Đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc thu hồi tài sản chưa rõ nguồn gốc

Thứ năm, 31/05/2018 21:38 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại tổ 6 (bao gồm các đại biểu Quốc hội các Đoàn: Thái Bình, Hải Phòng, Bình Định) vào chiều nay, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.

Không thể thu hồi bằng mọi giá

Nhiều đại biểu thống nhất rằng, cần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng cũng như hiệu quả của công tác này thông qua việc thu hồi được tài sản về cho Nhà nước. Tuy nhiên, làm sao để Luật có tính khả thi, đi vào cuộc sống cũng như tránh xung đột với các quy định tại các luật khác là những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập.

Cho rằng, việc thu hồi được tài sản tham nhũng thì công cuộc chống tham nhũng mới thực sự có hiệu quả, đại biểu Quốc hội Thuận Hữu (Đoàn Hải Phòng) cho biết, kết quả tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng từ 2005, đã xét xử hơn 4.000 vụ, số tiền sai phạm hơn 60 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ lại được 4.800 tỷ đồng, tương đương 8% thì “quả thực là nhức nhối”.

Báo Công luận
 Đại biểu Quốc hội Thuận Hữu phát biểu tại thảo luận tổ chiều 31/5

Tuy nhiên, đại biểu cũng rất băn khoăn với quy định trong dự thảo Luật về phần tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật đã vô hình trung đẩy nguyên tắc suy đoán vô tội sang suy đoán có tội, đẩy trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản cho đối tượng bị điều chỉnh, bởi cứ không chứng minh được thì nghiễm nhiên đó là tài sản tham nhũng.

“Tôi thấy thu hồi được tài sản là phấn khởi rồi nhưng phải làm chặt chẽ, không phải làm bằng mọi giá được”, đại biểu Thuận Hữu nói.

Đại biểu cũng lo ngại điều luật này vi phạm quyền tài sản riêng tư của công dân đã được Hiến định. Bởi thực tế có nhiều tài sản có nguồn gốc hợp pháp nhưng người sở hữu không muốn công khai vì nhiều lý do khác nhau.

“Có những vấn đề tế nhị người ta không công khai được, người ta không tiện chứng minh và có khi người ta thà chịu mất tài sản chứ không công khai cái việc ấy ra”, đại biểu chỉ ra một thực tế vẫn đang diễn ra trong cuộc sống.

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có quy định chặt chẽ về điều này, nếu không “thì lại hóa ra làm càn”.

Theo đại biểu, việc kê khai tài sản tới đây cần phải đẩy mạnh thực chất lên. Công chức phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, việc kê khai phải được bổ sung liên tục hàng năm và trở thành cơ sở dữ liệu để cơ quan chức năng có thể kiểm soát được.

Đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) cũng cho rằng, dự thảo Luật không thể quy định theo hướng cảm tính bởi quy định của pháp luật phải đúng sai rõ ràng; việc kết luận tài sản có phải tài sản tham nhũng hay không cần có bản án của Tòa án. Quy định đánh thuế 45% đối với tài sản tăng thêm không giải trình rõ nguồn gốc cũng cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc này.

Đại biểu Nguyễn Phi Long cũng thống nhất cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và nhấn mạnh, vấn đề là phải làm sao vừa thu hồi tài sản, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Có quan điểm khác, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại cho rằng nếu cứ e ngại vướng các quy định, vi phạm quyền tài sản thì “sẽ không giải quyết được việc gì cả”.

Theo đại biểu, đã là đảng viên, công chức, thì phải chấp hành nghiêm điều lệ Đảng và Luật Cán bộ, công chức. Và như vậy, kê khai tài sản là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và họ phải thực hiện, vì thế quy định như dự thảo không hề xâm phạm quyền công dân, quyền tài sản riêng tư.

“Anh là công chức thì anh phải chịu những quy định của Luật Công chức. Cho nên không thể nói tôi là công dân, cái này cần phải bí mật, cái này là của riêng tôi. Anh chấp nhận vào công chức thì anh phải chấp nhận ràng buộc. Nếu không chấp nhận thì anh có thể ra ngoài”, đại biểu nói.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) cho rằng, dự thảo Luật không có nhiều thay đổi so với Luật cũ, việc phòng chống tham nhũng gần đây được làm rất mạnh trong khi vẫn áp dụng Luật cũ, do vậy, đại biểu cho rằng, không phải hiện nay chúng ta thiếu chế tài.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh rằng, điểm mấu chốt trong quy định kê khai này là kiểm soát việc kê khai tài sản. Thực tế trước đây cán bộ, công chức “kê khai cũng thế, không kê khai cũng vậy”, vì không có cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Do đó, đại biểu cho rằng, nếu chỉ dựa vào kê khai mà không kiểm soát được biến động tài sản thì quy định của dự thảo Luật khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị nên lập một cơ quan độc lập, khách quan, riêng biệt; cơ quan này do Quốc hội bầu ra để kiểm soát, xác minh tài sản, vừa không đẩy trách nhiệm chứng minh tài sản cho người kê khai; vừa thu hồi được tài sản tham nhũng.

Giám sát chặt chẽ cán bộ có chức có quyền

Ngoài vấn đề xử lý tài sản tăng thêm, về nội dung đối tượng điều chỉnh, đại biểu Thuận Hữu cũng cho rằng nên áp dụng đối tượng điều chỉnh của Luật này là cán bộ công chức làm việc trong cơ quan Nhà nước, đối với khu vực tư nhân nên có luật khác điều chỉnh.

Theo đại biểu, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh trong điều kiện hiện nay là rất khó nhưng nếu không mở rộng thì người dân lại thắc mắc.

“Trên thực tế, hiện nay doanh nghiệp sân sau của quan chức khá nhiều, nếu không mở rộng tâm lý trong dân thấy không yên tâm, nhưng mở rộng ra cũng khó cho cơ quan Nhà nước”. Đại biểu nói và đề nghị cần cân nhắc kỹ và có giải pháp để đảm bảo chặt chẽ cho vấn đề này.

Đồng thời, đại biểu Thuận Hữu cũng cho rằng, với công chức bình thường có tham nhũng cũng chỉ là tham nhũng vặt, Luật nên tập trung vào đối tượng có chức có quyền, bởi đối tượng này mới có khả năng tham nhũng với số tài sản lớn.

“Cái đối tượng cần tập trung là những anh có chức có quyền, cần có thêm điều luật để điều chỉnh những anh này, cần phải giám sát họ thường xuyên, liên tục”, đại biểu đề nghị.

T.Toàn

Tin khác

Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

(CLO) Ngày 28/3, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tin tức
Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

(CLO) Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hằng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”

Tin tức
Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng.

Tin tức
Kiểm soát việc tận thu khoáng sản từ nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa

Kiểm soát việc tận thu khoáng sản từ nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần thiết phải quy định rõ ràng, minh bạch và kiểm soát việc tận thu các sản phẩm (cát, sỏi, khoáng sản…) từ hoạt động nạo vét để đảm bảo hiệu quả chung, tránh việc lạm dụng chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường, cảnh quan.

Tin tức
Việt Nam và các nhà tài trợ hài hoà hoá thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai dự án ODA

Việt Nam và các nhà tài trợ hài hoà hoá thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai dự án ODA

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Việt Nam và các nhà tài trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần phối hợp chặt chẽ để chia sẻ, thấu hiểu và cùng nỗ lực hài hoà hoá thủ tục để hai bên cùng thắng khi rút ngắn được thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án.

Tin tức