Chật vật ngăn chặn nạn bẫy thú trong Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thứ sáu, 03/04/2015 14:16 PM - 0 Trả lời

Chật vật ngăn chặn nạn bẫy thú trong Vườn Quốc gia Cát Tiên

(Congluan.vn) - Với hơn 72 ngàn hecta đất rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, các cán bộ bảo vệ rừng ở đây đã phải rất vất vả để chăm sóc, bảo vệ từng con thú vì nạn đặt bẫy ngày càng tinh vi....

>>>

Băng rừng tìm bẫy
 
Chúng tôi đến Vườn Quốc gia Cát Tiên vào một ngày giữa tháng 3. Có chứng kiến công việc của các anh cán bộ bảo vệ rừng ở đây mới hiểu hết được sự vất vả của các anh trong việc bảo vệ từng gốc cây, từng con thú của Vườn. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Khanh, cán bộ Kiểm lâm cơ động - Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên - cho biết: "Nạn săn bắt, bẫy thú ở đây hiện đang là vấn đề nóng. Trung bình mỗi tuần, đội của tôi tìm kiếm và thu về hơn 2.000 chiếc bẫy thú. Trong đó có đủ các loại và kích cỡ như: Cò ke, hom, lò xo, giật…".
 
Anh Trần Văn Bình, Hạt phó kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên giải thích thêm: "Đó chỉ là một con số nhỏ trong số bẫy thực mà các tay trộm thú đã đặt. Dù khó có thể ước lượng con số chính xác nhưng với 72 ngàn hecta rừng thì có thể biết được phần nào nạn bắt trộm ở đây”. Chính vì thực trạng đau lòng đó, anh Bình cho biết Hạt kiểm lâm đã đề ra tư tưởng: "Chúng tôi xác định: Công tác phòng, chống các đối tượng xâm nhập vào Vườn trái phép với mục đích săn, bắn động vật rừng cũng gian nan không kém công tác phòng chống cháy, trộm cắp lâm sản".
 
Báo Công luận
 Anh Khanh, Đông đang thu nhặt bẫy
 
Để có thể tìm hiểu rõ hơn về công việc vất vả của các anh cán bộ ở đây, chúng tôi ngỏ ý muốn được theo đoàn vào rừng tìm bẫy. Vậy là chúng tôi có chuyến thâm nhập thực tế cùng anh Nguyễn Văn Khanh, một cán bộ giàu kinh nghiệm với thâm niên 17 năm công tác và anh cán bộ trẻ Nguyễn Văn Đông, cũng đã qua 7 năm kinh nghiệm. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình, chúng tôi được trang bị phục trang, nước uống, gậy bảo vệ để đi trong rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được anh Khanh, anh Đông chỉ bày những kiến thức cơ bản về các chiêu đặt bẫy của kẻ trộm để tìm ra dấu vết.
 
Anh Khanh cho biết, những kẻ bẫy trộm thú thường đặt bẫy theo vết dấu chân thú, hoặc tạo ra lối mòn để nhử thú. Cách thứ 2 nguy hại hơn là chúng thường đốt những bãi cỏ tranh, cỏ láng trong rừng để thú tìm đến ăn muối (tro cỏ), nơi có bẫy mà chúng đã đặt ra sẵn ở đó. Đôi khi, những đám cháy này nếu không kìm được, sẽ gây ra cháy rừng rất lớn.
 
Nói về thời điểm bẫy thú, anh Đông cho hay: “Bẫy thú cũng nở rộ theo mùa. Trước khi kết thúc mùa khô một tháng, kẻ đặt bẫy phải vào rừng dọn luồng để dụ thú. Mùa mưa đến thì bọn chúng mới vào đặt bẫy. Các khu vực trọng điểm bẫy luôn phải chú ý như: Bàu Sấu, Nuối Tượng, Đà Ko, Đà Lăk… Vào mùa này, mỗi chuyến tuần rừng chúng tôi thu lượm và phá bỏ tại chổ hàng trăm bẫy các loại”.
 
Dù đã được "cảnh báo" trước về những khó khăn và truyền đạt cho ít kinh nghiệm, thế nhưng khi đã vào rừng, chúng tôi mới hiểu được những vất vả khi đi tìm bẫy. Thật khó tưởng tượng bởi cuộc hành trình phải luồng sâu trong rừng với bạt ngàn lối mòn, lối tắt, bụi rậm, gai gốc phía dưới, trên đầu thì cây rừng chụp kín... Chúng tôi vừa khom lưng dò theo dấu chân các anh đi trước cắt rừng mở lối, vừa đảo mắt quan sát, vừa lắng nghe từng tiếng động, cố gắng nhận ra dấu bẫy từ xa.
 
Băng rừng một đoạn khá dài, anh Khanh đề nghị chuyển hướng tuần tra về phía trạm Đà Ko. "10km nữa mới đến nơi, phải mất vài giờ đồng hồ. Đà Ko là nơi trộm đặt nhiều bẫy thú nhất. Mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến hiện trường, cách đặt bẫy và sự tinh vi của bọn chúng khi ngụy trang bẫy” - anh Khanh nói.

Hy sinh và trách nhiệm

Trên đường đến Đà Ko, chúng tôi tận mắt chứng kiến anh Khanh phá bỏ nhiều chiếc bẫy. Với kinh nghiệm có sẵn, chỉ việc đưa gậy thọc vào chỗ nghi ngờ, anh đã phát hiện ra những chiếc bẫy thòng lọng. Rồi chỉ một tiếng “vút” của chiếc gậy, vài cành cây khô, nhánh cây giật ra khỏi mặt đất thì những cái bẫy cò ke cũng hiện nguyên hình. Chỉ trong vòng 15 phút đã có đến 4, 5 chiếc bẫy được phá.

