Nhà báo áo lính và bài báo cảm động được Bác Hồ khen

Thứ năm, 17/01/2019 09:49 AM - 0 Trả lời

(CLO) Xuất thân là người lính Công an Nhân dân Vũ trang (CANDVT nay là Bộ đội Biên phòng) rồi cơ duyên đến với con đường báo chí, Trần Hữu Tòng đã có những năm tháng xông pha, nhiệt huyết với công việc của một phóng viên bám bản trên khắp các miền biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Bài báo về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thọ cách đây 54 năm là bài báo được Bác Hồ khen, gắn với những kỉ niệm khó quên, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm báo của ông.

Gặp nhà báo Trần Hữu Tòng ở nhà riêng trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyên Hồng (Hà Nội), tôi thật bất ngờ về sự chân tình, cởi mở và mến khách của ông. Nhà báo từng xông pha khắp các miền biên ải tuy đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng sự nhiệt huyết, lòng đam mê với nghề vẫn còn rất nồng cháy.  

Nhà báo Trần Hữu Tòng (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Trần Hữu Tòng (Ảnh: NVCC)

Gần đây, ông đã làm được việc rất có ý nghĩa, đó là tự bỏ tiền túi ra cùng với Điện ảnh Công an Nhân dân sản xuất bộ phim “Bên dòng Păng Pơi” về Anh hùng Trần Văn Thọ để tặng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhân dịp 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/2019). Đây là bộ phim được Trần Hữu Tòng chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của ông. Nhưng điều đặc biệt cuốn sách này được ông xây dựng, phát triển từ bài báo có tựa đề “Người lính Biên phòng trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân” được in gần trọn hai trang Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 16/8/1965. Đây cũng là bài báo đầu tiên viết về Anh hùng Trần Văn Thọ.

Ngày 3/3/1962, lực lượng CANDVT tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua mừng Ngày Truyền thống của lực lượng (3/3). Đại hội đã vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Tại đây, Bác đã tặng Đại hội bài thơ sống mãi với lịch sử chiến sĩ Biên phòng: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc không ngại ngùng gian lao/ Núi cao sự nghiệp càng cao/ Biển sâu chí khí so vào càng sâu/ Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.

Bác Hồ rất chú ý nghe các báo cáo thành tích của chiến sĩ thi đua. Bác đặc biệt lưu tâm bản báo cáo thành tích của liệt sĩ Trần Văn Thọ, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (tỉnh Lai Châu cũ, nay thuộc tỉnh Điện Biên), nơi tiếp giáp biên giới ba nước Việt - Trung - Lào. Cuối năm 1963, phóng viên Báo Công an Vũ trang (nay là Báo Biên phòng) Trần Hữu Tòng được phân công lên vùng núi ba biên giới đó để tìm hiểu tài liệu, xây dựng lại hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Thọ. Sống với tổ xây dựng cơ sở của Đồn Biên phòng trong bà con bản Hà Nhì, ông đã cùng các chiến sĩ “ba cùng” trong dân bản để tìm hiểu những việc liệt sĩ Trần Văn Thọ đã làm.

Để đến được địa bàn đó, từ thị xã Lai Châu, ông đã phải đi bộ 14 ngày qua những cung đường hiểm nguy, và đến nơi thì bị sốt rét. Trong ba tháng trời sống với đồng bào Hà Nhì, khi cơn sốt tạm ngưng là anh đi thu thập tài liệu và viết. Trong ba tháng trời sống với đồng bào Hà Nhì, khi cơn sốt tạm ngưng là anh đi thu thập tài liệu và viết.

Ở đó, ông đã đến những nơi đồng chí Thọ đã đến, gặp những người đồng chí Thọ đã gặp. Ông đã vào rừng, tận mắt nhìn hang ổ thổ phỉ, tiếp xúc với những người bị bọn phỉ lừa phỉnh, ép buộc đi theo nay đã trở về, ra những lũng núi nơi anh Thọ cùng với dân phát cây làm ruộng, hướng dẫn dân cày bừa làm hai vụ lúa. Ông cũng đã tận mắt nhìn thấy những đống bàn đèn, tẩu hút thuốc phiện dân đập phá vứt ở chân núi….

Và chính những điều “mắt thấy, tai nghe” ấy đã được Trần Hữu Tòng chuyển tải bằng trái tim cùng ngòi bút sắc sảo để khắc họa chân thực, sinh động về hình ảnh người chiến sĩ điển hình của lực lượng CANDVT Trần Văn Thọ. Tuy nhiên, khi tác phẩm hoàn thành thì cơn sốt quật ông xuống, không thể gượng dậy được nữa. Người ông tóp lại, da vàng, tóc rụng.

Khi ấy, Cục Chính trị điện lên yêu cầu Lai Châu chuyển ông về xuôi, thì được trả lời rằng bệnh ông khó qua khỏi. Đồng chí Ngọc Châu, Cục trưởng Cục Chính trị dứt khoát: “Các đồng chí cứ cho chuyển về, nếu không qua được thì chúng tôi sẽ mai táng dưới này!”. Khi đưa ông về Hà Nội, trạm xá 254 không dám nhận vì ông đang trong tình trạng hấp hối. Ông được chuyển lên Quân y viện 10 và may mắn thay, ông đã thoát hiểm sau một thời gian dài điều trị.

“Trái ngọt” sau hành trình tác nghiệp gian nan ấy là bài báo được Bác Hồ đọc và gửi lời khen. Bác gọi Bộ Tư lệnh CANDVT lên báo cáo về tác giả của bài báo này. Nhưng do lúc ấy Trần Hữu Tòng mới chỉ 27 tuổi, chưa là đảng viên nên đồng chí Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ CANDVT lên báo cáo với Bác thay tác giả. Còn tác giả được trực tiếp báo cáo với Bộ trưởng Bộ CANDVT Trần Quốc Hoàn. Nghe xong, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói: “Những chiến sĩ canh giữ các vùng biên cương hiểm yếu của chúng ta, phải kiên cường như Nguyễn Văn Trỗi, dũng cảm như Nguyễn Viết Xuân, tận tụy với nhân dân như Trần Văn Thọ thì những nơi ấy mới được bình yên…”.

Sau đó, Trần Hữu Tòng đã được Cục Chính trị CANDVT tạo thuận lợi viết cuốn “Trung với Đảng, hiếu với dân” trên cơ sở phát triển bài báo này. Cuốn sách được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in 27.650 cuốn và được cấp phát theo ba lô quân trang cho các chiến sĩ đi B vào chiến trường thời ấy.

Được cơ quan Tổng Cục Chính trị Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam giúp đỡ, Trần Hữu Tòng tiếp tục xây dựng và phát triển cuốn sách “Trung với Đảng, hiếu với dân” thành cuốn “Bên dòng Păng Pơi” (xuất bản năm 1972) tạo dựng lại đầy đủ hơn những năm tháng Anh hùng Trần Văn Thọ sống với bà con dân bản.

Điều đáng nói qua bài báo ấy, liệt sĩ Trần Văn Thọ đã được biết đến nhiều hơn và góp phần không nhỏ để ông được Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1966. Trần Văn Thọ cùng với Trương Chí Cương, Nguyễn Văn Thử, Phạm Bá Hạt và Trần Văn Nhỏ vinh dự là năm chiến sĩ đầu tiên lực lượng CANDVT được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý này.

Hiện nay, bà con dân tộc Hà Nhì vùng núi Leng Su Sìn và các chiến sĩ Biên phòng đã lập đền thờ, dựng tượng Anh hùng Trần Văn Thọ trên đỉnh núi vùng ngã ba biên giới. Nơi đó bà con gọi là vùng “Núi thiêng” có dải núi mang hình bóng hai con rồng giữa tầng mây trắng chầu về đền thờ và tượng người anh hùng trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân.

Nhà báo Trần Hữu Tòng sinh năm 1938 tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông có 10 năm làm phóng viên Báo Công an Vũ trang (nay là Báo Biên phòng), 20 năm là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, 5 năm đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa- Thông tin (cũ).

An Kinh

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo