Kỳ II: Những "rào cản" bất thường ?

Thứ bảy, 21/10/2017 13:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vì sao vụ tàn phá những cánh rừng Pơmu khởi tố từ tháng 3 nhưng đến tháng 8 Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) mới báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra hiện trường lần một, tiếp đó tháng 9 báo cáo kết quả lần hai và đến nay vẫn chưa có số liệu cuối cùng. Vì sao người dân dẫn đường cho phóng viên tiếp cận hiện trường liên tục bị kiểm tra gắt gao…Đó là những rào cản bất thường của một số cơ quan chức năng liên quan đến vụ phá rừng.

 

Báo Công luận
 Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Nỗi lòng người dẫn đường

Ngày 29/9 chúng tôi lên kế hoạch vào rừng lần ba với quyết tâm tiếp tục điều tra hết số gỗ Pơmu do người dân báo đã bị đốn hạ tại hai khoảnh 15,16 của tiểu khu 681, địa phận xã Lưu Kiền thì việc nhờ cậy ông Kha Văn Dậu (bản Văng Môn, xã Tam Hợp) dẫn đường gặp trở ngại vì ông Dậu từ chối.

Lý do ông Dậu từ chối là bởi sau chuyến dẫn đường lần hai trở về thì cán bộ Đồn biên phòng Tam Hợp gọi lên hỏi “vì sao lại dẫn người lạ vô rừng”, “dẫn họ vô rừng làm gì”? “Hỏi đi hỏi lại từng đó xong thì biên phòng đòi phạt 200.000 đồng. Tôi nói, họ là người không quen biết thật đó nhưng họ vô rừng làm việc chung của Nhà nước. Họ không biết đường thì mần răng đi được. Tôi không đi xe lai thì dẫn họ vô rừng lại được trả tiền công về nuôi cháu nhỏ như đi xe lai vậy thôi, có chi mà phạt”, ông Dậu thành thật kể lại.

Sau biên phòng là cán bộ trạm quản lí rừng phòng hộ địa bàn, kiểm lâm thay nhau gọi điện để kiểm tra ông Dậu có ở nhà hay đi đâu. Phóng viên Đài truyền hình huyện cũng gọi ông ra thị trấn để phỏng vấn. Cực quá, ông Dậu nói có trả tiền xăng thì ông mới đi chứ hết người này đến người khác, khi thì điện thoại, khi đi qua, đi lại trước nhà hoặc vô nhà thăm dò, hỏi han, mệt lắm. Sau khi chúng tôi thông tin cho ông Dậu biết Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng vừa đồng ý để phóng viên vào rừng rồi, ông nên giúp thêm một chuyến. Ông Dậu lắc đầu lia lịa, nói: “Họ ngăn cản rồi nên tôi ngại lắm, không đi nữa”.

Do được lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (gồm đại tá Lê Như Cương, chính ủy và Đại tá Trần Công Minh, phó chính ủy) đồng ý hỗ trợ chúng tôi vào rừng sau khi trình báo đầy đủ thủ tục, Đồn biên phòng Tam Hợp sẽ cử một chiến sĩ đi cùng. Lúc 18g cùng ngày tốp phóng viên có mặt tại Đồn biên phòng Tam Hợp. Khác với đợt rút “quân” lần trước, lãnh đạo đồn biên phòng lộ vẻ lạnh nhạt khi thấy chúng tôi đến. Trực ban chỉ cho chúng tôi vị trí ngồi dưới gốc cây cuối sân, gần gác bảo vệ. Thượng tá Phạm Huy Hoàng, chính trị viên đồn gặp chúng tôi nhưng chưa tiếp ngay vì còn đi thể dục. Đại úy Lê Thanh Hải, phó đồn trưởng lo đánh bóng chuyền. Gần 19h, làm xong thủ tục vào vùng biên biên giới, chúng tôi xuống dốc núi đi tìm nơi tá túc. Đó là nhà ông Vừ Chông Lầu ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp. Nhà ông Lầu mất điện nên mọi sinh hoạt diễn ra dưới ánh đèn pin, điện thoại của các phóng viên. Việc cần kíp nhất lúc này là nhờ ông Lầu tìm hai dân bản biết đích xác địa điểm rừng bị tàn phá để dẫn hai mũi phóng viên lên hai khoảnh 15 và 16, tiểu khu 681. Ông Lầu liền cầm điện thoại rồi liên lạc bằng tiếng Mông. Xong, ông nói: “Có rồi. Sáng mai đi giờ nào cung được”.

Báo Công luận
Tốp phóng viên trên đường vào rừng để tác nghiệp độc lập (người đi trước là ông Kha Văn Dậu). 

Sau đó khoảng 30 phút, điện thoại ông Lầu vang lên liên tục. Đầu tiên là cuộc gọi của một cán bộ Đồn biên phòng Tam Hợp. Ông Lầu cho biết với nét mặt không vui vì “biên phòng dặn không được tìm dân bản đưa người lạ vô rừng”. Tiếp đó, là cuộc gọi của người dẫn đường báo lại “không đi nữa”. Chúng tôi hỏi lý do, ông Lầu nói: “Họ nói trưởng bản vừa thông báo trên loa phóng thanh về việc không cho phép dân bản Phá Lõm đưa người lạ vô rừng”. Nhà ông Lầu mất điện nhưng đêm đó cứ rậm rà, rậm rịch tới khuya. Khi thì công an viên của bản đến kiểm tra giấy tờ phóng viên. Khi thì người mặc thường phục, cổ đeo dây chuyền bạc, nói tiếng kinh đến “tâm sự” chuyện tầm phào. Khi thì đại úy Hải (phó đồn trưởng), thượng úy Thành (chính trị viên phó) mang chiếc áo cũ xuống tặng ông Lầu lúc hơn 22g mặc dù không hẹn trước. Tặng xong, hai người vào ngó anh em phóng viên đang nằm ngủ trên nền nhà.

Chúng tôi hỏi ông Lầu có cách gì để tìm được người dẫn đường nữa không. Ông Lầu bảo: “Biên phòng không đồng ý thì không ai được đi đâu”. Nói đoạn, ông giới thiệu cho chúng tôi một người dân tộc Thái cũng rất thạo nghề đi rừng và biết nơi rừng pơ mu bị tàn phá. Chúng tôi nôn nóng hỏi người đó là ai, ông Lầu đáp: “ Ông Dậu ở bản Văng Môn”. Chúng tôi thất vọng rồi kể chuyện ông Dậu đã từ chối như thế nào. Nghe xong ông Lầu lắc đầu, nói “ tại biên phòng làm khó thôi”. Chúng tôi gọi về Đại tá Trần Công Minh, báo chuyện bất thường do dân bản không dẫn đường. Đại tá Minh nói: “Chúng tôi làm việc với Đồn biên phòng Tam Hợp rồi. Chuyện dân bản chúng tôi biết”.

Sáng 30/9. Chúng tôi quyết định tìm gặp trưởng bản Phá Lõm tên Dềnh. Tại nhà văn hóa bản, sau khi chúng tôi nói chuyện nhờ trưởng bản tìm giúp người dẫn đường, ông Dềnh cho hay, việc này không khó vì dân bản biết nơi rừng bị phá rồi nhưng phải có ý kiến chỉ đạo của xã, huyện thì mới dám quyết định. Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch huyện và ông Phạm Thanh Hoàng, Bí thư Huyện ủy Tương Dương nêu ý kiến của ông Dềnh nhưng cả hai ông này đều nói “chúng tôi làm việc qua xã, rồi xã chỉ đạo bản”. Nói thế nhưng mãi tận trưa khi chúng tôi liên lạc với Chủ tịch xã Tam Hợp thì chỉ nghe tút…tút. Trong lúc đó, Đồn biên phòng Tam Hợp cũng không cử chiến sĩ đi cùng như lời hứa của lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An vì lý do “anh em vừa đi công tác về đang còn mệt”.

Còn bao trắc ẩn.

Trên đường rút ra thị trấn Hòa Bình, phóng viên Cường “lào” ở Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC nêu một câu hỏi xoáy: “ Giá Biên phòng bảo vệ rừng như “chăm sóc” dân bản thì rừng đâu đến nỗi bị tàn phá khủng khiếp như thế nhỉ?”. Nói đoạn, anh đọc hai câu: Thông tin ém nhẹm tận cùng/Còn bao trắc ẩn dọc rừng Pơ mu.

Ra tới thị trấn Hòa Bình, chúng tôi đến ngay trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương để phỏng vấn cán bộ phụ trách. Do trưởng ban quản lý đang đi học lớp Chính trị cao cấp ở TP.Vinh nên anh Nguyễn Công Mậu (phó ban trực) tiếp. Phóng viên hỏi anh Mậu về diễn biến hiện tại của vụ phá rừng, anh Mậu, trả lời: “Cái này tôi không nói được vì cấp trên chỉ đạo”. Tại hạt kiểm lâm, anh Lương Vĩnh Phước, hạt phó không biết rừng bị tàn phá là rừng pơ mu mà theo anh đó là rừng sa mu (!) Trong khi trao đổi, anh Phước luôn nhấn mạnh “từ khi xảy vụ việc, tháng nào đoàn kiểm tra cũng vào rừng để thực thi nhiệm vụ. Mỗi tháng đi 2-3 lần. Thậm chí có tháng đi năm lần”.

Báo Công luận
  Hiện trường vụ phá rừng ở 2 xã Tam Hợp, Lưu Hiền

Tại Huyện ủy Tương Dương, khi trả lời về kết quả kiểm tra vụ việc, ông Hoàng và ông Hải vẫn không cho biết hai báo cáo do các ông đã gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan. Hai ông chỉ cho biết vụ án xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau. Hiện chưa xác định được số liệu. Nhà báo muốn tìm hiểu số liệu đang ở Công an huyện. Hiện cơ quan chức năng đang mở rộng rà soát trên rừng thuộc địa bàn hai xã Tam Hợp, Lưu Kiền.

Chúng tôi về xuôi nhưng đầu óc luôn nghĩ về bao trắc ẩn đang bị dấu kín trên những cánh rừng pơ mu bị tàn phá. Và nguồn tin người dân cho biết có hơn 300 cây pơ mu bị đốn hạ cứ đeo đẳng mãi.

Không quản lý tốt, không răn đe được thì dẫn đến “phong trào” phá rừng

“Việc các cơ quan liên quan đến vụ phá rừng không hợp tác với nhà báo là căn bệnh cố hữu ở địa phương. Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm mọi sai phạm. Đến mức điều tra đến đâu sẽ xử lý đến đó. Không quản lý tốt, không răn đe được sẽ dẫn đến “phòng trào” phá rừng.

Số liệu báo cáo của UBND huyện và huyện ủy Tương Dương chưa đủ độ tin cậy nên chưa thể coi là số liệu cuối cùng. Vì thế Thường trực tỉnh ủy họp bàn, giao Công an tỉnh trực tiếp vào cuộc để tìm ra cái gốc vụ việc, từ số lượng cây, khối lượng gỗ bị đốn hạ. Vụ án cũng đã được chuyển hồ sơ về Công an tỉnh thụ lý.

Cán bộ không nên che dấu, không nên bưng bít việc làm sai trái. Sai thì phải thừa nhận và chịu xử lý nghiêm. Thà đau một lần để giữ rừng cho tốt. Càng dấu càng mất rừng. Kể từ hôm nay (ngày 2/10) các phóng viên muốn vào rừng là đi được ngay. Việc dẫn đường, bảo vệ nhà báo do Công an tỉnh đảm nhiệm. Tỉnh ghi nhận những thông tin của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp độc lập trong rừng góp phần làm rõ sự thật vụ án này”.

       (Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An)

Vũ Toàn

Tin khác

Nam thanh niên dùng CMND giả mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc cá độ

Nam thanh niên dùng CMND giả mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc cá độ

(CLO) Theo cơ quan Công an, từ năm 2018 đến tháng 11/2023, Nguyễn Tất Thành đã sử dụng 3 tài khoản ngân hàng để liên kết với các trang mạng nhằm thực hiện giao dịch chuyển nhận tiền thắng thua. Trung bình mỗi trận đấu bóng đối tượng tham gia đặt cược từ 10 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Vụ án
Bắt 4 đối tượng sử dụng ma túy, phát hiện thêm 10 kg thuốc lắc ở Quảng Bình

Bắt 4 đối tượng sử dụng ma túy, phát hiện thêm 10 kg thuốc lắc ở Quảng Bình

(CLO) Công an bắt 4 đối tượng đang có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở căn nhà riêng, mở rộng điều tra và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc, phát hiện thêm 10 kg thuốc lắc.

Vụ án
Bắt đối tượng xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ một số tổ chức, cá nhân trong vụ án Hồ Duy Hải

Bắt đối tượng xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ một số tổ chức, cá nhân trong vụ án Hồ Duy Hải

(CLO) Bị can Nguyễn Đức Dự và Hoàng Quốc Việt đã biên tập nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ một số tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan tư pháp tỉnh Long An và TAND tối cao, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án giết người, cướp tài sản do Hồ Duy Hải thực hiện.

Vụ án
Bắt Giám đốc Công ty vàng bạc trang sức Huỳnh Thắng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

Bắt Giám đốc Công ty vàng bạc trang sức Huỳnh Thắng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

(CLO) Sau khi nhận vàng của 15 chành, thợ; Huỳnh Thắng đã chỉ đạo nhân viên nấu lại thành vàng khối. Tổng số lượng vàng gần 987 lượng vàng 18k, tương đương số tiền hơn 35 tỷ đồng để chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Vụ án
Lừa bán phần mềm theo dõi điện thoại, cựu cán bộ Công an lĩnh án

Lừa bán phần mềm theo dõi điện thoại, cựu cán bộ Công an lĩnh án

(CLO) Sáng 28/3, thông tin xác nhận từ Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương, đơn vị vừa xét xử một cựu cán bộ Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cùng 2 đồng phạm về hành vi lừa bán phần mềm theo dõi, đọc trộm tin nhắn, nghe lén trên điện thoại.

Vụ án