Báo Công luận
 Chú gấu bị dính bẫy được cán bộ kiểm lâm đem về cứu hộ đang dần khỏe mạnh, chờ ngày trở về với nơi chúng từng sống 
 
Thế nhưng theo lời anh Khanh, anh Đông thì do dẫn chúng tôi theo một lối mòn để hướng về trạm Đà Ko nên không thể đảo tới, đảo lui, phăng theo nhiều hướng để lần ra hết số bẫy mà kẻ trộm thú đã lén đặt. Hơn nữa, giờ đây kẻ đặt bẫy khá tinh quái, không đặt nhiều bẫy theo duy nhất một lối. Chúng giăng đặt tứ hướng, cốt là để tránh sự tinh khôn của thú. Đồng thời, nếu bị cán bộ bảo vệ rừng phát hiện thu gom, các anh cũng chỉ thu lượm được một phần.
 
Mặc dù vậy, hai anh cán bộ kiểm lâm cũng cho chúng tôi biết, trong quá trình tuần rừng, các cán bộ trong đội kiểm lâm cơ động của Vườn Quốc gia Cát Tiên và đồng đội đóng chốt tại các trạm không bao giờ bỏ qua khi phát hiện dấu vết bẫy. Nếu các anh không có thời gian thu lượm hết bẫy thì cũng phá hỏng để bọn chúng không thể tái sử dụng lại được. Hoặc không phải cứ phát hiện bẫy thì các anh cặm cụi tháo gỡ, mà tinh ý đoán thời gian những kẻ đặt bẫy quay lại để thăm, nhờ đó bắt được cả người lẫn bẫy, xử phạt thì họ mới không tái phạm nữa. Còn nếu phát hiện chiếc bẫy nào mắc thú, các anh phải nhanh trí giải quyết tình huống ngay.
 
“Trong quá trình tuần tra nếu chúng tôi phát hiện thú dính bẫy, về lý thuyết có 3 tình huống: Nếu thú khỏe thì thả ngay tại rừng, thú chết thì tiêu hủy tại chỗ, thú bị thương nặng thì đem về giao cho Trung tâm cứu hộ. Nhưng theo kinh nghiệm và thực tế công tác, chúng tôi chủ yếu áp dụng hai cách: Thả ra và tiêu hủy tại rừng. Trừ trường hợp, thú mắc bẫy bị thương thuộc nhóm quý hiếm, chúng tôi mới phải tạm dừng công việc tuần tra để mang thú về cứu hộ” - anh Khanh nói.
 
Nói về sự lộng hành của những người bẫy thú trong Vườn Quốc gia Cát Tiên, anh Đông cũng chỉ ra khuyết điểm: "Chính sự hời hợt của cán bộ tuần rừng là điều kiện tốt để kẻ trộm thú lộng hành, và thú rừng không được bảo vệ tốt. Nhưng bên cạnh đó, nói đi thì cũng phải nói lại, sự khó khăn trong cuộc sống, lương bổng chính là gánh nặng để các cán bộ ở đây không toàn tâm toàn lực vì nhiệm vụ".
 
Chợt nhớ đến lời nói lúc ban đầu của anh Trần Văn Bình, Hạt phó kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: Về quân số của Hạt hiện có trên 125 người, gồm: 2 đội kiểm lâm cơ động, 17 trạm cố định tại những nơi xung yếu. Tỉ lệ cán bộ trẻ của Hạt hiện chiếm gần 70%. Điều này nói lên lực lượng cán bộ kiểm lâm luôn bị biến động khi đồng lương, thu nhập hiện rất khó khăn, chưa đủ giữ chân họ lại với Vườn. Anh Bình tỏ vẻ ưu tư: “Nếu anh em không phải là những người yêu rừng, chấp nhận thu nhập thấp vì rừng thì khó mà bám trụ lâu dài được”.
 
Báo Công luận
 Bước chân tuần rừng của nhân viên kiểm lâm, giữa bạt ngàn rừng khó mà phát hiện, ngăn chặn triệt để nạn săn, bẫy thú tại Vườn Quốc gia Cát Tiên 
 
Rồi chúng tôi cũng về tới Đà Ko sau cuộc hành trình khá dài và thấm mệt. Anh Khanh nhìn chúng tôi cười và cho biết, các anh chỉ đưa chúng tôi dạo qua một quãng đường ngắn, diện tích hẹp, có lối mòn rộng, địa hình thuận lợi trong tổng số diện tích gần 72 ngàn héc ta của Vườn Quốc gia đã giao cho các anh quản lý, bảo vệ mà thôi. 
 
Đợt tuần tra hôm ấy, anh Đông và anh Khanh ví như “cỡi ngựa xem hoa” cùng chúng tôi! Thực tế, công việc tuần tra thực thụ của cán bộ là luôn sẵn sàng "ăn dầm nằm dề" tại rừng suốt trong khoảng thời gian dài. Họ luôn lắng nghe trong từng tiếng động, quan sát từng dấu chân, phán đoán được những cạm bẫy để bảo vệ muôn thú trước những mối đe dọa đang từng ngày trực chờ rình rập.
  • Hoàng Minh

Tin khác

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra
Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

(CLO) Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đã trúng hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng ở hầu hết các Công ty Điện lực trên địa bàn TP. Hà Nội.

Điều tra