Triển lãm tư liệu nghê Việt: Khi vật thiêng đi vào đời sống thẩm mỹ

Thứ năm, 18/10/2018 08:58 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong tháng 10 này, một sự kiện thu hút được sự quan tâm đặc biệt của những người làm văn hóa, yêu văn hóa, yêu nghệ thuật truyền thống, đó là sự kiện Trưng bày, triển lãm tư liệu nghê Việt diễn ra tại Không gian văn hóa Hoa Lư (thường được gọi là Vạn Bảo Ngọc, Ninh Bình). Sự kiện này cũng khởi động chương trình 1 triệu người ủng hộ để nghê trở thành linh vật đại diện cho Việt Nam.

Cách đây 4 năm, vào ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VHTTDL) đã ban hành công văn số 2662 về việc “không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Từ đây, người ta đặt câu hỏi, vậy biểu tượng nào, linh vật nào sẽ được coi là phù hợp với thuần phong mỹ tục?

Từ chuyện bát nháo về linh vật

Có một giai đoạn, trong nhiều năm, cứ đến nhiều gia đình, các đình chùa, miếu mạo, các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh, người ta thấy hai con sư tử đá, kỳ lân nằm chềnh ềnh, không chỉ ở cửa tam quan mà còn có thể là bất cứ vị trí nào mà người ta thấy... thích. Những con sư tử, kỳ lân, tỳ hưu đá đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng kỳ quái được bắt gặp ở nhiều nơi, có vô số các tư thế, hình dáng khác nhau. Phần lớn những con vật này không xuất hiện trong bản sắc văn hóa Việt Nam, trong tâm thức người Việt.

Đánh giá về hiện tượng này, Công văn 2662 nêu rõ: “Thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng”.

Từ đây, Bộ VHTTDL đã đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân “không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Đánh giá về công văn này, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nói: Mặc dù công văn 2662 chỉ là một công văn ngắn gọn, điều chỉnh câu chuyện trưng bày, sử dụng linh vật tức thời, nhưng giá trị của nó nằm ở chỗ, nó sẽ là tiền đề cho một câu chuyện dài sau này, là kim chỉ nam cho các hành vi văn hóa, thống nhất cả nước về nghiên cứu, tìm hiểu, trưng bày linh vật trong các cơ sở văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh người Việt.

Từ đó, hàng vạn những con vật ngoại lai, kỳ quái được loại bỏ ra khỏi các cơ sở văn hóa. Người dân cũng dần bỏ được thói quen cung tiến sư tử đá vào các cơ sở văn hóa tâm linh, đền chùa...

Báo Công luận
 Nghệ sĩ Phạm Bá Ngọc đang chạm nghê gỗ.
Nhưng cũng từ đây, người ta đặt câu hỏi: Vậy, nếu không phải sư tử Tàu thì con vật nào sẽ đứng ra gánh vác trách nhiệm trở thành một linh vật của cả một dân tộc? Con vật nào có giá trị biểu trưng về tinh thần cao, trở thành biểu tượng cho tín ngưỡng người Việt?

Trong tháng 10 này, một sự kiện thu hút được sự quan tâm đặc biệt của những người làm văn hóa, yêu văn hóa, yêu nghệ thuật truyền thống, đó là sự kiện Trưng bày, triển lãm tư liệu nghê Việt diễn ra tại Không gian văn hóa Hoa Lư (thường được gọi là Vạn Bảo Ngọc, Ninh Bình).

Trưng bày tư liệu và hiện vật về Nghê được tuyển chọn bởi những chuyên gia nghiên cứu và sưu tầm có uy tín như Trần Hậu Yên Thế, Phạm Bá Ngọc... nhằm đem đến cái nhìn tổng thể về lịch sử hình tượng “nghê” trong nền văn hóa dân tộc, chứng minh sự tự tôn, độc lập của nền văn hóa Việt bên cạnh nền văn hóa vĩ đại Trung Hoa. Sự kiện này cũng giới thiệu nét đa dạng độc đáo có một không hai của hình tượng nghê so với các biểu tượng văn hóa khác, trình diễn những sáng tạo mới mẻ việc ứng dụng hình tượng nghê trong văn hóa đương đại, khởi động chương trình 1 triệu người ủng hộ để nghê trở thành linh vật đại diện cho Việt Nam.

Báo Công luận
 Sản phẩm nghê lấy từ nguyên mẫu nghê tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Nghê xứng đáng trở thành linh vật Việt

Ngay từ khi bước vào Không gian văn hóa Hoa Lư, người ta đã bắt gặp ngay bức vẽ hình một chú nghê đang chơi đàn đáy. Đây là hình ảnh vẽ lại từ một bức phù điêu có niên đại từ thế kỷ 18 được tìm thấy ở đình Cung Chúc (Hải Phòng). Chỉ qua hình ảnh này cũng giúp chúng ta hình dung được nghê đã được nhân cách hóa như thế nào.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ có đặt một vấn đề rất thú vị: Tại sao chỉ nói cười như Nghê mà không nói cười như Rồng hay như Phượng? Có lẽ bởi chỉ có nghê mới được nhân cách hóa gần với con người nhất. Nghê cười đủ kiểu, mỉm cười khúc khích có, toe toét có, hô hố có, ngặt ngẽo hả hê có, sằng sặc cũng có. Cha ông chúng ta đó! Những điệu cười như vậy là cách để biết bao thế hệ đối diện với số phận, với thời cuộc.

Việt Nam là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn. Đó là cơ may để nghê trở thành một lựa chọn sáng tạo văn hóa rất thành công trong nền nghệ thuật cổ truyền. Vô tình hay hữu ý, nghê được trao sứ mệnh không phải là sư tử, cũng chẳng phải kỳ lân, mà trở thành một biểu tượng linh vật thuần Việt trong sức ép đồng hóa của những nền văn hóa lớn. Nhỏ bé nhưng lại có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống văn hóa biểu tượng. Thậm chí ngay tại đền vua Đinh, nghê đã thay thế Lân để đứng vào hàng tứ linh. Nghê đã trở thành biểu tượng cho tư duy độc lập, tự chủ của văn hóa Việt.

Báo Công luận
 Nghê chơi đàn đáy (đình Cung Chúc, thế kỷ 18)
Thời gian vài chục năm trở lại đây, sư tử, kỳ lân, tỳ hưu... nhiều sinh vật có nguồn gốc nước ngoài đã đẩy lùi nghê và nhiều linh vật Việt vào phía sau hậu trường văn hóa. Vài năm qua, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa mới bắt đầu quan tâm lại đến nghê và linh vật Việt. Càng hòa nhập thì mới càng thấy văn hóa dân tộc như một tấm hộ chiếu, càng dày dặn riêng biệt thì càng giá trị. Nghê đang dần trở lại những vị trí vốn có, bởi không có linh vật Việt nào mang đủ chiều kích văn hóa hòa hợp với tinh thần người Việt như nghê; không có linh vật Việt nào có trong mình một lịch sử sáng tạo nghệ thuật tạo hình đa dạng, đặc sắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật có giá trị bảo vật quốc gia như nghê. Chúng ta đã từng chọn Trâu vàng là linh vật của SeaGames tổ chức tại Việt Nam. Và không có lý do gì mà không cân nhắc nghê trở thành linh vật đại diện cho người Việt. Bởi nghê chính là kết tinh tâm hồn và trí tuệ của người Việt suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, người đã có hơn 10 năm tập trung sức lực nghiên cứu nghê cho biết: Ông cùng các cộng sự đã đi suốt chiều dài đất nước và phát hiện ra hơn 200 mẫu nghê khác nhau ở nhiều thời kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách “Phác họa nghê – Gã linh vật bên rìa” (NXB Thế giới, năm 2017).

Cuộc triển lãm, trưng bày tư liệu lần này tại Không gian văn hóa Hoa Lư là cuộc triển lãm nghê thứ 2, sau cuộc triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Cuộc triển lãm nghê Việt là “cách để hình tượng Nghê thoát ra khỏi các trang sách, là một cách để công chúng, đời sống tiếp nhận một cách kể mới về linh vật”.

Tại cuộc triển lãm nghê lần này, ngoài các tư liệu chi tiết, hình họa về nghê từ nhiều địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử, phần lớn các hiện vật trưng bày có nguyên mẫu từ đôi nghê ở đền vua Đinh, vua Lê. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói, “chỉ tính riêng ở hai ngôi đền này, số lượng nghê đã rất nhiều”, được chạm khắc ở nhiều loại chất liệu khác nhau như gỗ, đá... Con nghê xuất hiện ở nhiều hình thù, trong nhiều tư thế sinh hoạt mang đến hình ảnh một con vật thiêng nhưng dân dã, gần gũi với đời sống và tâm hồn thuần Việt. Điều này hoàn toàn khác biệt với vẻ mặt hung dữ, mang tính áp chế thường thấy ở các hình tượng ngoại loai như sư tử, kỳ lân...

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc cho biết, công năng của các sản phẩm nghê thủ công trưng bày ở triển lãm đều đáp ứng được các tiêu chí ứng dụng của đời sống. Các sản phẩm từ nghê có thể ứng dụng vào du lịch, đồ gia dụng (chân đèn, đồ trang trí, lò xông trầm...). Vừa có giá trị tâm linh, vừa có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Đấy cũng chính là những giá trị mà Không gian văn hóa Hoa Lư mong muốn mang đến cho đời sống và nghệ thuật đương đại.

Tử Hưng



Tin khác

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

(CLO) Ngày 18/4/2024, Hội nông dân huyện Hoa lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền khéo tại lễ Hội hoa lư năm 2024. Hội thi có sự tham gia của đội thi xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải.

Đời sống văn hóa
Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

(CLO) Bảo tàng Ninh Bình đã tổ chức trưng bày hình ảnh và hiện vật phục vụ Lễ hội Hoa Lư năm 2024 với chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử" trong 3 ngày (17-19/4/2024).

Đời sống văn hóa
Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

(CLO) Triển lãm trực tuyến về Quần thể danh thắng Tràng An trên Google Arts & Culture chính thức ra mắt ngày 18/4, với sự hỗ trợ của Google Arts & Culture và UNESCO World Heritage.

Đời sống văn hóa
Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

(CLO) Cùng với lễ giỗ tổ tại Đất tổ - Đền Hùng Phú Thọ, người dân vùng đất Tây nguyên cũng hướng về và thành kính tổ chức lễ Giỗ tổ tại quần thể di tích Đền Hùng trên núi Phượng Hoàng trấn linh, đèo Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đời sống văn hóa