Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 07/11/2017 21:44 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tại phiên họp ngày 7/11, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, năm 2017 có rất nhiều các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử. Cử tri bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm và ấn tượng với những phát biểu làm nức lòng cử tri và nhân dân cả nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có câu "lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy". Những phát biểu đó thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng và nó cũng là những cam kết của Đảng và Nhà nước trước cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về các thông tin của các vụ án về tham nhũng cũng như vụ án kinh tế lớn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như lãnh đạo cấp cao có ý kiến; việc thông tin đến với cử tri và thực hiện còn rất chậm...

Báo Công luận
 Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, vai trò của công dân trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng là rất quan trọng nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, tổng hợp các số liệu như có bao nhiêu vụ tham nhũng do công dân báo cáo, tỷ lệ tố cáo của công dân đúng sai thế nào, thu hồi tài sản ở lĩnh vực này được bao nhiêu, người tố cáo có được thưởng không và thưởng bao nhiêu. Ngược lại người tố cáo có bị đe dọa, trù dập, trả thù không, nếu có thì có biện pháp bảo vệ người tố cáo như thế nào.  

“Chẳng lẽ trong một năm qua, không có công dân nào tố cáo về tham nhũng. Họ không tố cáo vì không có tham nhũng hay là họ không dám, không muốn tố cáo?”- Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi và cho rằng, cần phải có nhận định, đánh giá một cách khách quan, thực tế; đồng thời đề nghị phải sớm tạo ra một khung pháp lý hoàn thiện về vấn đề này.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) quan tâm đến nạn tham nhũng vặt đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào tất cả các ngõ, ngách của cuộc sống và xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, khác nhau. Nạn tham nhũng vặt đang làm băng hoại phẩm chất của một số bộ phận cán bộ công chức, gây nhiều bức xúc trong xã hội và đặc biệt nghiêm trọng là làm mất dần niềm tin trong nhân dân.

Báo Công luận
 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu)

Cho rằng, “lò đã nóng thì củi khô, củi nhỏ, củi vừa phải cháy trước” và để khắc phục ngay vấn nạn này, ngoài 9 giải pháp, nhiệm vụ được nêu trong phương hướng năm 2018 của Chính phủ, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất phải tăng cường công khai, minh bạch bằng hệ thống pháp luật. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, xóa bỏ các giấy phép gây ra những thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm các sai phạm. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những trường hợp cán bộ yếu kém tham nhũng và sách nhiễu nhân dân.   

Về vấn đề kê khai tài sản, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP. Đà Nẵng) cho biết, hiện nay chúng ta chủ yếu dựa trên sự tự giác của người kê khai. Vì vậy, khi thanh tra, kiểm tra thì kết luận rằng việc kê khai tài sản “không được thực hiện kịp thời, không được thực hiện một cách chủ động” và chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đại biểu đề nghị, cần quy định việc kê khai tài sản này là một quy định cứng, bắt buộc; hơn nữa cần xem xét vấn đề này dưới góc độ là hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng để xử lý rốt ráo.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng chống tham nhũng thì quyết tâm của Đảng là quan trọng nhất. Việc chấn chỉnh nội bộ, biến Đảng thật sự thành Đảng cầm quyền gương mẫu, quay lưng với tham nhũng là chúng ta đã giải quyết được vấn đề một cách căn bản và chắc chắn và trong cuộc đấu tranh đó, người dân sẽ ủng hộ. 

Báo cáo thêm với Quốc hội về kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2017, những khó khăn, vướng mắc hiện nay về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, kiên quyết thanh tra, kiểm tra phát hiện đưa ra truy tố, xét xử để xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án kinh tế nghiêm trọng theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai, nếu có vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của xã hội. 

Báo Công luận
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng cho rằng, thực tiễn cho thấy đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực rất khó khăn, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế- xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu. Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản. Khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu. 

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường thanh tra kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ… Đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Theo dõi chỉ đạo áp dụng đầy đủ các biện pháp xác minh kê biên tài sản đối với các bị can, bị cáo trong quá trình điều tra truy tố xét xử thi hành án để đảm bảo thi hành thu hồi tài sản do phạm tội mà có. 

Phó Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn phòng, chống tham nhũng.


Thế Vũ


Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức