Chỉ nên có bộ quy tắc riêng cho từng tòa soạn?

Thứ tư, 13/06/2018 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước những băn khoăn: có cần thiết hay không một Bộ quy tắc ứng xử chung của nhà báo trên mạng xã hội khi mà đã có quá nhiều những quy định của luật pháp...?, phần lớn các nhà báo đều cho rằng, chỉ nên xây dựng một bộ quy tắc riêng trong từng tòa soạn chứ không nhất thiết phải đưa ra một bộ quy tắc ứng xử chung cho tất cả các nhà báo khi tham gia trên mạng xã hội. Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, các nhà báo đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình trong vấn đề này.

Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc TTXVN:

Quy định nên là thỏa ước giữa người lao động và người sử dụng lao động

Tài khoản mạng xã hội là tài khoản cá nhân, mỗi người đều có quyền tạo lập và đăng tải nội dung trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, và chính bản chất “chia sẻ” giúp cho người dùng ưa thích truyền thông xã hội.

 Tuy nhiên, có một thực tế là khi người dùng đọc những dòng trạng thái trên Facebook, Twitter, Instagram... của một nhà báo thì họ thường gắn quan điểm trong dòng trạng thái đó với quan điểm của cơ quan chủ quản nơi nhà báo đó làm việc. 

Chính vì lý do này mà từ rất lâu, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới có những chỉ dẫn hoặc quy định về sử dụng mạng xã hội nhằm tránh những sự hiểu nhầm kể trên. Tôi đã có cơ hội tham khảo một số quy định như thế của một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới, có quy định thì khá vắn tắt và cô đọng súc tích nhưng cũng có quy định rất chi tiết và cụ thể.

 Những quy định như vậy được coi là một phần của thỏa ước lao động, nhà báo cũng giống như một người lao động phải có nhiệm vụ tránh tạo ra những hiểu nhầm liên quan tới cơ quan chủ quản, tuân thủ các quy định này.

 Mọi quan điểm của nhà báo cần được phản ánh qua nội dung bài viết của họ chứ không thể có chuyện bài viết thì một đằng mà lên mạng xã hội lại nói ngược lại. Và như đã nhấn mạnh ở trên, quan điểm trong mỗi bài viết không đơn thuần là quan điểm của cá nhân tác giả mà là quan điểm của cả toà soạn. 

Việc quy định này hoàn toàn là do đặc thù của nghề báo và không hề có mâu thuẫn nào. Nếu một nhà báo có quan điểm khác với tờ báo về một vấn đề nào đó thì hoàn toàn có thể đầu quân cho tờ báo khác hoặc hoạt động tự do để có thể bày tỏ quan điểm riêng của mình.

Báo Công luận
 

Cũng cần phải lưu ý rằng tài khoản mạng xã hội trong thời đại kỹ thuật số là một cách thức để nhà báo “làm thương hiệu” cho bản thân cũng như tờ báo, và dòng trạng thái của một nhà báo thì rõ ràng dễ tạo sự tin tưởng hơn là một người dùng bình thường. 

Trong bối cảnh nhiều thông tin thất thiệt, tin giả, kể cả những nội dung kích động thù hận lan tràn trên mạng xã hội, nếu nhà báo “mắc bẫy” những tin giả này thì nguy cơ lan truyền là vô cùng nghiêm trọng.

Chính vì vậy, các nhà báo cần phát huy trách nhiệm xã hội khi quyết định chia sẻ một nội dung nào đó. Tính năng chia sẻ dễ dàng của mạng xã hội khiến cho nhiều nhà báo quên mất nhiệm vụ “thẩm định” - vốn là một giá trị cốt lõi của nghề báo, và nhiều người thậm chí có quan điểm “chia sẻ trước, đọc sau”. 

Tôi đã chứng kiến một người bạn chia sẻ một status về kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ nhưng về sau anh ấy phải xoá đi khi phát hiện rằng ý kiến đó là không chính xác, thậm chí phản khoa học. Tôi cũng từng phải nhắn tin cho một đồng nghiệp sau khi người này chia sẻ một bài viết đầy bức xúc trên một website mà đường dẫn cho thấy là một nguồn mạo danh.

 Quy định về cách thức sử dụng mạng xã hội trong một cơ quan báo chí cũng nhằm khuyến khích nhà báo sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm hơn. Nhưng tôi cho rằng các quy định về vấn đề sử dụng mạng xã hội chỉ nên là tài liệu của mỗi cơ quan báo chí và là thỏa ước giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nó không nên là một văn bản mang tính pháp lý của cơ quan chức năng hoặc hội nghề nghiệp.

Nhà báo Hoàng Anh Vinh – Phó Tổng biên tập báo Hải Quan:

Các cơ quan báo chí nên xây dựng cho riêng mình bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để giữ uy tín, thương hiệu tờ báo

Không thể phủ nhận rằng, hiện nay có nhiều tài khoản facebook của các nhà báo đang thu hút được lượng người theo dõi rất lớn, do địa chỉ facebook của nhà báo đó có thể cung cấp thông tin cho công chúng (kể cả cho chính các đồng nghiệp khi quan tâm về các vấn đề thời sự, đang thu hút sự quan tâm chung của toàn xã hội). Cũng có thể địa chỉ facebook đó thường có những “Status” với góc nhìn riêng của nhà báo về các vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội, có nhiều thông tin, có lối viết sắc sảo, hóm hỉnh nên có hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi. 

Điều này là bình thường. Song thực tế vẫn xảy ra những điều không bình thường. Đó là việc một số nhà báo lạm dụng mạng xã hội để bày tỏ nhiều quan điểm tiêu cực, cái nhìn mang tính chủ quan, thiếu chính xác, suy diễn, tạo nên những ồn ào xã hội không đáng có, gây bất bình trong dư luận. 

Có nhà báo đã chịu hình thức kỷ luật như chấm dứt hợp đồng, buộc thôi việc, tịch thu Thẻ nhà báo… liên quan tới vấn đề này. Theo tôi, đã là nhà báo khi tham gia mạng xã hội, dù mang tính cá nhân, song với trọng trách của mình cần có sự tỉnh táo, trách nhiệm trước những “status”, “comment”.

Báo Công luận
 

Tôi cho rằng các cơ quan báo chí xây dựng cho riêng mình những nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp, trong đó có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết để giữ uy tín, thương hiệu tờ báo, kể cả bảo vệ nội bộ. 

Có 2 điều cần phải thành nguyên tắc đối với nhà báo trong việc sử dụng mạng xã hội. 

Thứ nhất, không sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội làm thông tin chính thống khi tác nghiệp mà đó chỉ là thông tin tham khảo, thông tin ban đầu để từ đó tìm kiếm thông tin chính xác, từ đó báo chí mới không đánh mất vai trò định hướng dư luận xã hội và giữ được lòng tin ở công chúng (đây cũng là sự khác biệt để báo chí khác với mạng xã hội).

 Thứ hai, không được lạm dụng mạng xã hội để bày tỏ nhiều quan điểm tiêu cực, cái nhìn mang tính chủ quan, thiếu chính xác, suy diễn. Hiện nay, người dùng mạng xã hội với sự tự do cá nhân, rất dễ ở trạng thái quá khích, trở thành “quan tòa”, “người phán xử” và miệt thị người khác. Với nhà báo, rất cần sự tỉnh táo với những “Status” của chính mình.

Nếu cơ quan báo chí chưa đủ điều kiện xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì Lãnh đạo các cơ quan báo chí hoàn toàn có những cách thức khác để lưu ý, nhắc nhở những người làm báo sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, tránh những điều đáng tiếc như đã từng xảy ra ở một số cơ quan báo chí, nhà báo thời gian qua. Nhìn nhận đúng vấn đề này cũng là lý do để Hội Nhà báo ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có hẳn một điều (điều 5) quy định về Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. 

Cùng với đó, cần quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để các quy định có tính răn đe, ngăn ngừa cao hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý báo chí cũng cần quan tâm nhiều hơn, chấn chỉnh kịp thời các nhà báo có những biểu hiện “lệch lạc” khi sử dụng mạng xã hội bất chấp hệ lụy, làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống xã hội.

Nhà báo Tri Thức - Vụ trưởng, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản:

Bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội cho từng tòa soạn cần tính đến một cách nghiêm túc

Bất luận không cần biết cộng đồng mạng sẽ hiểu như thế nào, nhưng mỗi người dùng Facebook (FB) đều có trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội (đặc biệt là các hot Facebooker) trước những gì đăng tải trên FB cá nhân.

 Vì vậy, ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình bày tỏ, nhà báo còn ý thức được những gì mình chia sẻ trên mạng không đơn thuần chỉ là ý kiến cá nhân, mà nó có thể liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà báo; và do đó, cần ý thức được sự tác động xã hội sẽ như thế nào trước quan điểm cá nhân của mình.

 Vì vậy, việc lựa chọn những gì đăng tải trên FB luôn cần gắn thêm trách nhiệm nhà báo, trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt trước những sự việc có thể gây ồn ào trong dư luận. Việc các tờ báo lớn ở Mỹ và phương Tây soạn thảo, ban hành những bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà báo của mình là điều cần thiết. 

Báo Công luận
 

Theo tôi biết, ở Việt Nam cũng có những cơ quan báo chí quy định về việc này, chính thức hoặc không chính thức, bằng cách này hay cách khác, bởi nếu không có tư cách nhà báo, những thông tin mà họ tiếp cận được, chia sẻ dưới lăng kính như thế nào sẽ không thể đầy đủ, sâu sắc, nhanh nhạy đến thế... 

Việc xây dựng Bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội chung cho các nhà báo, cũng như riêng từng tòa soạn là việc cần tính đến một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có thể chỉ là những quy định riêng của mỗi cơ quan báo chí cụ thể, với những đặc thù khác nhau, thậm chí là những quy định thường xuyên, liên tục tại các buổi họp, hay trên mạng nội bộ... 

Như vậy, sẽ phù hợp hơn, bởi quy định cụ thể về những vấn đề liên quan đến MXH có thể liên tục thay đổi, bởi sự phát triển thần tốc của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) sẽ tác động mạnh mẽ tới báo chí - truyền thông. Với bất kỳ quy chế nào, việc quy định càng chi tiết, cụ thể thì khi áp dụng vào thực tiễn sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn. 

Như trên đã nói, trong hệ sinh thái truyền thông hiện nay, bộ quy chế nếu được xây dựng thì cũng không thể bao quát hết những gì có thể xảy ra... Tuy nhiên, ngoài những quy định chung, cần có thêm những quy định cụ thể, và cần được mở để có thể điều chỉnh được sự tham gia của nhà báo trên MXH một cách kịp thời, hiệu quả.

Nhà báo Đậu Huy Sáu – Phó Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam:

Quy định phải vừa đúng, đủ, vừa tạo ra không gian pháp luật thông thoáng

Thực tế cho thấy, có rất nhiều nhà báo, rất nhiều những người nổi tiếng tham gia mạng xã hội và đã có những trang Facebook cá nhân có sức hút, sức lan tỏa trong xã hội còn hơn cả các tờ báo điện tử. Bản thân tôi cũng tham gia và đọc rất nhiều thông tin, nhiều những ý kiến trên mạng xã hội có tính tích cực, cũng như nhiều ý kiến phân tích, phản biện rất tâm huyết và có giá trị đóng góp xây dựng xã hội. Tất nhiên, bên cạnh đó thì cũng có những ý kiến lệch lạc, chưa có tính xây dựng; cũng có những ý kiến chưa tương xứng với trách nhiệm của nhà báo,... nhưng theo quan sát của tôi nó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, mang tính thiểu số. 

Tất nhiên là, giao tiếp qua mạng xã hội cũng giống như giao tiếp thực trong đời sống xã hội, nó cũng phải tuân thủ các chuẩn mực giao tiếp xã hội. Bản thân các nhà báo, ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật với tư cách là công dân, thì nhà báo Việt Nam chúng ta còn phải tuân thủ Luật Báo chí, các luật chuyên ngành liên quan, các quy định về đạo đức người làm báo, nội quy của cơ quan báo chí,... 

Mặt khác, khi đã nói đến việc xây dựng các quy định để quản lý, thì phải nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ và đặt trong tổng thể chung, để không đưa ra những quy định chỉ nhìn từ góc quản lý và theo ý của nhà quản lý, nhằm đảm bảo tính khả thi và thuyết phục. Nếu quy định được “sáng tác” ra mà không phù hợp thực tế sẽ lặp lại thực trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” và sẽ phản tác dụng. Nhà báo là người sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải thông tin, chính vì thế các nhà báo là người am hiểu luật pháp, có vốn sống, vốn văn hóa và rành về ứng xử, giao tiếp. 

Tôi nghĩ, tại sao chúng ta lại không nghĩ rằng, cần phải động viên các nhà báo tham gia nhiều hơn trên mạng xã hội? Bởi với rất nhiều những quy định của pháp luật, quy định nghề nghiệp đối với người làm báo, cũng như ý thức tự thân của người làm nghề báo, thì việc giao tiếp, tương tác trên mạng xã hội của các nhà báo sẽ góp sức lan tỏa tính tích cực tốt hơn.

Báo Công luận
 

Nếu có một bộ quy tắc tốt thì rất hoan nghênh. Xã hội cần phải có khuôn phép, do vậy cần có những quy định đưa ra để điều chỉnh hành vi trong xã hội thực hiện đúng khuôn phép. 

Nhưng quy định phải làm sao để vừa đúng, vừa đủ và phải vừa tạo ra không gian pháp luật thông thoáng, kích thích sự tự do sáng tạo của mọi người trong không gian cho phép, nhằm góp sức xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn, song cũng không nên để “lạm phát quy định”, tạo cảm giác bị bó buộc...

Nhà báo Hoàng Minh Trí – Báo Công an Nhân dân:

Phải có một cái “thước kẻ” để đo hơn là những lời dặn dò bằng miệng

Báo Công luận
 

Nếu được đóng góp ý kiến về vấn đề này, tôi cho rằng các cơ quan báo chí Việt Nam cũng nên có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tôi biết có một số tòa soạn đã làm điều này, một số bằng miệng trong những cuộc họp, một số bằng những gạch đầu dòng rất sơ sài trên giấy. Tôi đã gặp vài đồng nghiệp có những bức xúc riêng về câu chuyện này, ví dụ trước đây anh ta sử dụng MXH rất bản năng trong việc đưa quan điểm hay những bức ảnh liên quan đến bài vở trong quá trình tác nghiệp và bị nhắc nhở. Đầu tiên là cảm thấy tổn thương, tại sao lại thế? 

Ở một khía cạnh nào đó tòa soạn đúng, mọi phát ngôn trên MXH thì thường được đám đông đánh giá đó là quan điểm, phát ngôn của phóng viên – nhà báo của một tòa soạn cụ thể trước khi là một tài khoản mạng xã hội. Và tất nhiên điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự nơi công tác.

 Hoặc tòa soạn đang trả lương, nhuận bút cho phóng viên vậy nên trước hết các sản phẩm được làm ra là “tài sản” thuộc về tòa soạn, không thể dễ dàng post – đẩy lên mạng xã hội. Đó chỉ là vài ví dụ trực quan, tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng bộ quy chế chung cho các nhà báo và bộ quy tắc riêng của từng tòa soạn. 

Chúng ta đang làm những công việc cũng tương đối đặc biệt và những sai sót đều có thể ảnh hưởng đến cả tập thể, nên điều này là cần thiết, còn thực hiện – chấp hành nó ra sao lại là chuyện khác, phải có một cái “thước kẻ” để đo hơn là những lời dặn dò bằng miệng chung chung, khi xảy ra việc gì đó dễ gây phản ứng hoặc không tâm phục khẩu phục. 

Dĩ nhiên là bộ quy tắc chắc chắn là sẽ ảnh hưởng sâu sắc nên tôi nghĩ bộ quy tắc được chính thức đưa ra, cần cân nhắc – tính toán chi tiết trong từng điều khoản của nó.

Nhà báo Hà Nam - Trưởng Ban Thư ký Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam:

Bộ quy tắc của VTV như một bản hướng dẫn, phát huy lợi thế và hạn chế tối đa rủi ro

Báo Công luận
 

Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đáng chú ý trong đó có điều 5 về chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. 

Tôi nghĩ rằng đây là tiền đề quan trọng nhưng có lẽ là chưa đủ. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chung cho các nhà báo Việt Nam cũng như riêng của từng Tòa soạn là cần thiết. Từ năm 2012, Đài THVN đã xây dựng và đưa vào áp dụng Bộ Quy tắc tác nghiệp nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

 Trong bản quy tắc này, chúng tôi đã xây dựng 8 nguyên tắc, trong đó có đề cập và mô tả, hướng dẫn rất kỹ để các nhà báo của VTV đảm bảo lợi ích dân tộc - quốc gia, sự chính xác, trung thực, sự công bằng, không vụ lợi, có trách nhiệm với xã hội, đảm bảo sự riêng tư, đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em và đảm bảo sự chuẩn mực về văn hóa, ngôn ngữ. Bộ quy tắc này đã hỗ trợ cho các nhà báo VTV rất nhiều trong quá trình tác nghiệp cũng như khi tham gia vào các mạng xã hội. Đầu năm 2017, Đài THVN cũng đã đưa vào áp dụng Quy định về việc quản lý và sử dụng thông tin trên mạng xã hội. 

Trong suốt thời gian sử dụng những bản quy tắc và quy định này, chúng tôi đều lắng nghe, bổ sung và điều chỉnh. Trong thời gian tới cũng vậy, chúng tôi sẽ chi tiết hơn bằng bộ quy tắc ứng xử cho nhà báo VTV trên mạng xã hội. Với những bộ quy tắc, quy định này, chúng tôi luôn mong muốn hỗ trợ tốt cho các nhà báo của VTV cũng như để đảm bảo quyền lợi của mỗi cá nhân và sự phát triển hài hòa giữa nhu cầu, quyền lợi cá nhân với lợi ích, hình ảnh, uy tín của Đài THVN. Ngay từ đầu, quan điểm xây dựng bộ quy tắc này của chúng tôi rất rõ ràng. 

Đó giống như là một bản hướng dẫn, chỉ dẫn để mỗi nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội tốt hơn, để phát huy lợi thế và hạn chế tối đa rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội tới cá nhân và tập thể. 

Tôi cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử đúng như tên gọi của nó, nên và sẽ là tài liệu hướng dẫn cho mỗi nhà báo, mỗi anh chị em đang công tác trong lĩnh vực báo chí có cách ứng xử đúng đắn và phù hợp với bản thân mình, cơ quan mình đang công tác và cộng đồng.

Bảo Minh - Ngọc Thành (ghi)               

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo