Ba tác phẩm đoạt giải thi phim về quyền của người khuyết tật

Chủ nhật, 11/03/2018 14:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng ngày 11/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố và trao giải Phim ngắn cho các nhóm người khuyết tật nhân kỷ niệm ngày Không phân biệt đối xử (Zero Discrimination).

Đây là một trong những hoạt động nhằm kêu gọi sự tôn trọng, yêu thương và dừng mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người khuyết tật, để quan niệm “không phân biệt đối xử” không chỉ diễn ra trong một ngày mà mỗi ngày. Lễ công bố nằm trong khuôn khổ dự án “Lăng kính về quyền của người khuyết tật” của Hội Người khuyết tật Hà Nội.

Tại lễ công bố, Ban tổ chức đã công chiếu 4 tác phẩm phim tốt nghiệp của 20 học viên làm công tác truyền thông đến từ 12 hội người khuyết tật các quận/huyện, câu lạc bộ, trung tâm của người khuyết tật tại Hà Nội gồm: “Kẻ dại khờ”, “Khi bạn tin thì bạn có thể”, “Anh nông dân lưng gù”, “Vọng ngày xanh”. Các tác phẩm phim ngắn do chính những người khuyết tật thuộc các dạng tật khác nhau như: khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật tay, khuyết tật vận động, khuyết tật cột sống, nạn nhân chất độc da cam… thực hiện. Qua đó, các phim ngắn phản ánh chân thực tiếng nói của người khuyết tật khi đề cập đến các thách thức, khát vọng, mơ ước, tình yêu cuộc sống của chính họ trong đời thường.

Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho phim ngắn “Anh nông dân lưng gù”, tác phẩm này cũng đoạt thêm Giải khán giả bình chọn. Hai giải Nhì thuộc về phim ngắn “Bạn tin bạn có thể” và “Vọng ngày xanh”.

Anh Lê Minh Thọ, trưởng nhóm làm phim “Anh nông dân lưng gù” chia sẻ: “Cái khó nhất là sử dụng máy quay. Máy rất nặng nên trong quá trình làm phim, anh em phải phân công nhau: người nhìn ống kính, người khênh chân máy, người vác máy, người ngắm góc máy. Tôi không nghĩ đến mệt mỏi mà chỉ mong muốn làm thật tốt”.

Báo Công luận
Nhóm làm phim "Anh nông dân lưng gù" nhận giải nhất. Ảnh:  vov.vn

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng cuộc thi ảnh về quyền của người khuyết tật. Với hơn 300 bức ảnh của 60 tác giả đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, những bức ảnh truyền đi thông điệp về mơ ước, hình ảnh cuộc sống hàng ngày, những nụ cười rạng rỡ và cả những khó khăn trong cuộc sống của người khuyết tật. Cụ thể, giải Nhất thuộc về ảnh “Đôi bàn tay vàng” của tác giả Nguyễn Bích Thuỷ (Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập Hà Nội); giải Nhì cho ảnh “Vượt cạn” của tác giả Bùi Đức Quyết (Hội Người khuyết tật quận Ba Đình, Hà Nội); giải Ba cho ảnh “Lớp học Thu hẹp khoảng cách số” của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Nhung (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Những phim ngắn sẽ được sử dụng vào mục đích truyền thông phi lợi nhuận trên các mạng xã hội, các kênh truyền thông để tăng sức ảnh hưởng cũng như sự quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau, hướng đến một xã hội bình đẳng và hoà nhập thực sự đối với người khuyết tật. Anh Nguyễn Hoài An – thành viên Ban giám khảo nhận xét, đối với các học viên tham gia dự án để làm phim trong thời gian ngắn, những phim ngắn này đã là một bước tiến với bản thân các bạn khuyết tật. Bản thân anh cảm thấy xúc động khi xem phim của các bạn khuyết tật, nhưng đó không phải là thương cảm mà là sự nể phục. Anh hy vọng các bạn khuyết tật sẽ truyền thêm năng lượng cho cộng đồng và cuộc sống.

“Lăng kính về quyền của người khuyết tật” được thực hiện từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Dự án có nhiều hoạt động như xây dựng mạng lưới và đào tạo cho các cán bộ truyền thông cho các hội người khuyết tật, thi ảnh trên mạng internet, triển lãm ảnh về quyền của người khuyết tật nhân Ngày người khuyết tật quốc tế 3/12, chiếu phim và truyền thông về quyền của người khuyết tật cho 640 sinh viên/học viên cao học tại các trường đại học, thi phim ngắn về quyền của người khuyết tật…

Dự án là sáng kiến của một nhóm các bạn trẻ khuyết tật và không khuyết tật tham gia chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” do Tổng thống Mỹ Obama khởi xướng. Sự kiện mong muốn đưa hình ảnh và tiếng nói của người khuyết tật đến cộng đồng qua những bức ảnh, câu chuyện, phim ngắn do chính đối tượng này thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng, đào tạo đội ngũ truyền thông cho 12 hội, chi hội, trung tâm, câu lạc bộ người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội.

Bích Việt 

 

Tin khác

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

(CLO) Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện lễ khai mạc Ngày Sách và Văn Hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 với vai trò Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM.

Đời sống văn hóa
Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NSND), Nghệ nhân ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Đời sống văn hóa
Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

(CLO) Tối 19/4, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa