Tháo “vòng kim cô” cho ảnh nude nghệ thuật

Thứ năm, 02/08/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ảnh nude nghệ thuật đem lại nhiều cảm xúc riêng cho người xem. Ở ảnh nude, người ta tìm thấy sự xung đột trong ranh giới giữa cái đẹp và nhu cầu khám phá đến tận cùng “góc khuất” của chính tâm hồn con người. Có lẽ cũng vì thế mà ảnh nude nghệ thuật luôn có sức hấp dẫn với người xem và cũng chịu nhiều sóng gió.

“Cởi trói” cho ảnh nude

Vừa qua, công chúng lần đầu tiên được xem một triển lãm ảnh nude do cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tổ chức. Đó là triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật” diễn ra từ 20-27/7/2018 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (Hà Nội). Triển lãm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật 52 tác phẩm thể hiện vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, tuyển chọn của 10 nhiếp ảnh gia với những tên tuổi khá quen thuộc như: Thái Phiên, Dương Quốc Định, DzungArt Nguyen, Lê Quang Châu…

Trước khi tổ chức triển lãm này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vượt qua rất nhiều khó khăn, từ khâu thẩm định cho đến việc tháo “mác 18+”, thậm chí sẵn sàng “đương đầu” với những ý kiến còn khắt khe về thể loại này trong dư luận.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Khi đưa ra ý tưởng về triển lãm này, ngay trong nội bộ Cục cũng không phải ai cũng ủng hộ. Cuối cùng, tôi phải lấy quyền Cục trưởng ra để quyết định triển lãm cho bằng được chuyên đề này. Đương nhiên, tôi cũng hiểu khi mang những tác phẩm nude nghệ thuật ra trước công chúng rộng rãi sẽ không tránh khỏi những ý kiến trái chiều”.

Trước khi triển lãm, Cục đã tổ chức khảo sát các trang mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông. Kết quả có khoảng 30% muốn Cục dán nhãn 18+, còn lại đều ủng hộ triển lãm mở cửa tự do cho đại trà công chúng. Ngoài “dựa” vào kết quả khảo sát ấy, trong quá trình tiếp cận với tác phẩm, làm việc chặt chẽ của các giám tuyển, loại bỏ hết những yếu tố tác động không tốt đến giới trẻ, Cục đã đi đến quyết định không dán nhãn 18+.

Báo Công luận
 “Âm Dương”. Tác giả Dương Quốc Định

“Với quy trình tuyển chọn kỹ lưỡng, có sự tham khảo công chúng, Cục muốn khẳng định rằng, những tác phẩm này sẽ không tác động xấu đến người xem, đặc biệt là giới trẻ” – ông Thành chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hà, 68 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội, một người đến thưởng lãm cho biết: “Những bức ảnh tại triển lãm cho tôi thấy những góc nhìn rất mới về nghệ thuật và văn hóa. Ngày xưa, các cụ luôn quan niệm phụ nữ phải kín đáo, e ấp, nhẹ nhàng không được ăn mặc hở hang, lộ liễu. Tuy nhiên, thông qua những bức tranh, chúng tôi được thấy vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ được các nhiếp ảnh gia thể hiện tinh tế, không thô thiển, dung tục”.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - ông Vũ Quốc Khánh cho rằng quyết định tổ chức triển lãm này của Cục là một quyết định đột phá.

“Tôi đánh giá rất cao các tác phẩm được triển lãm ở nhiều góc độ, ở sự trau chuốt về nghệ thuật của các tác giả mà chúng ta không hề cảm thấy hiện diện sự phản nghệ thuật. Sự không phản nghệ thuật đó đã mang lại hướng cho các nhà nhiếp ảnh cũng như các nhà quản lý và công chúng chấp nhận thể loại này. Theo tôi, đấy chính là điều thành công nhất” – ông Khánh nói.

Theo nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, hiện nay tại Việt Nam, thể loại ảnh nude vẫn chưa được nhìn nhận đúng: “Công chúng vẫn có khoảng cách từ việc cho phép tới việc chấp nhận ảnh nude vì thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau rất hỗn tạp, người dân vẫn chưa được định hình thế nào là ảnh nghệ thuật, thế nào là ảnh khiêu dâm nên cứ nhắc đến ảnh nude là lo ngại sự nhạy cảm. Ảnh nude nghệ thuật muốn đến với cộng đồng còn vướng vào nhiều rào cản”.

Trước ý kiến, Cục đứng ra tổ chức triển lãm này từ nay sẽ cho ảnh nude thỏa sức được “đi vào đời sống” công chúng, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Tất cả các hoạt động triển lãm, nhiếp ảnh đều phải thực hiện theo Nghị định 72 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh, tức là đều có sự thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Ở cấp địa phương là Sở VH,TT&DL, ở Trung ương là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ xem xét hồ sơ của từng cuộc. Nếu triển lãm nào thực hiện đúng quy định của Nghị định 72 thì mới được cấp phép, kể cả ảnh nude nghệ thuật hay bất kỳ đề tài nào khác, chứ không phải muốn trưng gì thì trưng”.

Nâng cao chất lượng

Triển lãm ảnh nude vừa qua được công chúng đánh giá là thành công, đã thu hút hàng nghìn lượt người xem. Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong buổi đến xem triển lãm đã chia sẻ: Đây là lần đầu tiên ông xem một triển lãm ảnh nude nghệ thuật, “và đúng là nó không có vấn đề gì, nó rất đẹp, mang giá trị thẩm mỹ”. Cũng theo Bộ trưởng, đánh giá một bức ảnh hay tác phẩm có nhiều yếu tố, xuất phát từ cách nhìn nghệ thuật của người xem.

Báo Công luận
“Sinh”. Tác giả: Ngô Xuân Phú. 

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khuyến khích cần thực hiện nhiều hơn những triển lãm nghệ thuật, để “cái tốt, cái đẹp được lan tỏa, sẽ lấn át đi những cái tiêu cực”. Theo ông, tác phẩm nghệ thuật cần phải hội nhập hơn. Nghệ thuật và văn hóa trong thời đại hội nhập nếu cứ bưng bít thì không thể phát triển được.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm báo cáo, giới nghệ sĩ nhiếp ảnh đều phấn khởi trước triển lãm. Tuy nhiên, từ dư luận vẫn có những ý kiến cần làm quyết liệt hơn, lựa chọn những tác phẩm gợi cảm hơn, mạnh mẽ hơn nữa để giới thiệu. Bộ trưởng Bộ Văn hóa nói, ông coi triển lãm này là điểm khởi đầu, “Cần làm từ từ, sau đó xem xét rút kinh nghiệm cho những lần sau tốt hơn”.

Bên cạnh sự thành công của triển lãm, nhiều người xem cũng tỏ ra tiếc nuối, một số người xem cho rằng, triển lãm thiếu lời giới thiệu về bối cảnh, về ý tưởng của tác giả khi sáng tạo tác phẩm để người xem có cái nhìn sâu hơn về nghệ thuật nude, hay có thể hình dung và phân biệt đâu là nghệ thuật và đâu là dung tục, đồng thời ảnh nude nghệ thuật có gì khác so với các bức ảnh được đăng tải tràn lan trên mạng.

Đồng thời, sự kết nối nội dung giữa tác phẩm của các tác giả gần như không có, triển lãm chỉ tập trung làm nổi bật sáng tạo cá nhân, thể hiện cá tính nghệ thuật nên đã tạo ra sự đơn điệu, rời rạc và rất khó để người xem có một cái nhìn xuyên suốt về nghệ thuật nude.

Ngoài ra, sự vắng mặt của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, Trần Huy Hoan, Ngô Lịch... cũng làm mất đi một phần sự đa dạng góc nhìn trong triển lãm nude nghệ thuật. Nhiều tác giả còn cho biết, đã gửi nhiều ảnh hơn nhưng Ban tổ chức đã chọn lại. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng nói, “Tôi cũng biết qua cách chọn Ban tổ chức nên tôi chọn theo hướng an toàn đó. Thành thử tôi cũng chưa thực sự hài lòng với tác phẩm của mình trong triển lãm”.

Trước một vài ý kiến thắc mắc...“sao các nhiếp ảnh gia lại chụp toàn cô 3 vòng chuẩn mẫu thế? Người 3 vòng như một thì không thấy có?”. Nhà nhiếp ảnh Thái Phiên trả lời hơi chua chát: “Đấy, triển lãm này là thế, tôi kỳ vọng triển lãm này mở ra được cũng như cởi trói những suy nghĩ trước nay của nhiều người. Tôi thích chụp những người không phải siêu mẫu lắm, nhưng những người không phải mẫu có chịu để tôi chụp không mới là vấn đề”.

“Bởi, có ai béo, 3 vòng như một tìm tới tôi, hoặc ít ra đồng ý cởi để tôi chụp đâu. Họ thiếu tự tin vào bảo thân. Họ không sẵn sàng làm mẫu. Đâu như mấy người tự thấy mình đẹp sẵn, họ xung phong chụp ngay”.

Còn nhiếp ảnh gia Phó Khắc Cường bày tỏ: “Thông qua việc sáng tác ảnh nude nghệ thuật, tay nghề của người nhiếp ảnh sẽ được nâng cao hơn. Qua triển lãm lần này cũng đòi hỏi người quản lý nâng cao trình độ ý thức hơn, nâng cao dân trí hơn, làm sao để “cởi trói” cho quan niệm về nude, giúp người làm nghệ thuật từ đó có động lực làm nghề hơn”.

Minh An

Tin khác

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa
Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật 'Khúc hát tự hào'

Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật "Khúc hát tự hào"

(CLO) Chương trình "Tây Ninh - Khúc hát tự hào" được tổ chức với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi, cũng như sự tham gia biểu diễn của hàng trăm người dân Tây Ninh.

Đời sống văn hóa
Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 tổ chức tại TP Việt Trì

Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 tổ chức tại TP Việt Trì

(CLO) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với hình thức tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Đời sống văn hóa