Tết phố, vui không?

Thứ sáu, 16/02/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tôi sinh ra ở phố. Lấy chồng, làm dâu mới biết đến vị Tết quê. Thế nên, rực rỡ trong ký ức vẫn là những mùa Tết phố tưng bừng mà gần gũi. Cho nên nếu ai nói Tết phố nhạt, thì dường như người đó vẫn chưa thật sự yêu góc phố, xóm nhỏ mình đang sống bởi Tết là ở lòng mình. Có tình, cớ sao Tết nhạt?

1. Ông nội tôi, một đời vất vả, tha hương kiếm sống. Đến lúc tạm gọi thanh nhàn, về lại cố hương xa tít thì anh em cũng khuất nẻo đường trần. Nên ông lấy mảnh đất đã cưu mang, nuôi dưỡng ông cùng đàn con nheo nhóc những năm cực khổ chiến tranh, đi qua nhọc nhằn thời bao cấp làm quê hương. Vì vậy, gần hết cuộc đời ông gắn liền với Tết phố. Và ông, đã tạo cho tôi những mùa Tết phố lung linh, tràn ngập tiếng cười của sự đoàn viên ấm áp. 

Những mùa Tết thơ bé lúc nào cũng gắn liền với những khó khăn, vất vả. Là sự hóng chờ quần áo mới, là tròn xoe đôi mắt nhìn đào, quất được chở về, là háo hức ủ hương trong nồi bánh chưng xanh, nơi chắc chắn mình sẽ có một chiếc bánh xinh xinh, nhỏ nhỏ, là cả nỗi khát thèm những mứt, những kẹo được ông, bà cất kỹ, sẽ được lấy ra đãi khách trong 3 ngày Tết, và đương nhiên mình cũng có phần. Nổi trên cái nền rộn rã ấy là hình ảnh ông tôi, sốt ruột vào ra, ngóng con ngóng cháu, bực mình cáu gắt vì hoa, vì đào chưa ưng ý mà đàn con thì hình như chẳng biết, vẫn bá cổ, kề vai chuyện trò rôm rả, mặc cho mua phùn, gió rét thổi ngoài khung cửa. 

Với những người đã già, cái Tết đã rục rịch bắt đầu từ dăm ba tháng trước trong một bữa cơm, trong một bữa trà chiều, với tiếng nhắc lửng lơ “sắp Tết rồi”, với những cuộc gọi điện hỏi bâng quơ cho đứa con xa nhà “Tết này về sớm không con?”,… Họ đã đi qua già nửa cuộc đời, với những thời điểm khó khăn nhất, những thời điểm mà cả năm vất vả, mọi thứ không phải lúc nào cũng có được dư dả đủ đầy. Những thời điểm đó, “ăn Tết” như là một sự kiện trọng đại của năm, là những ngày nghỉ ngơi hạnh phúc, được cho phép tự do tiêu xài, được ăn những món ăn ngày thường muốn ăn cũng cần phải suy nghĩ đắn đo. Bộ quần áo, đôi dép mới cho con trong những ngày cận tết là món quà chất chứa biết bao nhiêu tình yêu và hy vọng. Vì vậy mà Tết mới quý và ví von điều gì về hạnh phúc thì người ta đều nói là “vui như Tết”. 20 năm, chưa bao giờ tôi nguôi nhớ những trận cười lan dài trong những ngày cuối năm như thế. Xóm nghèo của những người lao động nhưng chưa bao giờ Tết kém niềm vui. 

Báo Công luận
 

2. Nhiều người nói Tết phố nhạt là bởi ai cũng nghĩ Tết, là để trở về. Người ta có thể vì lý do này hoặc lý do kia, phải rời xa gia đình để sinh sống ở một miền đất xa lạ. Để rồi mỗi dịp xuân về bất chợt lại cảm thấy thèm thuồng phát điên cái hương vị Tết đã từng gắn liền với hơi thở của những tháng ngày lớn lên cùng với đất trời. Nhưng thật ra đâu phải chỉ người xa quê hương mới mang tâm trạng ấy? Tết gọi những người xa quê trở về, gọi những người bận rộn lại với mâm cơm gia đình, bên những chiếc bánh chưng xanh biếc, bên bàn trà nước nói cười râm ran, bên những lời chúc còn thoang thoảng khí xuân rộn ràng, bên mùi hương trầm nồng đượm cảm giác bình an.

Không giống như tâm trạng của những người chưa từng có quê xa, hay cuối năm không bao giờ biết đến cái cảnh ba túi, chín tay nải, khăn khăn, gói gói kéo cả bầu đoàn thê tử cha mẹ con cái về quê ăn Tết. Những người sinh ra ở phố thì chắc là cái cảm giác thắc thỏm đợi Tết sẽ chẳng bao giờ cồn cào quay quắt như người nhà quê ở phố cứ đến dịp cuối năm lại tất tả lên đường tàu xe về quê ăn cho trọn vẹn một cái Tết với quê cha đất tổ.

Báo Công luận
 

Vì thế mà, Tết của những người sinh ra ở phố đến bình thản hơn, an nhiên tự tại hơn và cũng thong thả hơn rất nhiều. Với một tâm thế không phải xê dịch, đi xa. Không phải chia năm sẻ bảy những nghĩa vụ với quê cha, họ mẹ, với bà cô, chú thím bên nội, dì cậu bên ngoại, với xóm làng để hoàn thành bổn phận của người con đi xa trở về quê trong dịp Tết. 

Thường thì người thành phố, khi hoàn tất những công việc bộn bề của một năm vất vả mưu sinh, họ trở về nhà với thong thả những công việc muôn năm cũ ở hàng phố cho một gia đình chuẩn bị đón Tết. Sửa dọn, làm mới trang hoàng nhà cửa, mua sắm thứ nọ thức kia, sắm Tết đủ đầy là công việc mà bất kỳ gia đình người Việt nào dẫu ở đâu cũng đều trải qua. Nó gần như là một nghi thức đặc biệt của người Việt chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền. Có nghi thức này mới có hương vị đặc trưng của một lễ Tết Nguyên đán truyền thống từ hàng ngàn năm nay. 

Người thành phố, bên cạnh sự thảnh thơi, tỉ mẩn cầu toàn lựa chọn những món ẩm thực cầu kỳ đặc sắc ở hàng phố thụ hưởng trong dịp Tết thì có một món ăn tinh thần không thể thiếu trong thực đơn Tết ở phố là họ không bao giờ bỏ lỡ chợ hoa, du xuân vãn cảnh sắm sửa hoa xuân cho Tết. Bởi thế mà Tết ở phố chậm rãi, thong thả, và hưởng thụ lộc xuân đúng nghĩa hơn.

Có thể người thành phố cũng như người có quê xa, nếu Tết ấy phải ăn một cái Tết ở nơi xa do công việc, do công tác hay do nhiều… lý do nào khác thì hẳn trong tâm thế của họ cũng nao núng một nỗi nhớ phố, một sự lạc lõng và buồn hiu trong mùi hương đồng bếp rạ quạnh vắng nơi miền quê xa lạ.

3. Thành phố như dần dần bị rút rỗng vào những chiều giáp Tết. Và sẽ gần như vắng vẻ tuyệt đối vào những buổi tinh mơ Nguyên đán. Những khoảnh khắc vắng lặng đến hẫng hụt khiến ta tự vấn, con người, đám đông ngày thường đã đi đâu tìm Tết? Phải chăng Tết không thuộc về đô thị? Ba trăm sáu mươi lăm ngày mới một lần trở lại sự tĩnh lặng đó. Tết phố cho người ta cái an nhàn, tĩnh tại, cho những người quanh năm bực bội, cáu gắt giữa đám đông và khói bụi có được sự thong thả mà ngắm hoa, ngắm phố. Cho những người hàng xóm ngày thường chỉ kịp gật đầu chào nhau mỗi sớm mai có dịp chuyện trò, hàn huyên bên tách trà, chén rượu. Thân tình, nhờ ba ngày Tết, dường như được thắt chặt thêm một chút.

