Cánh cửa nào mở ra phía an toàn?

Thứ năm, 14/06/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Làm thế nào để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp? Giải pháp nào để tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhà báo để họ tiếp tục nuôi dưỡng nhiệt huyết và dấn thân kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực vì một xã hội trong sạch và phát triển bền vững. Với nhà báo tác nghiệp “điểm nóng”, cánh cửa nào sẽ mở ra ở phía an toàn cho họ, mỗi khi quyết định dấn thân?

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật trong các “tình huống nóng”; quan niệm, thao tác và kỹ năng “bếp núc” để tự bảo vệ mình, lấy thông tin và bảo vệ sự chân xác của thông tin; bản lĩnh và đạo đức cá nhân của nhà báo khi vào “vùng xung đột” nguy hiểm; sự chỉ đạo, phối hợp, bảo vệ của tòa soạn; vai trò của tổ chức Hội nghề nghiệp, của các cơ quan chức năng bảo vệ nhà báo trước sự cản trở, tấn công khi thi hành nhiệm vụ... là những chủ đề luôn nóng trong quá trình tác nghiệp của nhà báo.

Làm thế nào để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp? Giải pháp nào để tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhà báo để họ tiếp tục nuôi dưỡng nhiệt huyết và dấn thân kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực vì một xã hội trong sạch và phát triển bền vững. Với nhà báo tác nghiệp “điểm nóng”, cánh cửa nào sẽ mở ra ở phía an toàn cho họ, mỗi khi quyết định dấn thân?

1. Năm 2017, làng báo chấn động bởi sự ra đi đầy quả cảm trong khi tác nghiệp của chàng phóng viên trẻ tuổi Đinh Hữu Dư. Mỗi khi nghe tin một nhà báo tử nạn khi đang làm nhiệm vụ, có thể là trên chiến trường hay giữa mưa bão, hoả hoạn... tôi nghĩ đến một nỗi đau trong nghề báo. Nỗi đau khi số phận của họ bị đảo ngược: từ nhân chứng trở thành nạn nhân, từ người đưa tin trở thành người phải gánh nỗi bất trắc về sự kiện mà họ cần đưa. Nhưng những nhà báo tử nạn khi tác nghiệp luôn là những nạn nhân đặc biệt mà cái chết của họ có sức mạnh hơn bao giờ hết. 

Đó là sự ra đi đau đớn, đầy tiếc nuối nhưng cũng là câu chuyện đẹp và đầy ý nghĩa với những người cầm bút hôm nay với hy vọng về sự dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo. Sự tổn thất về người luôn là lớn nhất. Nhưng không cái chết nào là vô ích. 

Xương máu của Dư đổ xuống thêm một lần nữa nhắc nhở đồng nghiệp của anh rằng, muốn đi đến tận cùng của sự thật, chuyển tải những thông tin, hình ảnh, thước phim chân thật nhất về sự kiện, các nhà báo đã phải (và cần tiếp tục phải) dấn thân vào thực địa, vào “tâm bão” của các vấn đề nóng, trở thành nhân chứng sống động về sự kiện. Có như thế mới phát huy được sức mạnh của báo chí. 

Nhưng tôi vẫn nghĩ, giá như những phóng viên như Đinh Hữu Dư được trang bị đầy đủ những kỹ năng tác nghiệp “điểm nóng”, thảm họa, thiên tai, thì sẽ không có câu chuyện đau lòng như thế, trong làng báo.

Báo Công luận
 PV tác nghiệp. Ảnh: TL

2. Chỉ cần gõ 4 chữ “hành hung nhà báo” là hàng loạt các kết quả, hình ảnh cho thấy tính chất nguy hiểm của nghề báo. Không chỉ bản thân nhà báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác, tinh thần, mà phía sau họ là những trăn trở về sự an toàn của gia đình, vợ con. Các cơ quan chức năng thống kê, 5 năm trở lại đây có 50 vụ tấn công nhà báo. Hiện nay, trên cả nước có 858 cơ quan báo chí với gần 50 nghìn người làm báo trong đó có 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ.

 Một số lượng nhà báo lớn, tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, không phải phóng viên, nhà báo nào cũng nắm hết Luật Báo chí, các quy định pháp luật để áp dụng khi cần thiết hay có những sai sót nghiệp vụ, mắc lỗi khi tác nghiệp.

Một câu hỏi được đặt ra là người làm báo làm thế nào để tự bảo vệ mình một cách hữu hiệu nhất? Rõ ràng, ngoài hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ nhà báo. 

Nếu như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là cách bảo vệ từ xa cho người làm báo thì việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật (không chỉ là pháp luật chuyên ngành về báo chí mà còn ở lĩnh vực nhà báo được phân công theo dõi) là một biện pháp tự bảo vệ mình của chính các phóng viên và cơ quan báo chí trước nguy cơ bị đe dọa từ con người và pháp luật.

Thiếu hụt kiến thức pháp lý; Không có luật sư tư vấn cho nhà báo trong các vụ việc làm điều tra phức tạp; mơ hồ giữa vai trò điều tra của cơ quan tố tụng/điều tra với vai trò tìm kiếm sự thật... đang là “rào cản” trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Mỗi khi có rủi ro xảy ra, nguồn hỗ trợ hiệu quả cao nhất đối với các nhà báo, phóng viên chính là nhóm bạn bè, đồng nghiệp, tiếp đến là tòa soạn. 

Nhiều chuyên gia, nhà báo cho rằng, hiện nay, phóng viên đặc biệt là những phóng viên trẻ đang thiếu hụt các kỹ năng và kiến thức nền tảng để có thể đảm bảo tác nghiệp an toàn. Chất lượng các chương trình đào tạo phóng viên từ các trường báo chí chính quy chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghề nghiệp đối với những người hành nghề báo chí. 

Sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ năng làm báo của những người mới tốt nghiệp; cộng thêm việc các tòa soạn, đặc biệt là toà soạn ở các báo quy mô nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực, không đủ quan tâm cần thiết cho việc đào tạo phóng viên, có chăng cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp bộ quy trình tác nghiệp mà không có hướng dẫn hay giới thiệu cụ thể về các quy tắc này; để lại hệ quả là phóng viên trẻ không có đủ kỹ năng, năng lực cần thiết để tác nghiệp. Kết quả là phóng viên rơi vào “bẫy kép” - tác nghiệp dưới chuẩn và gia tăng nguy cơ bị cản trở, bị tấn công.

“Dù bất kỳ ở đâu, lý do gì, thời điểm nào thì pháp luật cũng đều bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo, phóng viên. Các báo cần lên tiếng ủng hộ để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý rốt ráo vụ việc”, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh. Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cho rằng: Khi tác nghiệp mà bị hành hung thì chúng ta nên xem lại quy trình của tất cả các phóng viên khi tác nghiệp nó như nào, có được theo cái bài bản, có được báo cáo, có được chuẩn bị gì hay không? 

Bởi vì nói đến hành hung là nói đến một vấn đề hết sức phức tạp. Nói đến hành hung là nói đến các đối tượng mà chúng ta tiếp cận để phỏng vấn, để ghi chép thông tin mà chúng ta không thể đảm bảo được an toàn cho mình, và chúng ta phải có sự chuẩn bị cho mình. 

Thêm vào đó, khi gặp cản trở, bị đe dọa trong hoạt động tác nghiệp, hội viên, nhà báo và cơ quan báo chí phải lên tiếng ngay. Bởi việc nhà báo bị hành hung, cản trở đồng nghĩa với việc thông tin không được công khai, nhiều góc tối, nhiều tiêu cực đã bị che lấp.

Là người hiểu luật và nắm chắc kỹ năng, nghiệp vụ điều tra, nhà báo Phùng Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng nhà báo khi tác nghiệp, ngoài việc phải hiểu luật và vấn đề mình định điều tra, thì phải có kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin. Bởi vũ khí quan trọng của nhà báo chính là sự thật.

Một điều khác nữa, để khích lệ và làm điểm tựa cho nhà báo, thì chính lãnh đạo cơ quan, mà trực tiếp là Tổng biên tập, cần hiểu công việc của anh em phóng viên điều tra, kịp thời động viên họ sau mỗi bài viết công phu, có tính phát hiện bằng cách tăng nhuận bút, thưởng nóng… Và, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì đòi hỏi cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí phải sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của phóng viên. Đây là thực tế không phải cơ quan nào cũng làm được. Có những đơn vị, khi xảy ra vụ việc, hoặc rủi ro nào đó, thay vì bảo vệ, chia sẻ trách nhiệm, lại tìm cách đổ lỗi cho phóng viên.

3. “Nhà báo là người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại”. Người viết câu ấy là một nhà báo từng có mặt trong những vùng nóng của chiến tranh trên thế giới. Ông ta chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát và chết chóc của con người. Với sứ mạng cao cả và lòng yêu nghề, nhiều nhà báo vẫn dấn thân và họ cũng hiểu rõ rằng viết một bài báo dở có thể mất việc, viết một bài báo hay có thể mất mạng. 

Báo chí Cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới hiện nay đang có nhiều cởi mở cho các hoạt động nghiệp vụ của người làm báo, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội. Qua đó, vai trò báo chí được Nhà nước coi trọng trong việc truyền thông đến với bạn đọc và tạo thành luồng dư luận phán xét sự việc một cách bình đẳng, đúng pháp luật.

Vì thế, nhiệm vụ của người làm báo là sẵn sàng đương đầu và dũng cảm đưa các vụ việc tiêu cực ra ánh sáng công luận, lấy quy định của pháp luật làm chuẩn để các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, giải quyết đúng luật và đem lại công bằng cho người dân. Điểm qua những sự kiện nhà báo bị đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, phần nhiều là do tác nhân bên ngoài gây áp lực rất lớn đến nhà báo. Trong đó không loại trừ có chủ trương của chính quyền cơ sở nhằm cản trở phóng viên tác nghiệp, thậm chí đe dọa hành hung nhà báo, khi những việc làm tiêu cực của họ sắp sửa bị phanh phui bởi những bài điều tra đụng chạm đến quyền lợi của “ông kẹ” nào đó.

Được giao nhiệm vụ đưa tin tại các điểm nóng là thử thách nhưng cũng là niềm tự hào của mỗi nhà báo, phóng viên. Tuy nhiên, có một điều mà nhà báo nên tâm niệm: nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ cuối cùng mà Ban biên tập giao phó chính là
“tham gia vào quá trình làm nguội điểm nóng đó”. 

Làm nguội bằng những thông tin khách quan, trung thực và có tình, có lý. Điều đó có nghĩa là báo chí, tự thân nó không thể làm nguội bất kỳ một điểm nóng nào mà nó chỉ là một chất xúc tác cần thiết góp phần đẩy nhanh quá trình làm nguội. Làm nguội điểm nóng có nghĩa là nguội những trạng thái thần kinh đang bị kích động, làm vơi đi tâm trạng lo lắng, hoang mang, động viên, khích lệ tâm trạng chán nản, bất lực, phơi bày cái xấu, ủng hộ cái tốt. . . Và theo một lẽ rất thông thường, mục đích ắt sẽ nảy sinh phương pháp. 

Có câu ngạn ngữ thế này càng cựa quậy thì càng bị gai đâm để nói về cách ứng phó khi một ai đó bị ngã vào một bụi gai. Điểm nóng của tin tức luôn luôn là những bụi gai mà không phải cái gai nào cũng nhìn thấy sờ thấy được. Nhưng đã gọi là điểm nóng, sự kiện nóng thì rõ ràng ắt sẽ có địa điểm, có đối tượng liên quan trực tiếp, gián tiếp. Tốt nhất là nên dành chút thời gian định thần, quan sát và lập phương án tiếp cận cũng như dự phòng các tình huống phát sinh, trong đó, bắt buộc phải có tình huống xấu nhất.

 Mọi điểm nóng về mặt thông tin chỉ nguội đi khi dư luận xã hội và các bên liên quan được đáp ứng tương đối đủ nhu cầu thông tin về các vấn đề xung quanh nó. Khi họ đủ dữ liệu để hình thành một cái nhìn chân thực, chắc chắn về vấn đề hay sự kiện thì nhu cầu thông tin lập tức giảm xuống. 

Nếu dấn thêm một cấp độ nữa, nếu như báo chí góp phần giúp khán giả, độc giả có đủ dữ liệu để lựa chọn và đưa ra quyết định về cách ứng xử đối với một hiện tượng khách quan thì đó chính là vai trò quan trọng cuối cùng của báo chí. Thế nên làm báo, nhất là điều tra cũng phải chuẩn bị tình huống xấu, nhưng không phải là xấu nhất được gọi là tai nạn nghề nghiệp.

Vì vậy, để đảm bảo một môi trường tác nghiệp an toàn, trước hết bản thân các nhà báo, phóng viên cần tác nghiệp đúng chuẩn mực, quy trình cũng như đạo đức nghề nghiệp báo chí; thứ nữa các dịch vụ đào tạo người làm báo cũng cần có sự thay đổi căn bản trong tiếp cận, chú trọng các kiến thức và kỹ năng tác nghiệp ứng dụng trong thực tiễn.

Một câu hỏi được đặt ra là người làm báo làm thế nào để tự bảo vệ mình một cách hữu hiệu nhất? Rõ ràng, ngoài hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ nhà báo. Nếu như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là cách bảo vệ từ xa cho người làm báo thì việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật (không chỉ là pháp luật chuyên ngành về báo chí mà còn ở lĩnh vực nhà báo được phân công theo dõi) là một biện pháp tự bảo vệ mình của chính các phóng viên và cơ quan báo chí trước nguy cơ bị đe dọa từ con người và pháp luật.


Khánh An        


Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo