Quyết liệt tinh giản bộ máy, biên chế

Thứ hai, 30/10/2017 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục hoạt động giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011- 2016.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Trong phiên họp chiều nay, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục dành sự quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền; việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc xã hội hóa các dịch vụ công... 


Báo Công luận
 Toàn cảnh phiên họp chiều 30/10
 
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, hiện nay, việc thực hiện phân định trách nhiệm từng cấp hành chính chưa rõ ràng và có sự chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của Chính phủ với nhau, giữa cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương và ngay cả các cơ quan của chính quyền địa phương cũng có sự chồng lấn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý hành chính nói chung, tạo nên sự chồng chéo, làm giảm hiệu lực hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. 

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị, cần phân cấp giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn nữa và thực hiện chủ trương mở rộng xã hội hóa để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dịch vụ công. Cùng với đó là thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Đại biểu cho rằng, Quốc hội cần có Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại các đơn vị công lập để tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm việc triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân về phân cấp, phân quyền chưa đạt như yêu cầu, cần phân tích thẳng thắn để thấy được vì sao việc này còn nhiều tồn tại. Đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương phải chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể, song song với đó thì Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải chủ động phân cấp, phân quyền cho địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp.
 
Báo Công luận
 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở, nâng cao chất lượng cán bộ công chức và có chính sách hợp lý, tạo cơ chế cho chính quyền cơ sở đủ điều kiện đáp ứng thực hiện phân quyền, phân cấp; tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương.

Về chủ trương chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho xã hội đảm nhận, theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), thực tế cho thấy, nhiều việc Nhà nước đã chuyển giao như công chứng, trợ giúp pháp lý…, tổ chức xã hội và doanh nghiệp đang làm rất tốt, giảm bớt khối lượng công việc của bộ máy nhà nước, bớt đi kinh phí từ ngân sách. Đại biểu đề nghị, cần tiếp tục thực hiện chủ trương này; cơ quan Nhà nước không nên ôm đồm, tự làm cồng kềnh thêm bộ máy, còn đối với những nhiệm vụ còn băn khoăn, chưa rõ có thể tổ chức thí điểm trước khi triển khai rộng rãi.

Từ năm 2018, giảm 2,5% biên chế mỗi năm 

Cuối phiên thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, đồng thời giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 đã rà soát chức năng nhiệm của của các cơ quan Trung ương, từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp, đảm bảo một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện. 


Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình trước Quốc hội

Trong kiện toàn bộ máy Nhà nước, Chính phủ vẫn duy trì 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Có 42 tổng cục (tăng 2 tổng cục); tăng thêm 7 cục và giảm 11 vụ (254 vụ), 344 phòng thuộc bộ (giảm 56 phòng). Số lượng cấp thứ trưởng giảm bình quân từ 5,55 xuống còn 4,7 trong nhiệm kỳ này. Số lượng công chức năm 2015 là 277.000, hiện còn 269.000, giảm được 7.900 biên chế. 

Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu để xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Chính phủ sẽ triển khai thực hiện các giải pháp như, tổ chức sắp xếp lại các cơ quan, hoàn thiện chức năng, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, tham mưu; sắp xếp lại cấp phòng, cục, vụ; kiện toàn các cơ quan của Chính phủ, tránh trùng lắp ở các cơ quan cấp bộ. Đồng thời, rà soát hoàn thiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương; rà soát lại những nhiệm vụ cơ quan nhà nước không cần thiết thực hiện để giao cho các tổ chức, doanh nghiệp đảm nhận…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu tới năm 2021 giảm 10% biên chế; từ năm 2018, mỗi năm phải giảm 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị. Không tăng thêm đầu mối và biên chế, việc thành lập đơn vị mới phải xin phép và không được tăng thêm biên chế, chấm dứt tình trạng tự do tăng thêm biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, với 47 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận, không khí phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 là thực sự cần thiết. Kết quả giám sát chuyên đề này cùng với Nghị quyết giám sát được Quốc hội thông qua, sẽ tạo tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết về Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời góp phần khẳng định vị thế, vai trò giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

T.Toàn


Tin khác

Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ủy quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện giải quyết 13 thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tin tức
Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

(CLO) Bí thư Thành ủy Nam Ninh mong muốn thời gian tới, thành phố Nam Ninh và tỉnh Hà Nam xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, logistics; giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, du lịch

Tin tức
Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện"; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện; yêu cầu dứt khoát hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6.

Tin tức
Bộ Công Thương đề xuất 2 phương thức nhà máy điện gió, điện mặt trời bán trực tiếp cho khách hàng

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương thức nhà máy điện gió, điện mặt trời bán trực tiếp cho khách hàng

(CLO) Bộ Công Thương đề xuất đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời (Đơn vị phát điện) sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn (các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ) thông qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Tin tức