Gốm Bát Tràng – hồn đất Thăng Long

Thứ ba, 09/01/2018 15:41 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bát Tràng, một làng cổ nằm phía ngoài bãi đê sông Hồng, kể từ khi mang tên phường Bạch Thổ đến nay, vẫn luôn được người trong và ngoài nước biết đến bởi những sản phẩm gốm nổi tiếng có hơn 700 năm lịch sử.

Hà Nội, đất ngàn năm văn hiến với 36 phố phường xưa cũng là những phường nghề chuyên bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng gắn với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, nhưng trong quá trình phát triển của xã hội, nhiều làng nghề, phường nghề bị mai một hoặc dần thu hẹp lại. Riêng Bát Tràng, một làng cổ nằm phía ngoài bãi đê sông Hồng, kể từ khi mang tên phường Bạch Thổ đến nay, vẫn luôn được người trong và ngoài nước biết đến bởi những sản phẩm gốm nổi tiếng có  hơn 700 năm lịch sử.

Có thể nói Bát Tràng là một trong những kho lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể nhất của Hà Nội và của cả dân tộc, là làng nghề có bề dày lịch sử, nhiều đời kế tiếp chuyên sản xuất các sản phẩm gốm độc đáo ghi đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Báo Công luận
 
Xa xưa, Bát Tràng là mảnh đất tụ cư của nhiều dòng họ tới từ Vĩnh Ninh (Thanh Hóa), nơi từng sản xuất loại gạch xây thành nổi tiếng trong lịch sử. Thời gian sau là 5 dòng họ làng Bồ Bát (Ninh Bình) là Lê, Phạm, Trần, Vượng, Nguyễn thấy đất có vượng khí nên đưa gia quyến đến vùng này lập thành phường sản xuất gốm, và vì vùng này có đất sét trắng nên gọi là Bạch Thổ phường.

Nghề gốm phát triển cuốn theo nhiều gia đình ở Bồ Bát tiếp tục đến lập nghiệp, đông nhất là vào thời Lê Trung Hưng. Cho đến nay, nhiều dòng họ vẫn còn lưu giữ được những cuốn gia phả viết về thời điểm chuyển cư từ Ninh Bình ra Bát Tràng vào giai đoạn cuối thời Trần và Lê sơ (thế kỷ XIV - đầu XV).

Tiếng tăm của Bát Tràng được truyền tụng qua nhiều thế hệ và đã đi vào tâm thức của người Việt:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…

Bức đại tự treo ở văn chỉ làng Bát Tràng có 4 chữ: “Hiếu - Nghĩa - Cấp - Công” do vua Tự Đức ban tặng, phần lạc khoản ghi “Tự Đức thập tam niên, ngũ nguyệt sở cửu nhật”. Có nghĩa: Năm Tự Đức thứ 13, ngày 9 tháng 5.  4 chữ trên có nghĩa: “Ham làm việc nghĩa, nhanh chóng việc công” vì Bát Tràng đã cung tiến gạch để xây Hiếu lăng (lăng Minh Mạng ở Huế). Thư tịch Bát Tràng chép rằng, ở làng này đã có gần 400 người thi đỗ tới tam trường, trong đó có 9 người đậu Tiến sĩ, trạng nguyên, đứng đầu là Giáp Hải (1516 - 1588) đỗ Trạng nguyên thời nhà Mạc khi mới 23 tuổi. Vậy mà trên tấm bia đá đặt trên mình rùa trong văn chỉ của làng lại để trắng, không một nét khắc chữ. Các học giả cho rằng, bia để trắng ngụ ý: xin để đời sau phán xét và phẩm bình, còn tự nói về mình khắc lên bia đá để hậu thế soi thì đâu phải khó. Ngẫm ra các bậc tiền bối ở làng Bát Tràng thâm thúy thật.

Báo Công luận
 
Trò chuyện với các nghệ nhân cao tuổi ở Bát Tràng, mỗi khi nói đến kinh nghiệm sản xuất gốm với các loại men nổi tiếng, các cụ cho rằng đó là sự kết hợp hài hòa của ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ông chủ gốm Tô Thành Sơn, nghệ nhân ưu tú, người đã khôi phục được loại men rạn cổ đã thất truyền từ hơn 100 năm trước, giải thích: “Này nhé, nước hòa trong đất tạo thành dáng gốm; kim loại hòa trong men và xương gốm tạo ra sự huyền bí của mầu sắc với những vẻ đẹp riêng, lửa cháy trong lò tạo ra hỏa biến, tác nhân của sự bền chắc; những yếu tố trên cùng với tâm hồn người thợ tác động lẫn nhau tạo thành giá trị của sản phẩm”. Cầu mong cho mẻ gốm chín đều, mau mắn đến với khách hàng, thoảng vẫn gặp ông chủ lò thắp mấy nén nhang khẩn cầu cho sự hanh thông của ngũ hành trước khi nhóm lửa lò nung.

Báo Công luận
 
Sản phẩm gốm Bát Tràng nổi tiếng từ xa xưa đều bắt đầu từ khi tạo dáng với lối be, chạch và vuốt sản phẩm trên bàn xoay. Những sản phẩm mỹ nghệ đơn chiếc cho đến nay vẫn làm như thế. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn, các xưởng thợ đã thực hiện việc chuyên môn hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, ví như khâu làm phôi gốm đã được đổ khuôn hàng loạt. Men gốm là bí quyết của làng nghề. Các loại men ngọc (thế kỷ 14), men gio (thế kỷ 15), men lam, men nâu, men rạn… nổi tiếng cho đến nay đã làm rung động bao thế hệ các nhà sưu tầm gốm Bát Tràng ở trong nước và thế giới. Khi kinh đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, rồi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trùng tu và xây dựng lại, thì gạch Bát Tràng lại có dịp được đưa vào sản xuất.

Báo Công luận
 
Năm 1802 khi Gia Long lên ngôi vua, đã chỉ thị cho Triều thần mua gạch Bát Tràng để xây dựng các công trình trong Hoàng cung và các sản phẩm gốm quý như cây đèn, lọ độc bình… đập vỡ ra lấy mảnh gốm ghép trang trí trên các họa tiết rồng, phượng và cảnh vật trên các đầu đao, đốc mái, đầu hồi, cổng thành…

Năm 2014 nhân Festival Huế, Ban tổ chức phối hợp với Hội gốm Bát Tràng tổ chức lễ rước gốm và gạch Bát Tràng từ bờ sông Hương, phía ngoài cột cờ Huế vào vườn thượng uyển trong Hoàng cung với hàng trăm thiếu nữ tham gia và 70 người dân Bát Tràng từ Hà Nội vào dự.

Làng Bát Tràng cổ nay vẫn giữ nhiều dấu tích xưa qua kiến trúc của 19 ngôi nhà thờ của dòng tộc, lối ngõ, những ô cửa sổ, đình chùa, đặc biệt là vật liệu xây dựng: Gạch Bát Tràng, những viên gạch từng được xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân trong ca dao xưa. Tiếp nối truyền thống, Bát Tràng nay càng phát triển rực rỡ qua những sản phẩm gốm của mình. Nhiều thợ gốm xưa với kinh nghiệm gia truyền lâu đời đã chế tác ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo cả về dáng, họa tiết trang trí lẫn về men, đặc biệt là men đồng đen, men cổ hoặc dát lá đồng mỏng trên họa tiết nổi của chân đèn men nâu.

Thật ý nghĩa biết bao khi Hà Nội 1000 năm tuổi làng gốm Bát Tràng đã trở thành một trung tâm gốm với các vệ tinh ở Đa Tốn, Kim Lan, Đào Xuyên, Quan Tế, Đông Dư… tô thêm vào bản đồ kinh tế Hà Nội một mảng mầu rất đậm ở phần đất cuối huyện Gia Lâm, bên tả ngạn sông Hồng.

                                                                      Đinh Quang Thành

Tin khác

Nhã Nam tạm ngừng công tác Tổng Giám đốc sau cáo buộc 'quấy rối nhân viên nữ'

Nhã Nam tạm ngừng công tác Tổng Giám đốc sau cáo buộc 'quấy rối nhân viên nữ'

(CLO) Công ty sách Nhã Nam quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của Tổng Giám đốc Nguyễn Nhật Anh sau cáo buộc "quấy rối nhân viên nữ".

Đời sống văn hóa
Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín... dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín... dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

(CLO) Sáng 19/4 (tức ngày 11 tháng 3 năm Giáp Thìn), tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đại diện già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đời sống văn hóa
12.000 đầu sách trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024

12.000 đầu sách trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024

(CLO) Hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, UBND tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Cửa Lò tổ chức công bố di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Yên Lương.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

(CLO) Triển lãm “Kỷ niệm và Trải nghiệm: 100 Tác phẩm Nghệ thuật từ Họa sĩ Văn Chiến” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đời sống văn hóa