Chị Trần Thị Ngọc cho biết: "Ngày 14-3-2014, tôi ký hợp đồng mua bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (sau đây gọi tắt là bảo hiểm Prudential) theo hợp đồng bảo hiểm số 73097103, mức phí 25 triệu đồng/năm. Quá trình ký hợp đồng, tôi có đăng ký người thụ hưởng và cung cấp giấy khai sinh của con gái tôi cho đại lý hoàn thành các thủ tục. Thế nhưng thật bất ngờ, ngày 2-1-2018, tôi truy cập theo mã số điện tử bảo hiểm của tôi để xem thì mới “ngã ngửa” người, khi biết rằng người thụ hưởng không phải con gái tôi mà là một người nào đó mang tên Đinh Quang Chiến".
Tên người thụ hưởng sai do chị Ngọc phát hiện
Chị Ngọc khẳng định, chị không hề quen biết người có tên như trên, đồng thời, suốt 4 năm qua, chị vẫn đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng thời hạn và không hề có bất cứ một yêu cầu nào về thay đổi người thụ hưởng. Chị cũng thắc mắc, trong suốt thời gian qua, bao nhiêu quyền lợi thụ hưởng của chị và con gái đã bị bảo hiểm Prudential cung cấp cho người có tên trên? Đáng trách hơn, khi chị mang những thắc mắc này hỏi bảo hiểm Prudential thì hãng lại làm ngơ, không tỏ rõ trách nhiệm. Sau đó, họ lại tiếp tục tự ý thay đổi người thụ hưởng trong bảo hiểm của chị và gửi một lá thư xin lỗi hết sức vô cảm.
Thư xin lỗi của Prudential.
Chị Ngọc bức xúc: “Nếu như trong thời gian vừa qua, mẹ con tôi có mệnh hệ gì và cần phải có sự can thiệp từ phía bảo hiểm Prudential thì họ có giải quyết cho chúng tôi không? Nếu tôi không kịp thời phát hiện ra thì bao nhiêu tiền của, công sức lao động, tích cóp của mẹ con tôi gửi vào bảo hiểm Prudential chẳng khác nào “ốc mò cò xơi”. Khi mua bảo hiểm thì họ buông đủ lời hay ý đẹp, luôn tỏ ra quan tâm tới khách hàng. Vậy mà khi mắc lỗi, họ lại hành xử với tôi một cách vô cảm như vậy, liệu có xứng đáng với câu nói mời chào khách hàng của họ là “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Để làm rõ những phản ảnh của chị Ngọc, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hiển, chủ đại lý bảo hiểm Prudential có mã số 60055255 để tìm hiểu. Nhưng chúng tôi quá bất ngờ và bị sốc trước những lời lẽ rất thiếu văn hóa, đầy thách thức của bà Hiển. Cụ thể, khi phóng viên chưa dứt lời giới thiệu thì bà Hiển xả một tràng với giọng đầy “chợ búa”: “Em viết thuê bài này được bao nhiêu tiền? Thì nghề của em phải viết thế mới có tiền mà? Em muốn gì ở chị? Báo không viết bài để lấy tiền thì ăn lương cứng à? Giải quyết cái đấy giải quyết lâu rồi, bây giờ muốn giải quyết gì? Cái chuyện bé tí bằng con muỗi làm to đùng ra, chẳng có vấn đề gì cả”. Bà Hiển cũng không quên khoe biết lãnh đạo cơ quan báo này, báo kia để đe dọa phóng viên.
Thư xác nhận nộp phí của bảo hiểm Prudential đối với hợp đồng của chị Ngọc.
Trước sự việc này, phóng viên đã trao đổi với ông Trần Thái Dũng, Bộ phận giải quyết bồi thường của bảo hiểm Prudential; ông Dũng hứa sẽ chuyển các thông tin phản ánh đến bộ phận chức năng để xem xét, xử lý. Tuy nhiên đến nay, kết quả giải quyết như thế nào thì phía bảo hiểm Prudential vẫn chưa thông tin lại cho phóng viên.
Bảo hiểm Prudential nổi tiếng với slogan “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Thế nhưng qua vụ việc này cho thấy, slogan ấy của bảo hiểm Prudential nên đổi thành “Không chịu lắng nghe, buông lời thô thiển” hoặc “Lâu lâu mới nghe, rất lâu mới hiểu”. Bởi, trong khi quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp, khi khách hàng phát hiện ra sai sót và yêu cầu giải thích thì bảo hiểm Prudential lại im lặng, lặng lẽ tẩy rửa sai sót và gửi thư xin lỗi một cách cứng nhắc, thiếu thiện chí.
Khi khách hàng bức xúc, phản ánh đến các cơ quan báo chí thì lại buông những lời lẽ thô tục thiếu văn hóa, không thể hiện thiện chí, tính cầu thị và trách nhiệm. Thiết nghĩ, trước khi mua bảo hiểm Prudential, người dân nên cân nhắc thật kỹ bởi rất có thể họ sẽ phải “lắng nghe” những lời thô thiển trên.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Chính Tâm