Báo Công luận
 

Bố tôi cùng vài người hàng xóm, nhiều năm gần đây đã duy trì được một buổi liên hoan vào ngày cuối cùng của năm cũ, chào đón năm mới. Ông gọi đó là buổi  gặp mặt “Tình làng nghĩa xóm”. Cái chủ đề ấy, đã không ít lần khiến cho lũ trẻ chúng tôi cười ngặt nghẽo vì cái sự “sến”. Nhưng “Tình làng nghĩa xóm” đã đi qua rất nhiều mùa Tết, và không thể tin nổi những ông già, bà cả cũng có những lúc hồn nhiên vui, hồn nhiên hát như thế. Xóm nhỏ nghèo, người đến, người đi cũng chỉ dăm chục nóc nhà bỗng sống động, rộng dài trong những câu chuyện tháng năm. Họ hẹn hò về một buổi tất niên đón Tết như xưa, hẹn hò thăm ông nọ, bà kia mà khi xưa ta bé, ta rất quý. Rồi lại hẹn năm sau, nếu trời còn cho gặp mặt. Những câu chuyện ấy, thoạt nghe thì chẳng thấy gì, mà có lúc ngồi ngẫm lại, sao thấy rưng rưng khóe mắt. Chúng ta quá bận rộn để nhận ra những hạnh phúc giản dị đang ở quanh mình. Chỉ tiêu, con số, định mức, những ước mơ nhà cửa, xe cộ, mỗi khi ta lớn càng nhấn chìm những hạnh phúc con con của một thời như được về nhà đoàn tụ, nấu một mâm cơm, nói vui những câu chuyện đầu năm.

Tết, chẳng bao giờ thay đổi giá trị vĩnh cửu của nó, hàn gắn những khoảng cách xa xôi của 365 ngày để lại, thêm yêu thương, nhung nhớ cho 365 ngày kế tiếp. Cho nên nếu ai nói Tết phố nhạt, thì dường như người đó vẫn chưa thật sự yêu góc phố, xóm nhỏ mình đang sống bởi Tết là ở lòng mình. Có tình, cớ sao Tết nhạt?❏

Khánh An

Tin khác

Dàn nhạc trẻ Trẻ thế giới - WYO 2024 sẽ đến Việt Nam biểu diễn

Dàn nhạc trẻ Trẻ thế giới - WYO 2024 sẽ đến Việt Nam biểu diễn

(CLO) Từ ngày 30/3-12/4, lần đầu tiên Dàn nhạc Trẻ Thế giới - World Youth Orchestra (WYO) sẽ tới Hà Nội để tập luyện và biểu diễn cùng các thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAMYO) trong dự án Âm thanh của tình anh em.

Giải trí
Phim 'Mai' của Trấn Thành lập kỷ lục về doanh thu khi chiếu ở quốc tế

Phim 'Mai' của Trấn Thành lập kỷ lục về doanh thu khi chiếu ở quốc tế

(CLO) Theo trang Deadline của Mỹ, bộ phim "Mai" của đạo diễn Trấn Thành vừa đạt doanh thu 1 triệu USD sau khi công chiếu tại 9 quốc gia gồm Mỹ và các nước châu Âu.

Giải trí
Bị đồn sắp làm đám cưới với Hà Thanh Xuân, nam ca sĩ Quang Lê nói gì?

Bị đồn sắp làm đám cưới với Hà Thanh Xuân, nam ca sĩ Quang Lê nói gì?

(CLO) Tin đồn nam ca sĩ Quang Lê sắp làm đám cưới với Hà Thanh Xuân được lan truyền trên mạng xã hội hôm 27/3 là sai sự thật.

Giải trí
Ấn tượng Lễ trao giải Cống hiến năm 2024

Ấn tượng Lễ trao giải Cống hiến năm 2024

(CLO) Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.

Giải trí
Nữ ca sĩ Lee Ahreum tự tử giữa đêm

Nữ ca sĩ Lee Ahreum tự tử giữa đêm

(CLO) Sáng 27/3, cựu thành viên T-ara Lee Ahreum được đưa đến bệnh viện cấp cứu sau khi cố gắng tự tử, trước đó cô chia sẻ hình ảnh bị chồng cũ bạo hành.

Giải trí