân tộc

 

Như chị nói thì quả thực, viết về lĩnh vực dân ca, về âm nhạc dân tộc đang là thách thức không hề nhỏ đối với phóng viên, biên tập viên. Với với vai trò là người có kinh nghiệm, chị có thể chia sẻ làm thế nào có một tác phẩm hay, thu hút khán thính giả?

 Viết về dân ca, về âm nhạc dân tộc không hề đơn giản. Để làm tốt công tác biên tập bản thân phải có kiến thức và am hiểu về hệ thống bài bản, âm hưởng của từng làn điệu mới có thể giới thiệu đến quý khán thính giả những nét đặc sắc của âm nhạc dân tộc. Khác với các thể loại âm nhạc, âm nhạc dân tộc đặc biệt là Ca Huế có một hệ cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, bài bản khá phong phú. Ca Huế được phân thành điệu Bắc, điệu Nam, Điệu Nam Xuân, Hơi dựng. Và trong mỗi điệu lại có nhiều bài bản khác nhau. Riêng dân ca Bình Trị Thiên có: hò, lý Huế, vè, Hầu văn. Nếu như bản thân người biên tập không nắm hết được các bài bản, làn điệu thì sẽ rất khó để tổ chức sản xuất chương trình.

Trong nhịp sống hiện đại, thị hiếu âm nhạc của khán giả cũng dần thay đổi, nhất là đối với người trẻ. Để có một tác phẩm hay, thu hút khán giả thì đòi hỏi nhiều yếu tố như: về mặt nội dung, chất lượng hình ảnh, âm thanh và cả cách thức thể hiện. Để làm được điều đó là một quá trình nỗ lực làm việc của cả ekip và đội ngũ ca sĩ, nghệ sĩ. Tôi thường xuyên thay đổi cách thức thể hiện, nội dung chương trình theo từng chủ đề khác  nhau. Cộng tác tốt với các soạn giả viết lời Ca Huế, Dân Ca Huế để đưa dân ca gần với đời sống hơn, để Ca Huế dù xưa nhưng không bao giờ cũ trong mắt khán giả. 

Báo Công luận
 Với riêng mình, tôi đã cố gắng khai thác, tìm tòi những gương mặt mới, giọng ca trẻ dành nhiều đam mê cho Ca Huế, Dân Ca Huế để giới thiệu đến khán giả

 

Dân ca đặc sắc của Huế được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, tuy nhiên hiện nay để thế hệ trẻ có hứng thú và đam mê với loại hình này quả thật rất khó. Theo chị làm thế nào để đổi mới về hình thức cũng như nội dung của các chương trình để tiếp cận với các bạn trẻ dễ dàng hơn?

Đây cũng là điều mà bản thân tôi luôn trăn trở, và mỗi người làm biên tập sẽ có những cách thức khác nhau. Với riêng mình, tôi đã cố gắng khai thác, tìm tòi những gương mặt mới, giọng ca trẻ dành nhiều đam mê cho Ca Huế, Dân Ca Huế để giới thiệu đến khán giả. Đó cũng là cách để chúng ta tự khẳng định, âm nhạc truyền thống của dân tộc vẫn luôn có sức hút trong giới trẻ. Và mạch nguồn của nghệ thuật truyền thống vẫn được nối tiếp. Không chỉ là những chương trình dân ca đơn thuần chỉ để giới thiệu các bài bản làn điệu qua giọng hát của các nghệ sĩ, có thể đan xen vào đó là những buổi trò chuyện của các nghệ nhân, nghệ sĩ, của các nhà nghiên cứu về âm nhạc truyền thống. Đó cũng có thể là một chương trình dành riêng để giới thiệu một bài bản, một làn điệu; hoặc giới thiệu về một nhân vật dành nhiều đam mê với Ca Huế qua giọng hát của chính nhân vật đó. Và trong thời gian trở lại đây các chương trình dân ca, Ca Huế của Đài PT và TH Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút khán thính giả đông hơn rất nhiều, lượt xem và chia sẻ trên youtube, các trang mạng xã hội cũng tăng lên, đó chính là thành công của cả một tập thể sản xuất chương trình và cũng là niềm động viên tiếp thêm sức mạnh cho bản thân tôi có những cố gắng đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong công việc mình phụ trách. 

Vâng, xin cảm ơn chị!

Huy Hoàng (thực hiện)

Tin khác

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo