EMC “tố cáo” Hanoimilk: Bản chất sự việc bị đảo chiều?

Thứ năm, 19/04/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong đơn tố cáo gửi cơ quan báo chí, Công ty Cổ phần Thiết bị và Ô tô Việt Nam (EMC) phản ánh: Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) đã có hành vi trái pháp luật trong việc đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 11.069m2 đi thế chấp ngân hàng. Hanoimilk đã góp vốn cùng EMC đầu tư trên diện tích 11.069m2 trị giá 30 tỷ năm 2007, nhưng đến nay gian dối, không chịu cùng EMC định giá để đối trừ công nợ…

Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ và tài liệu mà chúng tôi có được thì bản chất sự việc không phải như vậy.

Thực tế, Hanoimilk có mang GCNQSDđ đối với tổng diện tích 39.621,5m2 tại Km số 9, Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (thuộc địa bàn thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) thế chấp cho Ngân hàng BIDV Chi nhánh Quang Minh và có đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 22/8/2007.

Gần 4 tháng sau, ngày 15/12/2007, Hanoimilk ký hợp đồng số 09/2007/HĐ-HNM cho EMC thuê  300m2 nhà xưởng cũ (nằm trên lô đất có diện tích 5.600m2) để xây dựng nhà xưởng mới kinh doanh gara ô tô. Thời hạn thuê là 10 năm, tính từ ngày 1/1/2008, giá tiền thuê đất trọn gói là 2,688 tỷ đồng. 

Ngoài ra, EMC còn sử dụng khoảng 3.520m2 đất làm hành lang đường để có lối đi ra đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (diện tích này Hanoimilk được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao tại Quyết định 490/QĐ-UB ngày 6/2/2002). Sau đó, đầu năm 2008, EMC có đầu tư xây dựng diện tích nhà xưởng và Showroom khoảng 11.069m2 trên diện tích được thuê nói trên.

Ngày 25/3/2009, Hanoimilk có Công văn số 32/2009/CV đề nghị BIDV Chi nhánh Quang Minh xác nhận tài sản mà EMC đầu tư xây dựng trên diện tích đất 5.600 m2 không nằm trong tài sản mà Hanoimilk đã thế chấp.

 Văn bản này đã được đại diện BIDV Chi nhánh Quang Minh xác nhận và EMC cũng có trong tay văn bản này, nhưng EMC vẫn gửi đơn tới nhiều nơi tố cáo Hanoimilk lấy tài sản của EMC để thế chấp ngân hàng.

Báo Công luận
 Công trình showroom ô tô được Công ty Thiết bị và Ô tô Việt Nam xây dựng trên đất thuê của Hanoimilk, hiện đang cho Cty ô tô Đông Nam thuê.

Liên quan đến việc góp vốn, EMC cung cấp Biên bản họp HĐQT Hanoimilk đồng ý tham gia góp vốn 3 tỷ đồng và Biên bản họp HĐQT EMC quyết định đầu tư diện tích nhà xưởng, showroom trên đất thuê của Hanoimilk vào cuối năm 2007.

Lý giải về việc không trả tiền thuê đất cho Hanoimilk, phía EMC cho rằng tỉnh Vĩnh Phúc cho Hanoimilk thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nhà máy chế biến sữa, nhà xưởng sữa tiệt trùng nhưng Hanoimilk đã cố tình vi phạm khi liên doanh với EMC đầu tư xây dựng nhà xưởng kinh doanh dịch vụ ô tô.

 Vì vậy, hợp đồng 09/2007/HĐ-HNM là “vô hiệu” nên EMC không trả tiền thuê đất(?). Còn số tiền góp vốn 3 tỷ đồng mà Hanoimilk muốn rút ra, EMC cũng chưa trả với lý do là EMC “nhận nợ” hộ một cá nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Yến, chứ bản thân EMC không nợ Hanoimilk khoản tiền này.

Tuy nhiên, phía Hanoimilk lại cung cấp một số văn bản, trong đó có Công văn số 74/2009/CV-HNM ngày 28/6/2009 của Hanoimilk về việc “Rút phần vốn góp” và đã được ông Nguyễn Minh Cường - Chủ tịch HĐQT EMC ký xác nhận đồng ý. Tại văn bản này, EMC thống nhất sẽ cam kết trả tiền góp vốn của Hanoimilk trong 3 tháng, kể từ ngày 30/6/2009. 

Sau đó, tại các Biên bản làm việc và đối chiếu công nợ vào ngày 12/8/2010 và ngày 25/7/2011, chính ông Cường lại 2 lần nữa ký xác nhận số tiền EMC nợ và cam kết trả nợ.

Theo đại diện Hanoimilk: Việc EMC thay đổi Đăng ký kinh doanh vào năm 2013 để bà Nguyễn Thị Hồng Yến (vợ ông Nguyễn Minh Cường - Chủ tịch HĐQT EMC) đứng tên sở hữu số cổ phần của Hanoimilk không thay đổi bản chất nợ tiền Hanoimilk. 

Từ lâu, Hanoimilk đã không còn là cổ đông của EMC và vì vậy việc góp vốn trong quá khứ không thể là lý do để EMC bấu víu, chây ì không trả tiền góp vốn và tiền thuê nhà đất 10 năm qua cho Hanoimilk. 

Đến nay đã hết hạn thuê nhà đất gần 4 tháng, EMC vẫn không trả lại mặt bằng nhà xưởng đã thuê cho Hanoimilk. Theo Biên bản làm việc tại Công an huyện Mê Linh ngày 12/1/2018, EMC đã xác nhận số tiền nợ gốc là 2.867.758.920 đồng. Nếu tính cả lãi suất phạt trả chậm theo thỏa thuận thì tổng số tiền nợ lên tới trên 10 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện Hanoimilk: Mặc dù thời hạn thuê nhà đất của Hanoimilk kết thúc vào ngày 31/12/2017, nhưng từ nhiều năm nay EMC đã tự ý ký hợp đồng cho một số đơn vị khác, trong đó có Trung tâm Đăng kiểm 29-04V thuê lại tới năm 2020 và mỗi tháng thu lợi trên 220 triệu đồng.

 Do vậy, EMC đã gửi đơn vu cáo Hanoimilk và sử dụng mọi thủ đoạn để chiếm giữ nhà đất của Hanoimilk.

Liên quan đến nội dung tranh chấp hợp đồng giữa Hanoimilk và EMC, luật sư Nguyễn Xuân Toán - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi hết hạn hợp đồng, giữa hai bên không có thỏa thuận nào ràng buộc Hanoimilk phải có nghĩa vụ cho thuê tiếp nên EMC phải thực hiện quy định của hợp đồng, trả lại mặt bằng cho Hanoimilk. 

Việc EMC cho rằng hợp đồng vô hiệu là không có căn cứ bởi chưa có phán quyết nào của Tòa án về việc này, do vậy, EMC phải trả tiền thuê đất và các khoản tiền lãi phát sinh theo hợp đồng đã ký.

Ngoài ra, theo luật sư Toán, việc EMC chây ì không trả nợ, không trả lại mặt bằng có thể coi là hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, EMC có thể bị xử phạt hành chính. 

Còn nếu hành vi trên tái diễn thì các cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 177 Bộ Luật hình sự 2015 “Tội sử dụng trái phép tài sản”.

Được biết, hiện nay Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý vụ việc này. Để giải quyết rốt ráo vụ việc cũng như đảm bảo cho lẽ phải, công lý được thực thi, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, đề nghị Công an TP. Hà Nội xem xét một cách khách quan; nếu nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự thì cần phải khởi tố, điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thế Vũ

 

Tin khác

Bắt 'nữ quái' mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ ở Nghệ An

Bắt 'nữ quái' mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ ở Nghệ An

(CLO) Lợi dụng thông thạo địa bàn, phong tục, tập quán, Vân thường xuyên móc nối với các đối tượng từ khu vực biên giới huyện Quế Phong hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ huyện Quế Phong đi các huyện Quỳ Hợp, Đô Lương, Tân Kỳ và các vùng phụ cận để tiêu thụ.

Vụ án
Bắt 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Bắt 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

(CLO) Công an thành phố Hà Nội thông tin cho biết, Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ.

Vụ án
Hải Phòng: Phát hiện thi thể thiếu nữ 15 tuổi trong vườn chuối

Hải Phòng: Phát hiện thi thể thiếu nữ 15 tuổi trong vườn chuối

(CLO) Sáng 20/4, lãnh đạo UBND xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng xác nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng.

Vụ án
Bắt khẩn cấp lãnh đạo Tập đoàn Tâm Lộc Phát về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

Bắt khẩn cấp lãnh đạo Tập đoàn Tâm Lộc Phát về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

(CLO) Để tạo lòng tin, nhóm của Nguyễn Thị Khuyên đã đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng (khoảng 2,93%/tháng). Qua đó, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Vụ án
'Thầy ông nội” Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm về tội Loạn luân

"Thầy ông nội” Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm về tội Loạn luân

(CLO) Bị cáo Lê Tùng Vân, người đứng đầu trong vụ "Tịnh thất Bồng lai" vừa bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An khởi tố thêm tội danh.

Vụ án