NSƯT Trần Hạnh: “Danh hiệu là quý nhưng phải đi xin thì thôi”

Chủ nhật, 15/04/2018 07:05 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sở hữu dáng vẻ hiền lành, gương mặt khắc khổ đã khiến NSƯT Trần Hạnh luôn được các đạo diễn “tin tưởng” giao đảm nhận những nhân vật có cuộc sống khắc khổ, cơ cực. Dù đã ở cái tuổi 89, xã hội có nhiều đổi thay, nhưng ông vẫn giữ cho mình một lối sống giản dị và khiêm nhường.

Người nghệ sĩ đi lên từ nghề đóng giày

Nhiều năm trở lại đây, người dân phố Trần Quý Cáp – Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh một ông già gần 90 tuổi cứ khoảng 4-5h chiều lại ra ngồi trông hàng cho con dâu gần ga Hà Nội. Ông bảo, ở nhà buồn nên khi mặt trời sắp tắt nắng, ông ra đây ngồi cho đỡ buồn và giúp con dâu. Có người hỏi đùa ông rằng: “Ông hiền thế này có khi nào bị khách vào mua hàng “bắt nạt” không?”, ông chỉ nở nụ cười hiền từ đáp: “Không, nhiều khách đến đây, thấy quen quen lại hỏi han nói chuyện. Nhìn mình hiền thế này không ai nỡ bắt nạt”.

Là người gốc Hà Nội nhưng NSƯT Trần Hạnh lại quen thuộc với khán giả trên truyền hình qua các vai diễn hiền lành, chân chất. Có khi ông hoá thân thành một “lão nông”, khi khác lại hoá thân trong những thân phận khắc khổ. Nhiều vai diễn trên truyền hình đưa ông đến gần với công chúng hơn là vai diễn trong những bộ phim như: “Làng nổi”, “Truyện cổ tích tuổi 17”, “Tướng về hưu”, “Người cầu may”, “Chiếc bình tiền kiếp”, “Hãy tha thứ cho em”, “Vệt nắng cuối trời”

Với vai diễn trong phim “Ngõ lỗ thủng”, NSƯT Trần Hạnh từng được vinh danh ở hạng mục giải thưởng Cống hiến, Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010. Sự nghiệp của ông còn ghi dấu ấn với vai diễn trong vở “Âm mưu và tình yêu” từng được đích thân cố Tổng Bí thư Trường Chinh khen ngợi. Ông đã từng 3 lần đoạt Huy chương Vàng với vai trong vở kịch Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet; giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với phim “Nước mắt đàn bà” và nhiều giải thưởng khác. Năm 2015, ở tuổi 87, ông vẫn tham gia phim điện ảnh Cha cõng con và phim truyền hình Bão qua làng.

Trong suốt gần 60 năm làm nghề, ông không nhớ nổi mình có bao nhiêu vai diễn trên màn ảnh cũng như trên sân khấu kịch. Có những vai diễn xuyên suốt cả bộ phim, có vai xuất hiện trong vài tập, thậm chí có những vai chỉ “lướt qua màn hình”, chẳng có tên tuổi, nhưng hình ảnh của người nghệ sĩ già với dáng hình quen thuộc, nụ cười hiền lành và chất phác ấy đến gần với công chúng hơn.

NSƯT Trần Hạnh sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha làm việc tại nhà máy in còn mẹ là một tiểu thương. Năm ông lên 8 tuổi, cha qua đời trong một cơn đau bệnh. Từ đó, ông phải tự lập rất sớm và làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền để đỡ đần mẹ. NSƯT Trần Hạnh cho hay, ông lấy vợ từ khá sớm, khi mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Một hôm ông nhận được điện khẩn cấp: “Về ngay, mẹ sắp mất”. Về đến nhà, hoá ra mẹ vẫn bình yên. Ông bị triệu về vì vấn đề lớn liên quan đến ông: Gia đình, đứng đầu là bà nội, bắt ông lấy vợ. Và sau ba ngày phép, ông trở thành người có gia đình. Ông và vợ có 7 người con, người còn, người mất. Năm 2011, sau 9 năm bị liệt nửa người vì một cơn tai biến mạch máu não, vợ ông qua đời.

Sau khi có gia đình, cuộc sống khó khăn ập đến, ông phải làm nghề đóng giày để mưu sinh. Ông từng gắn bó hơn chục năm với nghề đóng giày. Ông tâm sự: “Tôi vẫn nhớ nghề. Nhưng bây giờ muốn làm thì ngồi ở đâu? Ngày xưa, tôi phải mất 2-3 ngày mới đóng xong một đôi giày, mà là da thật. Đó là cái nghề hồi trẻ mình đam mê, thi thoảng nhớ lại như một kỷ niệm đẹp”.

Sự nghiệp trên sân khấu của ông bắt đầu từ những buổi đi tập kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên của Thành đoàn Hà Nội cùng những đồng nghiệp như NSND Đoàn Dũng, cố NSND Trọng Khôi, NSƯT Lê Mai, NSND Trần Tiến… Sau đó, người nghệ sĩ chưa từng qua trường lớp đào tạo về diễn xuất nào đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội từ năm 1959 đến khi nghỉ hưu năm 1989.

NSƯT Trần Hạnh là một trong những thần tượng của lớp nghệ sĩ thành danh hiện tại. Vai diễn để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất là vai Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa”. Sinh thời, nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ đã viết trong cuốn sách “Người Hà Nội” rằng, trong số 4-5 người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh thể hiện được phong thái hào hoa của người Hà Nội. “Vai sân khấu của tôi thì nhiều nhưng vai lớn đầu tiên là vai Nguyễn Trãi đấy. Tôi tìm hiểu kỹ về cụ, đọc tài liệu, tìm hiểu rồi tập đi tập lại, có những cảnh làm việc đến đêm cơ” – NSƯT Trần Hạnh hồi tưởng.

Ngày làm ở đoàn Kịch nói Hà Nội, lương ông được 42 đồng, là lương công chức bậc 2. “Hồi đó, tôi cũng có vợ con rồi nên nghĩ, mình vào làm ở đây cũng được, nghề diễn viên mình cũng thích. Trong lúc tôi đang ở đoàn Kịch Hà Nội, cũng có đi làm phim truyền hình, nhưng nói thật, tôi yêu sân khấu lắm. Tôi luôn muốn diễn trên sân khấu, muốn hoá thân thành những nhân vật ở những tác phẩm kịch nói”.

Cách đây mấy năm, đạo diễn Hoàng Quân tạo – nguyên Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội đến nhà chơi và tặng ông một quyển album chụp lại một số vai diễn của ông trên sân khấu. Đó là những bức ảnh đen trắng. Ông coi quyển album như báu vật. Thi thoảng có bạn bè đến chơi, ông vẫn mang ra để “khoe”… và nhớ lại xem, đó là vai gì, diễn vào năm nào. Ông luôn nhớ về thời kỳ hoàng kim của sân khấu, nhớ những người bạn diễn, đồng nghiệp ngày trước nay đã thành người “thiên cổ” như: Phạm Bằng, Trịnh Mai, Trịnh Thịnh… Hồi đó, mỗi đêm diễn trên sân khấu kịch được từ 4-6 hào, nhưng ai cũng hào hứng.

 

Báo Công luận
Niềm vui mỗi ngày của ông là được đóng phim và hằng ngày trông hàng cho con. Ảnh: tuoitre.vn 

Đã 3 lần làm đơn xét danh hiệu NSND nhưng không thành

Mới đây, Sở VH-TT Hà Nội có gửi danh sách NSƯT, NSND và ông có tên trong danh sách lên NSND. Ông kể đã từng rất nhiều lần làm đơn xin xét tặng danh hiệu NSND. Nhưng, lúc thì người ta bảo nhường cho người lớn tuổi hơn, lúc thì lại được khuyên “ông nộp hồ sơ làm gì cho phí công phí sức”. Đến lần thứ ba, được ông Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội mang hồ sơ đi nộp cho thì NSND Hoàng Dũng (Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội khi đó) thông báo hết hạn rồi.

Khi biết tin mình được đưa vào xét duyệt danh hiệu NSND, ông lại thực sự không hào hứng với nó. “Thực sự, tôi không kỳ vọng, mong mỏi nhiều. Tôi là một trong những người đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định. Sau này, Nhà nước thay đổi quy chế, nghệ sĩ phải làm thủ tục xét duyệt danh hiệu NSND. Cách đây vài tháng, có người bên Nhà hát kịch Hà Nội gọi tôi lên bảo làm hồ sơ duyệt danh hiệu NSND nhưng tôi bảo thôi, bao nhiêu năm làm nghề, cái được lớn nhất của tôi là những vai diễn. Tôi nghĩ, danh hiệu là quý nhưng đi xin, làm hồ sơ để xin thì tôi thôi”.

Chị Dung – con gái ông cho biết năm nay ông 89 tuổi rồi nên rất ngại phải làm hồ sơ, thủ tục. Hơn nữa, ông là người rất khái tính, không dễ thuyết phục. “Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội là NSND Trung Hiếu rất quan tâm đến ông, cứ giục gia đình làm hồ sơ cho ông, chúng tôi mới quyết định làm”.

Năm nay, sức khoẻ của NSƯT Trần Hạnh không tốt. Đêm mùng Một Tết ông phải vào viện vì không thở được. Tim của ông hơi yếu nhưng sau khi kiểm tra sức khoẻ, gia đình cho biết rất may ông chưa phải đặt “stent” mạch vành. Để đảm bảo sức khoẻ cho ông, con cháu không cho ông đi xe máy nữa. Ông cũng tự động cai thuốc lá và trà. Buổi sáng ông vẫn duy trì thói quen ra cửa hàng của con dâu ở Trần Quý Cáp ăn phở cùng các con và buổi chiều lại ra lần nữa.

Ông từng chia sẻ rằng “đời tôi khổ hơn phim”, nhưng ông cho hay, mình nói vậy là bởi vì thấy mình còn vất vả hơn các nhân vật. Tuy nhiên, nhiều mảnh đời trong xã hội còn khổ hơn ông, vậy nên ông thấy bình thường. Cách đây 2 năm, NSƯT Chí Trung từng phải xin lỗi gia đình NSƯT Trần Hạnh vì “trót” quyên được số tiền 160 triệu đồng mang đến tặng ông. Ai ngờ lúc mang đến, ông nhất quyết không nhận. Ông bảo, mình không thiếu thốn gì, chỉ là không giàu có thôi. Bản thân ông hài lòng với cuộc sống của mình và nên dành số tiền đó cho người khác. Nghệ sĩ Chí Trung phải nói mãi ông mới chịu nhận.

Ông là người yêu nghề, cần mẫn với nghề ngay cả khi đã nghỉ hưu. Ở cái tuổi này, ông chia sẻ, mình không mong muốn gì hơn ngoài việc được đóng phim, được hằng ngày ra trông hàng cho con. Ông lấy đó là niềm vui trong cuộc sống khi được lao động, làm việc hết mình. Và với nhiều người, sạp hàng nhỏ như một phần không thể thiếu ở ga Hà Nội nhờ hình bóng thân thuộc của ông ở đó mỗi ngày. 

Bích Việt 

Tin khác

Thư viện D Free Book: Mang đến hành trình mới cho những cuốn sách cũ

Thư viện D Free Book: Mang đến hành trình mới cho những cuốn sách cũ

(NB&CL) Với slogan xuyên suốt “Sách nằm im là sách chết”, thư viện cộng đồng D Free Book đã có nhiều cách làm sáng tạo để đưa sách đến tay độc giả, tạo dựng hành trình mới cho những cuốn sách cũ, để chúng không phải chịu số phận nằm im trên giá…

Đời sống văn hóa
Phú Thọ: 'Biển người' đổ về dâng lễ ở đền Hùng trong ngày chính hội

Phú Thọ: 'Biển người' đổ về dâng lễ ở đền Hùng trong ngày chính hội

(CLO) Sáng ngày 18/4, tại Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), sau phần dâng hương của các vị đại biểu, lực lượng chức năng đã mở hàng rào để hàng vạn người dân lên dâng hương ở Đền Hùng.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Tổ chức Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Ninh Bình: Tổ chức Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Tối ngày 17/4/2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Đời sống văn hóa
Hơn 200 gian hàng tham gia lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI

Hơn 200 gian hàng tham gia lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI

(CLO) Tối 17/4, tại Quảng trường Bình Thủy (thành phố Cần Thơ), Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI, năm 2024 chính thức khai mạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động kéo dài từ ngày 17 - 21/4, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bánh dân gian đậm nét Nam Bộ.

Đời sống văn hóa
Mãn nhãn màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời Đất Tổ

Mãn nhãn màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời Đất Tổ

(CLO) Tối 17/4, tại Công viên Văn Lang (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), hàng vạn người dân đội mưa đến chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa chào mừng Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024.

Đời sống văn hóa