Sôi động, ấn tượng lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng”

Chủ nhật, 29/07/2018 17:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 29/7, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc lễ hội đường phố với chủ đề “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng”, mừng kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (2008 - 2018). Chương trình do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam tổ chức.

Báo Công luận

Chương trình múa Rồng khai mạc lễ hội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội (2008- 2018).

Những mảng màu tươi sáng của văn hóa, nghệ thuật Hà Nội một thập kỷ qua đã được thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn thông qua hoạt động diễu hành và biểu diễn nghệ thuật. Lễ hội có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Trung ương và Hà Nội, không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nghệ sĩ mà còn là không gian giao lưu văn hóa của người dân Thủ đô.

Lễ hội đường phố "Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng" với đoàn diễu hành khoảng 5.000 người chia thành 7 khối, đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, từ ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay - Hàng Bài.

Các sân khấu được dựng tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực đền thờ vua Lê Thái Tổ, ngã tư Bà Triệu - Hàng Khay, ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền để các đoàn diễu hành dừng lại biểu diễn những tiết mục đặc sắc.

Báo Công luận

Các thiếu nữ trong trang phục áo dài bên những chiếc xe đạp chở hoa tại phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Đi đầu đoàn diễu hành là khối dân gian với 800 nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của đất Thăng Long - Hà Nội như múa rồng, múa lân, múa chạy cờ, trống hội, múa “Con đĩ đánh bồng”, múa “Bài bông”…

Khối làng nghề có sự tham gia của 400 người, trong đó có khoảng 300 nghệ sĩ chuyên nghiệp, trình diễn múa hoa sen, hoa đào, hoa mai. Các nghệ nhân, đội văn nghệ của các làng nghề truyền thống nổi tiếng trình diễn múa nón (làng Chuông, huyện Thanh Oai), múa lụa (Vạn Phúc, Hà Đông), múa hoa (làng hoa Mê Linh).

Khối diễu hành thứ hai đã phô diễn những nét đặc trưng của các làng nghề nức tiếng Hà Nội thông qua các màn múa: Múa hoa sen, múa hoa đào, múa hoa mai vàng, múa nón, múa lụa… Đội hình này có người dân các làng nghề truyền thống tham gia.

Báo Công luận

Các đoàn nghệ thuật diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm.

Khối tiếp theo có sự tham dự của 700 người cao tuổi biểu diễn múa quyền, đánh côn, tập dưỡng sinh, đem đến hình ảnh về những buổi sớm bình yên của Thủ đô.  Khối thể thao nghệ thuật với  sự tham dự của 300 vận động viên cùng đồng diễn wushu, karate, taekwondo, đồng diễn thể thao, erobic và dance sport.

Hà Nội là nơi tụ hội người trẻ khắp muôn phương đến học tập, lao động, làm việc, lực lượng này tạo nét tươi tắn, sôi động cho Thủ đô hôm nay. Điều đó thể hiện ở khối diễu hành tuổi trẻ Thủ đô với 700 học sinh, sinh viên vẫy cờ, hoa, bóng bay nhiều màu sắc.

Báo Công luận

Nghệ sĩ Minh Vượng (phải) trong vai mẹ chồng đang trên đường đi đón dâu theo phong cách đám cưới của người Hà Nội xưa.

Tiếp sau đó là khối nghệ thuật đương đại gồm 400 nghệ sĩ, người mẫu trình diễn thời trang áo dài cổ Hà Nội; nghệ nhân dân gian biểu diễn đi cà kheo trên nền nhạc chiêng, trống, biểu diễn các tiết mục xiếc như: Xiếc đường phố, ảo thuật, tung hứng biểu diễn nghệ thuật đường phố. Và  khép lại đoàn diễu hành là vũ hội Canaval gồm 10 khối màu sắc, với khoảng hơn 1.000 bạn trẻ đồng diễn trên nền nhạc.

Bên cạnh đó, có lẽ giữ vai trò quan trọng và tạo nên không khí hội hè của lễ hội chính là khối quần chúng nhân dân. Đó là những người dân sinh sống quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, người dân từ các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đến vui chơi tại không gian đi bộ, du khách trong nước và quốc tế. Họ đã cùng hòa mình vào đoàn diễu hành, tham gia nhảy múa, cổ vũ và để lại ấn tượng cho hoạt động đặc biệt này.

Báo Công luận
Diễn viên Thu Hà vẫn trẻ trung, xinh đẹp, chị tham gia hoạt cảnh tái hiện lại một đám cưới theo phong cách Hà Nội xưa rất ấn tượng.
Tất cả đã hòa quyện tạo nên một không khí đậm đặc truyền thống, đặc sắc của mảnh đất Thăng Long nghìn năm hội tụ tinh hoa và cũng không kém phần hiện đại, sôi nổi. Đây chắc chắn là một câu chuyện kể sinh động, tự hào về một thập kỷ hội nhập và phát triển của Thủ đô.

Lan Vi


Tin khác

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

(CLO) Triển lãm “Kỷ niệm và Trải nghiệm: 100 Tác phẩm Nghệ thuật từ Họa sĩ Văn Chiến” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đời sống văn hóa
Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

(CLO) Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải là lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng của ngư dân vùng ven biển, nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân tạ ơn biển cả.

Đời sống văn hóa
Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long là những di sản thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng địa phương và được kế tục qua nhiều thế hệ.

Đời sống văn hóa
Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

(CLO) Ngày 18/4/2024, Hội nông dân huyện Hoa lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền khéo tại lễ Hội hoa lư năm 2024. Hội thi có sự tham gia của đội thi xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải.

Đời sống văn hóa