Đại diện Viện kiểm sát khẳng định có lợi ích nhóm trong vụ án

Thứ hai, 15/01/2018 12:23 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 15/1, tiếp tục phiên xét xử vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC), đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa bắt đầu đối đáp lại quan điểm của luật sư, bị cáo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, ông Đinh La Thăng khai việc chỉ định thầu tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong chiến lược phát triển PVN đến năm 2025, chỉ thị người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, chỉ thị phát triển ngành dầu khí tới năm 2015… Tuy nhiên, thực tế kết luận của Bộ Chính trị không đưa ra nội dung chỉ định thầu cụ thể như lời khai của ông Thăng.

Báo Công luận
 Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường trình bày quan điểm đối đáp. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến năng lực thực hiện dự án của PVC, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, ngay từ năm 2010, PVC đã khó khăn về nguồn vốn để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng Công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) tại một số dự án. 

Về kinh nghiệm, theo Viện kiểm sát, PVC không đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu theo yêu cầu của Hồ sơ yêu cầu. Chính bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa cũng thừa nhận PVC không đủ năng lực thực hiện EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, thời điểm đó chỉ có Lilama là có đủ năng lực. 

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, mặc dù biết PVC đang có khó khăn tài chính, không đủ năng lực thi công dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng để tạo điều kiện cho PVC, Đinh La Thăng đã ưu ái, bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu dự án. Sau đó, chỉ đạo các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại PVPower ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC trái quy định của pháp luật, để bị cáo Thanh và đồng phạm tại PVC sử dụng số tiền trên trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. "Điều đó đã thể hiện rõ mối quan hệ lợi ích nhóm", công tố viên nhận định.

Theo đại diện Viện kiểm sát, Hợp đồng EPC số 33 không đủ điều kiện để ký. Do vậy, việc PVN tạm ứng tiền cho PVC là trái quy định pháp luật, cho thấy thực chất việc ký hợp đồng không phải là để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện thi công gói thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa việc chuyển tiền cho PVC sử dụng sai mục đích. 

Liên quan đến việc thu hồi tiền của PVC, theo đại diện Viện kiểm sát, việc PVC thu hồi 1.240 tỉ đồng (tính đến 13/9/2016) là việc thu hồi trong nội bộ tại PVC, không liên quan đến việc thu hồi tiền của chủ đầu tư là PVN đối với số tiền đã tạm ứng cho PVC nhưng không được sử dụng đúng mục đích.

Theo Viện kiểm sát, PVC đã chiếm dụng của PVN 1.115 tỉ đồng. Số thiệt hại được tính trong kết luận giám định chỉ dừng ở ngày 20/3/2012, cách xa thời điểm PVN thu hồi số tiền tạm ứng cho PVC là 20/11/2017. Do vậy, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, "không có căn cứ nào cho rằng PVC đã thu hồi thừa số tiền tạm ứng như luật sư và các bị cáo đã nêu".

Liên quan đến việc xác định hậu quả thiệt hại, Viện kiểm sát cho rằng, trước khi xác định việc PVN tạm ứng cho PVC có làm lợi cho PVC hay không thì phải xác định hành vi của PVN tạm ứng có đúng pháp luật hay không, PVC có được phép sử dụng hay không? Sau khi biết PVC sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích thì PVN có thu hồi lại không? Trong vụ án này, việc xác định thiệt hại được căn cứ vào khoản 3 điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015. "Số thiệt hại đã được xác định là số tiền có lợi cho các bị cáo", đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Viện kiểm sát cũng khẳng định, số tiền thiệt hại trong vụ án là hơn 119 tỷ đồng. Quan điểm của các luật sư và bị cáo cho rằng- việc tạm ứng là không thiệt hại, hoặc thiệt hại không đáng kể là không có sở. 


PV


Tin khác

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nên nghiên cứu chính sách để đưa vào dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

(CLO) Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 4,5 ngày làm việc.

Tin tức
Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

(CLO) UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Việt Nam từ ngày 21-24/4.

Tin tức
ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

(CLO) Tại tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.

Tin tức