Báo chí phải làm lành mạnh hóa xã hội

Chủ nhật, 17/06/2018 10:42 AM - 0 Trả lời

(CLO) “Dù đâu đó có nhà báo lạm dụng nghề nghiệp để trục lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng đó chỉ là con số rất ít. Tôi mong những tích cực, tốt đẹp trong giới báo chí phải được phát huy hơn nữa để đẩy lùi cái tiêu cực của một bộ phận nhà báo hiện nay”. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thời sự (VOV1), Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã chia sẻ về nghề báo nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Báo Công luận
Phóng viên truyền hình tác nghiệp trên biển. Ảnh: L.Đ

Là một nhà báo tâm huyết với nghề, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội hiện nay?

Báo chí luôn nắm giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội. Ở giai đoạn hiện nay, khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đang rất quyết liệt thì vai trò phản biện của báo chí càng trở nên quan trọng.

Những kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Chính sự phát hiện, vào cuộc của báo chí nên những vụ việc tiêu cực, có liên quan đến nhiều nhân vật “lớn” đã được phanh phui.

Người dân luôn tin tưởng vào báo chí, và họ vẫn cần sự tham gia của báo chí vào tất cả các ngõ ngách, lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa báo chí chân chính với một số tờ báo, nhà báo chưa thực sự làm tốt vai trò là người định hướng dư luận. 

Vẫn thấy đâu đấy những nhà báo, bài báo mới chỉ có được chữ “nhanh” mà chưa đảm bảo sự chính xác, tin cậy nên đã gây ảnh hưởng xấu đến báo chí nói chung hiện nay. Bởi vậy, các nhà báo phải nâng cao nhận thức, ý thức để cho ra những bài báo làm lành mạnh hóa xã hội, giúp xã hội ngày càng phát triển hơn.

Với cuộc cách mạng 4.0, các nhà báo cần làm gì để thích nghi với phương thức làm việc mới?

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo bắt đầu xuất hiện và chi phối đời sống xã hội hiện đại. Lĩnh vực truyền thông, cũng chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. 

Các công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo cho phép tự động hóa trong quá trình cung cấp, truy cập và quản lý nội dung sẽ tạo ra những cú hích và cả thách thức cho ngành truyền thông.

Báo Công luận
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng trao đổi nghiệp vụ cùng đồng nghiệp trong một chương trình Phát thanh. Ảnh: TL

Vào năm 2020, công nghệ 5G sẽ được phủ sóng rộng rãi hơn, thì tốc độ truy cập internet, tốc độ sản xuất các sản phẩm báo chí sẽ nhanh hơn rất nhiều. Chính vì vậy, các nhà báo phải luôn luôn nắm bắt được công nghệ hiện đại đó để vận dụng vào nghề nghiệp của mình.

Cho đến thời điểm này, rất nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã sử dụng những công nghệ hết sức hiện đại giúp việc làm báo dễ dàng hơn, các sản phẩm báo chí sinh động hơn rất nhiều và nó đã và đang làm thay đổi ngành truyền thông và cách tiếp cận của công chúng.

Nhiều người đang lo lắng trước câu chuyện robot làm báo thay con người, theo tôi, những công cụ tự động hóa sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn chứ không thể thay thế được vai trò của nhà báo. 

Bởi làm báo còn phải có cảm xúc, cách nhìn nhận, đánh giá riêng, sự định hướng cũng như khơi nguồn cảm hứng giữa con người với con người, mà máy móc không thể tạo ra được những điều đó.

Và dù công nghệ phát triển đến mức nào thì nội dung vẫn là quan trọng. Nếu công nghệ hiện đại nhưng nội dung nhàm chán sẽ không thu hút được khán thính giả, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội. Công cụ chỉ là một nửa của câu chuyện mà thôi.

Khi công nghệ càng hiện đại thì có lẽ các nhà báo cũng dễ vi phạm đạo đức nghề báo hơn. Với công chúng, thì dù làm báo theo cách nào thì đạo đưucs nghề báo cũng không thể xem nhẹ. Theo ông, các nhà báo phải làm gì để luôn xứng đáng với sự tin cậy của công chúng?

Trong xã hội hiện nay, chỉ cần một cú bấm chuột, nhà báo có thể phát hành bài báo của mình. Họ không cần có mặt ở hiện trường nhưng cũng có thể viết được một bài báo điều tra... 

Công nghệ hiện đại có thể giúp nhà báo làm báo nhanh hơn, nhưng họ cũng dễ vi phạm đạo đức nghề nghiệp hơn. Và đáng buồn hơn ngày càng có nhiều hơn những nhà báo lợi dụng vai trò của báo chí, lợi thế của nghề nghiệp để trục lợi, nhiều vụ việc được phanh phui, phát hiện đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh các nhà báo nói chung và giảm uy tín của báo chí trong xã hội. 

Nhưng, rất may, chúng ta còn rất nhiều tấm gương nhà báo dám hy sinh, dấn thân trong cuộc chiến chống tiêu cực, chống lâm tặc giữ rừng, trong tác nghiệp tại vùng thiên tai hay phản ánh thông tin bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc… 

Những cái tốt, cái tích cực của các nhà báo luôn nhiều hơn, lấn át cái tiêu cực. Những mặt tích cực, tốt đẹp đó phải được phát huy hơn nữa để đẩy lùi cái tiêu cực của một bộ phận nhà báo hiện nay.

Để làm được điều đó, trước hết, các nhà báo phải có nhãn quan chính trị tốt. Họ phải hiểu dù làm báo trong bất cứ thời kỳ nào đều phải làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Thứ hai, nhà báo phải nâng cao năng lực chuyên môn, nhìn nhận được đúng - sai của vấn đề. 

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo để họ hiểu giới hạn, chừng mực của mình. Và tôi cho rằng, công chúng báo chí cũng có vai trò tích cực để làm lành mạnh hóa báo chí và góp phần đấu tranh chống tiêu cực.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhà báo rất dễ dàng nói lên tiếng nói của mình nhờ công nghệ. Nhưng cũng vì thế nên xảy ra tình trạng nhà báo “hai mặt”: Viết cho báo chí chính thống thì họ viết đúng với quan điểm, đường lối, chính sách, nhưng khi viết trên mạng xã hội hay blog thì họ lại thể hiện quan điểm hoàn toàn đối lập.

 Các nhà báo phải nhìn nhận lại vấn đề này bởi nó ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan báo chí và của chính nhà báo đó. Đặc biệt, khi những quan điểm trái chiều đưa lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích, danh dự của đất nước, của nhân dân.

Nhiều nhà báo hiện nay than thở bởi áp lực của nghề trong khi nhuận bút lại chưa tương xứng. Với áp lực từ hai chiều như vậy, theo ông, làm thế nào để nhà báo có thể làm nghề tốt?

Trong lịch sử báo chí, kể cả trên thế giới, chưa bao giờ nhà báo có thể làm giàu được từ nghề báo. Phần lớn các nhà báo thường viết bằng tình yêu nghề nghiệp, bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của mình với xã hội là chính chứ không phải viết để có cuộc sống dư giả.

Tuy nhiên, chính sách nhuận bút với các nhà báo cần phải được xem xét lại. Nhà nước và các cơ quan chức năng cần đưa ra chính sách nhuận bút thích hợp nhất, làm sao để đảm bảo được cuộc sống cho nhà báo. 

Như vậy, họ sẽ có nhiều điều kiện, động lực và yên tâm hơn để sáng tạo; đồng thời hạn chế được rất nhiều tiêu cực bởi nhà báo không còn phải lo nghĩ tìm cách lợi dụng vai trò nghề nghiệp để trục lợi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, có sự cạnh tranh thông tin quyết liệt giữa các loại hình báo chí. Theo ông, những người làm báo phát thanh ở Đài TNVN làm thế nào để cạnh tranh với các loại hình báo chí khác, cũng như khẳng định vị thế của mình?

Tôi khẳng định, dù xã hội phát triển như thế nào thì báo phát thanh và các loại hình báo chí khác sẽ vẫn cùng song song tồn tại, bởi mỗi loại hình đều có vai trò riêng, cách làm riêng và đối tượng công chúng riêng.

Phải khẳng định rằng, hiện nay 1/3 số người trên thế giới đang tiếp thu thông tin bằng tai nghe, mà phát thanh lại có những thế mạnh mà không loại hình báo chí nào có được, chẳng hạn như thính giả vừa nghe được thông tin nhưng vẫn đồng thời làm được những việc khác. Đặc biệt, bằng giọng nói, bằng các kỹ xảo của phát thanh, báo phát thanh tạo cảm hứng, cảm xúc cho người nghe. 

Chính vì vậy, phát thanh vẫn còn sức sống rất lớn trong xã hội. Việc cạnh tranh giữa các loại hình báo chí rất cần thiết bởi đó cũng là cơ hội để phát thanh phát triển hơn mà thôi.

Với những người làm báo ở Đài TNVN, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải nắm được cách làm báo theo xu hướng mới, và phát huy hơn nữa thế mạnh của phát thanh - đó là thông tin rất nhanh, đa chiều và tạo cảm hứng cho công chúng.

 Người làm báo phát thanh phải nâng cao trình độ để sản xuất được các chương trình phát thanh hấp dẫn, thông tin đa dạng, sinh động, nhanh và đặc biệt phải đúng, trúng, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của công chúng... khiến họ không thể rời máy thu thanh. 

Muốn vậy, chúng ta phải tìm hiểu rõ nhu cầu của công chúng hiện nay, xem người ta muốn nghe cái gì và muốn nghe như thế nào. 

Song song đó, chúng ta phải nắm bắt được những công nghệ kỹ thuật mới để đưa các chương trình phát thanh đến với công chúng không chỉ nhanh nhất, mà còn phải sinh động nhất. 

Ví dụ, đưa các chương trình phát thanh lên mạng internet; livestream trực tiếp các chương trình phát thanh để công chúng thấy được hậu trường của việc làm nghề; tạo sự tương tác nhiều hơn với công chúng khi họ có nhu cầu được thể hiện, bày tỏ, chia sẻ, tham gia vào chương trình phát thanh. Chính vì điều đó sẽ có nhiều người nghe đài hơn nữa, và như thế, phát thanh sẽ giữ được vị thế của mình trong xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Vũ 

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo