30 ngày, 4 cơn bão và hành trình tác nghiệp trên biển

Thứ sáu, 03/04/2015 09:52 AM - 0 Trả lời

30 ngày, 4 cơn bão và hành trình tác nghiệp trên biển

Congluan.vn
X uất phát từ cảng biển Hải Phòng, nhóm làm phim gồm 4 người chúng tôi đã cùng 42 thành viên của đoàn khoa học- thuỷ thủ Trung tâm Hải văn- Tổng Cục biển và Hải đảo bắt đầu hành trình vào một ngày đẹp trời. Khi biết sẽ có sự hiện diện của một nữ PV- đạo diễn, gần 50 thuỷ thủ và các nhà khoa học đã không khỏi lo lắng và bản thân tôi cũng rất hồi hộp. Theo các anh trong đoàn khảo sát, tiêu chuẩn đầu tiên được đi nghiên cứu trên tàu nghiên cứu biển là phải không say sóng. Trước khi lên tàu, phải ngồi trên một chiếc mủng nhỏ lênh đênh trên biển 7 ngày 7 đêm, nếu không có hiện tượng say sóng mới được ghi tên vào đội khảo sát. Với tôi, đây là chuyến đi tàu biển dài ngày đầu tiên. Trước khi xuất hành, tôi đã phải gửi hai cậu con trai nhỏ cho ông bà ngoại, mình chỉ dám hẹn với gia đình đi biển nửa tháng để mọi người khỏi lo lắng.

Có lẽ đây là lần đầu tiên 4 nhà báo chúng tôi mới biết công việc của những người làm khoa học trên biển: thả máy lấy mẫu nước biển ở các tầng khác nhau để đo thuỷ hoá và môi trường; đo độ trong của nước biển, hướng gió và tốc độ gió; thả thiết bị lấy mẫu nước để phân tích. Tuy nhiên, trải nghiệm đáng nhớ nhất với chúng tôi là những cơn bão biển. Với những người làm công tác khí tượng thuỷ văn biển hay các thuỷ thủ suốt đời làm bạn với sóng gió thì việc gặp tới 4 cơn bão trong một chuyến đi đã là chuyện hy hữu. Với nhóm làm phim của VTV2, đây quả là một thử thách đầy khó khăn. Những ngày gặp bão, con tàu được thiết kế khá tiện nghi và chắc chắn có trọng tải 650 tấn, dài hơn 70 m, cao tới 14m, có 4 tầng và 1 tầng hầm có thể đi được trong những ngày biển động cấp 7, cấp 8, sóng đánh bạc đầu, nhưng thường xuyên có độ nghiêng 15- 16 độ. Cơn bão số 4 đến lúc nửa đêm, trên bờ biển thuộc khu vực Đà Nẵng đã làm mọi người bàng hoàng vì độ nghiêng của tàu. Tình trạng chóng mặt, đau đầu đã diễn ra suốt những ngày sau đó, khi cơn bão số 5, số 6 và số 7 liên tiếp gây mưa to, sóng lớn.

Thời tiết xấu, bầu trời luôn ảm đạm, rất khó để có những thước phim đẹp, nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm bám sát hoạt động của các nhà khoa học. Tuy vậy, đoàn làm phim phải cố gắng thích nghi, anh em vẫn leo lên nóc tàu tác nghiệp, thậm chí đạo diễn Hoàng Lâm và Chu Văn Vui còn mạo hiểm vác máy trèo lên cột đèn để quay được toàn cảnh. Nửa đêm, cả nhóm VTV hò nhau dậy lắp máy quay ghi lại cảnh các nhà khoa học gồng mình thả kéo máy đo độ sâu, độ mặn, tổng hợp thông tin, tính toán, tìm chỗ neo tàu tránh bão… cảnh các thuỷ thủ hợp lực kéo máy lên tàu để chạy bão.

Ngày thứ 19 trên tàu, nhìn trời vẫn có những điểm mưa to trên diện rộng, không còn ranh giới giữa biển và trời. Điểm neo liên tục này cách bờ biển khá xa, khoảng 100 km, không có sóng điện thoại nên mọi người trên tàu không thể liên lạc về với gia đình. Tuần cuối cùng của hành trình, mọi người bắt đầu cảm giác nhớ đất liền. Khi tàu tránh bão, neo vào chân núi, điện thoại không liên lạc được, nỗi lo lại càng chồng chất.

Ngày thứ 21 trên tàu (tức ngày 29/9), lại có tin từ đài Hồng Kông thông báo diễn biến của cơn bão mới. Liên tục những bản tin khác được cập nhật, lúc này thuyền trưởng rất đăm chiêu và đánh điện gửi ngay một bản tin khẩn cấp cho Ban lãnh đạo Trung tâm Hải văn để xin ý kiến cho quay tàu về trước khi cơn bão ập đến. Sau đó thuyền trưởng thông báo cho các anh em thuỷ thủ và khoa học chuẩn bị kéo máy để tàu di chuyển tránh bão.  Mọi người vội vã, hối hả, mỗi người một tay chuẩn bị dây thừng kéo máy. Khá vất vả, sóng gió mỗi lúc một lớn, đánh mạnh vào mạn tàu. Cỗ máy đo thuỷ triều khá nặng, gặp gió to nên khá lắc. Gần 50 con người cùng chung tay kéo máy mà phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới kéo được máy lên. Chứng kiến cảnh tượng này tôi không khỏi lo lắng và phần nào càng hiểu được sự vất vả, khó khăn thậm chí là sự hiểm nguy của đội ngũ thuỷ thủ, các nhà khoa học trên con tàu nghiên cứu biển nhưng rất ít người hiểu và biết đến… Vì thế, anh em trong đoàn rất muốn ghi lại thật trung thực, thật nhiều những hoạt động, công việc, cuộc sống đầy thách thức và rất đáng khâm phục về họ.

Tôi đặc biệt ấn tượng với các bữa ăn trên tàu khi gặp phải bão. Vì trên tàu nấu bằng bếp từ, sóng mạnh, tàu lắc nên các anh nhà bếp cứ phải giữ chặt cả bếp lẫn nồi để đảm bảo bữa ăn cho cả đoàn. Tàu lắc, nghiêng, ghế bàn cũng nghiêng theo, vì thế, mọi thứ trên tàu như bàn, ghế tủ đều phải bắt vít nhưng cũng không ăn thua, vẫn bị bong, hỏng.

Nhóm VTV chúng tôi thấm mệt. Quay phim Chu Văn Vui khi lặn xuống biển do dòng chảy chảy xiết, áp suất ở dưới nước so với trên bờ chênh nhau lớn và do điều áp ở bình oxy không chuẩn nên đã bị chảy máu tai rất nhiều, bác sĩ lại không có khiến chúng tôi lo lắng không biết phải giải quyết thế nào, nhưng rồi cũng xoay xở được. Hú hồn!

Theo dự kiến và kỳ vọng, đoàn làm phim sẽ lặn để quay hệ sinh thái biển, tuy nhiên kế hoạch không thể thực hiện được vì tác động của thời tiết, biển động dữ dội, dù anh em quyết tâm xuống biển hai lần, thậm chí đạo diễn- trưởng đoàn Hoàng Lâm đã cố lặn xuống độ sâu 25m nhưng vẫn không thể tác nghiệp được. Anh em đã gặp sóng lừng, bị đánh bật lên và được các thuỷ thủ thả phao, dây thừng kéo về tàu.
Khi chia tay, anh em trong đoàn có nói vui, đây có lẽ là lần đầu và sẽ là lần cuối Thu Phương có thể tham gia chuyến đi mạo hiểm này. Nhưng phòng Phim Tài liệu khoa học có kế hoạch sẽ đồng hành cùng tàu nghiên cứu biển trong 5 năm liền cho một dự án phim dài hơi, vì vậy tôi tin và hy vọng sẽ sớm tiếp tục gặp lại các nhà khoa học, các thuỷ thủ đoàn trên con tàu nghiên cứu biển này ở những hải trình kế tiếp. Biển không chỉ dành riêng cho nam giới!

                                  NGỌC LÀNH
(Ghi theo lời kể của BTV Thu Phương)

Tin khác

Hà Nội xếp hạng 2 di tích lịch sử tại huyện Đan Phượng

Hà Nội xếp hạng 2 di tích lịch sử tại huyện Đan Phượng

(CLO) UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2138/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

Thiêng liêng lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

(CLO) Ngày 24/4, tại Cột cờ Hà Nội, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, mở đầu chuỗi các hoạt động cao điểm của tuổi trẻ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Ra mắt sách “Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”

Ra mắt sách “Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”

(CLO) Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, sáng nay 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

(CLO) Đờn ca tài tử là nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ và Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ.

Đời sống văn hóa
Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa