Đọc “Thời gian không đổi sắc màu” cùng nhà văn, nhà báo Phan Quang

Thứ năm, 13/07/2017 11:25 AM - 0 Trả lời

“Thời gian không đổi sắc màu” là cuốn sách mới nhất vừa trình làng của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang do Nhà xuất bản văn học ấn hành đầu năm 2017. “Thời gian không đổi sắc màu” là một tuyển tập phê bình- tiểu luận gồm 30 bài đọc sách của ông, phần lớn viết trong thời gian gần đây.

(NB&CL) “Thời gian không đổi sắc màu” là cuốn sách mới nhất vừa trình làng của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang do Nhà xuất bản văn học ấn hành đầu năm 2017. “Thời gian không đổi sắc màu” là một tuyển tập phê bình- tiểu luận gồm 30 bài đọc sách của ông, phần lớn viết trong thời gian gần đây. Cuốn sách đưa đến cho độc giả nhiều góc nhìn của tác giả về những tác phẩm ông đã đọc và giới thiệu, đúng như lời ông tâm sự: “như tấm lòng một người suốt đời cầm bút bày tỏ lòng tri ân sách, người bạn muôn đời”. Niềm yêu thích viết sách và đọc sách có lẽ là mạch nguồn cảm hứng tạo nên con người uyên bác trong ông- một nhà văn, nhà báo lão thành với sức viết vô cùng dẻo dai, không ngừng nghỉ. Nhắc tới ông, độc giả không thể không biết những tác phẩm văn học, truyện thiếu nhi và sách dịch cùng nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình - khảo luận có giá trị. Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông vẫn chưa ngơi sung mãn, mỗi năm ông vẫn trình làng vài ba cuốn sách. Trải nghiệm, nghiêm túc và trách nhiệm với lao động nghề nghiệp và đặc biệt là tấm lòng trân quý đồng nghiệp, văn hóa nhân loại nên ông đã bồi đắp cho mình một phông văn hóa, kiến thức sâu rộng, uyên bác, bặt thiệp. Đúng như trong Lời thưa tập sách “Thời gian không đổi sắc màu”, ông thừa nhận: “Niềm đam mê đọc sách trong tôi là cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị bội nhiễm, từ thuở ấu thơ cho đến lúc về già gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phía nào cũng thấy sách và sách. Do vậy, hễ có chút thời gian rảnh rỗi là tôi cầm cuốn sách. Trong công việc hằng ngày, dù lúc xắn quần lội ruộng cùng nông dân hay vi vu đến một phương trời nào đó, làm một việc được cấp trên giao, lại càng thấy không thể không đọc sách trước, trong và sau mỗi chuyến đi”. [caption id="attachment_172671" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Phan Quang và bìa tập sách Thời gian không đổi sắc màu.[/caption] Nói về cái tật bẩm sinh khó bỏ này, ông đã viết: “Sách dở sách hay, gặp là tôi đọc. Sách dở, hay nói chuẩn xác hơn, cuốn sách mình không thích thú lắm thì đọc qua loa; cuốn mình tâm đắc hoặc ngưỡng mộ, đọc kỹ, có khi đọc đi đọc lại, ngẫm ngợi và đánh dấu những trang, những dòng, những ý thú vị bên lề trang sách. Đọc sách là dịp cho tôi suy ngẫm về nghề và nghiệp, cũng có khi nhân đấy lan man luận bàn thế sự. Có sao đâu! Sách là đời. Nhiều trường hợp đọc xong, gấp sách lại, tôi ghi mấy dòng cảm nhận. Ghi để khi cần, dễ tìm dễ đọc, đỡ mất thời gian”. Dưới cái nhìn đầy nhân văn của ông thì đọc sách là để nâng cao kiến văn, đọc sách để hiểu thêm và nâng niu giá trị lao động sáng tạo, tâm huyết của đồng nghiệp. Ông viết: “Sách của danh gia đã đành, có nhiều cuốn của bằng hữu, lẽ dĩ nhiên không phải cuốn nào cũng tuyệt tác, nhưng dù hay nhiều hoặc không hay mấy vẫn mang tâm huyết và công phu của tác giả, vẫn cung cấp cho mình một số thông tin, nhất là nghĩ đến nghĩa tình bè bạn với nhau. Tôi nhớ mãi câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên: “Chúng mình sống với nhau bốn mươi năm, chẳng lẽ không viết cho nhau được bốn trăm dòng”.  Mở đầu cuốn sách, bạn đọc sẽ được tiếp cận với tiểu luận “Người bạn muôn đời”. Ở bài luận này, nhà báo lão thành Phan Quang đã luận giải “Sách không chỉ là tập giấy” và khẳng định “Văn minh loài người hình thành từ sách”.
Ông viết: “Sách không đơn thuần là “Tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển”, như nhiều cuốn từ điển phổ thông định nghĩa”. Với ông thì “Cuốn sách là vật dụng thường ngày như bát cơm ăn, tấm áo mặc, chiếc nón đội đầu, cây dao đi rừng của bà con miền núi hay chiếc xe gắn máy giúp người đô thị dịch chuyển và gây ùn tắc giao thông… Sách không một phút xa rời cuộc sống cơm áo (vật chất) và đời sống tinh thần (văn hóa) của người. Sách không đơn thuần là một tập hợp những trang giấy, hay ngược thời gian, những thanh tre, tấm lá cọ, những phiến đất sét nung từa tựa gạch ngói ta vẫn dùng…, sách có hồn, hồn của sách chính là hồn nhân loại”. Với 30 bài viết trong “Thời gian không đổi màu”, tác giả đã tâm huyết phân tích, nhận xét 30 tác giả trong và ngoài nước cùng tác phẩm của họ. Trong nước, tác giả luận bàn một cách nhân văn, có tình có lý về nhân cách, bút pháp không chỉ của những “cây đa, cây đề” từ nhà cách mạng kiên cường, nhà báo lỗi lạc Nguyễn An Ninh, nữ sĩ Đạm Phương, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Tuân… mà còn quan tâm đến lớp hậu thế hôm nay như nhà báo Trương Đức Minh Tứ (Quảng Trị) hay Phó Giáo sư, Tiến sĩ báo chí Nguyễn Văn Dững (Hà Nội)… Với kiến thức phong phú, am hiểu Đông - Tây, Kim - Cổ, nên ông đã phân tích, phát hiện ra những nét đặc sắc làm nên sự độc đáo và trình bày sinh động, hấp dẫn, giàu sức thuyết phục về các tác gia trên thế giới như Gabriel Garcia Marquez, Jacques Danois và các ký giả, nhà văn hóa phương Tây... 30 bài viết với 30 tít bài ngắn gọn, cô đọng và giàu hình ảnh khiến người đọc dễ nhớ, dễ thấm như: “Người bạn muôn đời”, “Người đánh thức một thế hệ thanh niên”, “Thời gian ơi sao không đổi sắc màu”, “Đâu chỉ có tiếng cười’, “Chuyện thế gian có bao giờ cạn”, “Đã mang lấy nghiệp vào thân", “Báo chí khô khan ư?”, “Cá lóc, cá quả, cá tràu”, “Lũy tre, cổng làng, giếng xóm”, “Một weekend ở Điện Biên Phủ”, “Hà Nội một mảnh hồn xưa”… Với “Thời gian không đổi sắc màu”, ta như được nghe nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang ân cần, nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình chuyện đời, chuyện nghề với độc giả. Đồng thời qua tập sách ta cũng thấy được “tấm lòng của một người suốt đời cầm bút bày tỏ lòng tri ân sách, người bạn muôn đời”.

Tuyết Nguyễn

Tin khác

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa