Người công giáo Việt Nam “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ” cùng dân tộc

Thứ tư, 19/09/2018 09:20 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đại hội đại biểu Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/10/2018 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội dự kiến triệu tập hơn 400 đại biểu chính thức là linh mục, tu sĩ và giáo dân tiêu biểu. Dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số tổ chức tôn giáo…

Đại hội lần này với chủ đề “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ” nhằm xác định đường hướng hoạt động cụ thể của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong thời gian tới.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo; hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2013- 2018; rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay về nội dung phương thức hoạt động. Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để đưa phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát triển hơn. Đại hội cũng sẽ hiệp thương cử ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023)…

Báo Công luận
 Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm Giáo xứ Phúc Lãng, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá ngày 20/7/2018. Ảnh: ubdkcgvn.org.vn

Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

Theo đánh giá của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, nay là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, vừa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa hiệp thông thực hiện các chương trình mục vụ của Giáo hội.

Một số lĩnh vực nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước nơi đồng bào Công giáo là phát triển kinh tế, từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh. Các mô hình này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại để nâng cao giá trị và sản lượng hàng hóa; phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn; hình thành các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với hiệu quả cao.

Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công. Nhiều địa phương có đông đồng bào Công giáo sinh sống đã được chọn làm nơi thí điểm xây dựng nông thôn mới và đã về đích như huyện Hải Hậu (Nam Định), Xuân Lộc (Đồng Nai), Đơn Dương (Lâm Đồng)…

Hoạt động từ thiện nhân đạo là nét đẹp truyền thống của đồng bào Công giáo. Nét đẹp này được phát huy từ những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc của đạo Công giáo, được thể hiện qua những việc làm thường xuyên như mở lớp học tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, người khuyết tật; chăm sóc bệnh nhân phong, bệnh nhân AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ người dân bị thiên tai…

Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, với sự giúp đỡ của đồng bào Công giáo, năm 2017 có hơn 2.000 sinh viên, học sinh nghèo được cấp học bổng, 16.591 em được theo học tại các lớp học tình thương, các lớp học nghề miễn phí. Toàn thành phố hiện nay có 920 cụ già neo đơn được các giáo xứ và dòng tu trợ cấp, phục vụ bữa cơm nhân ái hàng ngày. Tại tỉnh Nghệ An, Tòa Giám mục Xã Đoài tham gia hoạt động từ thiện trong 5 năm (2012 - 2017) với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tại tỉnh Phú Yên, đồng bào Công giáo đã ủng hộ 13,2 tỷ đồng vào các hoạt động từ thiện…

Trong xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, kết quả nổi bật nhất đã được rút ra, đó là “nơi nào có đông đồng bào Công giáo sinh sống, nơi đó rất ít tệ nạn xã hội”. Các phong trào: Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu, xứ họ đạo tiên tiến, xứ họ đạo an toàn, xứ đạo thực hiện nếp sống mới văn minh trong việc cưới, việc tang; các hoạt động khuyến học, khuyến tài… được các xứ đạo tích cực thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa…

Nét mới trong xây dựng khu dân cư văn hóa là đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng Chương trình phối hợp Mặt trận Tổ quốc, ngành Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua thực hiện chương trình đã xuất hiện những mô hình hay như tại giáo xứ Cẩm Cơ (xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội) toàn bộ gần 200 hộ gia đình đã đăng ký trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, hình thành thói quen thu gom rác và bỏ rác vào đúng nơi quy định. Các xứ đạo tại Lâm Đồng với mô hình Cơ sở tôn giáo đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp đến nay đã có 152 nhà thờ giáo xứ, giáo họ thực hiện tốt mô hình này.

Khẳng định vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam

Nhìn chung hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ngày càng nền nếp, có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; quan hệ giữa Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp với tổ chức Giáo hội Công giáo tiến triển tốt đẹp trên tinh thần “Hợp tác - Đồng hành - Chia sẻ”.

Vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, đến nay Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại một số địa phương chưa có nhân sự chuyên trách, trụ sở tạm thời, tài chính hạn hẹp nên chưa phát huy được hiệu quả.

Hệ thống Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có mặt tại 42 tỉnh, thành phố; ở các địa phương đã thành lập được 286 Ban Đoàn kết Công giáo quận huyện. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hiện có các ban chuyên trách: Ban Thường trực; các cơ quan tham mưu: Văn phòng, Ban Phong trào, Ban Tư vấn Pháp luật, Ban Từ thiện xã hội; Hội đồng Thi đua Khen thưởng.

Báo Công luận
 Người Công giáo Hà Nam tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Ngoài phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của giáo dân để kiến nghị với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc thì trong nhiệm kỳ, ngày 13/5/2014, Đoàn chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã kịp thời ra tuyên bố của Ủy ban về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông; tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo và dự thảo Nghị định quy định thực hiện một số điều của Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo năm 2016; phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong giai đoạn mới” vào tháng 7/2018.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam còn có các hoạt động đối ngoại quốc tế như đón tiếp các đoàn công tác đến từ Phòng Chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Hoa Kỳ, Đoàn báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã có, đồng thời đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện đường hướng “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ” trong hoạt động của Ủy ban.

Theo đó, Đồng hành với ý nghĩa Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cũng Dân tộc và Giáo hội; các thành viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn luôn hiệp thông với Giáo hội, cùng Giáo hội chăm lo cho đồng bào Công giáo trên quê hương Việt Nam. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam dấn thân vào đời sống xã hội Việt Nam để phục vụ mọi người; tiếp tục sứ mệnh phục vụ cộng đồng Dân tộc và Giáo hội để góp phần hiện thực hóa phương châm “tốt đời, đẹp đạo” của người Công giáo.

Cùng với đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát huy truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo “đền ơn, đáp nghĩa”; cùng nhau xây dựng cộng đồng dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh, đoàn kết… Thực hiện đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, góp phần xây dựng Giáo hội trong lòng dân tộc Việt Nam, để mọi người Công giáo Việt Nam xứng đáng là “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Thế Vũ

Tin khác

Hà Nội: Bắn pháo hoa tại 6 điểm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Bắn pháo hoa tại 6 điểm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

(CLO) Hà Nội sẽ có 6 điểm bắn với 7 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp nhân dịp 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Tin tức
Tổng Thư ký ASEAN: Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức

Tổng Thư ký ASEAN: Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức

(CLO) Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá Diễn đàn Tương lai ASEAN lần này diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức mà khu vực và Chính phủ các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt.

Tin tức
Quảng Nam có tân Phó chủ tịch UBND tỉnh

Quảng Nam có tân Phó chủ tịch UBND tỉnh

(CLO) Sáng 23/4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 10, đã bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin tức
Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

(CLO) Sáng 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN – sự kiện quan trọng được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức