Huyện Sóc Sơn bao che cho sai phạm phá nát rừng phòng hộ của hai gia đình ca sỹ Mỹ Linh, họa sĩ Thành Chương?

Thứ tư, 17/10/2018 09:09 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sự việc hàng chục héc ta rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) bị tàn phá để xây dựng trái phép không chỉ diễn ra gần đây mà đã từ năm 2006; Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP Hà Nội đã công bố nhiều sai phạm. Tuy nhiên, thay vì xử lý những sai phạm theo đúng quy định của pháp luật thì trong buổi họp báo ngày 16/10, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết “suốt 12 năm” liền vẫn loay hoay tìm cách tháo gỡ.

Sự kiện: hoạ sĩ

Chiều ngày 16/10/2018, Thành ủy Hà Nội cùng UBND huyện Sóc Sơn đã tiến hành tổ chức họp báo với nội dung: “Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018”. Dự cuộc họp có ông Trần Xuân Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Đào Văn Sửu - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn.

Buổi họp báo đã “nóng” với những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí là việc rừng phòng hộ Sóc Sơn đang bị tàn phá; thay vào đó là những biệt thự, lâu đài, homestay nghỉ dưỡng, việt phủ... Đặc biệt là việc xử lý vi phạm trên đất rừng phòng hộ của gia đình ca sỹ Mỹ Linh - Anh Quân (xã Minh Phú), Việt phủ Thành Chương của họa sỹ Thành Chương (xã Hiền Ninh) sau kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2006.

Báo Công luận
Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phát biểu tại buổi họp báo. 

Những câu hỏi được đặt ra xoay quanh nội dung: Từ thời điểm gia đình ca sỹ Mỹ Linh - Anh Quân, Việt phủ Thành Chương được cơ quan chức năng kết luận là xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ (từ năm 2006) đến nay UBND huyện Sóc Sơn đã xử lý ra sao? Lãnh đạo huyện Sóc Sơn là ông Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn sau khi tiếp nhận hàng loạt câu trả lời có nội dung trọng tâm như trên đã trả lời: “Công trình này nằm trong danh sách các công trình trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra đất rừng Sóc Sơn từ năm 2006. Các nội dung trong kết luận thanh tra UBND huyện cũng đã thực hiện. Nội dung cụ thể chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản”.

Câu trả lời trên của đại diện phát ngôn cho UBND huyện Sóc Sơn khiến cả hội trường sững sờ bởi suốt 12 năm liền, huyện Sóc Sơn vẫn đang loay hoay không biết trả lời ra sao, rồi xin “khất” bằng văn bản.

Trước câu hỏi: "Vì sao cho đến nay UBND huyện Sóc Sơn vẫn không thể trả lời trực tiếp cơ quan báo đài về sự việc trên mà lại khất bằng văn bản?", ông Đỗ Minh Tuấn lý giải: “Nhà của ca sỹ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương là công trình trong giai đoạn trước nên cần có sự thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp để xử lý công trình theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ”. Ông Tuấn cũng cho rằng đây là hai công trình lớn, UBND huyện cũng đã báo cáo UBND TP để tìm cách tháo gỡ.

Báo Công luận
Công trình trên đất rừng phòng hộ - đặc dụng tại xã Minh Phú của gia đình ca sỹ Mỹ Linh - Anh Quân mà UBND huyện Sóc Sơn báo cáo "đang tìm cách tháo gỡ" trong suốt 12 năm qua. Ảnh: VOV 

Trước những câu trả lời của lãnh đạo huyện Sóc Sơn có thể thấy rằng: Chỉ đạo xử lý những sai phạm trên đất rừng phòng hộ của UBND TP Hà Nội từ giai đoạn 2006 đến nay (theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ) tới UBND huyện Sóc Sơn đều bị “vô hiệu hóa”. Bởi nếu 12 năm qua UBND huyện Sóc Sơn vẫn đang báo cáo TP Hà Nội để tìm cách “tháo gỡ” thì sẽ không có chuyện xử lý sai phạm. Và cho đến nay, công trình sai phạm của gia đình ca sỹ Mỹ Linh - Anh Quân, Việt phủ Thành Chương của họa sỹ Thành Chương vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật. Phải chăng báo cáo chỉ là lý do để UBND huyện Sóc Sơn bao che cho những sai phạm khủng này được tồn tại?

Thông tin về việc nhiều héc ta rừng tại hai xã Minh Trí và Minh Phú đang bị phá nát xây biệt thự, lâu đài, homestay nghỉ dưỡng, Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết: Tại xã Minh Trí hiện nay có 27 công trình vi phạm trật tự xây dựng trong đó có 22 công trình nằm trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ. Xã Minh Phú có 18 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ (do Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý) đều nằm tại thôn Lâm Trường.

Thông tin trên là những nội dung báo chí đã đăng tải trong nhiều tuần qua về thực trạng rừng phòng hộ bị xâm hại tại xã Minh Trí và Minh Phú. Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm ở đây là: Chủ nhân của những công trình sai phạm kia là ai? Việc chuyển nhượng mua bán trái phép đất rừng đã diễn ra được bao lâu? Có bao nhiêu trường hợp? Hồ Đồng Đò đã bị lấn lấn chiếm với diện tích ra sao?... thì tất cả đều không có trong báo cáo cũng như trả lời báo chí của lãnh đạo huyện Sóc Sơn. Trong khi đó, buổi họp báo có mặt Trưởng phòng TN&MT, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện với “đầy đủ hồ sơ” để trả lời và cung cấp đến báo chí, thì những vị này chỉ đến để ngồi nghe và theo dõi.

Báo Công luận
Việt phủ Thành Chương tại xã Hiền Ninh của họa sỹ Thành Chương vẫn ngang nhiên tồn tại mặc dù được chỉ rõ sai phạm. 

Hiện nay, tại các khu homestay nghỉ dưỡng, biệt thự, lâu đài mọc trái phép trên đất rừng phòng hộ tại hai xã Minh Trí và Minh Phú, việc kinh doanh diễn ra rầm rộ. Nhiều hoạt động ngoài trời có sử dụng lửa như làm lẩu nướng, đốt lửa trại dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chỉ đạo cơ quan Công an huyện, Công an các xã kiểm tra, xử lý việc kinh doanh trái phép, tạm vắng tạm trú, lưu trú qua đêm thì ông Đỗ Minh Tuấn lại trả lời một cách qua loa, đối phó rằng: Hiện nay việc các khu nghỉ dưỡng chỉ tiến hành quảng cáo trên mạng, chưa có xảy ra về việc mất an ninh trật tự... Phải chăng chờ đến khi xảy ra mất an ninh trật tự lãnh đạo huyện Sóc Sơn mới tiến hành xử lý những điểm kinh doanh trái phép này?

Kết thúc buổi họp báo thông tin trên, nhiều cơ quan báo chí đều tỏ ra không hài lòng với những câu trả lời của đại diện UBND huyện Sóc Sơn. Sự việc đang được UBND TP Hà Nội giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra toàn diện đất đai, trật tự xây dựng tại xã Minh Trí và Minh Phú. Hi vọng rằng sau cuộc thanh tra này những sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng sẽ được chỉ đạo, xử lý nghiêm, dứt điểm.

Báo Công luận
Nối tiếp những sai phạm trên, siêu tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden tại xã Minh Trí cũng đang băm nát quy hoạch rừng phòng hộ. 

 

Sai phạm của Việt Phủ Thành Chương: Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu: Phủ Thành Chương diện tích xây dựng khoảng 3.000 m2- 8.000m2. Nguồn gốc đất quy hoạch là đất rừng đặc dụng, trước đây HTX giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh liên kết (có giấy xác nhận của UBND xã Hiền Ninh). Sau khi mua ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố, có sai phạm xâm chiếm đất rừng; suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng (phạt cho tồn tại), sau đó ông Chương tiếp tục xây dựng cho đến nay.

Đối với công trình nhà vườn của vợ chồng ca sỹ Mỹ Linh - Anh Quân: Năm 2001, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng gần 12.700 m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân lâm trường Sóc Sơn). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận, UBND huyện cấp giấy sử dụng đất ở là 600 m2 trên tổng diện tích gần 12.700 m2 đất rừng phòng hộ.

Năm 2009, gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng 01 nhà (1 tầng), diện tích khoảng 300m2, kết cấu khung cột, vì kèo sắt, mái lợp ngói, xung quanh ốp kính; 01 nhà thu âm diện tích khoảng 90m2, kết cấu vì kèo sắt, mái lợp ngói, xung quanh ốp kính, sử dụng bể bơi diện tích 60m2, diện tích sân trồng cỏ khoảng 300m2. Toàn bộ khu nhà, đất có tường bao quanh.

 

Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Tin khác

Nghệ An: Chính quyền buông lỏng quản lý để vi phạm xây dựng của Công ty Nhật Huy không được ngăn chặn?

Nghệ An: Chính quyền buông lỏng quản lý để vi phạm xây dựng của Công ty Nhật Huy không được ngăn chặn?

(NB&CL) Tuy chưa hoàn thiện thủ tục về giao đất, cấp giấy phép xây dựng nhưng Công ty Cổ phần chế biến gỗ Nhật Huy vẫn ngang nhiên triển khai xây dựng Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhựa kỹ thuật Mega, tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Điều tra
Việt Yên (Bắc Giang): “Dở khóc, dở cười” chuyện hỗ trợ con giống dự án giảm nghèo tại xã Tiên Sơn

Việt Yên (Bắc Giang): “Dở khóc, dở cười” chuyện hỗ trợ con giống dự án giảm nghèo tại xã Tiên Sơn

(NB&CL) Với mục tiêu giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, UBND xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) đã cấp phát con giống cho hộ nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trái với mục tiêu ban đầu, việc triển khai đã khiến nhiều hộ dân “dở khóc, dở cười” với những con giống được hỗ trợ.

Điều tra
Điều tra việc cung ứng hơn 20 tấn lạc giống nghi kém chất lượng cho nông dân Quảng Bình

Điều tra việc cung ứng hơn 20 tấn lạc giống nghi kém chất lượng cho nông dân Quảng Bình

(CLO) Gần 20 tấn lạc giống có dấu hiệu giả giống lạc L14 đã cung ứng cho bà con nông dân xã Trường Sơn là loại lạc dùng để ăn, không phải lạc giống nên Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra.

Điều tra
Công ty Việt Hùng gian lận đấu thầu tại xã Yên Lâm (Yên Mô): Công an tỉnh Ninh Bình đang xác minh vụ việc

Công ty Việt Hùng gian lận đấu thầu tại xã Yên Lâm (Yên Mô): Công an tỉnh Ninh Bình đang xác minh vụ việc

(CLO) Thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và thương mại Việt Hùng gian lận doanh thu để trúng thầu dự án tại xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) đã được lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo và đang trong quá trình xác minh chưa có kết luận vụ việc.

Điều tra
Cử nhân viên thời vụ đi xác minh thông tin đấu thầu, bị khiếu kiện vì ngừng thương thảo hợp đồng với nhà thầu?

Cử nhân viên thời vụ đi xác minh thông tin đấu thầu, bị khiếu kiện vì ngừng thương thảo hợp đồng với nhà thầu?

(CLO) Câu chuyện Ban QLDA Xây dựng Giao thông tỉnh Bắc Ninh ký hợp đồng thời vụ với 1 số cá nhân, mang văn bản đến các đơn vị để xác minh thông tin đầu thầu khiến doanh nghiệp chưa hết bức xúc.

Điều tra