ASEAN cam kết nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản

Thứ tư, 14/11/2018 20:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 14/11, tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu về quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản; tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP.

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21 và kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, với tư cách là quốc gia điều phối, thay mặt các nước ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chính về quan hệ ASEAN - Nhật Bản.

Báo Công luận
 Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhận định quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh, đạt kết quả rất tích cực trên cả 3 trụ cột hợp tác vì hòa bình và an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư và hướng đến người dân. Nhiều hoạt động đã và đang được triển khai tích cực, nhất là về an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, đào tạo nâng cao năng lực pháp luật, thúc đẩy pháp quyền và hợp tác quốc phòng. Nhật Bản là đối tác thương mại thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 tại ASEAN, đồng thời là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển ODA hàng đầu cho nhiều nước ASEAN.

Thủ tướng khẳng định ASEAN đánh giá cao hỗ trợ của Nhật Bản qua Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản (JAIF) trong các lĩnh vực hợp tác về y tế, môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ và sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong thúc đẩy và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của mỗi bên cũng như của khu vực.

Chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nước ASEAN nhất trí phát huy hơn nữa nền tảng tốt đẹp trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản 45 năm qua, hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm ở khu vực, phối hợp cùng ASEAN tại các diễn đàn do ASEAN chủ trì, đóng góp thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định coi trọng vai trò của ASEAN, nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực của ASEAN. Thủ tướng Abe thông báo về kế hoạch tổ chức Ngày ASEAN - Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2019 nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa người dân hai bên.

Thủ tướng Nhật Bản cũng công bố nhiều sáng kiến hợp tác quan trọng như quỹ hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) về phát triển hạ tầng khu vực, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng (khoảng 80.000 người trong 5 năm), khai thác cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0, ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe người dân…

Thủ tướng Abe nhấn mạnh ASEAN và Nhật Bản cần nỗ lực đóng góp củng cố hệ thống thương mại đa phương tự do rộng mở, công bằng và dựa trên luật lệ. Thủ tướng Nhật Bản ghi nhận một số nước ASEAN, trong đó có Singapore, Việt Nam và Nhật Bản phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trông đợi sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về các vấn đề quốc tế, khu vực, Thủ tướng Abe tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả và thực chất. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận chia sẻ của Nhật Bản, khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông và mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, tạo dựng môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Thủ tướng hoan nghênh Nhật Bản chia sẻ ý tưởng về thúc đẩy hợp tác kết nối hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất để nâng tầm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai bên cũng như khu vực.

Việt Nam cũng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Abe tổ chức Ngày ASEAN-Nhật Bản và sẵn sàng cùng Nhật Bản tổ chức thành công sự kiện này trong năm 2019.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN - Nhật Bản nhất trí thông qua Tuyên bố 45 năm kỷ niệm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản.

* Cũng trong chiều 14/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Báo Công luận
 Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã thông qua Tuyên bố chung về đàm phán Hiệp định RCEP, trong đó hoan nghênh tiến bộ quan trọng đạt được trong năm 2018 và khẳng định kết quả này đã đưa cuộc đàm phán đi vào giai đoạn cuối cùng.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán để đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư trong toàn khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trên toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những nỗ lực và kết quả mà đoàn đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt được trong năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng chống tự do thương mại đang nổi lên; cho rằng đây là thời điểm để nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định.

Để hướng tới kết thúc thành công đàm phán Hiệp định RCEP, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, linh hoạt phù hợp hướng tới mục tiêu chung; thúc đẩy xây dựng Hiệp định RCEP thực sự trở thành một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích, trong có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên. Thủ tướng cho rằng RCEP phải là một khuôn khổ hợp tác thúc đẩy thương mại, đầu tư, đem lại thịnh vượng chung cho toàn khu vực.

PV

Tin khác

Đề nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

Đề nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

(CLO) Ông Hồ Văn Điềm - nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai bị đề nghị kỷ luật vì đã thiếu kiểm tra, không phát hiện việc nữ kế toán của cơ quan chiếm dụng khoảng 3,5 tỉ đồng từ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Tin tức
Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ủy quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện giải quyết 13 thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tin tức
Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

(CLO) Bí thư Thành ủy Nam Ninh mong muốn thời gian tới, thành phố Nam Ninh và tỉnh Hà Nam xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, logistics; giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, du lịch

Tin tức
Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện"; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện; yêu cầu dứt khoát hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6.

Tin tức