BVĐK Hoằng Hóa ép bán suất ăn cho người bệnh?

Thứ sáu, 03/04/2015 16:55 PM - 0 Trả lời

BVĐK Hoằng Hóa ép bán suất ăn cho người bệnh?

(congluan.vn) – “Mỗi suất cơm có giá 20.000 đồng, cháo có giá 10.000 đồng, đây là quy định bắt buộc của bệnh viện, nếu bệnh nhân nào không ăn cũng phải thanh toán...” Đó là những bức xúc mà phóng viên báo Nhà báo & Công luận nhận được từ phản ánh của nhiều bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
 
Không ăn vẫn phải nộp tiền
 
Người nhà bệnh nhi Lê Hùng Dũng (thị trấn Hoằng Hóa) cho biết: Theo quy định của BVĐK Hoằng Hóa, bệnh nhân bắt buộc phải ăn suất ăn do bệnh viện này cung cấp. Mỗi suất cơm có giá 20.000 đồng, cháo có giá 10.000 đồng. Bệnh nhân không ăn vẫn phải nộp tiền. “Cháu nhà tôi 3 tuổi, đến cháo chim cháu cũng còn không muốn ăn vì nắng và tiêm nhiều kháng sinh nên cháu mệt. Cháu nằm viện đã 5 ngày. Suất cháo của cháu do bệnh viện nấu chúng tôi không lấy (không cho cháu ăn - PV) nhưng vẫn phải thanh toán tiền. Người ta đều như thế cả, mặc dù rất khó chịu nhưng không ai phản ứng gì...” – Bà nội bệnh nhi Dũng bức xúc cho biết.
 
 
 Báo Công luận
 
 
 
Buồng số 3, khoa Tai – mũi – họng, nơi có nhiều bệnh nhi rất bức xúc về các quy định của bệnh viện
 
Đây cũng là khẳng định của rất nhiều người nhà bệnh nhân nhi đang nằm điều trị tại buồng số 3 – bệnh nhân tai – mũi – họng BVĐK Hoằng Hóa khi PV tiếp xúc. Họ còn phản ánh y tá đến từng giường bệnh nói đây là quy định bắt buộc của bệnh viện. “Bệnh viện bắt buộc bệnh nhân phải ăn suất ăn của bệnh viện. Thậm chí như bệnh nhi 7 tuổi quê Hoằng Thắng. Cháu bị viêm amidan không ăn được cơm. Hai ngày đầu nhận suất cơm của bệnh viện cháu không ăn được gì. Sang ngày thứ 3, gia đình phải xin đổi cho cháu ăn cháo, nhưng cũng phải xin bác sỹ mãi mới được đổi. Nhiều cháu không ăn được, phải bỏ suất ăn đi, hoặc nhiều nhà do tiếc nên người đi chăm phải ăn”.
 
Một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Cấp cứu (xin giấu tên) cho biết: “Ngay buổi đầu tiên vào nhập viện đã có người của bệnh viện đến hỏi tôi ăn cơm hay ăn cháo rồi ghi vào sổ. Mỗi bữa cơm chỉ vài tí rau mùng tơi, vài miếng thịt hoặc đậu phụ mà có giá 20.000đ/suất. Cháo thì chỉ có duy nhất cháo thịt bằm với giá 10.000đ/suất, không có thêm loại cháo nào khác. Tôi thì cứ hôm ăn cháo, hôm thì cơm cho đỡ chán. Người ốm mà bắt ăn như thế này thì khổ quá. Đồ ăn ở đây không hợp khẩu vị nên nhiều hôm tôi phải nhường suất cơm đó cho người nhà còn mình thì ăn suất người nhà mang đến”.
 
Không ăn phải ký cam kết với giám đốc bệnh viện!?
 
Bà Mai Thị Thanh – Giám đốc BVĐK Hoằng Hóa cho biết: Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện được thành lập ngày 28/6/2013 nhưng mãi đến tháng 3/2014 mới triển khai hoạt động. Khoa có cơ sở vật chất, thiết bị, con người, đảm bảo đáp ứng chế độ ăn của bệnh nhân và của cả cán bộ nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh nhân phản ánh bệnh viện ép bệnh nhân ăn suất ăn của bệnh viện là hiểu chưa đúng.
 
“Việc đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh cũng là một lĩnh vực chữa bệnh, ăn uống cũng là thuốc. Khoa có chức năng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bệnh nhân. Khi điều trị cho bệnh nhân, bác sỹ chỉ định thuốc đồng thời chỉ định chế độ ăn uống cho người bệnh. Người bệnh sẽ được điều dưỡng trực tiếp tư vấn thức ăn, bữa ăn như thế nào sẽ tốt với loại thuốc đang điều trị để bệnh nhân ăn uống và đăng ký suất ăn phù hợp. Nếu người bệnh không ăn thì không phải nộp tiền. Bệnh viện tổ chức bữa ăn cho bệnh nhân chỉ mang tính phục vụ, không mang tính thương mại. Nhiều bệnh nhân nghèo chúng tôi còn cung cấp suất ăn miễn phí.” – Bà Thanh nói.
 
“Nếu người bệnh không muốn ăn cơm do bệnh viện nấu thì phải ký cam kết với giám đốc bệnh viện. Việc sử dụng đồ ăn ở ngoài phải đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn giao thông khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến giờ chưa có bệnh nhân nào viết giấy cam kết mà đều mua suất ăn trong bệnh viện. Hàng tuần chúng tôi vẫn tổ chức họp hội đồng người bệnh để lấy ý kiến, nhưng không thấy bệnh nhân phản ánh gì.” – bà Thanh cho biết thêm.
 
 
 
 Báo Công luận
 
 
Khu vực cung cấp suất ăn cho bệnh nhân
 
Hỏi về việc chỉ vì không muốn ăn suất ăn mua tại bệnh viện mà phải ký cam kết với giám đốc bệnh viện như vậy có gây phiền hà cho bệnh nhân và người nhà của họ hay không? Bà Thanh nói một ý đến phóng viên cũng khó hiểu: “Nếu ký cam kết, cho là phiền hà thì sẽ là phiền hà...”
 
Hiện việc BVĐK Hoằng Hóa bắt buộc bệnh nhân phải ăn suất ăn của bệnh viện, không ăn vẫn phải trả tiền như bệnh nhân phản ánh đang gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Về quy định lạ lùng, oái oăm của BVĐK Hoằng Hóa: không ăn thì phải ký cam kết với giám đốc bệnh viện như bà Mai Thị Thanh trao đổi với phóng viên đang gây phiền hà cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này...
 
Bằng chứng là có rất nhiều bệnh nhân cũng như người nhà của họ rất bức xúc, không muốn ăn suất ăn của bệnh viện nhưng chọn cách im lặng. Mỗi ngày có trên 100 suất ăn nhưng kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, không có trường hợp nào ký cam kết với giám đốc bệnh viện. Phải chăng là họ sợ, ngại khi đang còn điều trị tại bệnh viện? Hoặc khi vào bệnh viện, họ đang rất lo lắng vì bệnh tình, mệt mỏi vì đã phải làm nhiều thủ tục khi nhập viện; lại còn phải tìm đến giám đốc để trình bày lý do không ăn suất ăn của bệnh viện bán và làm thêm cái thủ tục ký cam kết nên tặc lưỡi chấp nhận mua suất ăn trong bệnh viện dù có ăn được hay không?
 
Đành rằng như bà Thanh trao đổi là có những trường hợp bệnh viện cung cấp suất ăn miễn phí cho đối tượng hộ nghèo là việc làm nhân văn, tạo điều kiện tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đa số người bệnh và người nhà bệnh nhân đang phải chịu thêm áp lực từ những quy định lạ lùng mà bệnh viện này đề ra.
 
  • Phương Thảo

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục