Việt Nam gia nhập APEC - 20 năm, những dấu mốc ấn tượng

Thứ năm, 15/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 14/11/2018 là tròn 20 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). 20 năm chưa phải là quãng thời gian quá dài, nhưng đất nước hình chữ S đã kịp để lại những dấu mốc ấn tượng trên hành trình gia nhập và chứng tỏ vị thế của mình tại Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này.

Từ lá đơn lịch sử 22 năm trước

Năm 1996 - sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế - xã hội không ngừng được ổn định và phát triển. Từ thực tiễn đó, tại Đại hội VIII năm 1996, Đảng ta nhận định: nước ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Trước đó, tháng 7/1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tháng 3/1996, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) gồm 10 nước châu Á và 15 nước châu Âu với tư cách thành viên sáng lập. Chỉ còn một thiết chế quan trọng nữa mà Việt Nam xác định cần phải tham gia đó là APEC.

Báo Công luận
 
Ra đời năm 1989, APEC thời điểm đó (1996-1998) gồm 20 nền kinh tế, chiếm non 1/3 dân số thế giới, ngót nghét 50% GDP và thương mại toàn cầu. Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, phù hợp với đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, ngày 15/6/1996, Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập APEC. Tiếp đó, theo yêu cầu của APEC, tháng 8/1996 ta đã gửi cho APEC “Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam” (Aide Memoire). Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp Việt Nam, ta cũng đã xin tham gia 3 Nhóm Công tác để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức. Ngày 25/4/1997, Việt Nam gửi đơn xin tham gia với tư cách khách mời vào Nhóm Công tác về Xúc tiến Thương mại; Nhóm Công tác về Khoa học và Công nghệ Công nghiệp; và Nhóm Chuyên gia về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp của APEC. Đây là những Nhóm mà ta có khả năng đóng góp, đồng thời có thể đem lại những lợi ích cụ thể cho Việt Nam.

Rồi cũng đến một ngày những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 14/11/1998, tại Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại giao - Kinh tế, APEC đã tuyên bố kết nạp Việt Nam, Nga và Peru. Theo hồi ức của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philipines Trương Triều Dương, một trong những người thuộc nhóm viết đề án về việc “Việt Nam gia nhập APEC” thì khi APEC công bố kết nạp thêm Nga, Việt Nam, Peru thì quốc tế đều bất ngờ vì Việt Nam mới chỉ là quan sát viên mới chỉ được một năm.

Từ thời điểm lịch sử ấy cho đến nay, việc trở thành thành viên chính thức của APEC đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi thế. Tham gia APEC góp phần quan trọng vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của nước ta và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Các hội nghị do APEC tổ chức hằng năm là dịp để nước ta thúc đẩy các cuộc tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, với các đối tác then chốt. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC. Nước ta đang hình thành mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên với 18 trong tổng số 20 thành viên APEC (trừ Papua New Guinea và Đài Bắc - Trung Quốc).

Báo Công luận
 
Hơn thế nữa, thông qua đóng góp, tham gia giải quyết các vấn đề chung, nước ta tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với các quan tâm của ta, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia hợp tác APEC đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận tốt hơn khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ của APEC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu,… thiết thực góp phần vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Việc tham gia APEC và tăng cường hợp tác với các nền kinh tế thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Sự gắn kết kinh tế - thương mại sâu rộng giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch… với chất lượng và giá cả tốt hơn.

Hợp tác APEC cũng mở ra nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới…

Đặc biệt, APEC đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa hội nhập kinh tế của Việt Nam lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

Báo Công luận
 
Đến hai lần đăng cai APEC và vị thế Việt Nam

Với Việt Nam, APEC thực sự như một mối duyên lành. Bởi không chỉ chính thức bước vào “ngôi nhà chung” APEC một cách hết sức mau mắn, mà chỉ 8 năm sau khi gia nhập APEC, năm 2006, Việt Nam đã lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ nhà APEC. Với hơn 100 hoạt động mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC vào giữa tháng 11/2006, Năm APEC 2006 là một sự kiện thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội đã thông qua ba văn kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của APEC gồm: Tuyên bố Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14; Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Bogor; và Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO. Trong đó, kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan do Việt Nam đề xuất là một đóng góp quan trọng, cụ thể hóa các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư; phát triển bền vững; phòng chống dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chống tham nhũng; liên kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC thông qua hợp tác và phát triển du lịch.

Báo Công luận
 
Lần đăng cai APEC tiếp tục là một dấu ấn đặc biệt, không chỉ với Việt Nam mà cả APEC. Theo thông lệ, Diễn đàn APEC được tổ chức luân phiên lần lượt tại mỗi nền kinh tế thành viên, theo nguyên tắc nếu năm nay tổ chức ở một nền kinh tế bên bờ Thái Bình Dương, thì năm sau địa điểm tổ chức sẽ là bờ bên kia. Tuy nhiên, một sự “ngoại lệ đáng ngạc nhiên” là Việt Nam chỉ sau 11 năm, đã trở lại là nền kinh tế chủ nhà, đăng cai tổ chức Diễn đàn APEC 2017. Điều này chứng tỏ cộng đồng quốc tế đánh gia cao vị thế, tiềm lực và vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố biển Ðà Nẵng năng động và hiện đại. Vai trò và đóng góp của Việt Nam được đặc biệt đề cao khi chúng ta chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn mới cho Diễn đàn APEC sau năm 2020. Bên cạnh đó, dấu ấn Việt Nam còn thể hiện qua thành công của Ðối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo APEC với ASEAN và việc chúng ta đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao Ðà Nẵng.

Có thể nói, thành công và những dấu ấn của hai lần đăng cai APEC khẳng định đóng góp chủ động, tích cực và hết sức trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 20 năm gia nhập APEC, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định và dần được nâng cao.

Hà Anh

Tin khác

Cần 'vừa làm, vừa hoàn thiện' các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

Cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

(CLO) Tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp năng lượng quốc tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cùng với quá trình triển khai dự án, các bên liên quan cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, xác định giá điện, giải pháp xây dựng lưới điện truyền tải...

Tin tức
Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam, tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia, quy mô lớn như các dự án về: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển giao thông chiến lược, đường sắt đô thị, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, nông nghiệp thông minh...

Tin tức
Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, báo cáo Thủ tướng giải pháp với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Tin tức
Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(CLO) Về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức
KEIDANREN và các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản

KEIDANREN và các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) và các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên.

Tin tức