Ngày 22/4 - ngày cuối cùng của “cách ly xã hội giai đoạn 2” khi 28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ - cũng là ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới. Trong khi số bệnh nhân trên thế giới gia tăng, Việt Nam đã giữ được số ca mắc ở mức thấp (268 ca), xếp thứ 114/212 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch trên thế giới. Trong tổng số 268 ca nhiễm thì tính tới sáng ngày 22/4 đã có tới 216 người đã khỏi bệnh, số ca mắc mới đã giảm một cách vững chắc, đặc biệt đến giờ phút này không có ca tử vong.

Cố không để có ca mắc, mắc không để biến chuyển nặng và bệnh nặng cố điều trị cho tốt, không để có ca tử vong”- phương châm ấy đã không chỉ dừng lại ở lời nói mà đã, đang biến thành hiện thực một cách đáng thán phục bằng nỗ lực quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị. 

Những thông tin ấy những thực sự đã thắp lên trong chúng ta ngọn lửa của niềm hy vọng, rằng rất có thể chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19, như cách chúng ta đã làm thành công với SARS cách đây gần 7 năm. 

Đó là có lẽ phải là nhìn nhận chung nhất, không chỉ của các chuyên gia y tế, của các thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mà có lẽ của hết thảy chúng ta. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. 

Bệnh cạnh đó, như cảnh báo của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam: Ở nước ta đã có ca bệnh lây lan trong cộng đồng, nên người dân, chính quyền các địa phương vẫn phải luôn cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh dù ca bệnh mới được phát hiện đã giảm. Thêm nữa, đặc thù của khó lường của Covid-19 như không rõ triệu chứng nhưng có thể lây lan trong cộng đồng, thời gian ủ bệnh quá lâu, hay khỏi bệnh xuất viện rồi lại tái dương tính như trường hợp bệnh nhân 188 càng khiến chúng ta phải “đề cao cảnh giác” và có sự phòng bị cao với Covid-19.

Thế nên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước hết, chúng ta nhất thiết phải kiểm soát được dịch bệnh, nhưng kiểm soát được ở đây cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Vấn đề là kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng, thành những ổ dịch lớn lây lan rộng, vượt khả năng kiểm soát, điều trị, luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch.

Nếu 100 ngày đầu tiên của đại dịch này được đánh dấu bằng cú sốc chung và giờ là sự thất vọng thì 3 tháng tới sẽ được đánh dấu bằng khả năng thích nghi của chúng ta” - “đúc kết” ấy của nhà báo Paul Nuki có lẽ nhận được cái gật đầu đồng tình của nhiều người. “Không nên đặt tất cả hy vọng vào một loại văcxin ngừa COVID-19 vì rất khó để phát triển nó, “thích nghi”, tìm cách sống chung là điều duy nhất con người có thể làm trong tương lai sắp tới" - David Nabarro, Giáo sư Trường Imperial College (London, Anh), kiêm đặc phái viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thẳng thắn bày tỏ. 

Thích nghi, đến giờ phút này, là sự lựa chọn không thể nào tốt hơn với hầu hết với tất cả các quốc gia, khi thuốc điều trị hay vắc xin trị virus corona chưa thể tìm ra thì việc đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ, khốc liệt tới mức độ nào sẽ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Làm cách nào để vừa giữ mạng sống con người, bảo đảm sức khỏe cộng đồng vừa đảm bảo nền kinh tế không bị đứt gãy thực là là “bài toán cân não” của hầu hết các chính phủ và nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, dù khó thì tới thời điểm này, tất cả các quốc gia buộc phải đưa ra sự lựa chọn: Phải sống. Bởi, cuộc sống vẫn phải tiếp tục, dù rằng, nói như Henri Frédéric Amiel: “Để sống, chúng ta phải tranh đấu không ngừng”. Phải học cách đi qua Covid-19, thích nghi, tìm cách chung sống an toàn với nó, để không chịu chết chìm trong cơn lũ dữ ấy, là tâm thế không thể khác.

Châu Âu - lục địa già cỗi và nổi tiếng thủ cựu - đã bắt đầu có những động thái đầu tiên của việc “sống chung với virus Corona”. Áo đã công bố kế hoạch “tái thiết nền kinh tế”, bước đầu bằng việc cho phép doanh nghiệp nhỏ hoạt động trở lại, nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi cho phép công viên công cộng, cửa hàng nhỏ… mở cửa trở lại, nhà hàng, khách sạn sẽ mở cửa trở lại vào ngày 2/5 nếu dịch được kiểm soát. Đức tuyên bố cho phép các cửa hàng có quy mô nhỏ được mở cửa trở lại vào ngày 20/4, các cửa hàng có quy mô lớn hơn ở các thành phố lớn sẽ được mở cửa trở lại muộn hơn, học sinh một số nơi cũng sẽ được trở lại trường từ ngày 4/5. Na Uy đã cho nối lại hoạt động ở các nhà trẻ. Tây Ban Nha cũng cho biết sẽ nới lỏng các lệnh hạn chế di chuyển, cho phép trẻ em có thời gian được đi ra ngoài mỗi ngày. Đan Mạch cho phép mở lại các trung tâm giữ trẻ và trường tiểu học từ ngày 15/4, Czech cũng dự định sẽ gỡ lệnh cấm di chuyển.

Tại châu Á, Hàn Quốc dường như là một trong quốc gia đầu tiên xác định sẽ phải “sống chung với virus Corona” khi nỗ lực cách để Hàn Quốc có thể thực hiện “giãn cách mỗi ngày”, đơn cử như thay vì cho tất cả trẻ em đến trường cùng lúc, trước mắt, một nửa học trực tuyến và một nửa các em đến trường, bàn ăn trưa cho học sinh sẽ được xếp theo hình dích dắc thay vì sát nhau như trước đây….

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, thận trọng, cảnh giác, mọi động thái đều phải ở trạng thái “ném đá dò đường”, vừa làm vừa nghe ngóng - tuỳ theo tình hình dịch bệnh để nới phong toả và vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cách ly xã hội, đeo khẩu trang… là quan điểm chung nhất của các quốc gia có ý định “sống chung”.

Tình huống hiện nay như đi trên dây. Nếu đứng yên có thể ngã, nếu đi quá nhanh sai lầm có nguy cơ xảy ra”- nhận định của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen có lẽ là chân xác nhất về trạng thái “sống chung với virus Corona” lúc này.

Sáng 20/4 - ngày thứ 5 của đợt “giãn cách xã hội thứ 2”, Cà Mau và Thái Bình đã là hai địa phương đầu tiên tính đến thời điểm này cho học sinh trở lại trường. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP. Hà Nội chiều tối 20/4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết nếu tình hình phòng chống dịch COVID-19 tốt lên, nửa đầu tháng 5 Hà Nội sẽ cho học sinh đi học trở lại. Trước đó, nhiều địa phương cũng lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường như chiều ngày 19/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị, trong đó có nội dung cho phép học sinh THCS, THPT đi học trở lại từ ngày 21/4.

Từ 0h ngày 16/4/2020, Đà Nẵng cho phép bán hàng theo hình thức bán trực tuyến và bán cho khách mang về. Thừa Thiên - Huế cho phép bán hàng ăn uống online, ship tận nơi theo nhu cầu. Hải Phòng, cho phép các bến phà, bến đò kết nối với tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động từ 6h đến 8h và từ 16h đến 18h hàng ngày; cho phép 50% số đầu xe của từng hãng taxi hoạt động trong phạm vi địa bàn thành phố và số người trên xe chỉ được dưới 50% số ghế....

Với TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 20/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân quán triệt: “Đề nghị thành phố ban hành bộ tiêu chí cho từng lĩnh vực trước 30/4 để từng đơn vị tự sắp xếp, xây dựng quy chế ứng xử để tháng 5, thành phố cùng cả nước chuyển sang giai đoạn bình thường mới”. Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm giao nhiệm vụ cho 24 quận, huyện cùng các sở, ngành của TP về những việc phải làm trong thời gian tới để chuẩn bị bước sang giai đoạn bình thường mới. UBND TP.HCM cũng chỉ đạo từng đơn vị xây dựng bộ tiêu chí an toàn cho từng ngành nghề, lĩnh vực mình phụ trách. 

Đó là những động thái đầu tiên của việc, nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân là “chuyển sang giai đoạn bình thường mới”. Tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chiều 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Tình hình có nhiều tiến triển tốt hơn so với ngày 15/4, cần phải nới lỏng một bước (các hoạt động xã hội) nhưng vẫn phải kiểm soát đúng mức; tránh tư tưởng chủ quan, coi thường để dịch bệnh quay trở lại.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương cách ly xã hội cần tiếp tục được thực hiện nghiêm và đến ngày 22/4 sẽ có những biện pháp mới. Hai thành phố có nguy cơ cao sẽ được xem xét vào ngày 22/4. Bên cạnh đó, các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ đã giảm xuống nhiều so với trước đây. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ để công bố và quyết định các chủ trương phù hợp trong ngày 22/4; đồng thời xem xét phương án hoạt động trở lại bình thường trong tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra ở toàn cầu và chưa có vắc xin chữa trị.

Đại dịch Covid-19 như cơn bão lớn nhấn chìm nhiều doanh nghiệp, nhiều phận người trong cơn khủng hoảng chưa từng có. Nhưng, cuộc sống vẫn phải tiếp tục, chống dịch là cứu những mạng người nhưng phục hồi nền kinh tế để cứu cuộc sống cũng là nhiệm vụ sống còn và cấp bách không kém.

Thủ tướng Chính phủ đã từng nhấn mạnh: Việc đầu tiên là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhiệm vụ thứ hai rất quan trọng là bảo vệ lực lượng sản xuất, doanh nghiệp. Bên cạnh mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, phải có mặt trận thứ hai là phát triển kinh tế. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ hai về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”.

Thế nên, bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực để duy trì thế thắng trên mặt trận chống dịch, thì việc cấp thiết và cũng là nỗi trăn trở nhất lúc này là làm sao giành thắng lợi trọn vẹn trên mặt trận thứ hai, để hiện thực hóa “mục tiêu kép”: đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế- xã hội. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”… Chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển…”.

Cũng chính từ đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới cụm từ: “Chung sống an toàn với virus Corona". "Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

An toàn là cần thiết, là sống còn nhưng làm sao sống an toàn khi Covid-19 vẫn hiện hữu lại là điều không hề dễ dàng. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát, bổ sung, cập nhật hoặc ban hành thêm các hướng dẫn, quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn”. Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và bổ sung thêm quy định cụ thể, chi tiết hơn tuỳ điều kiện địa bàn.

Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì nhấn mạnh: Chung sống an toàn với  virus corona trước hết phải từ các giải pháp đơn giản nhất và phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể.

Báo chí và các chuyên gia những ngày này đang bàn nhiều đến cái gọi là “Bộ tiêu chí an toàn với Covid-19”. “Dựa vào các biện pháp chống dịch để ban hành tiêu chí, giám sát bằng các tiêu chí” - PGS.TS Trần Đắc Phu bày tỏ quan điểm. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM dẫn cách nhìn của ông Huỳnh Ngọc Thành - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC): Mỗi lĩnh vực cần có bộ chỉ số đánh giá rủi to khác nhau, không áp một bộ tiêu chí cho nhiều lĩnh vực. Ông Huỳnh Ngọc Thành cũng cho rằng điều quan trọng và bền vững là người dân cần hiểu và tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch, mỗi tổ chức, cá nhân ý thức cao việc thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn theo bộ chỉ số, không làm đối phó. 

Vì thế, chung sống thật an toàn với dịch bệnh, “để đời sống và kinh tế cả nước có thể chuyển sang trạng bình thường mới: sản xuất, hoạt động, làm việc, vui chơi trong môi trường xã hội có bệnh truyền nhiễm Covid-19 nhưng không có dịch Covid-19”- như cách nói của Bí thư Thành ủy TP.HCM- không hề đơn giản. “Chệch bánh” một chút, chúng ta sẽ phải trả giá, bởi, “Sars-Cov-2 không “tha thứ” cho bất cứ sự chủ quan nào”.

Nhưng hãy cứ nuôi niềm tin rằng, trên mặt trận thứ hai này, với “mục tiêu kép”, chúng ta cũng sẽ thành công như chúng ta đã thành công trong "trận đánh Covid-19 đợt đầu". Bởi, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng”. 

Hành động nhanh, hành động ngay”, nỗ lực, quyết liệt và thận trọng hết mức, chúng ta sẽ thành công.

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...