Nhiều vấn đề được mổ xẻ trong phiên chất vấn ‘nóng’ của Bộ trưởng GD- ĐT

Thứ tư, 06/06/2018 14:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ba nhóm vấn đề các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. 

Ba nhóm vấn đề các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Bệnh thành tích vẫn nặng nề

Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) đặt vấn đề, hiện nay việc điểm số cho quá dễ, tỷ lệ học sinh khá giỏi quá nhiều, đó là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này và giải pháp…

Báo Công luận
 Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) chất vấn. Ảnh: VTV

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đây là căn bệnh “không phải bây giờ mà có lâu rồi” và “ở đây có yếu tố văn hóa, thói quen”.

Bộ trưởng cho biết, ngành cũng rất cố gắng giải quyết và kiên quyết “nói không với bệnh thành tích”. Ngành đã có các văn bản nêu rõ bỏ rất nhiều cuộc thi, không tính điểm vào thi đua... Theo Bộ trưởng, câu hỏi của đại biểu Thủy nêu là chính xác, hiện vẫn tồn tại tình trạng bệnh thành tích, nhưng đang có dấu hiệu giảm.

“Tới đây thông qua Luật Giáo dục cũng đưa vấn đề này vào. Thầy cô giáo nào có kết quả tích cực thì được ghi nhận chứ không phải chỉ căn cứ vào đăng ký thi đua. Vì đăng ký thi đua là gốc gác của vấn đề này. Thủ tướng đã chỉ đạo, thi đua phải thiết thực và ngành giáo dục phải tiên phong”, Bộ trưởng khẳng định.

Chưa đồng ý với Bộ trưởng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tranh luận: Bộ trưởng cho rằng, bệnh thành tích do đăng ký thi đua, điều này không thoả đáng và mâu thuẫn với luật thi đua khen thưởng. Thầy cô đăng ký thi đua là cần thiết để xem xét, đánh giá chất lượng giảng dạy.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng xem lại để tìm ra căn nguyên của bệnh thành tích chứ không thể đổ lỗi cho thi đua được.

Giải đáp tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, thi đua là tốt nhưng thi đua không thực chất sẽ dẫn đến bệnh thành tích. Ví dụ như chạy theo thành tích để con vào trường chuyên, lớp chọn, ngành GD - ĐT đã thấy và chỉ đạo nghiêm túc để giải quyết vấn đề này.

Chất lượng đào tạo có vấn đề

Liên quan đến vấn đề chất lượng giáo dục, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa- Vũng Tàu) nêu hiện tượng 3 điểm một môn cũng đỗ vào trường sư phạm, từ đó đặt ra dấu hỏi lớn bởi chất lượng đầu vào sẽ quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên.

Báo Công luận
 Đại biểu Quốc hội Bà Rịa -Vũng Tàu Phạm Đình Cúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cũng lo lắng khi chất lượng sinh viên ngành sư phạm đầu vào thấp. Đại biểu nêu câu hỏi: Vì sao trường sư phạm không thu hút được sinh viên giỏi? Ý kiến và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này?

Thông tin tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm ngoái có hiện tượng 3 điểm cũng vào được cao đẳng, còn đối với các trường Đại học sư phạm thì đều trên điểm sàn, một số trường tốt điểm đầu vào trên 20 điểm.

Bộ trưởng cũng bày tỏ tán thành với ý kiến của đại biểu là chất lượng không tốt ảnh hưởng không chỉ chất lượng giáo dục của riêng ngành sư phạm, mà đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục phổ thông.

Theo Bộ trưởng, năm nay Bộ đã rút kinh nghiệm và thống nhất với các trường sư phạm đề ra quyết tâm nâng cao chất lượng đầu vào. Cụ thể, chỉ xét tuyển hồ sơ giỏi khi tuyển sinh viên vào ĐH sư phạm, với các trường cao đẳng hồ sơ phải đạt khá.

Dẫn ra số liệu từ Bộ Lao động TBXH, hiện có hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, việc này gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân có cả có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người học. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này.

Cũng đưa ra con số sinh viên thất nghiệp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Thái Bình) đặt vấn đề: Trong báo cáo của Bộ Lao động TBXH có nêu nước ta còn một nguồn lao động chưa đạt chất lượng cao. Vậy phải chăng 200.000 sinh viên này được đào tạo chưa đạt chất lượng cao. Từ đó, đại biểu đề nghị làm rõ sự liên kết giữa Bộ Lao động TBXH và Bộ GD- ĐT trong việc giải quyết việc làm.

Cho rằng 200.000 sinh viên thất nghiệp là có thật, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh giải pháp căn cơ cho vấn đề này vẫn là chất lượng đào tạo và chất lượng chuẩn được kiểm định bằng chất lượng quốc tế và thị trường.

Về giải pháp là sẽ mở rộng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất. Tuyển sinh phải gắn với thị trường, nhu cầu nguồn lao động, phải gắn trách nhiệm của trường với thị trường, với người học, trong đó Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm, công khai minh bạch...

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động. Qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau của quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì”.

Về câu hỏi của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, sinh viên trong các bậc học trình độ đại học trở lên là chất lượng cao.

“Tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận có những sinh viên trong 200.000 sinh viên chưa có chất lượng đảm bảo. Sắp tới Bộ GD- ĐT và Bộ Lao động TBXH phối hợp chặt chẽ về khâu dự báo thị trường, hạn chế số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm”, Bộ trưởng thông tin.

Truyền thống tôn sư trọng đạo bị mai một

“Thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đạo đức liên quan tới giáo viên, phải chăng do họ chịu quá nhiều áp lực? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?”, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) chất vấn.

Báo Công luận
 Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An).

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết các vụ việc tuy không phải phổ biến nhưng ảnh hưởng ghê gớm, không chỉ tới ngành giáo dục mà còn tới thuần phong mỹ tục, truyền thống tôn sư trọng đạo rất quý của dân tộc.

“Chúng tôi nhận thức đây là thiếu sót lớn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có phần trách nhiệm của ngành giáo dục, từ khâu đào tạo, tuyển chọn trong một số trường hợp là chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến có một số trường hợp giáo viên không đủ năng lực, kém về phẩm chất. Số trường hợp báo chí phản ánh chưa phải tất cả, trên thực tế chắc chắn nhiều hơn, có nhiều hành vi thậm chí như tôi đã từng nói là phi nhân tính”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, việc để cho một cô giáo cả học kỳ không giảng một câu nào, có trách nhiệm của tập thể nhà trường, của hiệu trưởng và khẳng định sẽ kiên quyết loại bỏ những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.

Bộ trưởng cũng lý giải, gần đây giáo viên chịu áp lực rất lớn, cả về vật chất và tinh thần.

Về giải pháp, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết sẽ cải tạo chương trình đào tạo giáo viên, trong đó chú trọng tới đạo đức. Với học sinh cũng vậy, tới đây sẽ đưa vào giảng dạy môn đạo đức trong chương trình phổ thông.

Bộ trưởng cũng cho biết trong chương trình giáo dục mới, Bộ rất chú trọng tới giáo dục đạo đức cho học sinh, đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng, đồng thời tham mưu với Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao giáo viên yên tâm công tác.

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng GD- ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, chỉ rõ đây là những vụ việc khiến dư luận rất bức xúc, tuy nhiên vấn đề xuống cấp đạo đức là cá biệt.

“Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các trường đều có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể.

“Để xảy ra những việc như vậy Hiệu trưởng có biết hay không? Giáo viên có biết hay không? Chính quyền địa phương có biết hay không? Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý. Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

T.Toàn

Tin khác

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức
Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm phát triển toán học Việt Nam nói riêng, tạo ra đột phá đối với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.

Tin tức
Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

(CLO) Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác và đầu tư song phương, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp, viễn thông và xây dựng.

Tin tức