Agribank có thể mở được chi nhánh trong... tù

Thứ sáu, 03/04/2015 13:08 PM - 0 Trả lời

Agribank có thể mở được chi nhánh trong... tù

(Congluan.vn) – Mùng 3 tháng Giêng đưa chân ông bà, hàng triệu người Việt đang chuẩn bị trở về với công việc thường ngày, với nỗi lo thường ngày. Đầu năm ngồi bàn chuyện kinh tế đất nước, một bác chủ thầu xây dựng khi nhắc tới sự “nát” của hệ thống ngân hàng đã đùa: Nếu được phép, Agribank có thể mở được chi nhánh trong... trại giam!

Nói rồi, mọi người cùng liệt kê các vị trí cần có của một chi nhánh ngân hàng, từ Giám đốc, kế toán, thu ngân, thanh tra... Lạ thay, nếu được mở chi nhánh trong trại giam, Agribank hoàn “lắp” đủ, thậm chỉ là có thể mở được một ngân hàng mới.

Thực tế, sau chữ “nếu” nói trên hoàn toàn là điều phi thực tế, bởi trong các phòng giam không hề có két sắt, hệ thống liên lạc, internet, không có hoạt động giao dịch tiền bạc, mua bán, vay gửi... Nhưng dù là không thực, cũng xin “điểm danh” các vị trí có thể điều hành một chi nhánh của Agribank ngay trong trại giam.

1. Ban Tổng Giám đốc

Kể ra hơi thừa, bởi chỉ cần các vị trí Giám đốc, các trưởng phòng, cán bộ tín dụng... là có thể điều hành một chi nhánh. Nhưng dù sao việc Agribank lại có cả Ban Tổng Giám đốc trong trại giam cũng là một thông tin rất đáng chú ý.

Báo Công luận
Ông Phạm Thanh Tân
Đầu năm 2013, Cơ quan Điều tra đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng Giám đốc Agribank về tội Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, từ 13/7/2011, ông Tân đã bị miễn nhiệm chức vụ ở NH này.
 
Vị Tổng Giám đốc bị bắt vừa tròn 1 năm thì ngày 9/1/2014, Cơ quan điều tra lại bắt giam ông Kiều Trọng Tuyến – nguyên Phó Tổng Giám đốc Agribank. Ông Tuyến cũng bị bắt với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị miễn nhiệm chức danh trên từ giữa năm 2011.

Liên quan tới vụ bắt giữ ông Tuyến, trước đó ngày 22/11/2013, TTXVN đã đưa tin Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận về việc Ban Thường vụ Đảng ủy Agribank thiếu kiểm tra trong lãnh đạo, quản lý, để xảy ra một số vi phạm trong hoạt động tín dụng và bố trí, sắp xếp, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Các ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT có khuyết điểm thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gây một số hậu quả. UBKT Trung ương yêu cầu thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các ông Đỗ Tất Ngọc và Nguyễn Thế Bình; Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Agribank và các ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Agribank.

2. Giám đốc chi nhánh

Agribank có nhiều Giám đốc chi nhánh bị nhập khám, tiêu biểu là trường hợp của ông Đỗ Đức Hưng (56 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Hồng Hà).

Ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Đức Hưng. Ông Hưng được cho là đã lợi dụng quyền hạn ký 8 bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số công ty, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng. Hiện các công ty này còn nợ ngân hàng hơn 180 tỷ đồng.

Cùng bị khởi tố, bắt giam với ông Hưng có hai cựu cán bộ khác thuộc Agribank Hồng Hà là Đỗ Thị Minh Hiền (44 tuổi, trưởng phòng tín dụng) và Trương Đăng Dần (38 tuổi, phó phòng). Tháng 11/2013 vừa qua, Viện KSNDTC đã ban hành cáo trạng, truy tố vị Giám đốc này cùng các đồng phạm.

3. Phó Giám đốc chi nhánh phụ trách tín dụng

Đầu năm 2011, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Hữu Long (Phó Giám đốc phụ trách tín dụng Agribank chi nhánh 3) về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trước đó, vào ngày 24/12/2010, cấp dưới của vị Phó Giám đốc là Đào Phương Thế (Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh) và Huỳnh Trung Hiếu (cán bộ tín dụng) của chi nhánh này cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cùng tội danh trên.

Báo Công luận
Các bị cáo Agribank chi nhánh 3 trước vành móng ngựa (Dân trí)
 
Theo cơ quan điều tra, vào tháng 4/2009, dù biết rõ Cty TNHH TM DV Xuân Lan không đủ điều kiện vay vốn nhưng Long vẫn chỉ đạo cấp dưới làm đề xuất xét duyệt cho công ty này vay vay 39 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Đến giữa năm 2010, Cty Xuân Lan không có khả năng thanh toán nợ, Long lại chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ đề xuất cho Cty TM DV VT Trọng Bằng (có quan hệ với Cty Xuân Lan) vay 40 tỷ đồng để trả nợ cho Xuân Lan mà không tiến hành phát mãi tài sản thế chấp.

Giữa năm 2013, Nguyễn Hữu Long đã phải lãnh án 10 năm 6 tháng tù; Đào Phương Thế 12 năm tù; Huỳnh Trung Hiếu 22 năm tù.

4. Giám đốc Phòng giao dịch.

Cuối năm 2010, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Khắc Đại Điền - Giám đốc Phòng Giao dịch Thanh niên, Ngân hàng Agribank chi nhánh Hùng Vương để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 12/2009 đến tháng 3/2010, bà Bùi Thị Kiên Hà (Giám đốc Cy TNHH MTV Đại Việt Bảo và Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhân Thuận) đã lần lượt vay mượn của 4 người với số tiền 30 tỷ đồng. Lúc vay, bà này cam kết chỉ dùng để duy trì số dư tài khoản tại ngân hàng nhằm thể hiện năng lực tài chính đối với các đối tác. Sau đó, những người bị hại trên đã đến Phòng giao dịch Thanh Niên để cùng mở tài khoản gửi tiền, cùng làm cam kết “Đề nghị ngân hàng không cho phép ai được rút sử dụng tiền vào mục đích khác” có chữ ký xác nhận của ông Điền. Ngay sau đó, bà Hà đã làm giả chữ ký của cả 4 người đồng chủ tài khoản. Nhờ sự “hợp tác” của ông Điền nên bà này đã rút trót lọt số tiền 30 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Năm 2012, Bùi Thị Kiên Hà đã phải nhận án chung thân, Phạm Khắc Đại Điền nhận 12 năm tù.

5. Cán bộ thanh tra

Không chỉ các chức danh quản lý, Agribank còn có cả vị trí điều tra phát hiện sai phạm ở trong tù. Cụ thể là cuối năm 2010, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Trọng Luân (50 tuổi) - cán bộ Phòng kiểm tra nội bộ Agribank khu vực miền Nam về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ việc này, ngoài các cán bộ thanh tra, gần như trọn vẹn bộ máy lãnh đạo chi nhánh này đều đã bị khởi tố, bắt tạm giam, xét xử vào giữa tháng 1/2014 tại TAND TP.HCM.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Phương Hoa (SN 1970, ngụ quận 3, TP HCM) nguyên là Phó giám đốc kinh doanh Cty Reetech trực thuộc Cty CP cơ điện lạnh REE mặc dù đã bị sa thải nhưng vẫn bàn với Trần Huỳnh Nghĩa (SN 1965, Giám đốc Cty TNHH Cát Phương Nam), móc nối với Nguyễn Tám (đã chết trong thời gian điều tra) để vay tiền đầu tư xây dựng cao ốc E-Town 2 nhằm lừa đảo. Có nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ vay, Nguyễn Trọng Luân và Nguyễn Minh Hòa (cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank khu vực miền Nam) đã không thực hiện hết trách nhiệm, không kiến nghị những sai phạm của chi nhánh này để ngăn chặn kịp thời, đã giải quyết cho công ty REE vay dù hồ sơ vay không đầy đủ như quy định. Nhờ đó, Hoa và đồng phạm đã lập hồ sơ, làm giả cổ phiếu của công ty REE rồi thế chấp vay hơn 200 tỉ đồng để chiếm đoạt 120 tỉ đồng. Sau đó, Hoa đã bỏ trốn.

HĐXX nhận định Hoa là kẻ chủ mưu, chiếm đoạt toàn bộ số tiền nhưng đã bỏ trốn, CQĐT đã ra lệnh truy nã. Các đồng phạm của Hoa bị tuyên phạt từ 3 năm tới 20 năm tù. 6 bị cáo khác nguyên là Phó Giám đốc, trưởng phòng, phó phòng, nhân viên của Agribank Tân Bình cũng bị tuyên phạt mức án từ 2 năm 8 tù đến đến 12 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Nguyễn Trọng Luân bị tuyên phạt 3 năm 28 ngày tù, Nguyễn Minh Hòa bị tuyên phạt 2 năm 8 tháng 19 ngày tù.

6. Cán bộ tín dụng.

Số cán bộ Agribank bị bắt đếm nhiều không xuể. Nhưng tiêu biểu là sai phạm ở Đắk Lắk, cán bộ ngân hàng đã tiếp tay cho tội phạm “ăn” trên đầu người dân, gây nên nhiều hậu quả bi thảm. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận bởi trong số 61 người bị hại chủ yếu là người nông dân nghèo khó, số tiền đối tượng chiếm đoạt lên đến hơn 33 tỷ đồng.

Cụ thể, giữa năm 2011, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp 2 cán bộ Agribank Chi nhánh phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột là Nguyễn Văn Nhân (sinh 1969) và Trần Dũng (sinh 1961) về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hợp đồng của tổ chức tín dụng.

Theo điều tra, khoảng giữa năm 2008, gần 50 hộ dân ở Đắk Lắk đã nhờ Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi) đến Agribank chi nhánh phường Tân Lợi vay tiền. Bà này đã cấu kết với Nhân và Dũng giúp cho vay nhiều lần với số tiền lớn và được “cắt cò” 10% trên tổng số tiền vay được. Ngoài ra, các hộ dân đã đồng ý cho Hoa vay ké trong hợp đồng của mình. Khi đến hạn trả nợ, Hoa không góp số tiền đã vay trả cho các hộ dân. Cuối cùng, chính những người dân nghèo khó đã bị ngân hàng xiết nợ.

Báo Công luận
 Hoa và các đồng phạm tại tòa (Ảnh CAND)

Cuối năm 2013, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra xét xử vụ án “cò” Nguyễn Thị Hoa cùng 7 đồng phạm (Hiện tạm hoãn theo đơn đề nghị của các luật sư vì có tới 31/61 người bị hại và 13 nhân chứng vắng mặt).

Hành vi lừa đảo của “cò” Hoa cùng các đồng phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nặng bởi đã góp phần gây ra 4 cái chết uất ức vì nợ nần, làm một số người khác thì bị bại liệt, tan cửa nát nhà, nhiều cặp vợ chồng ly tán vì nợ…

Trên đây chỉ là điểm danh một số vị trí trong bộ máy điều hành một chi nhánh của Agribank “nếu” được mở trong tù. Nếu chúng tôi đưa tất cả các trường hợp lãnh đạo, cán bộ Agribank đang trong trại giam, ngân hàng này có thể mở hàng chục chi nhánh.

Agribank là Ngân hàng lớn nhất Việt Nam cả về vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ nhân viên, mạng lưới hoạt động và số lượng khách hàng. Ngân hàng này có tổng tài sản trên 671.846 tỷ đồng, tổng nguồn vốn trên 593.648 tỷ đồng, với mạng lưới gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc và chi nhánh Campuchia, có gần 40.000 nhân sự. Với vị trí, vị thế to lớn ấy, việc các lãnh đạo, nhân viên Agribank vi phạm pháp luật ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng... đã thực sự khiến những doanh nghiệp và người đang ngồi "bố trí nhân sự" cho Agribank nếu được mở chi nhánh trong tù mà cười ra nước mắt.

 

Đoàn Hùng Anh

Tin khác

2 doanh nghiệp trúng thầu 3.400 lượng vàng SJC với giá cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng

2 doanh nghiệp trúng thầu 3.400 lượng vàng SJC với giá cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng

(CLO) Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 2 doanh nghiệp trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng sáng nay (23/4), với tổng khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng.

Tài chính - Bảo hiểm
Thời điểm mua nhà lý tưởng từ nguồn vốn giá rẻ?

Thời điểm mua nhà lý tưởng từ nguồn vốn giá rẻ?

(CLO) Thời điểm hiện tại đang được đánh giá là thời điểm “vàng” mà những khách hàng có nhu cầu mua nhà đất cần cân nhắc khi thị trường BĐS đang bắt đầu có những dự báo phục hồi và các gói vay mua nhà của ngân hàng đang cực kỳ ưu đãi.

Tài chính - Bảo hiểm
Thiên Long (TLG) hoàn thành 89% kế hoạch năm, tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu

Thiên Long (TLG) hoàn thành 89% kế hoạch năm, tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu

(CLO) Tại ĐHĐCĐ của Tập đoàn Thiên Long (Mã TLG), công ty ghi nhận hoàn thành 89% kế hoạch năm. Thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh, tập trung ở khu vực Đông Nam Á.

Tài chính - Bảo hiểm
Giá vàng rơi thẳng đứng, thủng mốc 80 triệu đồng/lượng

Giá vàng rơi thẳng đứng, thủng mốc 80 triệu đồng/lượng

(CLO) Giá vàng SJC rơi thẳng đứng, thủng mốc 80 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Trong khi đó, giá vàng nhẫn có tốc độ giảm nhẹ hơn.

Tài chính - Bảo hiểm
VietinBank ra mắt sản phẩm dành riêng cho khách hàng kinh doanh và tặng ưu đãi đến 1.000.000 VNĐ

VietinBank ra mắt sản phẩm dành riêng cho khách hàng kinh doanh và tặng ưu đãi đến 1.000.000 VNĐ

(CLO) Từ ngày 16/04/2024 đến 16/12/2024, VietinBank dành tặng khách hàng (KH) kinh doanh sản phẩm “Siêu ưu đãi lãi, phí” cùng vô vàn quà tặng bằng tiền và ấn phẩm VietQR hấp dẫn.

Tài chính - Bảo hiểm