Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị

Thứ hai, 14/01/2019 15:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của các Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020 đến nay; đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới.

Báo Công luận
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TTXVN

 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức tập trung kết hợp với trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm tại Hà Nội với 778 điểm cầu tại Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án nhân dân trên toàn quốc.

Hội nghị vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự Hội nghị còn có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ban, ngành và cán bộ lãnh đạo, thẩm phán các cấp Tòa án.

Diễn ra trong 2 ngày, 14 và 15/1, Hội nghị cũng dành thời gian để quán triệt Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 6/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong nửa đầu nhiệm kỳ qua đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các Tòa án đã giải quyết hơn 1,3 triệu trên tổng số gần 1,4 triệu vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ gần 96%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần qua các năm (năm 2016 là 1,3%, năm 2017 là 1,2% và năm 2018 là 1,14%), đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Tòa án nhân dân một số địa phương tham luận về giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chuyên môn của các Tòa án; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến về tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân; cơ chế phân bổ, quy trình bổ nhiệm thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; chế độ, chính sách đối với thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án; biên chế, công tác quản lý và các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của các Tòa án nhân dân...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vị trí, vai trò hết sức quan trọng của Tòa án nhân dân trong bộ máy Nhà nước; là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2018, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.

Ghi nhận những kết quả, thành tích ngành Tòa án đạt được trong thời gian qua là rất lớn, rất đáng trân trọng, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nổi lên là, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao, thậm chí có bản án áp dụng sai pháp luật; đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng và giải quyết chậm. Đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tòa án các cấp còn chưa làm rõ trong bản án tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác bị xử lý…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót; tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác.

Đồng tình với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ngành Tòa án đã đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm một số vấn đề ngành cần quan tâm. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Báo Công luận
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN

 

Xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó tòa án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Khẳng định điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của các tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán. Mỗi bản án phải làm sao để thực sự "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: Nhiệm vụ trọng tâm của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, ngành tư pháp chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bảo đảm các điều kiện và nguồn lực xây dựng hệ thống tòa án trong sạch, vững mạnh. Khẳng định điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng, với nỗ lực và quyết tâm cao; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, thẩm phán Tòa án các cấp sẽ luôn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

PV

tientoan

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tặng quà tri ân 20 gia đình chiến sĩ Điện Biên

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tặng quà tri ân 20 gia đình chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Chiều 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình các chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Tin tức
“Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”

“Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”

(CLO) Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, tại Hà Tĩnh vào chiều 16/4, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024).

Tin tức
Năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ

Năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ

(CLO) Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mục tiêu là cuối năm 2024, phải chọn được nhà đầu tư, để năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.

Tin tức
Thành lập Tổ Giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thành lập Tổ Giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

(CLO) UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1968/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp CEO Tim Cook, đề nghị xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp CEO Tim Cook, đề nghị xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

(CLO) Ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam nếu tính từ 2019 trở lại đây (trên 16 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam.

Tin tức