Cổng làng ra phố

Thứ bảy, 02/06/2018 20:39 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra đồng loạt và mạnh mẽ, chứng tích lịch sử - cổng nghĩa trang Hợp Thiện, một trong những kiến trúc cổ được xây dựng từ năm 1945 hiếm hoi còn sót lại giữa lòng phố thị, giờ đây cũng đã bị xóa sổ để nhường lại cho các dự án làm đường và quy hoạch đô thị mới.

Báo Công luận


 Cổng nghĩa trang Hợp Thiện xưa còn sót lại. (Ảnh: TL)

Nghĩa trang Hợp Thiện nay nằm sâu trong ngõ Đông Kim Ngưu, thuộc phường Vĩnh Tuy, nhưng chiếc cổng chính của nó lại nằm ngay trên mặt đường Minh Khai, đoạn nối liền đến cầu Vĩnh Tuy.

Theo lời kể của những người đã gắn bó lâu năm với khu đất này cho biết, nghĩa trang Hợp Thiện trước kia rộng lớn lắm, không đông dân và tấp nập như bây giờ, kể từ khi “cơn sốt” nhà đất và chung cư mọc lên như nấm thì diện tích của nó đã bị co hẹp lại, mặt bằng bị giải tỏa, cổng nghĩa trang trơ trọi nằm xen với nhà dân. Lâu dần, người ta quên mất nó vốn là cổng của nghĩa trang. Người ta gọi nó là cổng làng.

“Cổng làng” và câu chuyện ít người biết đến

Câu chuyện mà các vị cao niên đã gắn bó với mảnh đất này đến hơn nửa đời người kể lại, đây chính là khu nghĩa trang tập hợp hàng vạn hài cốt của những đồng bào chết vì oanh tạc do chiến tranh và nạn đói năm 1944 -1945. Chỉ riêng con số lên tới hàng vạn người cũng đủ thấy, nằm sâu trong mỗi tấc đất nơi này không phải chỉ là một nấm mồ tập thể nữa mà đó là một bể xương khổng lồ, chứng tích của một quá khứ đau thương duy nhất còn sót lại giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Báo Công luận

Công trình kiến trúc cổ xưa còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. (Ảnh: TL)

Để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số, chính quyền đã cho xây dựng nên khu nghĩa trang từ sau năm 1945. Chiếc cổng là minh chứng rõ nét nhất cho một công trình kiến trúc cổ xưa còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. Bước đi nghiệt ngã của thời gian dẫu có biến “nương dâu thành bãi bể” thì chiếc “cổng làng” vẫn nằm sừng sững toát lên một nét hồn xưa cũ, với màu sắc cổ kính đã bị nhuộm màu rêu phong, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.

Đó là một trong những chiếc cổng có kiến trúc vững vàng và đẹp mắt tại khu dân cư này. Nó tạo nên một vẻ đẹp hoài cổ rất riêng cho phố phường Hà Nội, bên cạnh một đô thị chen chúc và chật hẹp, thì hình ảnh chiếc cổng đem đến cho cuộc sống con người một sự dân dã, mộc mạc và yên bình.

Những thế hệ sau đến với khu dân cư, họ không biết nhiều đến câu chuyện mà ẩn sau đó là cả một giai đoạn lịch sử đau thương, nhưng những gì gắn bó với họ, vẫn hiển hiện trước mắt, cái “cổng làng” ấy vẫn là chốn đi, về của biết bao người. “Đó là chiếc cổng vẫn hằng ngày gắn bó với người dân ở đây. Nó có hình khối rất đẹp và vững chãi, một điểm nhấn độc đáo cho con phố này.” - chị Ngọc, một người dân sống ở đây nói.

Cũ kỹ nào cuối cùng cũng bị đập bỏ

Nằm trong quy hoạch xây dựng tuyến đường từ Minh Khai đến vành đai 2.5, một trong những tuyến đường trục chính đô thị, có ý nghĩa quan trọng kết nối các tuyến đường vành đai với các tuyến đô thị trong khu vực, nên cổng của nghĩa trang Hợp Thiện, được yêu cầu phải phá bỏ.

Khi dấu vết kiến trúc cuối cùng gợi nhớ ký ức một khu dân cư xưa bị khai tử, không ít người bày tỏ quan điểm, tiếc nuối có, đồng tình cũng có. Một trong những người thường ngày đi làm qua lại ngắm nhìn chiếc cổng, chị Nguyễn Thị Thảo bày tỏ: “ Không biết liệu có tu sửa được không chứ thật sự cá nhân mình thấy đáng tiếc quá. Chiếc cổng giống như một minh chứng của lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây qua bao nhiêu năm tháng, giờ phá đi thì thật tiếc nuối”.

Báo Công luận

Chiếc cổng giống như một minh chứng của lịch sử nhưng sắp bị phá bỏ. (Ảnh: TL)

Bác Trần Văn Thành, một người làng thì cho rằng: “Tôi thì muốn giữ lại. Giữ để cho thế hệ sau biết rằng đây là nơi tưởng niệm những người đồng bào đã thiệt mạng vì chiến tranh, vì nạn đói lịch sử năm 1945 và cũng là để người ta nhìn vào nó mà nhớ về Việt Nam đã vượt qua những năm tháng đau thương đó như thế nào, để có được như ngày hôm nay.” Hay “Tại sao không tu sửa để biến cái cổng này thành một điểm nhấn? Sự đối lập giữa cổ kính và hiện đại sẽ làm cho không gian của khu vực này không bị đơn sắc và có giá trị hơn”, một người dân khác chia sẻ.

Tuy tiếc nuối là vậy, nhưng người ở đây cũng không thể phủ nhận một hiện thực vẫn thường xuyên diễn ra đó là vấn nạn tắc đường mỗi ngày vào giờ cao điểm. Đoạn đường Minh Khai là một trong những tuyến đường có lượng xe cộ đi lại khá đông, trong khi diện tích đường không lớn, do vậy, chính quyền vẫn phải ra quyết định quy hoạch trước nhiều ý kiến tiếc nuối của người dân.

Có một vài người cho rằng có thể tu sửa và di dời chiếc cổng này sang một vị trí nào đó rộng hơn nhằm giữ lại được nét đẹp kiến trúc cổ từ năm 1945 đến giờ. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế, những đề xuất di dời để bảo tồn mà họ đưa ra cũng chỉ có thể là những mong muốn khó thành.

Xung quanh khu dân cư này mặc dù vẫn còn tồn tại một số cổng làng truyền thống khác có chiều dài văn hóa, lịch sử, tuy nhiên, chiếc “cổng làng” đồ sộ, cổ kính và lâu đời này cuối cùng cũng bị khai tử.

Hình ảnh một chiếc cổng hiên ngang, một chứng nhân lịch sử, giờ đây chỉ còn lại một đống đổ nát. Tuyến đường sẽ nhanh chóng được thi công và khu dân cư này trong tương lai cũng sẽ được khoác lên một màu sắc mới.

Sẽ chẳng còn ai nhớ nơi đây từng có một cái cổng làng.

Hoàng Lan – Ngọc Thúy


Tin khác

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

(CLO) Mới đây, Ban quản lý ba thôn (Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống làng Tiếu Mai. Hoạt động sẽ diễn ra trong ba ngày (18-20/4/2024).

Đời sống văn hóa
Sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024

Sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024

(CLO) 500 quả pháo hoa tầm cao và 150 giàn pháo hoa tầm thấp sẽ được bắn 15 phút trong đêm tổ chức Chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Hấp dẫn các hoạt động và trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư 2024

Ninh Bình: Hấp dẫn các hoạt động và trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư năm 2024 đã diễn ra các hoạt động và trò chơi dân gian như: Hội trại thanh niên; Hội thi kéo chữ "Thái Bình"; Hội thi chọi gà.

Đời sống văn hóa