Cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu

Thứ bảy, 17/02/2018 11:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lịch sử thế giới trước hết là cuộc đua tranh quyền lực của các nước lớn. Gương mặt thế giới đã từng chịu biết bao vết chém dữ dằn của chiến tranh và xung đột. Khuấy động, áp chế, khuynh đảo vũ đài quốc tế hiện thời không ai khác vẫn là những “ông lớn” đã và đang án ngữ mặt tiền đời sống quốc tế từ nhiều thập kỷ nay.

Những gì diễn ra trong năm 2017 và những ngày đầu năm 2018 tiếp tục làm nẩy sinh những câu hỏi lớn về tiến trình của thế giới đương đại, cách thức giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia, cách thức hoá giải các nguy cơ, về trách nhiệm của các quốc gia đối với những cam kết quốc tế. Điều đáng chú ý nhất trong năm qua và chắc chắn còn kéo dài sang 2018 chính là sự triển khai chiến lược mới của các cường quốc, có thể dẫn tới sự chuyển dịch vị thế trong cục diện “bàn cờ lớn”.

Cuối năm 2017, khi công bố bản chiến lược an ninh quốc gia dài 68 trang, Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Mỹ, “có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”, rằng “Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ”. Trong bản chiến lược đó, Mỹ coi Nga là nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế, đang ra sức làm suy yếu những lợi ích của Washington cả ở trong và ngoài nước, rằng “Nga muốn khôi phục vị thế cường quốc lớn và thiết lập tầm ảnh hưởng gần các đường biên giới của họ”. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ cũng xác định Trung Quốc muốn thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mở rộng tầm với của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý, và thiết lập lại trật tự trong khu vực rộng lớn này theo hướng có lợi cho Bắc Kinh...

Chiến lược an ninh quốc gia này của Tổng thống Donald Trump phản ánh những ưu tiên trong chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết”, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Với việc công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, tôi tuyên bố nước Mỹ đã vào cuộc và sẽ thắng lợi”.

Điểm khác biệt nhất trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump so với chính quyền trước đó của ông B. Obama là không xác định biến đổi khí hậu là một trong những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Điều này không hoàn toàn bất ngờ bởi hồi đầu năm 2017, ông Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Obama có phần giảm nhẹ tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân thì ông Trump xem đây là “nền tảng trong chiến lược”. Trong ngân sách quốc phòng kỷ lục lên tới 700 tỷ USD dành cho năm 2018, ông Trump dành tới 120 tỷ USD để phát triển vũ khí hạt nhân. Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump khẳng định: “Mỹ sẽ xây dựng lại sức mạnh quân sự để đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ luôn đứng đầu.”

Gần một năm rưỡi đã trôi qua, cho dù nhìn dưới góc độ nào thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 vẫn được coi là sự kiện quốc tế đặc biệt chấn động. Nước Mỹ choáng váng, thế giới cũng choáng váng. Vẫn biết Mỹ là đất nước của những thái cực, của những mâu thuẫn, là nơi mà điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vẫn là điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Chủ nghĩa dân túy đã thắng thế trong trận đấu sống mái này! Người đàn ông 70 tuổi, tóc trắng, lừng danh trong giới kinh doanh và quen thuộc trong các chương trình truyền hình thực tế, với những phát ngôn gây sốc khi tranh cử, đã đưa ra không ít tuyên bố trái ngược với chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Obama. Trong bầu không khí tranh cử bị đốt nóng, tâm lý cử tri dễ bị xáo trộn, những ngôn từ “châm lửa” này đã tác động mạnh đến những cử tri Mỹ đang chối bỏ thực tại và mong đợi sự đổi thay.

 

Báo Công luận
Ganh đua địa chính trị sẽ định hình thế giới năm 2018. 
Bây giờ, nước Mỹ vẫn đang chập chờn trước những câu hỏi lớn. Ông Trump đã ngồi trong Nhà Trắng hơn một năm, nhưng vẫn có người đặt câu hỏi: Ông là Tổng thống thứ 45 hay là “Giám đốc điều hành” nước Mỹ? Chưa từng một ngày tham gia chính trường, vừa bước vào chính trường là chạy đua ngay vào Nhà Trắng, Donald Trump quả thực là một con người khác thường. Giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bằng những cách thức “vô tiền khoáng hậu” năm trước, còn năm 2017 ông đã điều hành nước Mỹ theo một cách thức không giống ai, để rồi hai năm liền, Donald Trump được tạp chí Thời đại bình chọn là Người của năm. Những quyết định của ông từ khi vào Nhà Trắng đã gây chấn động và đảo lộn lớn: Mỹ rút khỏi hoặc đòi đàm phán lại hàng loạt hiệp định, thỏa thuận đa phương như Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Thoả thuận hạt nhân với Iran, Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)... Đặc biệt, tuyên bố của ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã đốt nóng khu vực Trung Đông, khiến 128 nước tại Liên hợp quốc bỏ phiếu phản đối quyết định này.

 

Năm ngoái, khi chọn ông Trump là nhân vật của năm, tờ Thời đại không quên nhấn mạnh: “Donald Trump là Tổng thống của một nước Mỹ chia rẽ”. Đoàn kết và thống nhất một nước Mỹ đang mang trong mình nhiều uẩn khúc, mâu thuẫn và xung đột như thế hiển nhiên là một nhiệm vụ đầy thách đố đối với một người vừa bước chân vào chính trường như ông Trump. Bước vào năm 2018, cuốn sách có nhan đề “Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump” của nhà báo chính trị Micheal Wolff đã thực sự gây bão trên chính trường Mỹ. Trong cuốn sách này, ông Bannon, người từng được coi là “cánh tay phải” của ông Trump, nói rằng ông Trump là người có tính khí thất thường, không thực sự muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và cũng “chưa chuẩn bị” cho việc trở thành Tổng thống. Tác giả cuốn sách mô tả sự sửng sốt và khiếp đảm mà nhóm tranh cử của ông Trump trải qua khi ông giành chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton. “Ngay sau 8h vào tối bầu cử, khi điều không ngờ tới rằng Trump có thể chiến thắng dường như được xác nhận, Don Jr đã nói với một người bạn rằng cha của anh trông cứ như đã gặp ma. Melania đã khóc và không hề vui mừng”, Wolff viết. Ông hé lộ, trong chưa đầy một giờ, Trump chuyển từ trạng thái mụ mị sang hoài nghi, hoảng loạn rồi cuối cùng đột ngột tin rằng ông xứng đáng và hoàn toàn có thể trở thành Tổng thống Mỹ. Trước những tuyên bố này, ông Trump cho rằng Bannon đã bị “mất trí”. Còn dư luận Mỹ lại đặt câu hỏi về sức khoẻ tâm thần của ông Trump khiến Nhà Trắng phải khẳng định “sức khoẻ tâm thần của Tổng thống hoàn toàn bình thường”

Cho dù gặp phải nhiều sóng gió, nhất là cuộc điều tra về việc “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giúp ông Trump thắng cử”, nhưng nhìn chung, ông Trump cũng đã qua được năm đầu tiên trong nhiệm kỳ với một số kết quả đáng kể mà lại không phải chịu tổn thất gì quá lớn. Năm 2017, kinh tế Mỹ tăng trưởng khá, nạn thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất hàng chục năm qua. Mặc dù vậy, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với câu hỏi lớn: Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài như siêu cường duy nhất, hay có xu hướng co về bên trong? Người ta có thể tìm thấy câu trả lời thực chất trong khi ông Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới và chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phải chăng chiến lược này của Mỹ là để ứng phó với Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc đang được triển khai trên quy mô rộng khắp chưa từng có?

 

Báo Công luận
Một cuộc thử tên lửa  của Triều Tiên. 
Khi triển khai chiến lược đối ngoại mới, ông Trump phải đối mặt với một loạt hồ sơ khu vực rất phức tạp, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Năm qua, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên rất căng thẳng khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu vào tháng 9 có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay và liên tục bắn thử các loại tên lửa mới phát triển có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Dưới sức ép của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối tháng 12/2017 đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới, là nghị quyết thứ tư trong năm 2017, nhằm vào Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận chung khiến bán đảo Triều Tiên càng chìm trong không khí thù địch. Theo khẩu khí của ông Trump, có lúc người ta tưởng như chiến tranh là điều khó tránh khỏi. Nhưng thật bất ngờ khi CHDCND Triều Tiên đã chủ động đưa ra đề nghị đối thoại với Hàn Quốc, buộc Mỹ cũng phải hạ giọng, làm cho tình hình càng khó dự đoán trong năm 2018.

 

Khi siêu cường Mỹ gặp những rắc rối cả về đối nội và đối ngoại, khiến tiếng kèn điều binh nhiều khi cứ ngập ngừng tiến lui không rõ thì Trung Quốc, quốc gia gần 1,4 tỷ người, trỗi dậy với một tốc lực đáng kinh ngạc và một khát vọng cháy bỏng thật sự đáng ngại. Có thể nói trong những thập kỷ gần đây, không có một nước nào thực hiện chiến lược bứt phá mà đạt được những bước tiến lớn như Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. “Hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa” là lời kêu gọi được phát đi như một lời hiệu triệu của ông Tập Cận Bình - người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ năm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Năm 2049, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi, đó là cái mốc được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định cho việc hoàn thành những mục tiêu đã được xác định. Trung Quốc đã tiến hành thành công Ðại hội lần thứ 19 Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xác định vị trí lịch sử và phương hướng phát triển đất nước trong thời đại mới. Đại hội 19 này đã đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc. “Kỷ nguyên mới” của Trung Quốc là chủ đề chính xuyên suốt Báo cáo chính trị được ông Tập Cận Bình đọc trong suốt gần 4 giờ tại Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 19 hôm 18/10/2017. Trong báo cáo đó, ông Tập 26 lần gọi Trung Quốc là “siêu cường” hoặc “cường quốc”. Về đối nội, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ phát triển và quy mô đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đáng kể nhất là chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt với tên gọi “đả hổ diệt ruồi” do ông Tập Cận Bình phát động đang làm rung chuyển toàn xã hội Trung Quốc. Về đối ngoại, các sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và đặc biệt là sáng kiến Vành đai, Con đường... do ông Tập khởi xướng đã cải thiện vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tất cả những  điều đó cho thấy rõ hơn những bước đi trên cấp độ mới của một chiến lược đầy tham vọng. Ứng xử với quốc gia phương Đông khổng lồ và khó lường này đang là bài toán chiến lược hóc búa nhất của Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Nước Nga, dưới bàn tay chèo lái của ông V. Putin trong 3 nhiệm kỳ Tổng thống và 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, đang vươn dậy để tìm lại bóng dáng của mình, tiếp tục khẳng định vị thế một cường quốc thế giới. Mặc dù bị phương Tây kéo dài lệnh cấm vận do Nga thu hồi bán đảo Crimea và vấn đề Ukraine, nhưng nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và đạt mức tăng trưởng 1,7%. Đặc biệt, vị thế quốc tế của Nga đã tăng lên rất nhiều do Nga góp phần quan trọng đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), không để việc giải quyết vấn đề Syria bị trượt vào kịch bản của Mỹ. IS sau hơn ba năm xuất hiện như một thứ quái thai của lịch sử (29/6/2014) đã bị đánh sập với thành trì cuối cùng của chúng tại Syria và Iraq đã được giải phóng. Mặc dù IS đã bị đánh bật khỏi hai quốc gia này, nhưng thế giới vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm do IS sẽ thay đổi phương thức hoạt động theo kiểu “những con sói cô độc” tiến hành các vụ khủng bố tại nhiều nước.  

Việc ông V. Putin tuyên bố ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ tư cho thấy nước Nga sẽ vẫn tiếp tục đi theo đường hướng hiện nay nhưng với phong thái mạnh mẽ hơn. Lần thứ ba, và tới đây có thể là lần thứ tư, nước Nga quyết định trao quyền tối thượng lãnh đạo đất nước cho V. Putin, điều đó chứng tỏ quốc gia vĩ đại này vẫn rất cần Putin. Làm Thủ tướng hay Tổng thống, Putin vẫn là thủ lĩnh chính trị của nhân dân Nga. Với một sự linh hoạt và quyết đoán đáng khâm phục, ông đã biết chớp lấy các cơ hội để từng bước giành lại vị thế quốc tế xứng đáng cho đất nước mình.

Rõ ràng, Moscow đã từng kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi quan điểm của Mỹ theo hướng giảm căng thẳng dưới thời Donald Trump. Thế nhưng sau một năm cầm quyền, những gì ông Trump mang lại chỉ khiến Nga cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp thuận việc Nga sáp nhập Crimea. Các lệnh trừng phạt (của Mỹ) liên quan tới vấn đề Crimea sẽ vẫn được duy trì cho tới khi Nga trao trả quyền kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea cho Ukraine. Ở đông Ukraine, chúng tôi sẽ cùng với các đối tác châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga cho tới khi Nga rút quân khỏi vùng Donbas”, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết.

Trong tam giác chiến lược Nga - Trung - Mỹ, những năm tới, quan hệ cặp Nga - Trung vẫn phát triển ổn định, tiếp tục dựa vào nhau, tạo cho hai cường quốc Phương Đông này vị thế cần thiết  để đương đầu với sức ép từ Mỹ và một số nước phương Tây. Trong khi đó, quan hệ cặp Nga - Mỹ, cũng như cặp Trung - Mỹ sẽ còn gặp nhiều trắc trở,  bấp bênh do mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, cũng như do tranh chấp về một số vấn đề cụ thể cả về chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế.

Báo Công luận
Người tị nạn Syria dạt vào đảo Lesbos, Hy Lạp. (Nguồn: AP) 
Trong cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, cũng không thể không nói tới một châu Âu nhiều năm liền chìm đắm và rối bời trong cuộc khủng hoảng nợ công, mãi tới gần đây dường như mới hoàn hồn với sự phục hồi chập chờn, yếu ớt. Đang phải căng sức đương đầu với cơn bão nợ công thì châu Âu phải đối mặt với dòng người tị nạn chạy trốn chiến tranh và xung đột từ các nước Trung Đông như Iraq, Syria, Libia, Afganistan… Đúng lúc hai thảm cảnh nợ công và người tị nạn đang làm cho châu Âu điêu đứng thì nước Anh - một cường quốc của lục địa già - quyết định rời bỏ EU sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016. Cuộc thoái lui tai hại này của nước Anh đã giáng một đòn nặng nề vào những nỗ lực đưa con tàu EU ra khỏi bão tố vào thời điểm gay go nhất. Cuộc đàm phán gay go để Anh rời khỏi EU mới đi được nửa chặng đường và sẽ còn phức tạp.


Từ mấy chục năm nay, bên trong cánh cửa của “ngôi nhà chung”, châu Âu vẫn  chưa thể ra khỏi cuộc tranh cãi triền miên về những vấn đề nội bộ của mình - thể chế, trách nhiệm và bước đi 

“nhất thể hóa”. Bây giờ lại xuất hiện thêm những vấn đề mới nóng bỏng và nguy nan hơn. Dù đã không biết bao nhiêu lần “chỉnh đốn” “lên dây cót” củng cố, nhưng châu Âu vẫn tỏ ra quá mong manh trước các cuộc tấn công khủng bố với những “lỗ hổng chết người” về an ninh. Các cuộc tấn công khủng bố gần đây hầu hết do các phần tử cực đoan bị nhiễm độc tư tưởng của IS gây ra, trong đó có cả những tên khủng bố trà trộn trong dòng người tị nạn.

Điều gì đang de dọa châu Âu? Rõ ràng, vào lúc này, nguy cơ khủng bố, dòng người tị nạn dẫn đến những thảm họa nhân đạo, sự lệch pha và hội nhập khó khăn của một số thành viên mới và yếu… là những vấn đề nghiêm trọng đang làm châu Âu rã rời. Những giá trị mà châu Âu theo đuổi đang bị thách thức và lung lay. Việc theo đuổi những giá trị đó không cho phép EU ngoảnh mặt thờ ơ trước dòng người tị nạn đang bị đẩy vào cảnh khốn cùng tuyệt vọng, nhưng nếu tiếp nhận thì vấn đề nan giải không chỉ là tài chính mà có thể còn nảy sinh biết bao hậu họa, trong đó có cả nguy cơ bọn khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn để tới hủy diệt các nước châu Âu từ bên trong. Có một thực tế đang xuất hiện như một nghịch lý: dòng thác toàn cầu hóa càng mạnh, thế giới càng hội nhập sâu thì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan càng phát lộ. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt. Sự kiện ông Trump thắng cử ở Mỹ đang kích thích các thế lực theo chủ nghĩa dân tuý trỗi dậy. Giới chức EU nỗ lực ngăn cản phong trào ly khai đang có xu hướng lan rộng tại các nước thuộc “lục địa già”, nhất là sau khi chính quyền xứ Catalonia tại Tây Ban Nha tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại nước này.

Một cục diện quốc tế mới đang manh nha, hay đây là một thời kỳ “hỗn mang” được bao phủ bởi một màn sương mù khó xác định? Trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai châu Á đang tăng trưởng trở lại và một đất nước Ấn Độ với số dân hơn 1 tỷ người đang bước ra từ không gian truyền thống cổ xưa của nền văn minh sông Hằng để vươn tới một chân trời phát triển mới trong thời đại truyền thông số.

Là siêu cường duy nhất, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, Mỹ có một ảnh hưởng toàn cầu có tính bao trùm. Cho dù Trung Quốc đang trỗi dậy với một tốc lực đáng gờm, Nga đang vươn dậy với khát vọng cháy bỏng tìm lại bóng dáng siêu cường đã mất, Châu Âu xốc lại đội ngũ sau những rối bời, Nhật có thể bước vào một kỷ nguyên cất cánh mới, Ấn Độ tỉnh giấc vươn vai trong thời đại mới,… nhưng trong khoảng 20 năm tới, Mỹ vẫn nắm giữ sức mạnh điều tiết và khống chế thế giới.

Vũ đài quốc tế hôm nay là cuộc đua tranh quyền lực rất quyết liệt vì lợi ích của các quốc gia. Tiếng gọi của lợi ích đang ngày càng riết róng. Thế giằng kéo quyền lực đang đan cài hết sức phức tạp, luôn đòi hỏi sự năng cảm của các nhà hoạch định và điều hành chính sách quốc gia. Nhưng đấu trường này không thể là một cái nồi cao áp bị bịt kín, nhiệt độ cứ tăng mãi, tăng mãi do sự va chạm, cọ xát của các cuộc tranh chấp. Dung hòa lợi ích ở những thời điểm cần thiết chính là cái van xì hơi để tránh cho chiếc nồi khỏi bị lật tung. Đó là sự mách bảo khôn ngoan trong cuộc đua tranh quyền lực của các quốc gia, nhất là của các cường quốc trong thời đại toàn cầu hóa khi mà lợi ích của các quốc gia ngày càng tùy thuộc lẫn nhau.❏

Nhà báo Hồ Quang Lợi

 

Tin khác

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

(CLO) Hệ thống phòng không lỗi thời khiến Iran dễ bị Israel tấn công nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định phớt lờ áp lực toàn cầu để trả đũa trực tiếp bằng loạt tên lửa và máy bay không người lái.

Thế giới 24h
Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

(CLO) Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine đã bị bắt hôm 17/4 trong khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ), sau khi cảnh sát New York giải tán một khu trại do sinh viên dựng lên để biểu tình chống lại hành động của Israel ở Gaza.

Thế giới 24h
UAE chật vật phục hồi sau lượng mưa lớn hiếm có trong lịch sử

UAE chật vật phục hồi sau lượng mưa lớn hiếm có trong lịch sử

(CLO) Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang chật vật phục hồi sau khi lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận đổ bộ vào quốc gia sa mạc này.

Thế giới 24h
Truyền thông Iran nói Israel đã tấn công, UAV xuất hiện trên bầu trời Isfahan

Truyền thông Iran nói Israel đã tấn công, UAV xuất hiện trên bầu trời Isfahan

(CLO) Truyền thông Iran đưa tin hôm 19/4 rằng lực lượng nước này đã phá hủy máy bay không người lái (UAV) trên bầu trời thành phố Isfahan, vài ngày sau khi Iran không kích trả đũa vào Israel.

Thế giới 24h
Argentina muốn trở thành đồng minh của NATO

Argentina muốn trở thành đồng minh của NATO

(CLO) Argentina hôm thứ Năm đã chính thức yêu cầu gia nhập NATO với tư cách là đối tác toàn cầu, trong bối cảnh chính quyền cánh hữu của Tổng thống Argentina Javier Milei muốn cường quan hệ với các cường quốc phương Tây và thu hút đầu tư.

Thế giới 24h