Bất cập trong xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh

Thứ ba, 07/11/2017 21:56 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hà Tĩnh mỗi năm thu nhập từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài rất lớn, đạt từ 6.800 – 7.000 tỷ đồng. Tuy vậy, để giải tốt bài toán XKLĐ cần phải có nhiều thay đổi cả về tư duy, cách làm, cơ chế chính sách, không chỉ của Hà Tĩnh mà còn liên quan tới tầm vĩ mô quốc gia.

 Những tín hiệu vui

Từ năm 2015 tháng 6/2017, Hà Tĩnh đã có 21.341 người đi XKLĐ theo diện có hợp đồng. Trong đó, tập trung vào 5 thị trường chính là Hàn Quốc 2.637 người, Đài Loan 10.579 người, Nhật Bản 3.777 người, Malaisia 1.173 người, Trung  Đông 1.148 người. Ngoài số đó, hàng năm, Hà Tĩnh còn có khoảng 12.000 – 13.000 lượt người đi làm việc ở các nước Thái Lan, Lào, Angola, Trung Quốc theo hình thức đi du lịch thăm thân. Tính ra, đến nay, Hà Tĩnh đang có 52.300 người làm việc tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, nam chiếm 77 % (40.200 người) nữ chiếm 23% (12.100 người) số lao động có hợp đồng 23.600 người ( chiếm 45%) không có hợp đồng 28.700 người (chiếm 55%)

Báo Công luận
 Lao động Hà Tĩnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo diện có hợp đồng

Với lực lượng đông đảo như vậy, bình quân hàng năm Hà Tĩnh thu nhập từ XKLĐ rất lớn, đạt từ khoảng 6.800 – 7.000 tỷ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách một năm của cả tỉnh. Trong đó, số tiền người lao động gửi về từ nước ngoài 3.500 - 4.000 tỷ đồng/ năm. Số lao động có thu nhập khá trở lên 45.000 người (chiếm 86%  tổng số đi XKLĐ). Rõ ràng là nguồn lực từ lao động XKLĐ đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế cho hàng chục vạn hộ gia đình, thành lập nhiều doanh nghiệp, HTX, đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng NTM và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Để có những thành quả nói trên, trước hết là chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và các ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt việc xây dựng kế hoạch XKLĐ gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều địa phương đã tổ chức theo dõi, nắm chắc tình hình lao động đi làm việc nước ngoài và lao động đã hết hạn về nước.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại là số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở Hà Tĩnh có chiều gia tăng. Đặc biệt, đối với thị trường Hàn Quốc, lao động  Hà Tĩnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ cư trú bất hợp pháp.Theo ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động – Việc làm, Sở LĐTB và XH Hà Tĩnh: “ Cho đến nay, Hà Tĩnh có trên 28.000 người đang làm việc theo diện không có hợp đồng ở nước ngoài, trong đó riêng Hàn Quốc đã chiếm gần một nửa, 1.300 người. Sau sự cố môi trường biển năm 2016, Hàn Quốc chỉ cấm lao động Hà Tĩnh tham gia các ngành nghề sản xuất, xây dựng, còn ngành ngư nghiệp vẫn cho tiếp tục, bởi Hà Tĩnh luôn chiếm 50% lao động cả nước về XKLĐ ở ngành nghề này”.

Hiện nay, đã có 6 huyện là Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà bị cấm không  không cho tham gia chương trình XKLĐ sang Hàn Quốc. Tình hình lao động di cư theo hình thức thăm thân, khám sức khoẻ, kết hôn giả sau đó ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài của Hà Tĩnh ngày mỗi tăng và hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu để giải quyết.

Thử tìm nguyên nhân

Hà Tĩnh là tỉnh có dân số gần 1,3 triệu người, lực lượng lao động dồi dào, ngành nghề và dịch vụ kém phát triển, đời sống còn thấp, đã và đang là nguồn gốc tạo nên sự bức xúc ngày càng lớn về việc làm của người dân địa phương.

Theo một thống kê của ngành LĐTB & XH, nhu cầu sử dụng lao động của các DN, HTX, các cơ sở kinh doanh  trên địa bàn còn ít. Trong số hơn 5.500 DN của tỉnh nhưng chỉ sử dụng khoảng  75.000 lao động (chỉ bằng số lao động của một công ty là Sam sung Thái Nguyên. Như vậy, nếu tính bình quân , thì mỗi DN của Hà Tĩnh chỉ sử dụng chưa đến  14 lao động.

Trong khi mỗi năm, Hà Tĩnh có 15.000 lao động cần tìm việc nhưng khả năng các  DN trên địa chỉ mới đáp ứng được 10% (khoảng 1.500 -2.000 người /năm) Đây là thách thức không hề nhỏ cho bài toán giải quyết việc làm và chủ trương “ly nông không ly hương” của tỉnh.

Tình trạng dư thừa nguồn năng lực sau đào tạo của Hà Tĩnh ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng số lao động được đào tạo bài bản, có trình độ từ trung cấp trở lên, mỗi năm có khoảng 14.000-14.500 người tốt nghiệp ra trường. Nhưng trong số này chỉ khoảng 3.000 – 3.500 người tìm được việc làm trên địa bàn tỉnh; từ 5.500 – 6.000 người phải kiếm việc làm ngoại tỉnh. Số học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp  nhưng không tìm ra việc làm mỗi năm lên tới 4.500 – 5.000 người.

Ngoài ra, hàng năm Hà Tĩnh có khoảng 11.000 người được  đào tạo trình độ sơ cấp nghề hoặc dạy nghề ngắn hạn theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn; chương trình dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất… ,đang mong có cơ hội chuyển đổi nghề.

Việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn đã vô hình trung thu hẹp quỹ đất, dẫn đến dư thừa lao động ngày mỗi nhiều. Từ năm 2011 đến giữa năm 2017, Hà Tĩnh đã thu hồi 6.621 ha đất của các hộ dân. Trong đó, tổng số hộ bị thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất kinh doanh là 27.693 hộ, gồm 88.428 nhân khẩu. 5.476 hộ trong số đó phải di dời đến nơi ở mới để  lấy đất phục vụ cho các dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng, Thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cảm Trang, ở TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh…

Theo một thống kê chưa chính thức, mặc dù TX Kỳ Anh là địa phương có nhiều dự án lớn, số hộ dân bị thu hồi đất cao, nhưng các DN mới chỉ giải quyết được  việc làm cho trên dưới 800 người.

Nhu cầu việc làm đặt ra rất bức xúc như công tác giáo dục định hướng, đào tạo kỹ năng nghề, dạy ngoại ngữ cho lao động đi xuất khẩu chưa được các DN chú trọng, dẫn đến chất lượng lao động của nguồn lực Hà Tĩnh không cao, ý thức chấp hành pháp luật thấp. Vì thế, người lao động chỉ tiếp cận được với các thị trường dễ tính, có thu nhập không cao.

Về khách quan mà nói, do lao động là người Hà Tĩnh làm việc có hiệu suất cao, lại chịu thương, chịu khó nên khi kết thúc hợp đồng lao động, họ vẫn được giới chủ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản rất trọng dụng. Nhiều ông chủ vì thế dung túng, tạo điều kiện giữ chân lại theo kiểu lao động chui trong các cơ sở của mình.

Trong lúc đó, việc quản lý lao động, mối quan hệ phối hợp giữa các DN với - chính quyền địa phương còn lỏng lẻo. Khi lao động ra khỏi địa bàn, từ các cơ quan chức năng đến chính quyền không nắm được. DN cũng chẳng có sự liên hệ gì với địa phương để cùng xử lý khi lao động phát sinh vấn đề cần phải giải quyết.

Về tầm vĩ mô, bộ Luật lao động đi làm việc ở nước ngoài ra đời từ năm 2007, tức đã 10 năm. Nhiều nội dung không phù hợp thực tế nữa, nhưng chưa được điều chỉnh lại. Kể cả một số thông tư, quy định…liên quan tới vấn đề này cũng đang lạc hậu, lỗi thời. Mặt khác, các bộ luật liên quan về chế tài xử lý đối với LĐXK cũng chưa đồng bộ. Chế tài xử phạt thì có , nhưng  chế tài cưỡng chế thu hồi tiền  khi LĐXK vi phạm lại không thực hiện được. Đáng ra, phải tiến hành xử phạt khi lao động về đến sân bay, nhưng lại để cho họ trở về nước hoặc cư trú ở địa bàn khác thì không làm sao truy tìm mà xử phạt được.

Giải pháp nào để lập lại trật tự về XKLĐ?

Báo Công luận
 Nhiều người dân ở huyện Cẩm Xuyên được hiểu rõ hơn về chính sách, các thông tin về XKLĐ qua các buổi đối thoại do huyện tổ chức

Một trong những nguyên nhân người lao động đi xuất khẩu vi phạm hợp đồng, vi phạm  luật pháp là thiếu thông tin, nhất là với số lao động ở nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa.Vì vậy, cần thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về công tác XKLĐ, đặc biệt chú trọng cung cấp thông tin chi tiết về các thị trường lao động (bao gồm thị trường tự do và thị trường có hợp đồng); về những DN được phép và những doanh nghiệp không được phép đưa lao động đi làm việc nước ngoài; thông tin công khai, minh bạch về các khoản chi phí người lao động phải đóng nộp khi xuất cảnh, các khoản tiền lương, phúc lợi được hưởng khi làm việc ở nước ngoài.

Cần xây dựng lộ trình kế hoạch đưa chương trình XKLĐ của Hà Tĩnh thành một nghề có thương hiệu. Muốn thế, trước hết làm tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực một cách đồng thời, theo 3 hình thức: tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn; tiến tới hình thành các trung tâm đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động đi làm việc nước ngoài tại Trường Đại học Hà Tĩnh, Cao đẳng nghề Việt Đức, Cao đẳng nghề Công Nghệ, Cao đẳng Y Hà Tĩnh, Trung cấp nghề Hà  Tĩnh; tuyển chọn và chuẩn bị nguồn lực lượng sinh viên là con em Hà Tĩnh đã tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước, động viên các em chưa tìm kiếm được việc làm trong nước đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo đơn đặt hàng có yêu cầu về trình độ tay nghề; tìm kiếm lực lượng lao động phổ thông từ các địa bàn dân cư. Sau khi trúng tuyển, phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp, nhất là ý thức tổ chức, kỷ luật, tác phong làm việc, nhằm giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật khi làm việc ở nước ngoài.

Báo Công luận
Lao động Hà Tĩnh dự thi tuyển chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản 

Phát huy có hiệu quả mối quan hệ phối hợp, hợp tác giữa các DN XKLĐ với chính quyền địa phương, từ việc cung cấp thông tin về đơn hàng, thị trường XKLĐ , đến công tác tư vấn, tuyển chọn, tạo nguồn, tổ chức đào tạo, phỏng vấn tuyển dụng, thu phí, ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng quy chế phối hợp tuyển dụng giữa DN XKLĐ với Sở LĐTB& XH, ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại về công tác tuyển chọn lao động và vay vốn đi xuất khẩu lao động.

Các cơ quan chức năng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, LĐTB &XH cần có sự phối hợp đồng bộ trong tổ chức kiểm soát vấn đề lao động di cư tự do đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chính vào các thị trường Thái Lan, Angola, Trung Quốc, Liên bang Nga và Lào. Đó là các nước chiếm đến 85% tổng số lao động di cư tự do của Hà Tĩnh.

Tập trung tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước, xử lý có hiệu quả tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, đặc biệt là tại 3 thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Theo chúng tôi, đây là trách nhiệm của cả hệ thống  chính trị từ tỉnh đến cơ sở, không riêng gì ngành LĐTB &XH.

Một vấn đề rất nên làm, theo ông Nguyễn Trí Lạc- Giám đốc Sở LĐTB & XH Hà Tĩnh, là các địa phương cần tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả  lực lượng lao động sau khi về nước; thu hút, mời gọi những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật sâu vào làm việc cho các DN FDI đầu tư trên địa bàn. Khuyến khích người đi XKLĐ về nước đầu tư thành lập DN, HTX… nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thìn – một LĐXK nhiều năm, quê ở huyện Vũ Quang trao đổi với chúng tôi: “Đề Nghị Bộ LĐTB & XH rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại các DN XKLĐ. Vì hiện nay có nhiều đơn vị được Bộ cấp phép nhưng không đủ năng lực tài chính, không có đơn hàng và con người đủ tầm để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cũng theo chị Thìn, nếu để những DN như thế tồn tại sẽ làm cho lĩnh vực hoạt động XKLĐ của chúng ta tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể phát triển lên được!”

Khắc Hiển – Diễm Hằng

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương