Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt vi phạm tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank

Thứ tư, 03/01/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 29/12/2017, Tổng Thanh tra Chính phủ chính thức ban hành Thông báo số 3216/TB-TTCP kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Thông báo kết luận đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm của Vietcombank và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành xử lý các đơn vị, cá nhân liên quan đến những vi phạm này.

Sự kiện: Vietcombank

Căn cứ theo Văn bản số 2819/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 10/11/2017 về Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Vietcombank, ngày 20/12/2017, Văn phòng Chính phủ đã ra Văn bản số 588/TB-VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra nói trên. Nội dung thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Vietcombank tập trung vào một số nội dung chính: cho vay, xử lý rủi ro, bán nợ, cơ cấu nợ, việc tăng vốn, thoái vốn đầu tư, việc mua sắm thiết bị tin học.

Thông báo kết luận do Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Ngô Văn Khánh ký đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm, khuyết điểm trong đó, vấn đề đầu tiên được nhắc đến là về hoạt động tín dụng. Trong việc thẩm định, phê duyệt cho vay, một số khoản vay tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác...

Về giải ngân vốn vay, một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt, chứng từ giải ngân không đầy đủ; giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ (kiểm tra bản gốc hóa đơn bán hàng) dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn ngân hàng... Việc kiểm tra sử dụng vốn vay tại các chi nhánh thực hiện không đầy đủ theo quy định dẫn đến không kiểm soát được việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Một số hồ sơ tín dụng còn không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo theo quy định; việc định giá chưa theo quy định; hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo không công chứng, không lưu giữ được hồ sơ theo quy định. Tài sản bảo đảm chưa được mua bảo hiểm đầy đủ, không đủ tỷ lệ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng, không ký lại hợp đồng thế chấp khi hợp đồng thế chấp hết hiệu lực. Việc phân loại nợ chưa đúng quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN và Công văn số 2506/NHNN-CSTT. Liên quan đến xử lý rủi ro nợ, một số hồ sơ có nguyên nhân từ việc vay Vietcombank đã vi phạm các quy định của hoạt động tín dụng. Sau khi xử lý rủi ro, Vietcombank chưa có biện pháp kiên quyết, phù hợp để thu hồi nợ (như phát mại tài sản, bán nợ...).

Báo Công luận
 

Vi phạm trong hoạt động bán nợ, Vietcombank đã ban hành Quyết định (510/QĐ-VCB.XLTHN ngày 19/7/2013 và Quyết định số 217/QĐ-VCB ngày 3/4/2013) về hướng dẫn việc mua bán nợ không rõ ràng, không cụ thể, dẫn đến trong quá trình thực hiện có sự nhầm lần giữa các bước (đăng thông tin bán nợ trên phương tiện thông tin đại chúng, thuê đơn vị thẩm định giá, để xác định giá trị khoản nợ làm cơ sở xác định giá bán nợ sau khi Vietcombank đã thỏa thuận với khách hàng về giá bán). Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ủy quyền cho Vietcombank bán các khoản nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng khi chưa thực hiện bán nợ theo hình thức đấu giá là chưa đúng với quy định của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, VAMC tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 8666/NHNN-TTGSNH ngày 21/11/2014 là không đúng.

Trong hoạt động đầu tư tài chính, Vietcombank cũng mắc hàng loạt các vi phạm như việc góp vốn, mua cổ phần của Vietcombank chưa hoàn toàn phù hợp với những quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vietcombank có cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp Gentraco (từ tháng 7/2006  đến tháng 10/2014) và TCTD là MB (từ năm 1994), nhưng doanh nghiệp lại là cổ đông hoặc công ty con của TCTD lại là cổ đông của Vietcombank là chưa đúng quy định. Vietcombank còn chậm thoái vốn tại những doanh nghiệp ngoài ngành, lĩnh vực và những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với việc tăng vốn trong giai đoạn 2014-2015.

Đối với vi phạm trong hoạt động mua sắm tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ khi kiểm tra 02 gói thầu công nghệ thông tin, thấy Vietcombank thực hiện chưa đúng quy trình và nội dung đầu tư, các yêu cầu về an toàn, bảo mật; năng lực của cán bộ thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật...; chưa kiểm soát chặt chẽ đối với nhà thầu dẫn đến ngay sau khi trúng thầu và hợp đồng được ký kết, các nhà thầu đã chuyển nhượng cho đơn vị khác thực hiện mà Vietcombank không nắm được. Đến thời điểm kiểm tra gói thầu “Mua sắm giải pháp Flash caching cho hệ thống máy chủ” chưa hoàn hành và đưa vào sử dụng.

Từ những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Tổng Thanh tra Chính Phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), theo thẩm quyền, tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm nêu tại kết luận này. Yêu cầu Thống đốc NHNNVN sớm tham mưu, đề xuất cho Chính phủ những giải pháp để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại nói chung và các khoản nợ mà VAMC đã mua của các TCTD nói riêng, theo hướng tách bạch giữa việc bán nợ và bán tài sản để thu hồi nợ.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị NHNNVN theo thẩm quyền tiến hành tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân của VAMC và Vietcombank có vi phạm nêu trong kết luận này. Chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ủy quyền, giám sát Vietcombank bán nợ. Đối với các hồ sơ bán nợ, Vietcombank đã có vi phạm trong việc cấp tín dụng đối với các hồ sơ bán nợ, cần phải được làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị NHNN giao cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng thanh tra việc cấp tín dụng của Vietcombank đối với các hồ sơ bán nợ để làm rõ trách nhiện, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về việc xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị yêu cầu Chánh thanh tra NHNN các cấp xem xét xử lý các vi phạm hành chính theo quy định đối với những vi phạm hành chính được chỉ ra trong Kết luận thanh tra. Đối với khách hàng đã trả hết dư nợ gốc nhưng chưa thu đủ lãi, yêu cầu Vietcombank tiếp tục đôn đốc khách hàng để thu hồi, tránh mất vốn. Yêu cầu Vietcombank khi quyết toán đối với 2 gói thầu của 2 công ty đã có vi phạm trong chuyển nhượng phải loại trừ khỏi giá trị quyết toán với số tiền là 1,174 tỷ đồng gồm Công ty CP công nghệ thông tin và truyền thông  - Tecapro 0,774 tỷ đồng; Công ty CP Thông tin Tiên Tiến tinh hoa nay là Công ty CPAURACA là 0,4 tỷ đồng.

Thanh tra Chính Phủ cũng kiến nghị đối với Vietcombank, phải tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân theo thẩm quyền quản lý; đồng thời đề xuất hoặc áp dụng ngay các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý yếu kém, khuyết điểm, vi phạm. Vietcombank phải chấn chỉnh công tác liên quan đến hoạt động cho vay, bán nợ; chấn chỉnh công tác hoạt động đầu tư tài chính và mua sắm tài sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm: Chỉ đạo, giám sát Vietcombank trong việc xử lý các khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Sóng Thần và Công ty Trường Xuân đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất có thể trong thu hồi nợ và theo đúng kế hoạch; Báo cáo, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin./.

Quốc Trần - Thành Vinh 

Tin khác

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra
Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

(CLO) Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đã trúng hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng ở hầu hết các Công ty Điện lực trên địa bàn TP. Hà Nội.

Điều tra