Du khách Trung Quốc lại ồ ạt theo "tour "0 đồng" sang Việt Nam

Thứ năm, 22/03/2018 11:44 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trước việc thất thu tiền thuế, mất uy tín của ngành du lịch từ "tour 0 đồng", chính phủ Thái Lan đã từng có những biện pháp mạnh nhằm chấm dứt hình thức kinh doanh này. Còn ở Việt Nam, sau một thời gian chìm lắng, thì nay, tour du lich "0 đồng" đã quay trở lại.

Những ngày gần đây, khách Trung Quốc đi theo tour giá rẻ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) lại tăng đột biến, có hôm lên đến cả vạn người, khiến cửa khẩu quốc tế Móng Cái luôn trong tình trạng tắc nghẽn.

Cách đây hơn một năm, thực trạng “tour 0 đồng” cũng từng diễn ra ồ ạt tại Quảng Ninh khiến dư luận không khỏi bức xúc. Mặt trái của tour này là các công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách đi du lịch với giá thành tour rẻ, thậm chí 0 đồng, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. 

Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Móng Cái, khách du lịch được đưa vào nội địa sẽ buộc phải qua các trung tâm thương mại riêng biệt, những điểm bán hàng “chỉ dành cho khách Trung Quốc” và mua hàng với giá chênh lệch đắt “cắt cổ”, có khi du khách mất tiền nhưng lại mua phải hàng kém chất lượng. 

Hệ quả của tour 0 đồng được nói đến nhiều nhất là tiền chảy vào túi các doanh nghiệp lữ hành, còn ngành du lịch Việt thì thất thu. Cụ thể, khác với tour thông thường, dòng tiền từ khách du lịch trong “tour 0 đồng” tập trung về hãng lữ hành bán “sỉ” tour trọn gói. 

Báo Công luận
Cao điểm có 10 vạn lượt du khách từ Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành nội địa đóng vai trò trung gian sẽ nhận được tiền “hoa hồng” từ những điểm bán hàng này. Do đó, chen chân vào thị trường Việt Nam, mô hình “tour 0 đồng” mặc dù có thể khiến lượng khách đến Việt Nam tăng lên về số lượng nhưng ngành du lịch Việt Nam thất thu lợi nhuận, lại có nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam. 

Ước tính, hiện mỗi ngày có cả vạn khách Trung Quốc theo “tour 0 đồng” nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Tình trạng người Trung Quốc tại Việt Nam mở ra những khu riêng để phục vụ du lịch, kinh doanh buôn bán là hoàn toàn bất hợp pháp. Những địa điểm kinh doanh này chủ yếu hoạt động chui nên chính quyền địa phương cũng khá khó khăn để quản lý. Khách chọn “tour 0 đồng” khi qua VN lại được dẫn tới những nơi này tuy không gây nhiều báo động về mặt an ninh nhưng ảnh hưởng kinh tế lại rất lớn. 

Theo một số hướng dẫn viên du lịch, chỉ vào dịp TP. Hạ Long đóng cửa một loạt các điểm bán hàng “chỉ dành cho khách Trung Quốc”, giá tour mới tăng dần và có thời điểm trở lại giá tối thiểu – khoảng 700 NDT/tour 3 đêm, 4 ngày/người (2,5 triệu đồng). Tuy nhiên, khi các cửa hàng trên hoạt động trở lại, giá tour lại đại hạ giá. 

Hiện, không những giá tour xuống 0 đồng, mà ai muốn nhận khách còn phải trả các đối tác Trung Quốc từ 100-200 NDT/khách. Và, chuyện cũ lặp lại: đưa du khách vào các điểm bán hàng để “chặt chém” nhằm bù lỗ và kiếm lời. 

Cơ hội quảng bá du lịch có nguy cơ "vỡ trận" từ tour du lịch giá 0 đồng

Tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng thực chất xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn phong phú, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá. Tour giá rẻ là cuộc chiến giữa sản phẩm du lịch của các công ty "gom" khách. 

Cuộc chiến đến từ chính các công ty đón khách. Nhiều công ty đón khách vì muốn giành giật khách nên xuất hiện tình trạng chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường. 

Thậm chí có một số công ty du lịch nhận khách sẵn sàng “mua đoàn” với mức bù giá trên trời, mang tâm lý “đánh cược” khiến cho chính các công ty thuê bao charter cũng phải lắc đầu vì mức độ mạo hiểm. Chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn đoạn tuyệt với tour giá rẻ và tour 0 đồng nhưng thực tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. 

Đây là cạnh tranh giữa các quốc gia, thành phố, công ty đón khách, hãng hàng không, sản phẩm tương đồng. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, thì cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng đó là làm tốt công tác quản lý các doanh nghiệp lữ hành, không để xảy ra tình trạng "mua, bán" khách. 

Thứ hai nữa là phải tăng cường công tác quản lý thị trường đối với các cửa hàng chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Nếu phát hiện các cửa hàng bán bằng đồng ngoại tệ Trung Quốc thì phải kiên quyết xử lý. 

Thứ ba nữa là Tổng cục Du lịch sẽ đề nghị với các chính quyền địa phương thành lập lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc trong quá trình phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc. Những trường hợp nào sai phạm thì kiên quyết xử lý ngay để thiết lập môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh đảm bảo văn minh an toàn để phục vụ cho khách du lịch. 

Trên thực tế cũng có rất nhiều đoàn khách Trung Quốc than phiền, đòi “cạch đến già” những tour giá rẻ mà chất lượng kém. Thị trường khách Trung Quốc là thị trường lớn, các doanh nghiệp VN cũng đang có những chính sách khai thác rất hiệu quả. Những tour chuyên nghiệp, phục vụ theo đúng giá trị thì người ta tự khắc sẽ hài lòng, không sợ mất khách. 

Cần có hướng quản lý đúng đắn để khai thác đối tượng khách tiềm năng này. Bởi theo đánh giá của thế giới, khách Trung Quốc là “sộp” nhất. Nếu làm theo “tour 0 đồng”, VN có số lượng nhưng sẽ không thu được gì vì không người Trung Quốc nào muốn sang VN mà phải bỏ tiền ra để mua đồ Trung Quốc (thường bị dẫn vào những khu mua sắm của người Trung Quốc tại VN), có khi còn là đồ dởm, mà giá lại cao. 

Chưa kể các DN buôn bán cho du khách Trung Quốc mà làm ăn đàng hoàng cũng không có cơ hội “chen chân” vào mô hình khép kín kia. “Quan trọng phải là chất lượng. Có thể lượng khách Trung Quốc tới VN lúc đầu có giảm sút nhưng chúng ta quản lý được, có những cách để họ tự nguyện “móc hầu bao” thì lợi ích thu về còn lớn hơn gấp nhiều lần mà vẫn giữ được hình ảnh đẹp cho du lịch Việt./.

Thiên Ân

Tin khác

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

(CLO) Ngày 18/4/2024, Hội nông dân huyện Hoa lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền khéo tại lễ Hội hoa lư năm 2024. Hội thi có sự tham gia của đội thi xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải.

Đời sống văn hóa
Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

(CLO) Bảo tàng Ninh Bình đã tổ chức trưng bày hình ảnh và hiện vật phục vụ Lễ hội Hoa Lư năm 2024 với chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử" trong 3 ngày (17-19/4/2024).

Đời sống văn hóa
Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

(CLO) Triển lãm trực tuyến về Quần thể danh thắng Tràng An trên Google Arts & Culture chính thức ra mắt ngày 18/4, với sự hỗ trợ của Google Arts & Culture và UNESCO World Heritage.

Đời sống văn hóa
Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

(CLO) Cùng với lễ giỗ tổ tại Đất tổ - Đền Hùng Phú Thọ, người dân vùng đất Tây nguyên cũng hướng về và thành kính tổ chức lễ Giỗ tổ tại quần thể di tích Đền Hùng trên núi Phượng Hoàng trấn linh, đèo Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đời sống văn hóa