Cây quạt kỳ lạ và phong trào thi đua những ngày khởi đầu

Thứ năm, 24/05/2018 05:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Kể từ ngày 11/6/1948 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, đến nay phong trào thi đua yêu nước đã đi qua chặng đường 70 năm với rất nhiều những dấu ấn, những câu chuyện khó quên. Trong số đó, câu chuyện về chiếc quạt kỳ lạ vẫn được nhắc đến nhiều như một điểm nhấn đầy ý nghĩa của phòng trào thi đua yêu nước.

Từ lá thư “Hỏa tốc”

Với mục tiêu “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, ngày 11/6/1948, từ Nà Lọm, xã Phú Đình - trung tâm của An toàn khu (ATK) Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều...”. 

Nhưng để phong trào thi đua hiệu quả, không chỉ cần những con người tham gia thi đua mà cần cả những người làm nhiệm vụ thúc đẩy, làm nòng cốt cho phong trào thi đua. Bởi thế, ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Nhân sự  của Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương  gồm các ông: Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm (thay mặt Chính phủ); ông Bồ Xuân Luật, Nguyễn Xiển (thay mặt Quốc hội); cụ Tôn Đức Thắng, ông Dương Đức Hiền, ông Hoàng Quốc Việt, Đỗ Đức Dục (thay mặt các đoàn thể nhân dân). 

Sau đó, theo đề nghị cá nhân của ông Nguyễn Xiển (do bận nhiều công việc của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Bắc Bộ và các công việc khoa học khác nên không tham gia được), ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 207-SL cử ông Hoàng Đạo Thuý, nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn vào Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương thay ông Nguyễn Xiển.

Báo Công luận
Ông Hoàng Đạo Thúy 

Trong một cuốn nhật ký ghi lại những ngày đầu tham gia phong trào thi đua ái quốc, ông Hoàng Đạo Thúy từng hé lộ những chi tiết đầy thú vị về duyên cớ đã đưa ông đến với cương vị một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào thi đua ngày ấy. Ông viết:

“Năm 1948, tôi đang ở Cục Quân huấn. Bỗng có “Hỏa tốc” đến. Mở ra đọc, tôi vừa phấn khởi, lại vừa sững sờ. Thay đổi thế này ư? Thư rằng:

“Gởi ông Hoàng Đạo Thúy

 Lão đồng chí,

Nay có một việc rất quan trọng, cần có một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm, và tính xốc vác. Tức là việc Tổng bí thư cho Ban thi đua Trung ương.

Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy. Chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên quốc phòng và tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp, song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách dàn xếp.

Chào thân ái và quyết thắng!

6/48 Hồ Chí Minh”.

Báo Công luận
Bác Hồ và các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Ðại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. 

Thật là rõ ràng và chu đáo. Cụ đã đề bạt mình làm “lão đồng chí”. Nét chữ của cái máy của Cụ đây. Một vị Chủ tịch nước đang kháng chiến, giữa hai buổi họp của Hội đồng chính phủ, quyết định thay người rồi tự đánh máy thư gọi cán bộ, cho cầm đi luôn.

Tôi lập tức lên yên. Giữa đường gặp đồng chí Tổng chỉ huy. Đồng chí bảo: “Ông cụ đã quyết định. Phải làm thôi. Khi nào công việc có kết quả, chuyển cho người khác được, thì về vậy”…

Một mái tranh nứa, che một tấm phên đan lóng đôi, không rộng hơn chiếc chiếu. Ba phía có vách, cũng bằng phên. Tất cả đặt lên bốn cột tre cao độ 2 mét. Trèo lên bằng một thang tre. Kiến trúc đã khá cũ rồi. 

Trên chiếu có một cái tráp, ồ không, một cái hòm bao đồ bằng gỗ tạp. Trên vách cài một cái điếu píp, một cái quạt, đúng cái quạt của các cụ nhà quê ta, quạt thước, vừa để quạt, vừa che nắng, vừa để xua chó. Cụ chỉ cái tẩu, cười:

- Tê-lê-phôn của tôi đấy.

Cụ rút cái tẩu, gõ vào ống tre, là chú liên lạc chạy ngay đến. Ngồi một lúc thì Cụ Thoại Sơn (Cụ Tôn), trưởng ban vận động thi đua ái quốc đến.

Cụ Chủ tịch thết hai chúng tôi một bữa cơm, y như bữa cơm thường, với đậu phụ, rau chấm tương. Chắc vì có khách, nên có thêm đĩa dạ dày lợn và chai rượu vơi quá nửa…

Cơm xong, Cụ Tôn ra về.

Cụ Chủ tịch xê lại gần tôi, Cụ nói giọng đơn sơ nhưng dứt khoát: “Ông bí thư trước nhận nhiệm vụ một tháng mà chưa bắt đầu làm, nên phải nhờ Cụ”.

Rồi Cụ nói tiếp: “Tôi trao cho Cụ toàn quyền hành động. Phải tuyên truyền thật tốt. Tuyên truyền giỏi hơn Mỹ thì càng tốt. Cần tiêu bao nhiêu thì cứ lĩnh. Nếu không lĩnh được thì bảo tôi. Nếu thiếu cán bộ thì lấy một nửa văn phòng của tôi. Yêu cầu là sau một năm phải có phong trào”.

Tôi hiểu ngay. Rõ ràng. Vắn tắt. Quyền hạn rộng rãi. Nhưng nghiêm khắc là ở câu sau cùng.

Tôi thưa:

- Chúng tôi xin hết sức!”…. 

Báo Công luận
Quạt giấy Bác Hồ tặng ông Hoàng Đạo Thúy 

Đến niềm kỳ vọng cùng chiếc quạt kỳ lạ

Chuyện kể lại rằng ngay sau khi được trao trọng trách, khi ông Hoàng Đạo Thúy đến gặp Bác để xin Bác chỉ dẫn, Bác không nói nhiều mà Bác tặng ông một cái quạt. Sau đó, Bác chỉ nói một câu. Bác bảo: “Bác biếu chú một cái quạt để chú quạt cho phong trào lớn mạnh lên”.

Gọi đó là chiếc quạt kì lạ bởi chiếc quạt giấy này vốn là quà tặng của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Người. Là quạt giấy, nhưng chiếc quạt có kích thước không giống những chiếc quạt bình thường (dài 0,76m, có 18 nan xương, trong đó 2 xương ngoài được làm bằng sừng và 16 xương kia bằng tre), nên còn được gọi là quạt thước. 

Giấy quạt màu nâu, trên hai mặt của quạt, các nghệ nhân châm kim làng Canh Hoạch đã châm trên mặt trước của quạt đó những nét hoa văn, những dòng chữ và câu thơ có hàm ý sâu xa.

Nhận món quà quý từ vị cha già dân tộc, người lãnh đạo chủ chốt của phong trào thi đua lúc ấy sớm nhận ra kỳ vọng lớn lao mà vị Chủ tịch nước dành cho những người làm công tác thi đua nói riêng, phong trào thi đua nói chung. 

Ông cũng nhận ra ý nghĩa sâu xa trong câu nói của Bác, trong đó có việc phải làm sao cho phong trào thi đua có sức lan tỏa rộng rãi và đều khắp đến mọi nơi, đến mọi tầng lớp nhân dân, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những năm tháng sau đó, chiếc quạt đã theo sát ông Hoàng Đạo Thúy, như một vật chứng thiêng liêng luôn nhắc ông cùng các thành viên Ban vận động Thi đua ái quốc các cấp tận tâm, tận lực làm tròn lời Người dặn, góp phần đưa phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta được tổ chức, triển khai sâu rộng, hiệu quả, thiết thực trên cả nước. 

Không chỉ chuẩn bị nội dung, chương trình, cách thức thi đua sát thực, phù hợp điều kiện thực tế, rộng khắp trong tất cả các cấp, các địa phương, các ngành, các giới, các đoàn thể,v.v.. dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và các cấp, phong trào Thi đua yêu nước đã không chỉ được nhân rộng, mà còn được thổi “mạnh lên” thực sự. 

Ông Hoàng Đạo Thúy cùng các vị trong Ban vận động đã cố gắng vừa làm thực tế, vừa rút kinh nghiệm, “sau một thời gian tìm tòi và chuẩn bị, và mặc dầu gặp nhiều khó khăn” phong trào “Thi đua ái quốc của ta đã có kết quả đầu tiên”. 

Tại Đại hội chiến sĩ thi đua và gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế”.

Năm 2008, kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trưng bày gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật trong đó có chiếc quạt giấy Bác Hồ tặng cho ông Hoàng Đạo Thúy, Tổng Bí thư Ban Vận động Thi đua ái quốc Trung ương năm 1948.

 

Hà Anh (Tổng hợp)

Tin khác

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Vương Đình Huệ dự chỉ đạo buổi Lễ.

Tin tức
Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tin tức
Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

(CLO) Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Tin tức
Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư, nâng cấp tuyến cao tốc phân kỳ; trong đó, có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ....

Tin tức
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

(CLO) Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Tin tức