Bộ TN&MT đề nghị TP.HCM giải quyết khiếu nại của người dân quận 9

Thứ năm, 11/10/2018 08:10 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Liên quan tới vụ việc UBND TP.HCM giao đất cho một doanh nghiệp “vỏ nội ruột ngoại” tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, Bộ TN&MT đã liên tiếp có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị xem xét, xử lý, tránh để công dân khiếu kiện đông người thành điểm nóng phức tạp.

Bộ TN&MT nêu bật nguyện vọng “ổn định cuộc sống”của người dân

Ngày 9/8/2018, Thanh tra Bộ TN&MT có văn bản 493/TTr gửi UBND TP.HCM về việc xử lý đơn của ông Nguyễn Văn Oai, ở 126A khu phố Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9.

Văn bản nêu rõ: “Theo đơn và hồ sơ, diện tích đất ông Oai khiếu nại có nguồn gốc do khai hoang, sử dụng năm 1976 theo chủ trương giãn dân của Thành ủy TP.HCM, được UBND xã đồng ý và liên tục sử dụng để ở và sản xuất. Quá trình sử dụng, ông Oai đã thực hiện kê khai, đăng ký nhà đất năm 1999, làm thủ tục nhập khẩu,...

Ngày 30/6/2004, UBND TP.HCM có Quyết định 3234/QĐ-UB tạm giao khu đất khoảng 324.000m2 cho Công ty 7/5 thuộc BCHQS tỉnh Lâm Đồng để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu dân cư, nhưng không xác định cụ thể số thửa, số tờ bản đồ thu hồi đất, không xác định ranh giới thu hồi đất ngoài thực địa, thực tế gia đình ông Oai vẫn sử dụng đất.

Năm 2015, UBND TP.HCM tiếp tục có Quyết định 3066/QĐ-UBND về việc chấm dứt tạm giao đất trên cho Công ty 7/5 và chấp thuận giao khu đất trên cho Công ty TNHH A Sung để thực hiện dự án khu dân cư 7/5. Theo ông Oai, việc giao đất này là không đúng quy định pháp luật.

Ngày 14/7/2015, UBND quận 9 ban hành Quyết định 199/QĐ-UB trong đó ghi cưỡng chế diện tích 6.963,4m2, nhưng thực tế cưỡng chế diện tích khoảng 8.000m2 đất của gia đình ông và cưỡng chế cả nhà, đất của 02 em của ông ngoài quyết định cưỡng chế...”

Tiếp đó, ngày 14/9/2018, Bộ TN&MT tiếp tục có văn bản 4975/BTNMT-TTr gửi UBND TP.HCM về việc xử lý đơn của một số hộ dân quận 9.

Văn bản nêu chi tiết hơn: “Năm 2015, UBND TP.HCM có Quyết định 3066/QĐ-UBND về chấm dứt tạm giao đất cho Công ty 7/5 và chấp thuận giao phần đất trên (thực tế các hộ đang sử dụng) cho Công ty TNHH A Sung nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Các hộ dân cho rằng Công ty TNHH A Sung không có năng lực tài chính, theo đăng ký lần đầu năm 2013 thì vốn điều lệ là 1 tỷ đồng… Dự án đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện, đất còn để trống. Các hộ dân đề nghị kiểm tra việc thu hồi đất của các hộ, việc giao đất thực hiện dự án, đồng thời làm thủ tục để các hộ được cấp GCNQSDĐ, ổn định cuộc sống…”

Bộ TN&MT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, giải quyết theo quy định, không để công dân khiếu kiện đông người thành điểm nóng phức tạp…

Báo Công luận
 Dự án Khu dân cư 7/5 hơn 14 năm qua để cỏ mọc, thành nơi người dân thả bò.
Cần hiểu đúng, đủ nội dung Quyết định của Thủ tướng

Ngày 25/9/2018, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã có văn bản gửi báo NB&CL.

Về quy trình giao đất cho Công ty TNHH A Sung và việc nắm bắt thông tin Công ty này có vốn góp nước ngoài, hiện thuộc quản lý của doanh nghiệp nước ngoài…, Sở TN&MT đã cung cấp nhiều thông tin, đáng chú ý: Ngày 18/12/2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1359/QĐ-TTg về chuyển đổi đất quốc phòng của Quân khu 7 tại TP.HCM.

Thực tế, Quyết định 1359/QĐ-TTg về thu hồi 832.554m2 đất quốc phòng do Quân khu 7 quản lý, có thể thấy ít nhất 3 nội dung cần được các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng:

Thứ nhất, Thủ tướng "giao UBND TP.HCM quản lý toàn bộ diện tích thu hồi vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội địa phương". Thế nên, cần làm rõ vì sao năm 2004, UBND TP.HCM lại “tạm giao ngược” cho một doanh nghiệp quân đội kém năng lực, bỏ hoang đất hàng chục năm?

Theo Báo Lâm Đồng, năm 2011, Công ty 7/5 có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trụ sở chính tại thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, chuyên về trồng, khai thác gỗ, quặng, đá, cát, sỏi,…

Thứ hai, Quyết định ghi rõ: “Vị trí khu đất thu hồi xác định theo tờ bản đồ hiện trạng số 46.205/CN-ĐCNĐ, tỷ lệ 1/2.000 do Sở Địa chính - Nhà đất TP.HCM (nay là Sở TN&MT) xác lập ngày 20/8/2002”. Theo hồ sơ, có thể thấy trước thời điểm xác lập tờ bản đồ (2002), nhiều hộ dân đã xây dựng các công trình trên đất, thực hiện kê khai, đăng ký nhà đất từ 1999, thậm chí đã sinh sống, sản xuất tới tận năm 2015. Nhưng tại sao nhà đất của những hộ dân này lại không được tồn tại như các hộ bên cạnh?

Cần phải lưu ý rằng, nhiều hộ dân đang khiếu nại đã hoặc đang sử dụng diện tích đất rất lớn, có hộ 2.000m2, có hộ 3.000m2, có hộ lên tới 8.000m2…

Thứ ba, Quyết định ghi rõ: “UBND TP.HCM và BQP có trách nhiệm xác định mốc giới khu đất cụ thể trên bản đồ và trên thực địa, đăng ký vào sổ địa chính nhà nước”. Nhưng theo phản ánh, chính quyền đã chưa thực hiện rốt ráo việc xác định mốc giới khu đất cụ thể trên bản đồ và trên thực địa như chỉ đạo của Thủ tướng (!?).

Như vậy, thanh tra toàn diện dự án trở thành yêu cầu vô cùng cần thiết và cấp bách, bởi ngoài việc minh bạch quá trình tạm giao đất, giao đất bị hoài nghi tiêu cực, nó còn giúp xác định chính xác có hay không việc chính quyền thu hồi đất ngoài ranh và cưỡng chế "lố" như phản ánh.

Quan trọng hơn, đó sẽ là cách hữu hiệu nhất để TP.HCM giữ vững niềm tin của nhân dân, ngăn việc khiếu kiện đông người có nguy cơ thành điểm nóng phức tạp như Bộ TN&MT lo ngại.

 Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Kiên Giang

Tin khác

Nghệ An: Chính quyền buông lỏng quản lý để vi phạm xây dựng của Công ty Nhật Huy không được ngăn chặn?

Nghệ An: Chính quyền buông lỏng quản lý để vi phạm xây dựng của Công ty Nhật Huy không được ngăn chặn?

(NB&CL) Tuy chưa hoàn thiện thủ tục về giao đất, cấp giấy phép xây dựng nhưng Công ty Cổ phần chế biến gỗ Nhật Huy vẫn ngang nhiên triển khai xây dựng Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhựa kỹ thuật Mega, tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Điều tra
Việt Yên (Bắc Giang): “Dở khóc, dở cười” chuyện hỗ trợ con giống dự án giảm nghèo tại xã Tiên Sơn

Việt Yên (Bắc Giang): “Dở khóc, dở cười” chuyện hỗ trợ con giống dự án giảm nghèo tại xã Tiên Sơn

(NB&CL) Với mục tiêu giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, UBND xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) đã cấp phát con giống cho hộ nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trái với mục tiêu ban đầu, việc triển khai đã khiến nhiều hộ dân “dở khóc, dở cười” với những con giống được hỗ trợ.

Điều tra
Điều tra việc cung ứng hơn 20 tấn lạc giống nghi kém chất lượng cho nông dân Quảng Bình

Điều tra việc cung ứng hơn 20 tấn lạc giống nghi kém chất lượng cho nông dân Quảng Bình

(CLO) Gần 20 tấn lạc giống có dấu hiệu giả giống lạc L14 đã cung ứng cho bà con nông dân xã Trường Sơn là loại lạc dùng để ăn, không phải lạc giống nên Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra.

Điều tra
Công ty Việt Hùng gian lận đấu thầu tại xã Yên Lâm (Yên Mô): Công an tỉnh Ninh Bình đang xác minh vụ việc

Công ty Việt Hùng gian lận đấu thầu tại xã Yên Lâm (Yên Mô): Công an tỉnh Ninh Bình đang xác minh vụ việc

(CLO) Thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và thương mại Việt Hùng gian lận doanh thu để trúng thầu dự án tại xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) đã được lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo và đang trong quá trình xác minh chưa có kết luận vụ việc.

Điều tra
Cử nhân viên thời vụ đi xác minh thông tin đấu thầu, bị khiếu kiện vì ngừng thương thảo hợp đồng với nhà thầu?

Cử nhân viên thời vụ đi xác minh thông tin đấu thầu, bị khiếu kiện vì ngừng thương thảo hợp đồng với nhà thầu?

(CLO) Câu chuyện Ban QLDA Xây dựng Giao thông tỉnh Bắc Ninh ký hợp đồng thời vụ với 1 số cá nhân, mang văn bản đến các đơn vị để xác minh thông tin đầu thầu khiến doanh nghiệp chưa hết bức xúc.

Điều tra