Đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực

Thứ sáu, 19/01/2018 20:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26, Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF-26), chiều 19/1, tại Hà Nội, đã diễn ra Phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của các phiên thảo luận toàn thể về chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, hợp tác phát triển kinh tế khu vực. 

Báo Công luận
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu đề dẫn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Trong bối cảnh thách thức trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ cùng những quan điểm khác biệt về hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng tăng, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực càng phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững. 

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp MSME cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, có tư duy mới về cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa và phát triển những hướng kinh doanh mới. Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ phù hợp để tuân thủ và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc gia và quốc tế, đặc biệt cần có chiến lược và giải pháp cụ thể tham gia vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thực tiễn cho thấy, việc hiện thực hóa các cơ hội từ thị trường rộng lớn của khu vực và từ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nỗ lực không chỉ của từng quốc gia mà còn trong liên kết hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt điều này, nhất là nỗ lực cải cách thể chế, chính sách tạo đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó ban hành riêng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ và đang tập trung làm tốt hơn việc rà soát, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách trên cơ sở nguyên tắc thị trường, tôn trọng cạnh tranh bình đẳng và công khai minh bạch. 

Phó Thủ tướng mong muốn tại Diễn đàn quan trọng này, đại diện các Nghị viện và từng nghị sĩ, những người lập pháp, đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức, vượt qua những khác biệt, hướng đến sự phát triển thịnh vượng, bền vững của khu vực và toàn cầu. 

Báo Công luận
 Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo với Nghị viện các quốc gia kết quả các hoạt động trong năm 2017 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và chia sẻ cơ hội, tầm nhìn mới đối với Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương trong những thập kỷ sắp tới. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC cũng là thành viên APPF, hai cơ chế hợp tác đa phương này có mối quan hệ chặt chẽ và chia sẻ nhiều giá trị, mục tiêu chung. Nhiều lĩnh vực APPF và APEC có thể bổ trợ lẫn nhau, cụ thể là thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương; tăng trưởng bền vững và phát triển bao trùm; làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập kinh tế khu vực; ủng hộ hệ thống thương mại đa biên; an ninh lương thực; doanh nghiệp MSME; trao quyền cho phụ nữ. 

Thượng Nghị sĩ Yuen Paul Woo (Canada) cũng cho rằng, các quốc gia trong APEC cũng như APPF cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để hoàn thành các mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực. Mỗi quốc gia đều có những thách thức cụ thể, nếu các quốc gia cùng chung tay hợp tác sẽ hiểu được những khó khăn chung, những công việc cần thực hiện. Khi có sự chia sẻ, các nước trong APPF sẽ đảm bảo được ý chí chính trị chung, từ đó vượt qua khó khăn, hướng tới hợp tác lâu dài, ổn định, cam kết hoàn tất những hiệp định thương mại tự do về phát triển kinh tế và hội nhập khu vực. 

Đại diện Nghị viện Indonesia, Nghị sĩ Nurhayati Ali Assegaf cho biết, hiện Indonesia đã miễn visa cho 93 nước và ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ thúc đẩy đầu tư. Khẳng định tầm quan trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đối với phát triển kinh tế khu vực, nghị sĩ Nurhayati Ali Assegaf cho rằng, các quốc gia APPF cần có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp MSME để nâng cao vai trò của các thành viên nền kinh tế, từ đó tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế khu vực, thúc đẩy bình đẳng giới… 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, doanh nghiệp MSME là nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời là một nhân tố quan trọng trong các liên kết kinh tế song phương và đa phương. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là công nghệ số, các doanh nghiệp này là đối tượng dễ bị tổn thương do hạn chế về quy mô, năng lực tài chính và trình độ công nghệ. Qua hội nghị lần này, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị Nghị viện các nước thành viên APPF tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các thành viên, tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp MSME, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Trước đó, sáng 19/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 đã chủ trì Phiên họp toàn thể thứ nhất APPF-26 về các vấn đề an ninh chính trị. Phiên họp này tập trung vào chủ đề thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia. 

Báo Công luận
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 gặp gỡ các vị đại biểu 

Cho rằng thế giới thay đổi nhanh chóng, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa vững chắc nhưng khu vực châu Á- Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững, vì thế thành quả này cần gìn giữ và phát huy, Phó Chủ tịch Thường trực Nhân đại Trung Quốc Trần Trúc, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc chia sẻ, người dân đang sống trong cộng đồng chung vì thế rất cần môi trường hòa bình. Mỗi nước có điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhưng cần hợp tác xóa bỏ khác biệt, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm. Vấn đề công bằng cần được chú trọng, tiếp tục duy trì việc tuân thủ nguyên tắc chung của Liên hợp quốc, trật tự thế giới. Để đảm bảo môi trường an ninh toàn khu vực, đối mặt với nhiều thách thức an ninh rộng lớn, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cần hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sengouance Sayalat cho rằng, bối cảnh thế giới biến đổi khó lường, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy tác động đến nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế nhưng toàn cầu hóa vẫn là xu hướng phổ biến của thế giới. APPF là diễn đàn quan trọng đóng góp vào gìn giữ hòa bình, ổn định, phát triển châu Á- Thái Bình Dương. Các nghị sĩ cần quan tâm chung tới an ninh, ổn định của khu vực, giám sát chính sách đối ngoại của từng quốc gia để đảm bảo môi trường hòa bình. Các nghị viện thành viên cần tiếp tục cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin, thúc đẩy giao lưu người dân giữa các quốc gia với nhau. 

Báo Công luận
 Phiên họp toàn thể về các vấn đề chính trị và an ninh, sáng 19/1

Nghị sĩ Canada Joseph Day chia sẻ, nghèo đói kém phát triển, kéo theo bạo lực, xung đột, ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực. APPF đã tiên phong trong việc nhận biết sự liên hệ giữa an ninh, hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hướng đến xây dựng hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển. Chỉ có được hòa bình, an ninh khi chính sách phản ánh được tiếng nói của mọi người dân, không phân biệt người già, thanh niên, thiểu số, phụ nữ. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển là trách nhiệm to lớn, vừa thường xuyên, vừa cấp bách của tất cả thành viên APPF. Các nghị viện cần đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật pháp. Là cơ quan lập pháp, các nghị viện một mặt cần nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, cam kết đối với các công ước, luật pháp quốc tế; mặt khác xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị...


PV


Tin khác

Đề nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

Đề nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

(CLO) Ông Hồ Văn Điềm - nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai bị đề nghị kỷ luật vì đã thiếu kiểm tra, không phát hiện việc nữ kế toán của cơ quan chiếm dụng khoảng 3,5 tỉ đồng từ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Tin tức
Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ủy quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện giải quyết 13 thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tin tức
Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

(CLO) Bí thư Thành ủy Nam Ninh mong muốn thời gian tới, thành phố Nam Ninh và tỉnh Hà Nam xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, logistics; giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, du lịch

Tin tức
Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện"; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện; yêu cầu dứt khoát hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6.

Tin tức